Mỗi ngày, cơ thể của chúng ta sản sinh ra hàng tỷ tế bào máu mới, và phần lớn là hồng cầu (xem thêm bài Ung thư máu: Những điều cần biết). Khi bị bệnh bạch cầu, cơ thể sẽ tạo ra nhiều bạch cầu hơn nhu cầu bình thường của cơ thể. Các bạch cầu này lại không có khả năng chống xâm nhiễm như bạch cầu khỏe mạnh. Theo thời gian, lượng lớn các bạch cầu bất thường này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan khác, cũng như gây ra sự thiếu hụt các tế bào máu khỏe mạnh trong cơ thể (Hình 1). Điều này làm rối loạn các chức năng như là vận chuyển oxy của hồng cầu, đông máu của tiểu cầu hay chức năng miễn dịch của bạch cầu [1].
Hình 1: Bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu được phân loại dựa vào sự bất thường của tế bào lympho hay tế bào dòng tủy và sự phát triển nhanh (cấp tính) hay chậm (mãn tính) của bệnh (Hình 2). Bệnh cấp tính xảy ra khi hầu hết các bạch cầu đều bị bất thường và không thực hiện được chức năng, vì vậy, có thể gây tử vong trong vòng vài tháng. Trong khi đó, đối với bệnh mãn tính, một phần các bạch cầu bị bất thường trong khi phần còn lại vẫn duy trì được chức năng, nên bệnh phát triển và gây tử vong chậm hơn. Một số loại bệnh bạch cầu mãn tính không biểu hiện triệu chứng và ổn định trong nhiều năm, không cần phải điều trị. Tuy nhiên, với một số khác, cần phải điều trị vì cơ thể không sản xuất đủ các tế bào máu khỏe mạnh hoặc các tế bào ung thư xâm lấn sang các cơ quan khác [1-4].
Hình 2: Phân loại bệnh bạch cầu
Ngoài 4 loại phổ biến nhất ở trên, còn có nhiều loại bệnh bạch cầu hiếm gặp khác như bệnh bạch cầu mãn tính dòng bạch cầu trung tính (Chronic neutrophilic leukemia – CNL), bạch cầu ưa acid (Chronic eosinophilic leukemia), u tế bào tua dạng tương bào (Blastic plasmacytoid dendritic cell neoplasm), v.v. [3].
DNA là vật liệu di truyền trong tế bào, chứa các đơn vị chức năng gọi là gene, điều khiển chức năng và hoạt động của tế bào. Các đột biến DNA trong tế bào tủy xương làm cho các gene sinh ung thư (oncogene) hoạt động vượt mức bình thường, còn các gene ức chế u (tumor suppressor) lại giảm hoạt động. Từ đó dẫn đến việc tăng sinh không kiểm soát của các tế bào, gây ra ung thư. Các biến đổi có thể xảy ra ở một hoặc một vài điểm trên DNA, nhưng cũng có thể là sự thay đổi vị trí (hoán vị – translocation) của cả một hoặc một vài đoạn lớn DNA. Các đột biến này không phải do di truyền, mà tích lũy trong quá trình sống của chúng ta. Vì vậy, tỉ lệ bệnh ở người già thường cao hơn ở người trẻ [2, 4].
Một số bệnh nhân mang DNA đột biến được di truyền trực tiếp từ bố mẹ, thường gặp ở bệnh bạch cầu cấp tính [4].
Đến thời điểm hiện tại chưa có biện pháp cụ thể để phòng tránh hầu hết các bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, chúng ta có thể hạn chế tiếp xúc với các bức xạ và hóa chất độc hại, không hút thuốc để giảm được phần nào các nguy cơ gây bệnh [1, 4].
Hầu hết các triệu chứng của bệnh bạch cầu là do sự thiếu hụt các tế bào máu khỏe mạnh trong cơ thể do bị các tế bào bạch cầu ung thư lấn át. Các triệu chứng thường gặp như da nhợt nhạt, chóng mặt, thở gấp do thiếu hụt lượng hồng cầu, xuất hiện các vết thâm tím hoặc nốt đỏ/tím trên da, chảy máu cam, chảy máu nướu răng, rong kinh ở phụ nữ do giảm tiểu cầu, nhiễm trùng không dứt hoặc tái phát nhiều lần do thiếu hụt bạch cầu khỏe mạnh gây suy giảm miễn dịch.
Ngoài ra, bệnh nhân thường có các triệu chứng không chuyên biệt như mệt mỏi, suy nhược, sốt, sụt cân, đổ mồ hôi về đêm, ăn không thấy ngon, đau đầu, buồn ngủ, nổi hạch, đau xương v.v.
Việc phát hiện các bệnh ung thư ở giai đoạn sớm sẽ dễ dàng điều trị hơn rất nhiều so với các giai đoạn sau. Tuy nhiên, hiện tại chưa có phương pháp chuyên biệt để phát hiện sớm bệnh bạch cầu. Do đó, mọi người cần phải báo sớm cho bác sĩ về các triệu chứng của bản thân để được chẩn đoán kịp thời (xem phần triệu chứng thường gặp ở bệnh bạch cầu). Bệnh bạch cầu có thể được chẩn đoán qua thử máu, sinh thiết tủy, lấy dịch tủy sống, hoặc kiểm tra hình ảnh như chụp CT, MRI và PET.
Điều trị bệnh bạch cầu cần dựa vào loại bệnh, mức độ phát triển của bệnh và sức khỏe của người bệnh. Các lựa chọn điều trị chính hiện nay gồm có:
Tác giả: Ths. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nghiên cứu sinh – ĐH Tsukuba, Nhật Bản, cộng tác viên ban Khoa học, Ruy Băng Tím
Cố vấn nội dung:
TS. Trịnh Vạn Ngữ, Viện Khoa học Y sinh SoonChunHyang, ĐH SoonChunHyang, Hàn Quốc
Bs. Nguyễn Thị Kim Thương, Ban Y học Ruy Băng Tím
TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, Hoa Kỳ
Lần cuối chỉnh sửa nội dung: 30/12/2020
Tài liệu tham khảo
Thạc sĩ Công nghệ sinh học. Nghiên cứu sinh ngành Y sinh, ĐH Tsukuba, Nhật Bản