Chăm sóc giảm nhẹCác phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân...

Các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân ung thư

Các phương pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng tạm thời hoặc vĩnh viễn lên khả năng sinh sản của bạn. Do đó trước khi quá trình điều trị bắt đầu, hãy trao đổi với bác sĩ về nguy cơ cũng như các giải pháp để bảo tồn khả năng sinh sản 1. Các phương pháp điều trị ung thư có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản? Các phương pháp điều trị ung thư: hóa trị, xạ trị, phẫu thuật đều có thể  gây ra các tác động không mong muốn đối với khả năng sinh sản.  – Hóa trị: Một số thuốc sử dụng trong hóa trị ở bệnh nhân ung thư có thể tác động lên chức năng và hoạt động của cơ quan sinh sản. Người bệnh không chỉ có biểu hiện rối loạn chức năng tình dục mà còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng ở nam hoặc suy giảm chức năng buồng trứng gây mãn kinh sớm ở nữ. – Xạ trị: Xạ trị sử dụng các tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư, do đó cũng có thể phá hủy các tế bào lành tính của cơ thể như tinh trùng, trứng cũng như các tế bào mầm của cơ quan sinh sản. Các hình thức xạ trị có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản bao gồm:
  • Xạ trị toàn thân (trong cấy ghép tủy xương): Tia bức xạ được chiếu trên toàn bộ cơ thể của người bệnh, do đó có thể tác động lên tất cả các tế bào ở các cơ quan, trong đó có cơ quan sinh dục
  • Xạ trị khu vực: vùng bụng, chậu hông, cột sống vùng thấp, buồng trứng, quanh buồng trứng, tử cung, sinh dục nam và khu vực xung quanh.
  • Xạ trị tuyến yên (nằm ở não bộ): tuyến yên là cơ quan nội tiết quan trọng tiết ra nhiều hormon tham gia điều hòa quá trình phát triển và sinh sản bình thường của cơ thể, trong đó có hormon kích thích nang trứng FSH (Follicle Stimulating Hormone), hormon tạo hoàng thể LH (Hormone Luteinizing) là hai loại hormon ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của cả nam giới và nữ giới. Khi xạ trị tuyến yên có thể làm chết hoặc rối loạn hoạt động của các tế bào tiết hormon, dẫn đến ảnh hướng tới khả năng sinh sản.
– Phẫu thuật: Phẫu thuật loại bỏ các cơ quan sau đây gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản: 2. Các ảnh hưởng này là tạm thời hay vĩnh viễn?  Tùy cá nhân và quá trình điều trị mà gây ra các tác động khác nhau lên khả năng sinh sản. Với một số người sẽ bị vô sinh vĩnh viễn, với một số khác sẽ chỉ là tạm thời, khả năng sinh sản có thể phục hồi sau điều trị (tuy nhiên thời gian này có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm và khả năng sinh sản có thể không còn được như trước khi điều trị). Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây ra các vấn đề sinh sản:
  • Xạ trị hoặc hóa trị liều cao
  • Có vấn đề về sinh sản trước khi tiến hành điều trị: bệnh lí buồng trứng, chất lượng tinh trùng…
  • Lớn tuổi (> 40 tuổi), tuy nhiên vô sinh do điều trị ung thư có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào
3. Nên hay không bảo tồn khả năng sinh sản?  Khả năng sinh sản có thể mất đi vĩnh viễn, phục hồi một phần hoặc phục hồi hoàn toàn sau điều trị ung thư. Hiệp hội ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (The American Society of Clinical Oncology – ASCO) khuyến cáo bệnh nhân ung thư cần tham vấn với bác sĩ về vấn đề vô sinh và bảo tồn khả năng sinh sản trước khi tiến hành điều trị 4. Các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản 4.1 Các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản ở nam giới Hiệp hội ung thư lâm sàng Hoa Kỳ khuyến cáo một số biện pháp bao gồm:
  • Lưu trữ tinh trùng: quá trình này sẽ tiến hành đông lạnh rồi lưu trữ tinh dịch. Phương pháp này đạt hiệu quả tốt nhất nếu thực hiện trước khi tiến hành điều trị, nếu lưu trữ tinh trùng sau khi điều trị thì rất có thể những tinh trùng đó đã bị hư hại vật liệu di truyền. Tinh trùng lưu trữ đông lạnh có thể được sử dụng sau này qua kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh nhân tạo (IVF) hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection – ICSI). Lưu trữ tinh trùng là lựa chọn thích hợp cho đối tượng nam giới đã dậy thì.
  • Trữ đông mô tinh hoàn: đây là phương pháp dành cho những bệnh nhân chưa dậy thì. Mô tinh hoàn sau khi được lấy ra sẽ cho đông lạnh và lưu trữ sử dụng sau này. Tuy nhiên phương pháp này vẫn đang được nghiên cứu.
  • Các biện pháp hormon không được khuyến cáo để bảo tồn chức năng sinh sản ở nam giới do tỉ lệ thành công thấp.
4.2 Các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản ở nữ giới Các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản ở nữ được khuyến cáo bao gồm:
  • Đông lạnh phôi: còn được gọi là thụ tinh nhân tạo, đây là phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản ở nữ thành công nhất hiện nay. Phụ nữ uống thuốc kích trứng trong khoảng 2 tuần, sau đó trứng sẽ được lấy ra, thụ tinh trong phòng thí nghiệm rồi đông lạnh để dành cho sau này.
  • Đông lạnh noãn: phương pháp này tương tự đông lạnh phôi, tuy nhiên trứng bảo quản mà không được thụ tinh. Phương pháp này áp dụng cho phụ nữ chưa lập gia đình hoặc không có bạn tình. Tuy nhiên tỷ lệ thành công thấp hơn so với đông lạnh phôi.
  • Bảo tồn mô buồng trứng: phương pháp này cần phẫu thuật lấy mô buồng trứng ra và bảo quản đông lạnh, sau đó cấy ghép trở lại khi điều trị ung thư hoàn tất. Đây là phương pháp có thể thực hiện ngay mà không đòi hỏi sự trưởng thành của buồng trứng cũng như không cần tác động kích thích buồng trứng. Đây là lựa chọn duy nhất hiện nay cho đối tượng không thể tiến hành đông lạnh phôi hoặc đông lạnh noãn (ở bệnh nhân nữ chưa đến tuổi dậy thì). Tuy nhiên đây vẫn là biện pháp thử nghiệm, chưa được xét duyệt và áp dụng ở nhiều quốc gia.
  • Bảo tồn khả năng sinh sản trong phẫu thuật: một số phương pháp phẫu thuật cổ tử cung hoặc buồng trứng có thể bảo tồn khả năng sinh sản.
    • Với phẫu thuật ung thư cổ tử cung, phẫu thuật viên có thể loại bỏ cổ tử cung mà vẫn giữ nguyên tử cung, do đó bệnh nhân vẫn có thể mang thai và sinh con bằng phẫu thuật lấy thai. Đây là một lựa chọn cho những phụ nữ ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu.
    • Với phẫu thuật ung thư buồng trứng, đôi khi chỉ cần loại bỏ một bên buồng trứng, áp dụng cho những ung thư giai đoạn sớm khu trú ở một bên buồng trứng. Điều này giúp bảo tồn bên buồng trứng khỏe mạnh để sinh sản và tránh bị mãn kinh sớm.
  • Bảo tồn buồng trứng khi xạ trị: một cơ thể bình thường sẽ có 2 buồng trứng, trong một số trường hợp chỉ cần xạ trị một bên buồng trứng, do đó có thể giúp bảo tồn khả năng sinh sản ở bên buồng trứng còn lại. Một phương án khác là sử dụng phương pháp cố định buồng trứng trước khi chiếu xạ. Phẫu thuật viên sẽ dịch chuyển một hoặc cả hai bên buồng trứng ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng của tia xạ, sau đó đặt chúng lại vị trí cũ sau khi chiếu xạ xong. Tuy nhiên hiệu quả của phương pháp này còn cần được đánh giá tính hiệu quả thêm qua các nghiên cứu. Mặt khác, xạ trị không phải lúc nào cũng chính xác, việc có thể chiếu vào buồng trứng cũng như mạch cấp máu cho buồng trứng hoàn toàn có thể xảy ra dù đã được thực hiện các biện pháp bảo tồn trong khi xạ trị.
  • Bảo tồn buồng trứng khi hóa trị bằng chất ức chế buồng trứng: chất đồng vận giải phóng hormon Gonafotropin-GnRHa (Gonadotrophin-Releasing Hormone Agonists) được sử dụng ở những bệnh nhân ung thư vú sử dụng hóa trị liệu với hy vọng giảm tác động gây suy buồng trứng của hóa trị. Phương pháp này hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tính hiệu quả và an toàn, do đó chưa có khuyến nghị chính thức được đưa ra. Mặt khác, GnRHa không nên được sử dụng thay thế cho các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản khác có hiệu quả đã được chứng minh ở trên.
5. Biện pháp bảo tồn khả năng sinh sản nào là tối ưu nhất?  Không phải phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản nào cũng phù hợp với tất cả mọi người. Cần cân nhắc những yếu tố sau trước khi lựa chọn:
  • Tuổi
  • Sự trưởng thành về thể chất và sinh dục
  • Tình trạng quan hệ hôn nhân
  • Nguyện vọng của bệnh nhân
  • Khả năng tài chính đối với phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản
  • Tỉ lệ thành công giữa các phương pháp
Kết Các phương pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng tạm thời hoặc vĩnh viễn đến khả năng sinh sản của người bệnh. Việc tìm hiểu về nguy cơ đối với khả năng sinh sản của các liệu pháp điều trị ung thư, xin ý kiến tư vấn rõ ràng của bác sĩ chuyên khoa ung bướu và chuyên gia hỗ trợ sinh sản là cách tốt nhất để yên tâm điều trị và lựa chọn được biện pháp bảo tồn sinh sản hợp lý.
Tài liệu tham khảo
  • Jacques Donnez, Marie ­Madeleine Dolmans. Fertility Preservation in Women. N Engl J Med 2017;377:1657-65. DOI: 10.1056/NEJMra1614676
  • https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/dating-sex-and-reproduction/fertility-concerns-and-preservation-women. Approved by the Cancer.Net Editorial Board, 09/2019
  • https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/dating-sex-and-reproduction/fertility-concerns-and-preservation-men. Approved by the Cancer.Net Editorial Board, 09/2019
  • Kutluk Oktay, Brittany E.et al. Fertility Preservation in Patients With Cancer: ASCO Clinical Practice Guideline Update. J Clin Oncol 36:1994-2001. 2018 by American Society of Clinical Oncology
  • Tác giả và chuyên gia

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here

    Nhận bảng tin từ chúng tôi

    LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

    BÀI VIẾT MỚI NHẤT

    Có thể bạn quan tâm