Nhờ vào các chương trình phát hiện và sàng lọc sớm ung thư cũng như sự cải thiện đáng kể trong phương pháp điều trị, nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh hoặc kéo dài tuổi thọ của mình. Đối với những loại ung thư khác nhau sẽ có liệu trình điều trị tương ứng phụ thuộc vào yếu tố tiên lượng bệnh, ví dụ như: các chỉ dấu sinh học, phân nhóm bệnh lý, mức độ hoặc giai đoạn bệnh. Chính vì vậy liệu trình điều trị ung thư cần được cá thể hóa, có thể bao gồm: xạ trị, hóa trị, liệu pháp hormone, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc phổ biến hơn là sự kết hợp của nhiều liệu pháp kể trên. Thông thường quá trình điều trị sẽ kéo dài nhiều tháng, trong một số trường hợp có thể đến nhiều năm. Tuy bệnh nhân có thể được chữa khỏi bệnh hoặc có những tiến triển tốt, cơ thể họ vẫn trở nên suy yếu trong và sau quá trình điều trị.
Vì vậy việc phục hồi sức khỏe đã trở thành một phần quan trọng trên con đường chữa bệnh ung thư. Ung thư cũng như quá trình điều trị bệnh khiến nhiều người có những thay đổi về mặt sinh lý và tâm lý, dẫn đến thay đổi chất lượng cuộc sống (chất lượng cuộc sống được định nghĩa là sự cảm nhận chất lượng cuộc sống hằng ngày hoặc sự đánh giá về sự khỏe mạnh tổng thể). Luyện tập thể dục được cho là một trong những giải pháp cần thiết, vậy nó có thực sự giúp giảm nhẹ tác dụng phụ do điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư hay không?
1. Phân loại các hoạt động tập thể dục
Có hai loại hình tập thể dục cơ bản, bao gồm [1]
– Bài tập tăng cường hệ hô hấp và tim mạch (bài tập aerobic): hoạt động này sử dụng nhiều oxy, giúp cải thiện cách hoạt động của tim, ví dụ như đi bộ nhanh, chạy bộ.
– Bài tập tăng sức chịu đựng: gồm các bài tập giúp tăng sức mạnh và khối lượng cơ, ví dụ như tập tạ hoặc các bài tập “isometric” (bài tập isometric tập trung vào việc cố định và siết nhóm cơ thay vì phải di chuyển nhiều như khi tập tạ, bao gồm 2 động tác tiêu biểu là plank – giữ im tư thế chống đầu bằng khuỷu tay như một khúc gỗ, và siết cơ tay với thiết bị hỗ trợ).
Hoạt động thể dục cũng có thể ở các cường độ khác nhau, bao gồm cường độ nhẹ, trung bình và mạnh [2]. Hoạt động có cường độ nhẹ ví dụ như làm việc nhà, cường độ trung bình bao gồm đi bộ nhanh và cường độ mạnh là chạy bộ [3].
2. Lợi ích của việc luyện tập thể dục
2.1. Cải thiện tình trạng mệt mỏi, thể trạng và chất lượng cuộc sống
Nhiều nghiên cứu cho thấy việc tập thể dục ảnh hưởng tích cực đến tình trạng mệt mỏi, thể trạng, chất lượng cuộc sống và hoạt động thể chất trong và sau điều trị ung thư [4]. Tuy nhiên, việc nhắm đến những bệnh nhân cụ thể, những người có nhiều khả năng được hưởng lợi từ việc tập thể dục là một điều cần thiết. Ví dụ việc tập thể dục cải thiện tình trạng mệt mỏi rõ rệt ở những bệnh nhân mệt mỏi ít [5, 6]. Chất lượng cuộc sống cũng thay đổi nhiều hơn ở bệnh nhân đã xong hóa trị và gặp nhiều mệt mỏi [7], ở bệnh nhân ung thư hạch bạch huyết với chất lượng cuộc sống cơ bản thấp [8]. Mặt khác, hoạt động thể chất giúp nâng cao chất lượng cuộc sống đối với những bệnh nhân trải qua xạ trị, những bệnh nhân trải qua hóa trị và xạ trị kết hợp và những bệnh nhân mệt mỏi ít. Tương tự, ở những bệnh nhân “ghép tế bào gốc đồng loại” (ghép tế bào gốc đồng loại là phương pháp truyền tế bào gốc tạo máu từ người cho cùng huyết thống hay không cùng huyết thống phù hợp hệ kháng nguyên bạch cầu), tập thể dục mang lại nhiều lợi ích hơn về mặt thể lực cho những bệnh nhân không mạnh khỏe so với những bệnh nhân mạnh khỏe [9].
