Hẹp bao quy đầu là tình trạng thường gặp ở trẻ em, một số có thể gặp ở nam giới tuổi trưởng thành. Tình trạng này có thể tự khỏi trong vài năm đầu đời, tuy nhiên nhiều trường hợp hẹp quy đầu không được theo dõi và xử lý kịp thời gây ra tình trạng viêm nhiễm, chít hẹp và thậm chí gây nguy cơ ung thư dương vật.
1. Hẹp bao quy đầu là gì?
Hẹp bao quy đầu là hiện tượng da vùng quy đầu dương vật không kéo xuống được ngay cả khi dương vật ở trạng thái bình thường hoặc cương cứng.
Phần lớn trẻ nam sinh ra đều bị hẹp bao quy đầu – hiện tượng này được gọi là hẹp bao quy đầu sinh lí, lúc này da quy đầu che phủ và dính chặt vào quy đầu nhằm bảo vệ bộ phận sinh dục cho trẻ. Tuy nhiên, tình trạng hẹp tạm thời này sẽ biến mất khi trẻ lớn lên, da quy đầu sẽ tuột xuống được và để lộ quy đầu. Nếu khi trẻ lớn hơn 10 tuổi mà bao quy đầu vẫn chưa tuột xuống được thì phải can thiệp xử lý bao quy đầu.
Hẹp bao quy đầu bệnh lý ít gặp hơn, thường gặp ở người trưởng thành và là tình trạng hẹp thực sự do sự xơ dính bao quy đầu. Tình trạng này có thể do bẩm sinh, viêm nhiễm hoặc một số bệnh lý tại vùng bao quy đầu gây ra.
2. Dấu hiệu nhận biết hẹp bao quy đầu
Khi có các triệu chứng nghi ngờ hẹp bao quy đầu, nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tìm phương án giải quyết hợp lý nhất.
- Đối với trẻ em
+ Bao quy đầu bị chít hẹp, bó chặt lấy đầu dương vật.
+ Không thể tuột hoặc khó khăn khi tuột bao quy đầu cho trẻ để vệ sinh.
+ Trẻ bị khó khăn khi đi tiểu, bí tiểu, tiểu đau, dòng tiểu yếu.
+ Trẻ quấy khóc, kêu đau mỗi lần đi tiểu
- Đối với người trưởng thành
+ Bao quy đầu bó chặt, chít hẹp phần quy đầu dù dương vật ở trạng thái bình thường hay cương cứng.
+ Không tuột được bao quy đầu hoặc khó tuột bao quy đầu, nếu cố tuột có thể bị sưng tấy, chảy máu
+ Tiểu rắt, tiểu khó, tiểu ngắt quãng, lỗ tiểu nhỏ, dòng tiểu yếu.
+ Bí tiểu, bao quy đầu phồng lên khi tiểu.
3. Hẹp bao quy đầu và nguy cơ ung thư dương vật ở nam giới?
Ung thư dương vật là gì?
Ung thư dương vật (Penile cancer) là sự phát triển không kiểm soát của các tế bào ở dương vật – cơ quan sinh dục nam giới. Độ tuổi thường gặp từ 50 – 70 tuổi. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, năm 2020 ước tính sẽ có 2.200 trường hợp chẩn đoán ung thư dương vật và 440 người tử vong do ung thư dương vật ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên đối với một số quốc gia ở Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ (đặc biệt là các nước đang phát triển) tỉ lệ này có thể cao hơn (tỷ lệ mắc bệnh trong các báo cáo cao nhất lên tới 6% ung thư ở nam giới). Do đó, đây được xem như mối nguy hiểm đe dọa đối với sức khỏe nam giới [1],[2].
Nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm, bệnh thường có tiên lượng tốt. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là tâm lý lo ngại khi phải khám bộ phận sinh dục dẫn tới việc chẩn đoán và điều trị bị trì hoãn. Nhiều tổn thương ung thư dương vật được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, thậm chí xâm lấn và di căn nhiều cơ quan khác.
Hẹp bao quy đầu có liên quan đến ung thư dương vật?
Hẹp bao quy đầu được tìm thấy ở 25-75% bệnh nhân ung thư dương vật và đã được chứng minh là một trong những yếu tố nguy cơ thường gặp gây bệnh này, đặc biệt là ung thư tế bào gai [2],[5]. Nghiên cứu trên 217 bệnh nhân ung thư dương vật cho thấy có tới 76% bệnh nhân có hẹp bao quy đầu trong khi đó ở nhóm đối chứng (197 người không bị) chỉ có 5% hẹp bao quy đầu [6].
Hẹp bao quy đầu dẫn đến tình trạng vệ sinh kém, gây viêm dai dẳng và dễ tích tụ chất “Smegma” – một chất được tạo ra do sự tác động của vi khuẩn, các tế bào, chất tiết vùng quy đầu và được cho rằng có liên có liên quan đến sự phát triển của ung thư dương vật trong một số nghiên cứu [3]. Tình trạng viêm nhiễm dai dẳng và vệ sinh kém cũng được chứng minh là yếu tố tăng nguy cơ ung thư dương vật trên cả những người có bao quy đầu hẹp và người có bao quy đầu bình thường [5].
Hẹp bao quy đầu bệnh lý người trưởng thành do viêm mạn tính, bệnh lý lichen xơ teo, sẹo cũ bao quy đầu…được xem là nguy cơ cao đối với ung thư dương vật. Các nghiên cứu cho thấy 25-50% bệnh nhân ung thư dương vật có tiền sử lichen xơ teo, làm tăng nguy cơ ung thư tế bào gai ở dương vật lên 2-15%. Trên nhóm bệnh nhân viêm quy đầu – bao quy đầu cũng cho thấy tỷ lệ ung thư dương vật cao hơn nhiều (45%) so với ở nhóm không viêm (8%) [2].
4. Thủ thuật cắt bao quy đầu có nên được thực hiện?
Cắt bao quy đầu cũng được cho là biện pháp điều trị và dự phòng hẹp bao quy đầu, giảm tình trạng viêm mãn tính, cải thiện tình trạng vệ sinh vùng sinh dục và giảm nguy cơ lây truyền virus HPV, HIV, do đó giảm nguy cơ ung thư dương vật.
Ở người lớn, cắt bao quy đầu còn được cho là phương pháp điều trị dự phòng ung thư biểu tế bào gai ở dương vật ở những người có nguy cơ cao như: hẹp thắt bao quy đầu, viêm mạn tính, lichen xơ teo, sẹo bao quy đầu…
Ở người Do Thái – nơi có tỉ lệ cắt bao quy đầu cho trẻ em đạt gần 100% cho thấy có tỉ lệ ung thư dương vật thấp nhất thế giới [3]. Nghiên cứu kéo dài (1940-1990) trên các bệnh nhân ung thư dương vật cho thấy ở 50.000 trường hợp chỉ có 10 nam giới được cắt bao quy đầu sớm ở tuổi sơ sinh [4]. Một nghiên cứu khác trên 110 bệnh nhân ung thư dương vật cho thấy tỷ lệ tăng gấp 3,2 lần ở những người không cắt bao quy đầu và gấp 3 lần ở những người cắt bao quy đầu ở độ tuổi sau sơ sinh [7].
Rõ ràng cắt bao quy đầu đã được chứng minh có tác dụng bảo vệ nam giới trước nguy cơ ung thư dương vật. Tuy nhiên việc thực hiện cắt bao quy đầu thường quy cho tất cả trẻ nam vẫn còn gây nhiều tranh cãi vì lo ngại gây ra những tác động đến chức năng và cảm giác ở vùng sinh dục. Do đó việc quyết định cắt bao quy đầu nên được thăm khám và quyết định từ bác sĩ.
5. Làm gì khi bị hẹp bao quy đầu ?
- Hẹp bao quy đầu ở trẻ em nếu không gây ra triệu chứng gì thì có thể không cần điều trị, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu tình trạng hẹp của trẻ không cải thiện khi trẻ lớn lên hoặc trẻ gặp khó khăn khi đi tiểu và vệ sinh, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ và xem xét hướng giải quyết.
- Ở trẻ lớn và người trưởng thành: Nếu hẹp bao quy đầu gây viêm nhiễm thường xuyên, gặp khó khăn khi đi tiểu và ảnh hưởng đến quan hệ tình dục, người bệnh có thể đến gặp bác sĩ để tư vấn tiến hành phẫu thuật cắt bao quy đầu. Đặc biệt các trường hợp hẹp bao quy đầu do sẹo xơ và các bệnh lý nên được điều trị sớm để giảm nguy cơ ung thư dương vật.
Kết luận
Hẹp bao quy đầu là tình trạng thường gặp ở trẻ, có thể hết khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên nếu hẹp bao quy đầu bệnh lý hoặc tồn tại khi trẻ trên 10 tuổi, cần được khám và xử lý tại bác sĩ chuyên khoa nhằm hạn chế nguy cơ ung thư dương vật cũng như các nguy cơ khác như viêm nhiễm, chít hẹp.
Một số biện pháp làm giảm nguy cơ ung thư dương vật cho nam giới được khuyến cáo:
+ Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, tránh tích tụ chất “smegma” gây tình trạng viêm nhiễm.
+ Điều trị sớm các bệnh lý và chấn thương ở sinh dục nhằm giảm nguy cơ viêm mạn tính, tạo sẹo tại vùng quy đầu, bao quy đầu.
+ Giảm nguy cơ mắc bệnh lý lây truyền qua đường tình dục đặc biệt là virus Human papillomavirus (HPV) – một trong những tác nhân gây ung thư dương vật đã được chứng minh.
+ Duy trì lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, giữ cân nặng trung bình lý tưởng.
+ Khắc phục tâm lý e ngại và gặp bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện các bất thường ở cơ quan sinh dục.
Chịu trách nhiệm nội dung: ThS.BS. Đặng Thị Lương, Đại học Y Hà Nội – Bệnh viện Da liễu Trung ương
Góp ý nội dung: ThS.BS. Nguyễn Trương Đức Hoàng, Đại học Hiroshima, Nhật Bản
Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 21/03/2020
Tài liệu tham khảo
- American Society of Clinical Oncology. Penile Cancer: Risk Factors and Prevention. 8/2017. Accessed at www.cancer.net/cancer-types/penile-cancer/risk-factors-and-prevention on May 24, 2018.
- Antoin Douglawi and Timothy A. Masterson. Updates on the epidemiology and risk factors for penile cancer. Transl Androl Urol 2017;6(5):785-790
- Sanjeev Misra, Arun Chaturvedi, and Naresh C Misra. Penile carcinoma: a challenge for the developing world. THE LANCET Oncology Vol 5 April 2004
- Schoen EJ. The relationship between circumcision and cancer of the penis. CA Cancer J Clin 1991;41:306-9.
- Daling JR et al. Penile cancer: importance of circumcision, human papillomavirus and smoking in in situ and invasive disease. Int J Cancer 2005; 116(4):606–616
- Hellberg D, Valentin J, Eklund T, et al. (1987) Penile cancer: is there an epidemiological role for smoking and sexual behaviour? Br Med J 295: 1306–1308.
- Maden C, Sherman KJ, Beckmann AM, et al. (1993) History of circumcision, medical conditions, and sexual activity and risk of penile cancer. J Natl Cancer Inst 85: 19–24.