Kiến Thức Ung ThưDi truyền trong ung thư

Di truyền trong ung thư

1. Thay đổi di truyền và ung thư

Ung thư là bệnh lý của gen – có nghĩa là ung thư gây ra bởi những sự thay đổi nhất định đối với các gen kiểm soát cách các tế bào trong cơ thể của chúng ta hoạt động, đặc biệt là cách chúng phát triển và phân chia.

Gen mang chất liệu để tạo ra các protein, thực hiện phần lớn chức năng trong tế bào. Một số thay đổi nhất định của gen có thể làm cho các tế bào trốn tránh các biện pháp kiểm soát sự tăng trưởng bình thường và trở thành ung thư. Chẳng hạn, một số sự thay đổi của gen có thể dẫn đến gia tăng việc sản xuất một loại protein làm cho tế bào phát triển. Một số khác dẫn đến việc tạo ra một dạng protein sai lệch và do đó không thể thực hiện được đúng chức năng đó là sửa chữa các tổn thương của tế bào.

Những sự thay đổi về gen thúc đẩy ung thư có thể được di truyền từ chính cha mẹ của chúng ta nếu những sự thay đổi đó hiện diện trong tế bào mầm, là những tế bào sinh sản của cơ thể (trứng và tinh trùng). Những sự thay đổi như vậy được gọi là biến đổi dòng mầm, được tìm thấy trong mỗi tế bào của con cái.

Các thay đổi di truyền gây ung thư cũng có thể gặp trong suốt quãng đời của một người, do kết quả của những lỗi xảy ra khi tế bào phân chia hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư làm hư hại DNA, chẳng hạn như một số hóa chất trong khói thuốc lá và bức xạ như tia cực tím từ mặt trời. Những thay đổi di truyền xảy ra sau các yếu tố trên được gọi là somatic (mắc phải).

Có nhiều dạng thay đổi DNA khác nhau. Một số thay đổi chỉ ảnh hưởng đến một đơn vị DNA, được gọi là nucleotide. Một nucleotide có thể được thay thế bằng một nucleotide khác hoặc nó có thể bị mất hoàn toàn. Những thay đổi khác liên quan đến đoạn DNA lớn hơn và có thể bao gồm việc sắp xếp lại, xóa hoặc sao chép các đoạn DNA dài.

Đôi khi những thay đổi không nằm trong trình tự thực tế của DNA. Ví dụ, việc bổ sung hoặc loại bỏ các các dấu hiệu hóa học, được gọi là biến đổi biểu sinh trên DNA có thể ảnh hưởng đến việc liệu gen có được “biểu hiện” hay không – nghĩa là liệu RNA thông tin có được tạo ra hay không và tạo ra được bao nhiêu (RNA thông tin – mRNA được dịch mã giúp tạo ra các protein được mã hóa bởi DNA).

Nhìn chung, các tế bào ung thư có nhiều thay đổi di truyền hơn các tế bào bình thường. Nhưng ung thư trên mỗi cá thể có những sự kết hợp độc nhất của các biến đổi gen. Một số thay đổi này có thể là hệ quả của bệnh ung thư, chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến ung thư. Khi ung thư tiếp tục tiến triển, những thay đổi bổ sung sẽ xảy ra. Thậm chí trong cùng một khối u, các tế bào ung thư cũng có thế có những thay đổi di truyền khác nhau.

2. Hội chứng ung thư di truyền

Đột biến gen di truyền đóng một vai trò quan trọng trong khoảng 5 – 10% của tất cả các bệnh ung thư. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện được mối liên quan giữa những đột biến trong các gen cụ thể với hơn 50 hội chứng ung thư di truyền, là những rối loạn có thể khiến những người có mang đột biến này phát triển một số bệnh lý ung thư.

Các xét nghiệm gen trong hội chứng ung thư di truyền có thể cho biết liệu một người trong một gia đình có dấu hiệu nào của hội chứng như vậy trong những đột biến này hay không. Những xét nghiệm này cũng có thể cho biết liệu các thành viên trong gia đình không mắc bệnh rõ ràng có di truyền đột biến giống như một thành viên trong gia đình mang đột biến liên quan đến ung thư hay không.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị rằng xét nghiệm di truyền để tìm nguy cơ ung thư được xem xét khi một người có tiền sử bản thân hoặc gia đình cho thấy tình trạng nguy cơ ung thư di truyền, miễn là kết quả xét nghiệm có thể được giải thích đầy đủ (nghĩa là họ có thể biết rõ ràng liệu một thay đổi di truyền cụ thể có hay không) và khi kết quả cung cấp thông tin sẽ  giúp hướng dẫn chăm sóc y tế trong tương lai của người đó.

Bệnh ung thư không phải do đột biến gen di truyền đôi khi có thể xuất hiện “giống nhau trong gia đình”. Chẳng hạn, môi trường sống chung hoặc phong cách sống giống nhau, ví dụ như hút thuốc lá có thể gây ra các bệnh lý ung thư tương tự nhau giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, một số mô hình nhất định trong một gia đình – như một số loại ung thư, các tình trạng không phải ung thư khác đã được tìm thấy và độ tuổi mà ung thư phát triển – có thể ủng hộ cho sự hiện diện của hội chứng ung thư di truyền.

Ngay cả khi một gia đình có đột biến gây ung thư thì không phải ai thừa hưởng đột biến cũng nhất thiết bị ung thư.

Dưới dây là những ví dụ về các gen có thể đóng một vai trò nào đó trong các hội chứng ung thư di truyền:

  • Gen đột biến phổ biến nhất trong tất cả các bệnh ung thư là TP53, gen này tạo ra một loại protein ngăn chặn sự phát triển của các khối u. Thêm vào đó, đột biến dòng mầm trong gen này có thể gây ra hội chứng Li – Fraumeni, một hội chứng rối loạn di truyền hiếm gặp dẫn đến nguy cơ cao phát triển một số bệnh ung thư.
  • Các đột biến di truyền ở gen BRCA1 và BRCA2 có liên quan đến hội chứng ung thư vú và ung thư buồng trứng di truyền, đây là một rối loạn được đánh dấu bằng việc gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng trong suốt cuộc đời của một người phụ nữ. Một số bệnh ung thư khác có liên quan đến hội chứng này, bao gồm ung thư tuyến tụy và ung thư tiền liệt tuyến, cũng như ung thư vú ở nam giới.
  • Một gen khác tạo ra một loại protein ngăn chặn sự phát triển của các khối u là PTEN. Những đột biến trong gen này có liên quan đến hội chứng Cowden, một rối loạn di truyền làm gia tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư nội mạc tử cung và các loại ung thư khác.

3. Xét nghiệm gen cho hội chứng ung thư di truyền

Xét nghiệm gen để tìm ra các đột biến gây nên hội chứng di truyền thường do bác sĩ hoặc một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác yêu cầu. Tư vấn di truyền có thể giúp mọi người cân nhắc những rủi ro, lợi ích và hạn chế của xét nghiệm di truyền trong những tình huống cụ thể của họ.

Một cố vấn di truyền, bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác được đào tạo về di truyền học có thể giúp một cá nhân hoặc gia đình hiểu kết quả xét nghiệm của họ và giải thích những tác động có thể có của kết quả xét nghiệm đối với các thành viên khác trong gia đình.

4. Xác định các thay đổi di truyền trong bệnh ung thư

Các phòng thí nghiệm giải trình tự DNA có thể “đọc” DNA. Bằng cách so sánh trình tự DNA của tế bào ung thư với trình tự của tế bào bình thường, chẳng hạn như trong máu hoặc nước bọt, các nhà khoa học có thể xác định những thay đổi di truyền trong tế bào ung thư có thể thúc đẩy sự phát triển bệnh ung thư của một người. Thông tin này có thể giúp các bác sĩ phân loại liệu pháp nào có thể tác động tốt nhất đối với một khối u cụ thể.

Giải trình tự DNA của khối u cũng có thể cho thấy sự hiện diện của các đột biến di truyền. Thật vậy, trong một số trường hợp, xét nghiệm di truyền các khối u đã chỉ ra rằng bệnh ung thư của bệnh nhân có thể liên quan đến hội chứng ung thư di truyền mà gia đình không hề hay biết.

Cũng như xét nghiệm những đột biến cụ thể trong hội chứng ung thư di truyền, việc xác định trình tự DNA trên lâm sàng có những ý nghĩa mà người bệnh cần quan tâm. Ví dụ, họ có thể tình cờ biết được sự hiện diện của các đột biến di truyền có thể gây ra những bệnh khác ở họ hoặc ở các thành viên trong gia đình họ.

Tài liệu tham khảo
  • National Cancer Institute. Cancer causes and prevention. The Genetics of Cancer.
  • Lindor N.M., McMaster M.L. et al (2008), Concise handbook of familial cancer susceptibility syndromes – second edition, JNCI Monographs, Oxford academic.
  • Findlay G.M., Daza R.M. et al (2018), Accurate classification of BRCA1 variants with saturation genome editing, Nature.
  • Garber J.E. and Offit K. (2005), Hereditary cancer predisposition syndromes, J Clin Oncol.
  • McGee R.B. and Nichols K.E. (2016), Introduction to cancer genetic susceptibility syndromes, Hematology Am Soc Hematol Educ Program.
  • Tác giả và chuyên gia

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here

    Nhận bảng tin từ chúng tôi

    LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

    BÀI VIẾT MỚI NHẤT

    Có thể bạn quan tâm