Ngoài ra, mục đích của việc luyện tập thể dục khác nhau trong quá trình điều trị ung thư. Việc tập thể dục trong quá trình điều trị ung thư ban đầu, đặc biệt là hóa trị, thường nhằm mục đích ngăn ngừa sự suy giảm chức năng và cải thiện tác dụng phụ của điều trị, trong khi luyện tập thể dục sau khi điều trị nhằm mục đích cải thiện chức năng cơ thể [10]. Do đó, điều quan trọng là xác định khi nào luyện tập thể dục sẽ giúp ích nhất trong việc cải thiện tình trạng mệt mỏi, thể chất, chất lượng cuộc sống và hoạt động thể lực.
2.2. Giảm nguy cơ mắc ung thư và tỷ lệ tử vong do ung thư
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Y học Thể thao của Mỹ (American College of Sports Medicine) gần đây đã tổng hợp hàng trăm nghiên cứu dịch tễ học về mối liên hệ giữa hoạt động thể chất với nguy cơ mắc ung thư và tỷ lệ tử vong do ung thư. Báo cáo của họ đưa ra bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa mức độ hoạt động thể chất và việc giảm nguy cơ mắc 7 loại ung thư ác tính (khoảng 10% đến 20%), bao gồm: bàng quang, vú, trực tràng, nội mạc tử cung, thực quản, thận, và dạ dày (Bảng 1). Ngoài ra, báo cáo còn cho thấy việc hoạt động thể chất nhiều (bao gồm tập thể dục nhịp điệu mạnh từ 75 đến 150 phút mỗi tuần) có liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong (khoảng 40% đến 50% ) do ung thư vú và ung thư đại trực tràng (2 loại ung thư được chẩn đoán ở nhóm thanh thiếu niên và người trưởng thành, bên cạnh nhóm người lớn tuổi), và ung thư ung thư tuyến tiền liệt [11].
Bảng 1: Những dẫn chứng cho thấy hoạt động thể lực có thể ngăn chặn ung thư và cải thiện sự sống đối với một số loại ung thư cụ thể [12]
Độ tin cậy của dẫn chứng | Hoạt động thể lực và giảm nguy cơ phát triển ung thư | Ít thời gian vận động và tăng nguy cơ phát triển ung thư | Hoạt động thể lực TRƯỚC chẩn đoán bệnh và giảm tỷ lệ tử vong | Hoạt động thể lực SAU chẩn đoán bệnh và giảm tỷ lệ tử vong |
Mạnh | Ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư thực quản
(ung thư biểu mô tuyến), ung thư dạ dày (tâm vị) |
|||
Vừa phải | Ung thư phổi | Ung thư nội mạc tử cung, ung thư trực tràng, ung thư phổi | Ung thư vú, ung thư trực tràng | Ung thư vú, ung thư trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt |
Hạn chế | U tủy và ung thư máu, ung thư đầu và cổ, ung thư tụy, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt | Ung thư gan |
3. Tác động sinh lý của việc luyện tập thể chất đến cơ thể
Hoạt động thể chất ảnh hưởng đến môi trường bên trong cơ thể bằng cách tác động đến các quá trình tế bào và sự phát triển của khối u. Một số yếu tố điều hòa quá trình này bao gồm: sự chuyển hóa insulin/ glucose, hormone sinh dục, chức năng miễn dịch, tình trạng viêm nhiễm, sự mất cân bằng oxy hóa, mất tính ổn định của hệ gen và myokine (chất giải phóng từ cơ, giúp thúc đẩy sự phát triển của mô mới, sửa chữa mô và các chức năng chống viêm khác nhau). Bên cạnh đó, luyện tập thể dục cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư do béo phì, vì béo phì có liên quan đến tăng nguy cơ phát triển 13 loại ung thư thông qua các cơ chế sinh học tương tự. Ví dụ, giảm cân nhờ tập thể dục ở phụ nữ sau mãn kinh dẫn đến giảm lượng estradiol (là dạng chính của hormone estrogen, một hormone sinh dục chính của nữ) và protein phản ứng C (C-reactive protein (CRP) là chỉ dấu sinh học cho tình trạng viêm nhiễm), do đó giảm nguy cơ mắc ung thư vú và nội mạc tử cung. Nhằm chỉ rõ mối liên hệ giữa yếu tố nội sinh lưu thông trong cơ thể và các quá trình tế bào tại mô nơi ung thư phát triển, nhiều nghiên cứu trên người đã chỉ ra rằng tập thể dục có thể làm giảm sự tăng sinh tế bào và tăng các chỉ dấu của quá trình chết tế bào theo chương trình (apoptosis) tại mô đại trực tràng, điều này chứng tỏ thêm tính hợp lý về mặt sinh học [13]. Mặt khác, hoạt động thể chất có ảnh hưởng đến tâm sinh lý, làm thay đổi tâm trạng; giảm mức độ lo lắng và trầm cảm; cải thiện chức năng hệ thống miễn dịch, nhận thức và giấc ngủ [11].
4. Hướng dẫn luyện tập thể chất trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân ung thư
Nhiều tổ chức trên thế giới đã ban hành hướng dẫn luyện tập thể dục dựa trên bằng chứng khoa học cụ thể cho bệnh nhân ung thư và những người sống sót sau ung thư. Gần đây, Đại học Y học Thể thao của Mỹ đã cập nhật hướng dẫn tập thể dục để ngăn ngừa ung thư cũng như phòng ngừa và điều trị các triệu chứng như mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm; nâng cao thể trạng và chất lượng cuộc sống (Hình 1) [14]. Theo đó, vai trò của đội ngũ y bác sĩ hết sức quan trọng trong việc đánh giá, tư vấn và giới thiệu bệnh nhân tập thể dục hoặc phục hồi chức năng ngoại trú. Để làm được điều này cần có sự phối hợp chăm sóc của các chuyên gia y tế, người hướng dẫn thực hiện chương trình phục hồi chức năng – tập luyện thể chất và đặc biệt là bệnh nhân.
Cụ thể, chế độ tập thể dục nhịp điệu (aerobic) trong khoảng 30-60 phút, 3 lần/ tuần giúp bệnh nhân giảm mệt mỏi, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện thể chất, giảm lo âu, làm nhẹ các triệu chứng căng thẳng và cải thiện giấc ngủ. Hoặc với các bài tập tăng sức chịu đựng 2 lần/ tuần, tập trung vào khối cơ nhất định, ngoài việc giúp bệnh nhân giảm mệt mỏi, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện thể chất thì bài tập còn làm giảm nguy cơ phù bạch huyết chi trên, ngăn ngừa tình trạng loãng xương.
Như vậy, luyện tập thể dục được đánh giá là một cách làm giảm nhẹ tác dụng phụ do điều trị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà bệnh nhân ung thư phải trải qua.
Hình 1: Hướng dẫn luyện tập thể thao cho bệnh nhân đang điều trị ung thư [11]
Nguồn: ACSM – American College of Sports Medicine
5. Kết luận
Những năm trước đây bác sĩ thường khuyên bệnh nhân ung thư của họ nên nghỉ ngơi và tránh hoạt động thể chất. Tuy nhiên, những gì chúng ta biết được từ những nghiên cứu vào đầu những năm 1990 đến 2000 lại trái ngược với lời khuyên đó. Trên thực tế, lĩnh vực tập thể dục và ung thư đã phát triển theo cấp số nhân trong thập kỷ qua. Hiện tại chúng ta có nhiều bằng chứng để tự tin khẳng định rằng những người sống chung với ung thư sẽ được hưởng lợi từ việc hoạt động thể chất. Bên cạnh đó, chúng ta có thể tạo một chế độ tập thể dục phù hợp để nâng cao hiệu quả điều trị ung thư cho bệnh nhân.
Tác giả: ThS. DS. Nguyễn Thị Thanh Mỹ, ĐH SoonChunHyang, Hàn Quốc. CTV Ban Khoa học Ruy Băng Tím
Cố vấn:
TS. Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA)
ThS. Trịnh Vạn Ngữ (ĐH SoonChunHyang, Hàn Quốc)
Tài liệu tham khảo
- Buffart, L.M., et al., Effects and moderators of exercise on quality of life and physical function in patients with cancer: An individual patient data meta-analysis of 34 RCTs. Cancer Treat Rev, 2017. 52: p. 91-104.
- Thompson WR, G.N., Pescatello LS, ed, ACSM’s Guidelines for Exercise Testing and Prescription. Philadelphia, PA: Lippincott, Williams & Wilkins, 2010.
- Ainsworth, B.E., et al., Compendium of physical activities: an update of activity codes and MET intensities. Med Sci Sports Exerc, 2000. 32(9 Suppl): p. S498-504.
- Buffart, L.M., et al., Targeting Exercise Interventions to Patients With Cancer in Need: An Individual Patient Data Meta-Analysis. J Natl Cancer Inst, 2018. 110(11): p. 1190-1200.
- Adams, S.C., et al., Effects of high-intensity interval training on fatigue and quality of life in testicular cancer survivors. Br J Cancer, 2018. 118(10): p. 1313-1321.
- Taaffe, D.R., et al., Effects of Different Exercise Modalities on Fatigue in Prostate Cancer Patients Undergoing Androgen Deprivation Therapy: A Year-long Randomised Controlled Trial. Eur Urol, 2017. 72(2): p. 293-299.
- Kalter, J., et al., Moderators of the effects of group-based physical exercise on cancer survivors’ quality of life. Support Care Cancer, 2015. 23(9): p. 2623-31.
- Courneya, K.S., et al., Moderator effects in a randomized controlled trial of exercise training in lymphoma patients. Cancer Epidemiol Biomarkers Prev, 2009. 18(10): p. 2600-7.
- Wiskemann, J., et al., Efficacy of exercise training in SCT patients–who benefits most? Bone Marrow Transplant, 2014. 49(3): p. 443-8.
- Courneya, K.S. and C.M. Friedenreich, Physical activity and cancer control. Semin Oncol Nurs, 2007. 23(4): p. 242-52.
- McTiernan, A., et al., Physical Activity in Cancer Prevention and Survival: A Systematic Review. Med Sci Sports Exerc, 2019. 51(6): p. 1252-1261.
- Rees-Punia, E., et al., Demographic-specific Validity of the Cancer Prevention Study-3 Sedentary Time Survey. Med Sci Sports Exerc, 2019. 51(1): p. 41-48.
- Patel, A.V., et al., American College of Sports Medicine Roundtable Report on Physical Activity, Sedentary Behavior, and Cancer Prevention and Control. Med Sci Sports Exerc, 2019. 51(11): p. 2391-2402.
- Schmitz, K.H., et al., Exercise is medicine in oncology: Engaging clinicians to help patients move through cancer. CA Cancer J Clin, 2019. 69(6): p. 468-484.
Ngày hoàn thành: 17/01/2021