Tuyến nước bọt là cơ quan ngoại tiết, có chức năng sản xuất và tiết nước bọt vào khoang miệng, giúp tiêu hoá thức ăn, giữ ẩm môi trường miệng, và giúp bảo vệ chống lại nhiễm trùng[1].
Ở người, có 3 đôi tuyến lớn là tuyến mang tai, tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi, và hàng trăm tuyến nước bọt phụ phân bố rải rác trong miệng (Hình 1). Trong đó:
Hình 1. Vị trí các tuyến nước bọt chính trong khoang miệng (nguồn: www.cancer.org)
Ung thư tuyến nước bọt là loại ung thư ít gặp trong khoang miệng, chiếm khoảng 6% ung thư đầu cổ[1]. Các khối u tuyến nước bọt có nguồn gốc từ các loại tế bào tuyến khác nhau và do đó rất đa dạng về hình thái.
Xét về vị trí, ung thư tuyến nước bọt thường xảy ra nhất ở tuyến mang tai (75%), kế đến là tuyến dưới hàm (15%), tuyến nước bọt phụ (10%), và tuyến dưới lưỡi chiếm dưới 1%[2]. Trong đó, tỉ lệ lành tính chiếm 80% ở khối u tuyến mang tai, 50% ở tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi, và 20% tuyến nước bọt phụ[2]. Như vậy, có thể nhớ rằng, đa phần các khối u tuyến nước bọt vùng hàm mặt xuất hiện ở tuyến mang tai và lành tính, nếu khối u nằm ở tuyến nước bọt khác thì tỉ lệ ác tính cao hơn.
Tỉ lệ sống 5 năm trở lên của ung thư tuyến nước bọt phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Trong đó, tỉ lệ sống giảm dần từ giai đoạn I đến giai đoạn IV, tương ứng 96%, 77%, 73% và 37%[2]. Vì vậy, phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm là yếu tố quan trọng trong tiên lượng.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể dẫn đến khối u tuyến nước bọt. Một số nghiên cứu cho thấy đột biến gen (MECT1-MAML2, HER2, EGFR,…) có liên quan đến việc hình thành và tiến triển một số loại u tuyến nước bọt[3].
Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư tuyến nước bọt, cụ thể là:
Ung thư tuyến nước bọt có thể có hoặc không có triệu chứng, và thường được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ hoặc kiểm tra răng miệng. Bạn cần trao đổi với bác sĩ nếu có một trong các dấu hiệu sau đây[6]:
Hình 2. Khối u tuyến mang tai (a) và khối u tuyến dưới lưỡi (b) (nguồn: www.msdmanuals.com)
Ung thư tuyến nước bọt không lây truyền thông qua bất kỳ con đường nào.
Để chẩn đoán ung thư tuyến nước bọt, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ, đánh giá sức khoẻ chung, kiểm tra ngoài mặt, khoang miệng, hầu họng, và thanh quản. Các hạch bạch huyết (cục dưới da) ở cổ cũng được đánh giá, vì đây là dấu hiệu lan rộng của ung thư. Hơn nữa, nếu có dấu hiệu tê hoặc yếu trên khuôn mặt, một số xét nghiệm khác cũng cần thiết để đánh giá sự tổn thương thần kinh.
Một số xét nghiệm sau đây có thể được sử dụng để chẩn đoán ung thư tuyến nước bọt:
Ung thư tuyến nước bọt thường được chữa khỏi, đặc biệt nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy sự tái phát của ung thư tuyến nước bọt có liên quan mật thiết đến giai đoạn bệnh, và tỉ lệ tái phát cao lên đến 37% đối với ung thư phát hiện ở giai đoạn trễ (giai đoạn III, IV)[7]. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm, điều trị sớm của ung thư tuyến nước bọt để đạt được kết quả điều trị khả quan nhất.
Mặc dù mục tiêu chính của điều trị là chữa khỏi ung thư, việc bảo tồn chức năng của các dây thần kinh, cơ quan và mô lân cận cũng rất quan trọng. Việc lựa chọn phương pháp điều trị được cân nhắc trên nhiều yếu tố lâm sàng và bệnh học. Và cũng như điều trị các loại ung thư khác, đây là sự kết hợp của nhiều chuyên khoa và mô thức khác nhau, dựa trên các phương pháp chính là phẫu thuật, kết hợp thêm liệu pháp bổ trợ như xạ trị hoặc hóa trị.
Là phương pháp điều trị chính cho ung thư tuyến nước bọt.
Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ một cách tối ưu khối ung thư kèm với mô khỏe mạnh xung quanh, gọi là rìa cắt an toàn, để đảm bảo không còn tế bào ung thư sót lại sau phẫu thuật. Ung thư có thể cắt bỏ hoàn toàn hay không phụ thuộc vào mức độ phát triển và xâm lấn của nó với các cấu trúc lân cận. Nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, hoặc ung thư hoạt động mạnh có khả năng phát triển và lan rộng nhanh chóng, phẫu thuật cắt bỏ khối u có thể kết hợp nạo hạch cổ để ngăn ngừa di căn.
Phẫu thuật có những biến chứng đáng kể, đặc biệt nếu ung thư nằm ở gần các cấu trúc giải phẫu quan trọng như mạch máu, dây thần kinh,… Các biến chứng có thể kể đến như sưng, gây khó thở và khó nuốt; thần kinh mặt có thể bị ảnh hưởng tạm thời hoặc vĩnh viễn; tình trạng khuyết hổng hoặc sự bất cân xứng và thẩm mỹ khuôn mặt sau phẫu thuật có thể cần phải giải quyết bằng phẫu thuật tái tạo thẩm mỹ hoặc phục hình hàm mặt.
Từ năm 1974, phương pháp điều trị ung thư tuyến nước bọt không chỉ đơn thuần phẫu thuật mà dần chuyển sang hướng kết hợp phẫu thuật với xạ trị hoặc hóa trị[8]. Một số loại ung thư tuyến nước bọt có tỉ lệ sống cao hơn khi kết hợp phẫu thuật và xạ trị hơn là phẫu thuật đơn thuần[9]. Vì vậy, việc quyết định phương pháp điều trị nào còn phụ thuộc vào phân loại và giai đoạn bệnh.
Xạ trị sử dụng tia X hoặc hạt nhân có năng lượng cao để tiêu diệt và làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Liệu pháp xạ trị được sử dụng khi:
Hóa trị là liệu pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách truyền vào tĩnh mạch hoặc bằng đường uống. Thuốc hóa trị khi vào máu sẽ tác động đến tất cả các khu vực của cơ thể, chính vì vậy phương pháp điều trị này hữu ích đối với các bệnh ung thư đã di căn ra khỏi đầu và cổ.
Tuy nhiên, hóa trị liệu không là lựa chọn hàng đầu để điều trị ung thư tuyến nước bọt, trừ khi ung thư đã di căn đến các cơ quan ở xa hoặc trong trường hợp không thể kiểm soát được bằng phẫu thuật và xạ trị. Hóa chất có chức năng thu nhỏ các khối u, nhưng nó không có khả năng chữa khỏi loại ung thư này. Một số loại thuốc hóa học giúp làm cho các tế bào ung thư dễ dàng bị tiêu diệt bởi bức xạ, và được dùng cùng với xạ trị (gọi là hóa trị liệu) để ngăn chặn ung thư tuyến nước bọt có nguy cơ tái phát cao sau phẫu thuật.
Tác dụng phụ của hóa trị liệu có thể bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, khô miệng, chán ăn do sự thay đổi vị giác, suy yếu hệ thống miễn dịch, tiêu chảy hoặc táo bón, và vết loét trong miệng. Vết loét trong miệng, cùng với suy giảm khả năng miễn dịch, có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Như đã trình bày ở phần trên, nguyên nhân gây ra ung thư tuyến nước bọt chưa được hiểu chính xác, nên mục đích phòng ngừa là hạn chế các yếu tố nguy cơ để giảm nhẹ khả năng phát triển ung thư.
Một số yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu có liên quan mật thiết đến sự phát triển một số loại ung thư[9]. Tuy chưa có bằng chứng chặt chẽ cho thấy mối liên quan giữa thuốc lá và rượu bia với ung thư tuyến nước bọt, việc hạn chế thuốc lá và rượu bia sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác phổ biến hơn.
Đối với những người làm việc trong một số ngành công nghiệp liên quan đến tăng nguy cơ ung thư tuyến nước bọt, thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân có thể giúp giảm nguy cơ.
Ung thư tuyến nước bọt là một dạng hiếm của ung thư đầu cổ, với nhiều phân loại phụ thuộc vào nguồn gốc tế bào u. Phần lớn ung thư tuyến nước bọt xuất hiện ở tuyến mang tai, và thường lành tính. Nếu xuất hiện ở các tuyến nước bọt khác thì tỉ lệ ác tính cao hơn.
Nguyên nhân gây ung thư tuyến nước bọt vẫn chưa được làm sáng tỏ. Một số yếu tố nguy cơ như nam giới, trên 70 tuổi, tiếp xúc bức xạ, nghề nghiệp liên quan kim loại, khoáng chất, và chế độ ăn. Ung thư tuyến nước bọt không lây truyền thông qua bất kỳ con đường nào. Đánh giá lâm sàng và phối hợp nhiều xét nghiệm là cần thiết để chẩn đoán xác định.
Điều trị chủ yếu là phẫu thuật, có thể kết hợp xạ trị và hoá trị, phụ thuộc vào phân loại và giai đoạn bệnh. Phương pháp điều trị nào cũng có các biến chứng đi kèm.
Phòng ngừa ung thư tuyến nước bọt chủ yếu là hạn chế các yếu tố nguy cơ. Đồng thời, việc phát hiện sớm có ý nghĩa tiên quyết giúp điều trị hiệu quả hơn và hạn chế nguy cơ tái phát.
Chịu trách nhiệm nội dung: BS. Trần Minh Cường, Khoa Răng hàm mặt, Đại Học Y Nha Tokyo, Nhật Bản – Cộng tác viên ban Y học Ruy Băng Tím
Cố vấn khoa học:
TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, Hoa Kỳ. Cố vấn khoa học RBT.
BS. Nguyễn Thị Kim Thương, Bác sĩ Y học cổ truyền. Ban Y học RBT.
ThS. BS. Đặng Thị Lương, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Da liễu trung ương. Ban Y học RBT.
Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 15/06/2020
TÀI LIỆU THAM KHẢO