Tin đồn & Sự thậtNọc độc ong mật trị ung thư - Đúng hay sai?

Nọc độc ong mật trị ung thư – Đúng hay sai?

Đầu tháng 9/2020 một nghiên cứu tại đại học Tây Úc (The University of Western Australia) được công bố trên tạp chí Precision Oncology – nhà xuất bản Nature, chứng minh nọc độc ong mật có khả năng tiêu diệt hiệu quả tế bào ung thư vú nuôi cấy in vitro và giảm khối u trên chuột [1]. Cùng với những nghiên cứu trước đó, cho thấy nọc độc ong mật và thành phần của nó có nhiều tiềm năng cho việc phát triển thành thuốc điều trị ung thư. 

Vậy nọc độc ong mật là gì và khả năng điều trị ung thư như thế nào?

1. Giới thiệu

Ong mật châu Âu ( Có tên khoa học là Apis mellifera) là nguồn gốc của nhiều sản phẩm sử dụng trong y học trên người hàng ngàn năm nay chẳng hạn như mật ong, keo ong, nọc độc của ong… với nhiều công dụng khác nhau như giảm đau, giảm ho, làm lành vết thương, kháng khuẩn, chống oxy hóa, giảm khô mắt, đục thủy tinh thể… và kể cả ức chế tế bào ung thư [2,3]. Tuy nhiên, cơ chế liên quan đến hoạt tính chống ung thư của nọc độc ong vẫn chưa được hiểu rõ, đặc biệt là trong ung thư vú, bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới. 

Việc hiểu cơ sở phân tử và tính đặc hiệu của nọc độc ong chống lại các tế bào ung thư là chìa khóa để phát triển và tối ưu hóa các phương pháp điều trị mới từ một sản phẩm tự nhiên được phổ biến rộng rãi và giúp tiết kiệm chi phí sản xuất ở nhiều cộng đồng trên thế giới.

Thành phần hoạt tính của nọc ong mật là melittin, chiếm 40% đến 50% trọng lượng khô nọc ong mật. Melittin là một peptide cấu tạo từ 26 axit amin, tích điện dương và có cả phần ưa nước và kỵ nước, do đó nó có thể liên kết với các phospholipid của màng tế bào và có thể gây chết tế bào bằng cách hình thành các lỗ xuyên màng có đường kính nhỏ khoảng 4,4 nm (hình 1); và nhờ đó cũng có thể cho phép các phân tử nhỏ khác mang các thuốc gây độc tế bào ung thư.

nọc độc ong mật trị ung thư

Hình 1. Sự hình thành các lỗ trên màng và phá huỷ màng tế bào của melittin [4]

2. Các kết quả nghiên cứu trước cho thấy nọc ong mật và melittin có hiệu quả trên nhiều loại tế bào ung thư khác nhau:

Nhiều nghiên cứu cho thấy melittin có hiệu quả ức chế nhiều loại tế bào ung thư khác như: ung thư phổi không tế bào nhỏ, u nguyên bào thần kinh đệm, ung thư bạch cầu, ung thư buồng trứng, cổ tử cung và ung thư tuyến tụy [1,4].  Trên tế bào ung thư vú,  một số nghiên cứu đã chứng minh cả nọc độc ong mật và melittin có tác dụng gây ra chết tế bào apoptosis ở tế bào ung thư vú MCF7, đồng thời làm giảm khả năng sống và di chuyển của tế bào trong tế bào ung thư vú MDA-MB-231. Nọc độc của ong mật làm giảm di căn của ung thư vú đến phổi, ức chế sự phát triển của khối u và kéo dài thời gian sống ở mô hình chuột có khối u ung thư biểu mô tuyến vú tự phát.

Bên cạnh đó các hạt nano melittin đã được sử dụng để ngăn chặn sự di căn gan thông qua việc điều hòa miễn dịch của các tế bào nội mô [5]. Tác dụng chống ung thư khi kết hợp giữa nọc ong mật và các thuốc điều trị ung thư khác cũng được nghiên cứu gồm có cisplatin trong ung thư cổ tử cung và ung thư thanh quản ác tính; hay kết hợp với docetaxel trong ung thư phổi [6-7]. 

Về cơ chế sinh học phân tử, phần lớn hoạt tính chống ung thư của nọc ong mật là do melittin ức chế tế bào ung thư thông qua các con đường tín hiệu khác nhau như PI3K/ Akt / mTOR trong ung thư vú; MAPK trong ung thư da melanoma; JAK2 / STAT3 trong ung thư buồng trứng và con đường tín hiệu NFκB trong ung thư biểu mô phổi. Trái ngược với nọc độc của ong mật, nọc ong vò vẽ ( Bombus terrestris ) không chứa melittin, nhưng chứa phospholipase A2, gây ra quá trình chết tế bào apoptosis bằng cách ức chế quá trình phosphoryl hóa Akt trong tế bào ung thư bạch cầu dòng tủy mãn tính[1].

3. Nghiên cứu mới cho thấy hiệu quả của nọc ong mật và melittin trên tế bào ung thư vú ác tính [1]

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tập trung làm rõ khả năng của nọc ong mật và mellitin trên các phân nhóm tế bào ung thư vú khác nhau. 

Nhóm nghiên cứu thu thập nọc của ong thợ từ các loài ong khác nhau: như ong mật và ong vò vẽ đuôi trâu từ 3 nơi khác nhau là Úc, Ireland và Anh. Tổng có 312 nọc độc khác nhau được thu thập cho nghiên cứu và thử nghiệm trên nhiều phân nhóm tế bào khác nhau như tế bào ung thư vú ác tính bộ ba âm tính (TNBC), tế bào ác tính biểu hiện cao HER2, tế bào ung thư vú luminal và tế bào tuyến vú bình thường, tế bào biểu mô bình thường ( hình 2).

Ghi chú: ung thư vú ác tính bộ ba âm tính (TNBC) là loại ung thư vú không biểu hiện các thụ thể hormone Estrogen, Progesterone và HER2. Ung thư vú âm tính ba khó điều trị hơn rất nhiều so với các loại ung thư vú có biểu hiện thụ thể hormone hay dương tính HER2.

nọc độc ong mật trị ung thư
Hình 2. Sơ đồ thí nghiệm tiến hành trong nghiên cứu và kết quả cho thấy nọc độc và melittin phá huỷ màng của tế bào ung thư

Nghiên cứu cho thấy nọc độc của ong mật và melittin có khả năng ức chế và gây chết tế bào ung thư vú; cũng như phá huỷ màng của tế bào ung thư (hình 2). Cụ thể melittin gây chết tế bào ung thư TNBC  SUM159 trong vòng 60 phút với tỉ lệ 23,6%, nọc độc ong mật (8,3%) và mẫu đối chứng (4,8%) , đặc biệt hơn là nó có chọn lọc cao trong ung thư biểu mô vú TNBC và tế bào biểu hiện cao HER2 mà ít tác động đáng kể đến các tế bào bình thường.

Kết quả trên các dòng tế bào ung thư ở chuột cũng tương tự, các tế bào ác tính bị ảnh hưởng nhiều hơn so với tế bào thường. Trong khi đó nọc từ ong vò vẽ cho hiệu quả không đáng kể.

Nghiên cứu cho thấy melittin can thiệp vào các con đường tín hiệu liên quan đến RTK phụ thuộc vào yếu tố tăng trưởng liên quan đến phosphoryl hóa thụ thể và kích hoạt tín hiệu PI3K/Akt. 

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy việc kết hợp melittin với thuốc điều trị như docetaxel làm tăng hiệu quả thuốc so với sử dụng đơn lẻ docetaxel hay melittin trên cả mô hình tế bào nuôi cấy invitro (hình 3a) và việc kết hợp cũng cho thấy giảm rõ rệt sự phát triển của khối u trên mô hình chuột bị ung thư vú (hình 3b).

nọc độc ong mật trị ung thư
Hình 3. Hiệu quả khi kết hợp nọc độc và melittin với thuốc Docetaxel

4. Tổng kết

Nọc độc ong mật là một sản phẩm tự nhiên dễ dàng thu nhận được, melittin cũng là một hợp chất có thể tổng hợp được ở thời điểm hiện tại, do đó nếu có hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư thì khả năng phát triển thành thuốc sẽ thuận lợi. 

Tuy hiên, ở cả nghiên cứu này và những nghiên cứu trước chỉ đang ở mức thử nghiệm trên tế bào ung thư nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên chuột với các kết quả thành công còn hạn chế. Do vậy, phương pháp này cần thời gian dài để hoàn thiện nghiên cứu, tăng hiệu quả tiêu diệt khối u trước khi được thử nghiệm lâm sàng để có thể phát triển thành sản phẩm thuốc điều trị ung thư trên người.

Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 15/09/2020

Tài liệu tham khảo

  1. Honeybee venom and melittin suppress growth factor receptor activation in HER2-enriched and triple-negative breast cancer;  npj Precision Oncology volume 4, 24 (2020); Ciara Duffy, Anabel Sorolla, Edina Wang, Emily Golden, Eleanor Woodward, Kathleen Davern, Diwei Ho, Elizabeth Johnstone, Kevin Pfleger, Andrew Redfern, K. Swaminathan Iyer, Boris Baer & Pilar Blancafort.
  2.  Review on Medicinal Value of Honeybee Products : Apitherapy;  Advances in Biological Research 10 (4): 236-247, 2016; Bakalo Basa, Wendimagegnehu Belay, Alebachew Tilahun and Ayichew Teshale
  3. Honeybee Products Uses, Benefits & Dosage – Drugs.com 9.6.2020, https://www.drugs.com/npp/honey.html..
  4.  Melittin, a major peptide component of bee venom, and its conjugates in cancer therapy; Cancer Lett. 2017 Aug 28; 402: 16–31; Islam Rady, Imtiaz A. Siddiqui, Mohamad Rady, and Hasan Mukhtar
  5. Immune modulation of liver sinusoidal endothelial cells by melittin nanoparticles suppresses liver metastasis;Nature Communications volume 10, 574 (2019) ; Xiang Yu, Lu Chen, Jianqiao Liu, Bolei Dai, Guoqiang Xu, Guanxin Shen, Qingming Luo & Zhihong Zhang
  6. Combined antitumor effects of bee venom and cisplatin on human cervical and laryngeal carcinoma cells and their drug resistant sublines; J. Appl. Toxicol. 2014; 34: 1332–1341; Goran Gajski  Tamara Čimbora‐Zovko  Sanjica Rak  Marko Rožman  Maja Osmak  Vera Garaj‐Vrhovac
  7. Cancer Cell Growth Inhibitory Effect of Bee Venom via Increase of Death Receptor 3 Expression and Inactivation of NF-kappa B in NSCLC Cells; Toxins (Basel). 2014 Aug; 6(8): 2210–2228; Kyung Eun Choi, Chul Ju Hwang, Sun Mi Gu, Mi Hee Park, Joo Hwan Kim, Joo Ho Park, Young Jin Ahn, Ji Young Kim, Min Jong Song, Ho Sueb Song, Sang-Bae Han, and Jin Tae Hong

Tác giả và chuyên gia

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm