- Phẫu thuật ung thư là gì?
Phẫu thuật là một trong ba phương pháp nền tảng trong điều trị ung thư (phẫu trị, hóa trị và xạ trị) và là phương pháp điều trị ung thư có từ lâu đời nhất. Tuy nhiên, đây cũng là phương pháp điều trị hiệu quả nhiều loại ung thư cho đến ngày nay.
Phẫu thuật ung thư là cắt bỏ khối bướu và mô lành xung quanh trong quá trình phẫu thuật. Đôi khi, phẫu thuật có thể cắt bỏ toàn bộ một cơ quan nào đó (như vú, dạ dày,1 thùy của phổi…) cũng như lấy đi các hạch bạch huyết xung quanh khối bướu.
Ngoài mục đích cắt bỏ khối bướu, phẫu thuật cũng có nhiều vai trò khác trong điều trị ung thư.
Phẫu thuật ung thư có thể được thực hiện tại phòng khám tư nhân, phòng khám đa khoa, bệnh viện đa khoa hay trung tâm ung thư, tuy nhiên phải do các bác sĩ có kinh nghiệm về ung thư điều trị. Điều trị ngoại trú nghĩa là bạn không cần phải ở lại bệnh viện qua đêm trước và sau khi phẫu thuật, trong khi điều trị nội trú nghĩa là bạn cần phải ở lại bệnh viện qua đêm hoặc dài ngày hơn để phục hồi sau khi phẫu thuật.
- Tại sao phẫu thuật điều trị được ung thư?
Như đã biết ung thư thường hình thành một hoặc vài khối bướu (trừ ung thư huyết học), khối bướu này không có giới hạn rõ ràng với mô bình thường xung quanh, tức là ta không thể thấy đâu là mô ung thư và đâu là mô bình thường một cách rõ ràng.
Do đó để loại bỏ hoàn toàn khối bướu ung thư này, bác sĩ thực hiện cắt bỏ toàn bộ khối bướu kèm thêm một phần mô bình thường xung quanh. Trong một số trường hợp để đảm bảo không sót lại những tế bào ung thư mà mắt thường không thấy, bác sĩ có thể cắt bỏ hoàn toàn cơ quan đó. Phẫu thuật này gọi là phẫu thuật triệt để nghĩa là hạn chế đến mức thấp nhất tế bào ung thư còn sót lại.
Trong một số bệnh ung thư, các tế bào ung thư có thể âm thầm theo dòng máu đến các hạch bạch huyết quanh khối bướu ngay trước khi ta phát hiện ra khối bướu đó. Do đó, trong phẫu thuật trong một số bệnh ung thư, ngoài cắt khối bướu bác sĩ còn lấy đi cả những hạch bạch huyết xung quanh khối bướu đó.
Khối bướu có thể được điều trị chỉ bằng cách cắt bỏ hoàn toàn (có kèm lấy hạch hoặc không) là đủ; hoặc có thể phải phối hợp thêm các phương pháp điều trị khác (như hóa trị, xạ trị và các phương pháp hỗ trợ khác…) trước hoặc sau phẫu thuật để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bướu tái phát trở lại.
Vì những lý do trên mà phẫu thuật ung thư thường là những phẫu thuật lớn, làm tổn thương nhiều cho cơ thể. Tuy nhiên với các tiến bộ hiện nay, phẫu thuật ung thư ngày càng cải tiến để làm tổn thương ít mô bình thường nhất mà vẫn đạt được hiệu quả điều trị qua đó hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thương khiếm khuyết cho cơ thể.
- Người ta hay nói “động dao kéo sẽ làm ung thư phát triển nhanh hơn” có đúng không?
Một số quan điểm truyền miệng hiện nay cho rằng khi bị bệnh ung thư thì không nên “động dao kéo” (ý nói phẫu thuật) vì sẽ làm bệnh ung thư phát triển nhanh hơn và xấu hơn.
Thực tế đó là do trước đây, khi các kiến thức về phẫu thuật ung thư chưa đầy đủ, các bác sĩ khi cắt bỏ khối bướu thường chỉ cắt phần khối bướu thấy được mà không lấy phần mô bình thường xung quanh, hoặc không lấy đi các hạch đã bị các tế bào ung thư trú ngụ trước đó. Do đó sau phẫu thuật, các tế bào ung thư vẫn còn sót lại và phát triển trở lại.
Người bị phẫu thuật sẽ yếu hơn do phải phục hồi sau phẫu thuật và các tế bào ung thư còn lại được tự do đi đến khắp nơi theo dòng máu trong lúc phẫu thuật nên sẽ làm cho bệnh phát triển nhanh hơn và xấu hơn. Thêm vào đó, trước khi phẫu thuật, do kĩ thuật còn hạn chế nên không kiểm tra hết được và bướu có lan đến các nơi khác hay chưa. Nếu có thì việc phẫu thuật để cắt bướu tại chỗ thường không hiệu quả mà chỉ làm xấu hơn.
Hiện nay, do kiến thức cũng như các phương pháp chẩn đoán trước phẫu thuật và kĩ thuật phẫu thuật phát triển, việc điều trị ung thư bằng phẫu thuật đã hạn chế rất nhiều những vấn đề trên nên quan niệm “động dao kéo trong ung thư” đã không còn đúng nữa.
Mời xem thêm: Phẫu thuật trong ung thư: Phẫu thuật có làm lan tràn ung thư? – BS Trương Thị Ngọc Diệp
- Phẫu thuật còn được dùng trong ung thư như thế nào nữa?
Ngoài mục đích cắt bỏ hoàn toàn khối bướu để điều trị triệt để, phẫu thuật còn được sử dụng trong điều trị ung thư với nhiều mục đích khác như:
- Để chẩn đoán bệnh có phải là ung thư hay không? Giai đoạn nào? Tìm vị trí của khối ung thư xuất phát từ đâu? Xem ung thư đã lan rộng và di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể hay chưa?
- Để tái tạo, khôi phục lại hình dạng và chức năng của cơ quan bị tổn thương lúc phẫu thuật.
- Để làm giảm tác hại phụ do khối bướu gây ra (chèn mạch máu, cơ quan hoặc dây thần kinh) hoặc do các phương pháp điều trị khác (chèn, tắc nghẽn do phù nề khi xạ trị; chảy máu do hoại tử bướu khi hóa trị, xạ trị).
- Để ngăn chặn, phòng ngừa trước khi ung thư hình thành và phát triển.
Để làm rõ thêm về các mục đích trên, phẫu thuật ung thư được phân thành nhiều mục tiêu:
Chẩn đoán và điều trị tại chỗ:
Trong hầu hết các loại ung thư, để xác định chẩn đoán ung thư cần thiết phải thực hiện thủ thuật sinh thiết. Thủ thuật sinh thiết nghĩa là bác sĩ thực hiện một phẫu thuật nhỏ để rạch da và lấy đi một phần hoặc toàn bộ khối mô nghi ngờ là ung thư.
Có 2 loại phẫu thuật sinh thiết chính:
Sinh thiết một phần: lấy đi một phần hay một mẩu của vùng nghi ngờ để chẩn đoán
Sinh thiết toàn phần (còn gọi là sinh thiết trọn): lấy toàn bộ vùng nghi ngờ để chẩn đoán, ví dụ như cắt bỏ nốt ruồi không điển hình, hay một khối bướu nghi ngờ. Đôi khí việc sinh thiết trọn vừa là để chẩn đoán và cũng vừa là để điều trị các ung thư tại chỗ.
Sau khi sinh thiết, bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh sẽ dùng kính hiển vi để quan sát khối mô được lấy ra. Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ dùng nhiều kĩ thuật trong phòng xét nghiệm nhằm đánh giá tế bào, mô và cơ quan qua đó để biết được chẩn đoán có phải là ung thư hay bệnh khác; đôi khi là ung thư tại chỗ hay từ nơi khác đến và nguồn gốc ung thư từ cơ quan nào. Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ đưa ra kết luận dựa trên các thông tin thu được từ mẩu mô được lấy ra đó cho các bác sĩ điều trị. Bác sĩ điều trị là người đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Phân giai đoạn: Giai đoạn của ung thư nghĩa là mức độ phát triển của ung thư lúc chẩn đoán, qua đó biết được khả năng điều trị cũng như mức độ nặng của bệnh. Phẫu thuât chẩn đoán giai đoạn của ung thư được thực hiện để đánh giá kích thước của khối u, có lan ra khỏi khối bướu hay chưa và lan đến đâu. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cũng có thể lấy di các hạch bạch huyết ở gần khối bướu để tìm hiểu xem tế bào ung thư đã lan đến hay chưa. Các hạch bạch huyết là những cơ quan nhỏ hình hạt đậu có chức năng ngăn ngừa nhiễm trùng.
Bác sĩ điều trị của bạn sẽ sử dụng các kết quả từ phẫu thuật này cùng với các kết quả của những xét nghiệm khác để đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp. Giai đoạn của ung thư cũng có thể bao gồm cả kết quả giải phẫu bệnh đã nói ở trên.
Giảm tổng khối bướu: Đôi khi, bác sĩ phẫu thuật không thể cắt bỏ hoàn toàn khối bướu do có thể gây ra nhiều tổn thương cho cơ thể hoặc nguy hiểm tính mạng. Trong những tình huống này, phẫu thuật được sử dụng để loại bỏ càng nhiều khối bướu càng tốt. Sau đó, các phương pháp điều trị khác (chẳng hạn như xạ trị hoặc hóa trị) có thể được sử dụng để điều trị khối ung thư còn lại. Hoặc nếu trước phẫu thuật, đánh giá không thể cắt được hoàn toàn khối bướu, có thể sử dung các phương pháp điều trị này (hóa trị, xạ trị…) để điều trị giảm thiểu bướu đến mức có thể phẫu thuật được.
Phẫu thuật giảm nhẹ: tức là các phẫu thuật sử dụng để làm giảm các khó chịu do khối bướu hoặc các phương pháp điều trị khác gây ra. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống (sống dễ chịu và thoải mái hơn) khi ung thư tiến triển hoặc lan rộng (tức là các ung thư giai đoạn trễ, khả năng điều trị triệt để thấp). Ví dụ, có thể phẫu thuật để:
- Giảm đau hoặc phục hồi chức năng, khi khối bướu gây ra:
- Chèn ép dây thần kinh hoặc tủy sống (gây yếu liệt, đau nhức…)
- Tắc ruột (đau bụng, không đi cầu được, nôn ói…)
- Chèn ép hoặc tắc nghẽn những nơi khác trong cơ thể (bí tiểu, khó thở, nuốt nghẹn, ăn uống khó…).
- Ngăn chảy máu. Một số bệnh ung thư có khả năng gây chảy máu như:
- Ung thư ở vùng nhiều mạch máu, chẳng hạn như cổ tử cung, mũi, miệng…
- Ung thư của các cơ quan dễ tổn thương và chảy máu khi ăn uống như thực quản, dạ dày và ruột.
Chảy máu cũng có thể là phản ứng phụ của một số loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư.
Phẫu thuật để ngăn ngừa chảy máu thường là cột thắt mạch máu vùng đó bằng chỉ phẫu thuật.
- Đặt ống nuôi ăn vào dạ dày, ruột hoặc ống truyền thuốc vào mạch máu nếu khối bướu hoặc việc điều trị làm cho người bệnh khó ăn uống. Ống nuôi ăn được đặt trực tiếp vào dạ dày hoặc ruột qua thành bụng. Hoặc, đặt ống vào tĩnh mạch để truyền thuốc giảm đau hoặc hóa trị.
- Ngăn ngừa gãy xương. Xương bị yếu do ung thư hoặc điều trị ung thư có thể dễ dàng bị tổn thương và thường lành lại sau khi điều trị. Phẫu thuật đặt một thanh nẹp kim loại (titan) có thể giúp ngăn ngừa gãy xương và giảm đau trong quá trình điều trị.
Phẫu thuật tái tạo. Sau khi phẫu thuật ung thư, cơ quan bị ung thư thường khiếm khuyết hoặc mất chức năng. Khi đó, phẫu thuật có thể là một lựa chọn để khôi phục lại hình dạng hoặc chức năng đó. Đây là phẫu thuật tái tạo hoặc phẫu thuật thẩm mỹ. Phẫu thuật tái tạo có thể được thực hiện cùng lúc với phẫu thuật cắt bỏ khối bướu hoặc có thể thực hiện sau khi đã điều trị xong. Ví dụ: phẫu thuật tái tạo vú sau phẫu thuật cắt bỏ vú; phẫu thuật để khôi phục hình dạng và chức năng nói, nuốt sau khi phẫu thuật vùng miệng; phẫu thuật tái tạo lại dương vật, ngón tay, vành tai, mũi…
Phẫu thuật phòng ngừa. Một số phẫu thuật để ngăn ngừa trước nguy cơ có thể phát triển thành bệnh ung thư. Khi đó, người bệnh chưa có khối bướu ung thư nhưng trong tương lai có thể xuất hiện ung thư với một tỉ lệ nào đó. Nếu tỉ lệ này quá cao nghĩa là khả năng người đó có thể mắc phải ung thư nhiều, bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật để loại bỏ cơ quan hoặc phần cơ quan có thể mắc ung thư đó trước khi hình thành bệnh.
Ví dụ như bác sĩ thường khuyên nên cắt bỏ các polyp tiền ung thư (là những khối nhỏ chồi ra từ lòng ruột thấy được khi nội soi) để ngăn ngừa ung thư ruột già. Hoặc khi có quá nhiều polyp trong lòng ruột (bệnh đa polyp gia đình) bác sĩ có thể khuyên cắt bỏ đoạn ruột đó. Ngoài ra, những phụ nữ có người trong gia đình mắc phải ung thư vú hoặc buồng trứng và có đột biến gen BRCA1 và BRCA2 (là những gen làm người đó có khả năng mắc ung thư vú, buồng trứng cao) có thể quyết định phẫu thuật cắt bỏ vú hoặc cắt bỏ buồng trứng để giảm nguy cơ phát triển thành ung thư.
Mời xem thêm: Polyp đại tràng – một trong những yếu tố quan trọng gây ung thư đại trực tràng – BS Hoàng Đình Kính
- Các phương pháp phẫu thuật ung thư mới và xu hướng phát triển hiện nay?
Thông thường, khi phẫu thuật ung thư, bác sĩ dùng dao mổ cắt bỏ khối bướu và một phần mô bình thường xung quanh, có thể đó là một phần da, cơ, mỡ hay đôi khi là một phần xương. Tuy nhiên, trong những trường hợp ung thư phát hiện sớm, khi kích thước khối bướu còn nhỏ hoặc khối bướu đó chưa phải là ung thư nhưng có khả năng phát triển thành ung thư, bác sĩ có thể sử dụng những phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn hơn, nghĩa là ít làm tổn thương mô bình thường hơn. Những kỹ thuật ít xâm lấn này, còn gọi là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, có thể tăng tốc hồi phục và ít đau hơn.
Dưới đây là một số loại phẫu thuật xâm lấn tối thiểu:
Phẫu thuật nội soi. Bác sĩ thực hiện phẫu thuật thông qua các vết mổ nhỏ trên da, bằng cách sử dụng dụng cụ dài qua các ống nhỏ và camera (máy quay phim để bác sĩ quan sát vùng được mổ trên màn hình). Phẫu thuật nội soi có thể thực hiện ở bụng (nội soi ổ bụng), ngực (nội soi trung thất, nội soi lồng ngực) … Phẫu thuật nội soi cũng có thể thực hiện với sự hỗ trợ của rô-bốt, gọi tắt là phẫu thuật rô-bốt, để tăng mức độ chính xác và dễ thao tác hơn. Trong loại phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật điều khiển các dụng cụ rô-bốt để thực hiện phẫu thuật. Phẫu thuật rô-bốt được dùng khi mổ nội soi thận, tuyến tiền liệt ở nam, và tử cung hoặc buồng trứng ở nữ.
Phẫu thuật bằng tia la-ze. Bác sĩ sử dụng một chùm ánh sáng cường độ cao hẹp để loại bỏ mô ung thư hoặc nghi ngờ ung thư. Như phẫu thuật la-ze cắt bướu nhú thanh quản.
Phẫu thuật cắt đông lạnh. Bác sĩ sử dụng ni tơ lỏng (-196o C) để đóng băng và phá hủy các tế bào bất thường (nghi ngờ có thể thành ung thư).
Phẫu thuật MOHS, còn được gọi là phẫu thuật được kiểm soát bằng kính hiển vi. Trong ung thư da, khi cắt bỏ một khối bướu ung thư, bác sĩ thường phải thêm một phần da bình thường xung quanh. Nếu phần da bình thường này bị lấy đi quá nhiều sẽ làm mất thẩm mỹ hoặc biến dạng các cơ quan xung quanh (như mắt, mũi, miệng…); tuy nhiên, nếu lấy quá ít bướu có khả năng bướu phát triển trở lại (tái phát. Vì vậy, bác sĩ sẽ lấy đi phần da này ít nhất có thể, và sau mỗi lần cắt bác sĩ sẽ kiểm tra dưới kính hiển vi (gọi là cắt lạnh hay sinh thiết tức thì), nếu còn tế bào ung thư thì tiếp tục cắt thêm một lớp mỏng nữa, cho đến khi tất cả các tế bào trong một lớp là tế bào bình thường.
Phẫu thuật qua ống nội soi. Bác sĩ sử dụng các ống soi mềm có kết hợp camera đưa vào các lỗ và khoang tự nhiên của cơ thể (không cần phải rạch da như phẫu thuật nội soi). Nội soi có thể thực hiện ở thực quản, dạ dày, đại tràng, phế quản, mũi xoang, tai -mũi- họng, âm đạo tử cung, bàng quang… Qua các ống nội soi này, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ các khối bướu nghi ngờ để chẩn đoán cũng như để điều trị.
Với mục đích làm sao vẫn điều trị được hiệu quả ung thư nhưng làm tổn thương cho cơ thể càng ít và giữ được càng nhiều chức năng càng tốt, phẫu thuật ung thư ngày càng có những cải tiến đáng kể đi kèm với các tiến bộ của khoa học kĩ thuật. Ví dụ như :
- Các chất đánh dấu khối bướu ung thư được tiêm vào cơ thể hoặc khối bướu trước đó để bác sĩ phẫu thuật có thể nhìn thấy được chính xác vị trí, giới hạn của khối bướu cũng như những hướng lan tràn của khối bướu (mà với mắt thường không thể nhìn thấy được) để có thể cắt một cách chính xác và tiết kiệm mô bình thường nhất.
- Hoặc, các chất đánh dấu được tiêm vào khối bướu để biết được những hạch bạch huyết xung quanh khối bướu đó bị lan đến hay chưa. Qua đó, bác sĩ có thể quyết định không cần phải lấy đi những hạch đó khi phẫu thuật. Việc này làm giảm rất nhiều rủi ro không mong muốn khi phẫu thuật lấy hạch như : sưng phù vĩnh viễn tay, chân hay chảy máu sau phẫu thuật.
- Hoặc để giữ lại cá thành phần quan trọng như mạch máu, dây thần kinh, trong lúc phẫu thuật có thể kết hợp thêm các phương tiện tiên tiến như dụng cụ siêu âm, dụng cụ kính hiển vi phẫu thuật. Việc giữ lại được các thành phần này có thể giúp cuộc sống của người bệnh được tốt hơn : như không bị tiêu tiển không tự chủ, không bị khàn tiếng mất giọng nói, do tổn thương dây thần kinh…
Tuy một số phương pháp đã được ứng dụng, một số vẫn đang hoàn thiện nhưng điều đó cho thấy xu hướng cải tiến không ngừng của phẫu thuật trong tương lai nhằm điều trị ung thư một cách tốt nhất.
Chịu trách nhiệm nội dung: ThS. BS Nguyễn Trương Đức Hoàng
Góp ý nội dung: TS Nguyễn Hồng Vũ
Tài liệu tham khảo:
https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/how-cancer-treated/surgery/what-cancer-surgery