Tin đồn & Sự thậtChảo chống dính gây ung thư: Đâu là sự thật?

Chảo chống dính gây ung thư: Đâu là sự thật?

Ngày nay, chảo chống dính là một ứng dụng phổ biến của bề mặt chống dính, trong đó lớp chống dính không cho phép thực phẩm khi nấu dính vào chảo và từ đó chảo sau khi nấu nướng trở lên dễ rửa sau khi sử dụng. Vì tính tiện lợi trên, ngày nay chảo chống dính đã trở lên quen thuộc trong mỗi gia đình chúng ta, nhưng cũng kéo theo nó là mối lo ngại chảo chống dính có thể gây ung thư vì tồn tại một số thông tin xoay quanh khả năng gây ung thư của Teflon – chất chống dính được phủ lên bề mặt chảo và PFOA – một trong những chất sử dụng chính trong quá trình sản xuất Teflon. Vậy, chảo chống dính gây ung thư có phải là thông tin đúng? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ có hay không nguy cơ mắc bệnh ung thư khi sử dụng chảo chống dính.

1. Chảo chống dính gây ung thư vì Teflon?

Một trong những chất chống dính được dùng phổ biến trong chảo chống dính hiện nay là polytetrafluoroethylene (PTFE) được biết đến với cái tên Teflon.

chảo chống dính gây ung thư
Công thức hóa học PTFE

Polytetrafluoroethylene có công thức hóa học C2F4n hình thành từ 2 nguyên tố Carbon và Floure. Từ những phân tử tetrafluorethylene C2F4 sau khi phản ứng trùng hợp tạo thành chất Polytetrafluoroethylene (C2F4)n

Dạng polyme của PTFE được coi là không độc hại và trơ về mặt sinh lý.

Nhiệt độ thông thường trong nấu nướng thức ăn hiện nay bằng chảo nằm dưới ngưỡng 260°C và các nghiên cứu cho thấy nhiệt độ dưới 260°C không ảnh hưởng đến cấu trúc hóa học của Teflon. Do đó chất chống dính Teflon không phải là nguy cơ gây ung thư.

Bảng 1. Nhiệt độ nấu ăn thông thường 

Nhiệt độ nấu (°C) Mục đích nấu thức ăn
100 Đun sôi nước
163-204 Cho rán bánh, vv 
204-243 Chiên thịt
232 Rang thịt hoặc rau củ
260-288 Nướng

Tuy nhiên, làm nóng chảo chống dính trên 260°C có thể làm mất màu bề mặt chảo hoặc làm mất một số đặc tính không dính của nó. Nếu một chảo chống dính không chứa thức ăn vô tình được làm nóng trên 350°C, lớp phủ không dính có thể bắt đầu biến tính. Ở 400°C, nhiệt phân PTFE xảy ra và hình thành các chất là tetrafluoroetylen (TFE) và Difluorocarbondiradical (RCF2). [1]

Tetraflourotylen (TFE):  Nguy cơ gây ung thư của TFE đã được nghiên cứu trên 4773 công nhân đã từng tiếp xúc với TFE trong quá trình sản xuất polytetrafluoroetylen ở châu Âu và Bắc Mỹ. Kết quả cho thấy tỷ lệ tử vong do ung thư hoặc tỷ lệ tăng nguy cơ ung thư của những công nhân này là thấp, cụ thể: tử vong do ung thư gan là 8 trường hợp, ung thư thận là 10 trường hợp và đối với bệnh bạch cầu là 12 trường hợp. Các đối tượng nghiên cứu trên không thể phân loại riêng biệt được phơi nhiễm với  TFE hay ammonium perfluoro-octanoate, do đó nghiên cứu trên đã không thể kết luận được TFE có thể gây ung thư cho con người hay không. [2]

Difluorocarbondiradical (RCF2): Hiện chưa có ghi nhận về các trường hợp ung thư gây ra bởi RCF2. 

Như vậy, chúng ta chưa thể khẳng định được nguy cơ gây ung thư của TEF. Tuy nhiên, để tránh các mối lo ngại không đáng có, các hộ gia đình cần chú ý đến nhiệt độ khi sử dụng chảo tránh để cháy chảo hay nhiệt độ quá cao để tạo ra các sản phẩm không mong muốn có thể gây hại có sức khỏe của thành viên trong gia đình.

2. Hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất Teflon gây ung thư?

2.1 Perfluorooctanoic acid (PFOA)

Axit perfluorooctanoic (PFOA), có công thức hóa học C8HFBO2, còn được gọi là C8, là một hóa chất nhân tạo khác. Có nhiệt độ nóng chảy 54.3 °C. Nhiệt độ bay hơi 192.4 °C.

chảo chống dính gây ung thư
Công thức hóa học PFOA

Nó được sử dụng trong quá trình sản xuất Teflon và các hóa chất tương tự (được gọi là fluorotelomer), mặc dù nó bị đốt cháy trong quá trình và hầu như không có mặt trong các sản phẩm cuối cùng. [3]

2.2 Các nghiên cứu về Perfluorooctanoic acid (PFOA) liên quan đến ung thư 

Nghiên cứu trên động vật 

Các nghiên cứu trên động vật thí nghiệm đã phát hiện phơi nhiễm với PFOA( sinh sống ở khu vực bị ô nhiễm bởi PFOA) làm tăng nguy cơ mắc một số khối u của gan, tinh hoàn, tuyến vú (vú) và tuyến tụy ở những loại động vật gặm nhấm [4]. Nhìn chung, các nghiên cứu được tiến hành ở động vật giúp dự đoán khả năng phơi nhiễm có thể gây ung thư ở người. Tuy nhiên vẫn cần những nghiên cứu trên người để xác định chắc chắn khả năng gây ung thư của những chất này.

Nghiên cứu ở người

Các nghiên cứu đã xem xét nhóm gồm 32254 người tiếp xúc với PFOA khi sống gần hoặc làm việc trong các nhà máy hóa chất [5]. Một số nghiên cứu này cho thấy tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn khi tăng phơi nhiễm PFOA. Các nghiên cứu cũng cho thấy các liên kết có thể có với ung thư thận và ung thư tuyến giáp, nhưng sự gia tăng nguy cơ là nhỏ và có thể là do tình cờ.

Kết luận của các cơ quan chức năng

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã phân loại PFOA là vào nhóm 2B chất có khả năng gây ung thư cho con người. 

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã không chính thức phân loại PFOA là chất gây ung thư [6].

Như đã nói ở trên, mặc dù PFOA được sử dụng trong sản xuất Teflon, nhưng nó đã được đốt cháy trong quá trình sản xuất và hầu như không  tồn tại sau quá trình sản xuất. Như vậy, sử dụng chảo chống dính được bọc bằng Teflon ở nhiệt độ nấu ăn bình thường là an toàn.

Lưu ý trong quá trình sử dụng tại các hộ gia đình, tránh làm cháy chảo hoặc dùng các vật liệu sắc nhọn làm hỏng mất tác dụng của lớp chất chống dính Teflon.

Đối với những người lo ngại rằng họ có thể đã tiếp xúc với mức PFOA liều lượng cao như làm công nhân trong nhà máy có sử dụng hoặc sản xuất PFOA, sống gần nhà máy nơi có nguồn nước ô nhiễm, có thể kiểm tra bằng cách đo nồng độ PFOA trong máu. Nhưng kỹ thuật xét nghiệm này khá tốn chi phí và kể cả khi có kết quả cũng không thể xác định được có nguy cơ ung thư hay không.

Kết luận

Sử dụng chảo chống dính được bọc bằng Teflon ở nhiệt độ nấu ăn bình thường là an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, tránh làm cháy chảo hoặc dùng các vật liệu sắc nhọn làm hỏng tác dụng của lớp chất chống dính Teflon.

Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 23/12/2020

Tài liệu tham khảo

  1. PTFE-coated non-stick cookware and toxicity concerns: a perspective Muhammad Sajid & Muhammad Ilyas https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/28913736
  2. Cancer risk among tetrafluoroethylene synthesis and polymerization workers Cancer risk among tetrafluoroethylene synthesis and polymerization workers.
  3. Perfluorooctanoic acid https://toxnet.nlm.nih.gov/cgi-bin/sis/search2/r?dbs+hsdb:@term+@rn+@rel+335-67-1
  4. Epidemiologic Evidence on the Health Effects of Perfluorooctanoic Acid (PFOA) Kyle Steenland, Tony Fletcher, and David A. Savitz https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2920088/#b37-ehp.0901827
  5. 5Perfluorooctanoic Acid (PFOA) Exposures and Incident Cancers among Adults Living Near a Chemical Plant Vaughn Barry, Andrea Winquist, and Kyle Steenland Rollins School of Public Health, Emory University, Atlanta, Georgia, USA https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3855514/
  6. Perfluorooctanoic Acid (PFOA), Teflon, and Related Chemicals https://www.cancer.org/cancer/cancer-causes/teflon-and-perfluorooctanoic-acid-pfoa.html
  7. Teflon and Perfluorooctanoic Acid (PFOA)  https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/17519394
  8. Perfluorooctanoic Acid Exposure and Cancer Outcomes in a Contaminated Community: A Geographic Analysis Verónica M. Vieira, Kate Hoffman, Hyeong-Moo Shin, Janice M. Weinberg, Thomas F. Webster,1 and Tony Fletcher https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3621179/

Tác giả và chuyên gia

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm