Kiến Thức Ung ThưTại sao điều trị ung thư cần phải Hóa trị?

Tại sao điều trị ung thư cần phải Hóa trị?

Hiện tại 3 vũ khí điều trị ung thư chủ lực là Phẫu thuật, Hóa trị và Xạ trị. Theo dòng lịch sử của bệnh ung thư, các bác sĩ và các nhà khoa học thấy rằng không có một phương pháp nào tỏ ra ưu việt, điều trị ung thư phải kết hợp nhiều chuyên khoa và kết hợp nhiều mô thức với nhau, mục đích là kéo dài sự sống cho bệnh nhân và mục đích cao hơn là chữa khỏi hoàn toàn.

Hóa trị là gì? (Dân gian hay gọi Hóa trị là “vô thuốc”)

Hóa trị ung thư thường được hiểu là phương pháp điều trị bằng các thuốc hóa học có tính gây độc tế bào để phân biệt với điều trị bằng tác nhân nội tiết hay điều trị sinh học. Tuy nhiên, tất cả các phương pháp này đều là các phương pháp điều trị toàn thân, thông qua cơ chế làm biến đổi đáp ứng sinh học của cơ thể và đều có bản chất hóa học, thế nên Hóa trị có thể hiểu là tất cả các phương pháp này. Bài viết này chỉ để cập tới Hóa trị bằng thuốc độc tế bào.

Các hình thức hóa trị

Hóa trị đơn thuần: bệnh ung thư chỉ điều trị bằng hóa trị thường ở các ung thư hệ tạo huyết như lymphôm (ung thư hệ bạch huyết), ung thư máu…

Hóa trị hỗ trợ: hóa trị được thực hiện sau khi điều trị tại chỗ (phẫu thuật, xạ trị…) để tiêu diệt các vi di căn mà không thể phát hiện được bằng xét nghiệm, hình ảnh học… nhằm cải thiện tiên lượng sống còn.

Hóa trị tân hỗ trợ: hóa trị nhằm cho khối bướu nhỏ lại để thuận lợi cho các bước điều trị tiếp theo, thường là giúp cho phẫu thuật được thuận lợi.

Hóa xạ đồng thời: kết hợp đặc tính hỗ trợ lẫn nhau của hóa trị và xạ trị.

Một số ví dụ về kết hợp mô thức hóa trị trong điều trị ung thư

Lymphôm (ung thư hạch hay ung thư hệ bạch huyết): phẫu thuật được áp dụng giới hạn trong sinh thiết hạch để chẩn đoán và trong giải quyết một số tình huống cấp cứu như tắc ruột, điều trị chính là Hóa trị với tỉ lệ chữa khỏi bệnh cao.

Ung thư vú: thường được phẫu thuật, sau phẫu thuật được Hóa trị, sau đó Xạ trị (nếu có chỉ định) và điều trị bằng thuốc nội tiết 5 năm (nếu bướu có thụ thể nội tiết dương tính). Do có nhiều kết hợp trong điều trị mà hiện nay ung thư vú điều trị khá hiệu quả, thời gian sống còn của bệnh nhân khá lâu.

Vài nhóm thuốc hóa trị

Nhóm chống chuyển hóa

Nhóm alkyl hóa

Kháng sinh chống bướu

Alkaloid thực vật

Các nhóm khác như L-asparaginase, bleomycin, dacarbazine…

Tại sao có hiện tượng kháng thuốc?

Một trong những “thất bại” của Hóa trị làm đau đầu nhiều nhà khoa học là hiện tượng kháng thuốc, dù đã nghiên cứu kỹ và sâu cơ chế tác dụng của thuốc, tưởng rằng sẽ điều trị khỏi hoàn toàn ung thư nhưng hiện nay điều trị ung thư vẫn còn là vấn đề nan giải.

Đề kháng thuốc nguyên phát: một số bướu bản thân nó không đáp ứng với hóa trị ví dụ Melanôm

Đề kháng mắc phải: trong suốt quá trình điều trị do sự biến đổi thích ứng của tế bào bướu hay do đột biến 1 hay nhiều gen

Tác dụng phụ của hóa trị làm nhiều bệnh nhân e ngại điều trị

Cấp cứu: sốc phản vệ

Tác dụng phụ sớm (trong vòng vài ngày hóa trị): nôn ói, mệt mỏi, sốt, lở miệng…

Tác dụng phụ trễ (sau vài ngày-vài tháng): thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, chán ăn, tiêu chảy, táo bón, rụng tóc, hư móng, giảm thính lực, dị cảm đầu chi, rối loạn hệ sinh dục…

Tác dụng phụ muộn (sau nhiều năm): vô sinh, đột biến di truyền cho con cái, xuất hiện ung thư mới, suy tim, xơ phổi…

Mỗi thuốc hóa trị có độc tính riêng, bệnh nhân cần được bác sĩ ung thư cảnh báo trước những tác dụng phụ này và có kế hoạch kiểm soát tốt. Nhiều bệnh nhân e ngại khi nhắc đến hóa trị, tuy nhiên dù có nhiều tác dụng phụ nhưng nếu kiểm soát tốt thì hóa trị đạt được lợi ích về mặt sống còn của bệnh ung thư đáng kể.

Những thành tựu của hóa trị và hướng phát triển trong tương lai

Hóa trị có khả năng chữa khỏi một số ung thư hệ tạo huyết như lymphôm, ung thư máu…

Giảm khả năng tái phát, di căn xa khi hóa trị hỗ trợ cho một số ung thư giai đoạn sớm như ung thư vú, ung thư đại tràng…

Vũ khí điều trị chủ lực ở ung thư giai đoạn tiến xa.

Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu nhiều thuốc hóa trị mới, tìm hiểu sâu vào cơ chế bệnh và hứa hẹn trong tương lai sẽ có nhiều thuốc điều trị ung thư hiệu quả.

Kết luận

Hóa trị ngày càng có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư, tuy nhiên cần kết hợp đa chuyên khoa, đa mô thức nhằm mục đích kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư.

Hóa trị đóng vai trò cả trong ung thư giai đoạn sớm và giai đoạn muộn, tùy thuộc vào từng bệnh nhân, từng loại bệnh ung thư, các Bác sĩ chuyên khoa ung thư sẽ có chỉ định có nên hóa trị hay không.

Có nhiều thuốc mới hứa hẹn điều trị hiệu quả.

Có nhiều thuốc giảm tác dụng phụ của hóa trị nên hóa trị sẽ không còn thực sự “đáng sợ” nữa.

 

Mời xem thêm:

Vô sinh sau hóa trị ung thư, nguyên nhân và các phương pháp dự phòng

Hóa trị trước khi phẫu thuật ung thư vú có làm tăng di căn xa?

Tế bào gốc cải biến đưa thuốc hóa trị vào các khối u di căn

Thiết bị làm lạnh da đầu nhằm giảm rụng tóc trong quá trình hóa trị

 

Chịu trách nhiệm nội dung: BS Trần Hoàng Hiệp

 

Tài liệu tham khảo:

Ung bướu học, 2011, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Manual of Clinical Oncology, 7th

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm