Giải thích thuật ngữ:
Hóa trị trước khi phẫu thuật: hóa trị tân hỗ trợ
Hóa trị sau phẫu thuật: hóa trị hỗ trợ
Vi môi trường giúp khối u di căn: dịch từ “tumor microenvironment of metastasis”, sẽ dùng từ viết tắt TMEM cho toàn bài
Một nghiên cứu mới được tiến hành chủ yếu ở chuột cho rằng hóa trị trước khi phẫu thuật ung thư vú có thể gây ra những biến đổi trong tế bào và xung quanh khối u có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng xác định được một liệu pháp thực nghiệm có khả năng làm giảm nguy cơ này.
Nghiên cứu trên mô hình ung thư vú ở chuột, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại thuốc hóa trị thường được sử dụng để điều trị ung thư vú làm tăng số lượng các cấu trúc vi thể trong khối u vú gọi là vi môi trường giúp khối u di căn (tumor microenvironment of metastasis – TMEM) cũng như số lượng các tế bào ung thư ở trong máu. TMEM hoạt động như những cánh cổng giúp các tế bào ung thư xâm lấn thoát khỏi khối u và di chuyển vào máu – đây là một bước quan trọng trong tiến trình di căn của ung thư.
(Các phát hiện mới này được xuất bản vào ngày 5 tháng 7 trong tạp chí chuyên nghành: Science Translational Medicine.)
Tiến sĩ Kent Hunter và Tiến sĩ Stanley Lipkowitz thuộc Trung tâm nghiên cứu Ung thư của Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ là những người không tham gia trong nhóm nghiên cứu kể trên cho rằng những phát hiện này rất thú vị và quan trọng đối với bệnh nhân ung thư nhưng họ cảnh báo cần phải nghiên cứu thêm để chứng minh được mối liên quan chặt chẽ hơn giữa những thay đổi do hóa trị liệu trong TMEM và kết cục của bệnh nhân. Một số báo cáo về những phát hiện này đã làm tăng mối quan tâm của bệnh nhân và người nhà. Tuy nhiên, bác sĩ Lipkowitz, người đứng đầu Nhánh nghiên cứu bệnh lý ác tính ở phụ nữ tại Trung tâm nghiên cứu ung thư đã nhấn mạnh “nhiều nghiên cứu lâm sàng đã so sánh hóa trị trước (hay còn gọi hóa trị tân hỗ trợ) cũng như sau phẫu thuật (hay còn gọi là hóa trị hỗ trợ) và không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy những bệnh nhân được hóa trị trước có kết cục tồi tệ hơn”.
Tiến sĩ Maja Oktay thuộc Đại học Y khoa Albert Einstein và Hệ thống Y tế Montefiore ở New York, một trong những tác giả đứng đầu của nghiên cứu đồng ý là cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để tìm hiểu làm thế nào để áp dụng những phát hiện này vào việc chăm sóc bệnh nhân và nhấn mạnh vai trò quan trọng của hóa trị trong việc điều trị ung thư vú. Tiến sĩ Oktay cho biết: “Có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy hóa trị có thể chữa khỏi bệnh nhân ung thư vú khu trú và kéo dài tuổi thọ ở những bệnh nhân bị di căn.”
Tử vong do ung thư vú chủ yếu là do di căn xa, là khi các tế bào ung thư từ khối u ban đầu hình thành các khối u ở những nơi khác trong cơ thể. Nghiên cứu trước đây của nhóm Einstein dẫn đầu bởi Tiến sĩ John Condeelis đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách mà ung thư vú di căn, bao gồm vai trò của các TMEM. Mỗi TMEM được tạo thành từ ba loại tế bào khác nhau tiếp xúc gần nhau trên thành mạch máu: tế bào nội mô (một loại tế bào lót thành mạch máu); tế bào miễn dịch đại thực bào và tế bào khối u sản sinh ra một lượng cao Mena, là một loại protein làm tăng khả năng xâm nhập của khối u vào các mạch máu và di căn.
Một nghiên cứu vào năm 2015 do Tiến sĩ Condeelis dẫn đầu đã theo dõi TMEM trên chuột. Nó cho thấy các đại thực bào trong TMEM làm nới lỏng sự kết nối chặt chẽ thông thường giữa các tế bào nội mô, mở cửa tạm thời trong thành mạch máu làm cho tế bào khối u có thể chui xuyên qua và đi vào mạch máu, dễ dàng lan đến các cơ quan khác của cơ thể. Trong một số nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu của nhóm Einstein và cộng sự đã cho thấy mối tương quan giữa số lượng các vị trí TMEM trong các mẫu khối u của bệnh nhân và nguy cơ di căn tăng ở ung thư vú có thụ thể estrogen (ER) dương tính và HER2 âm tính, đây là loại ung thư vú phổ biến nhất.
Một số nghiên cứu trên các mô hình động vật đã chỉ ra rằng thuốc hóa trị paclitaxel (Taxol) gây ra tổn thương mô, kích thích phản ứng viêm gây nên sự gia tăng mật độ của hai thành phần vi môi trường khối u cho di căn: các đại thực bào chuyên biệt và các tế bào nội mô tiền thân. Với những phát hiện từ những nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã quyết định điều tra liệu hóa trị có làm tăng sự hình thành TMEM trong khối u vú hay không.
Các thay đổi do hóa trị gây ra trong vi môi trường khối u cho di căn
Các nhà khoa học đã nghiên cứu với bốn mô hình chuột bị ung thư vú khác nhau trong các thí nghiệm do Tiến sĩ George Karagiannis dẫn dắt. Các mô hình được phát triển bắt chước các kịch bản lâm sàng trong đó hóa trị được điều trị trước khi phẫu thuật cho bệnh nhân mắc bệnh tiến triển tại chỗ để làm nhỏ lại khối u nguyên phát và giết chết các tế bào ung thư đã lan tới các hạch bạch huyết lân cận và xa hơn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra các khối u của chuột được điều trị với paclitaxel có TMEM từ 2 đến 3 lần so với những con chuột không dùng thuốc. Paclitaxel cũng làm tăng hoạt tính TMEM trong hai mô hình chuột so với chuột không được điều trị.
Tăng hoạt tính TMEM trong các khối u vú được biểu hiện bởi mật độ các đại thực bào lớn hơn tìm thấy trong TMEM, tăng khả năng thẩm thấu của các mạch máu ở các khối u và tăng biểu hiện một số dạng của protein Mena được thấy trong các tế bào ung thư xâm lấn. Ngoài ra, điều trị bằng paclitaxel tăng gấp đôi số lượng các tế bào khối u trong tuần hoàn và tăng vi di căn trong phổi của những con chuột được điều trị so với chuột không được điều trị.
Trong báo cáo của tiến sĩ Oktay và các đồng nghiệp, không chỉ Paclitaxel có khả làm tăng sự hình thành TMEM. Chuột được điều trị bằng hai loại thuốc hóa trị khác thường được dùng cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật ung thư vú là doxorubicin và cyclophosphamide cũng cho thấy có nhiều TMEM hình thành ở một số nơi, đồng thời làm tăng hoạt tính TMEM và nhiều tế bào khối u được tìm thấy trong hệ tuần hoàn hơn so với chuột không được điều trị.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã so sánh các mẫu sinh thiết trước đây thu thập được từ 20 phụ nữ bị ung thư vú với ER dương tính trước và sau khi điều trị bằng phác đồ tân hỗ trợ paclitaxel, doxorubicin và cyclophosphamide. Họ phát hiện ra hầu hết bệnh nhân cho thấy có sự gia tăng số lượng các vị trí TMEM sau khi hóa trị tân hỗ trợ, 5 trường hợp tăng hơn 5 lần TMEM và không thấy có trường hợp nào giảm sau khi hóa trị.
Tiến sĩ Oktay nói: “Sự liên quan đến lâm sàng của phát hiện này vẫn cần được xác định lại.
Ngăn chặn ảnh hưởng của hóa trị
Cuối cùng, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra một loại thuốc thử nghiệm có tên rebastinib có thể làm giảm tác dụng của paclitaxel đối với hoạt động trên TMEM. Rebastinib nhắm mục tiêu một thụ thể gọi là TIE2 trên bề mặt của một loại đại thực bào chuyên biệt tìm thấy trong TMEM. Trong hai mô hình chuột khác nhau, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rebastinib ngăn chặn sự gia tăng do paclitaxel trong cả hai khả năng thẩm thấu mạch máu và sự lan truyền của tế bào ung thư liên quan đến hoạt động của TMEM.
Tiến sĩ Hunter cho biết: “Nếu được khẳng định trong các nghiên cứu ở người thì những phát hiện của rebastinib cho thấy có thể có những thay đổi của liệu pháp tân hỗ trợ hiện tại có thể cải thiện kết cục (đối với một số bệnh nhân) và điều này có thể đạt được bằng cách ngăn chặn hoạt động của các cấu trúc TMEM ” .
Bước đầu tiên, bác sĩ Joseph Sparano, đồng tác giả của nghiên cứu và các đồng nghiệp của ông tại Trung tâm Y tế Einstein và Montefiore đang thực hiện nghiên cứu các bệnh nhân ung thư vú di căn có HER2 âm tính trong thử nghiệm lâm sàng pha đầu sẽ thử nghiệm sự an toàn của việc kết hợp rebastinib với paclitaxel hoặc eribulin (Halaven®), một loại thuốc có tác dụng tương tự như paclitaxel. Sau khi hoàn thành thử nghiệm này, nhóm nghiên cứu dự định sẽ bắt đầu các thử nghiệm ngẫu nhiên để kiểm tra hiệu quả của rebastinib được điều trị cùng với hóa trị trước phẫu thuật ở bệnh nhân có bệnh tiến triển tại chỗ hay di căn và nghiên cứu tác dụng của rebastinib đối với chức năng của TMEM.
Cần nhiều công việc hơn để xác định liệu những thay đổi trong TMEM có thể xác định được một nhóm con những bệnh nhân ung thư vú ở giai đoạn sớm trầm trọng hơn khi hóa trị trước phẫu thuật và để kiểm tra liệu thuốc có nhắm mục tiêu vào các vị trí TMEM có thể cải thiện kết cục lâu dài ở những bệnh nhân này, Tiến sĩ Lipkowitz nói.
Chứng minh việc bổ sung một loại thuốc ức chế sự hình thành TMEM hoặc chức năng của hóa trị tân hỗ trợ có cải thiện kết cục của bệnh nhân không đòi hỏi một thử nghiệm ngẫu nhiên lớn và có nhiều năm theo dõi. Tuy nhiên, các nghiên cứu tương tự ở các mô hình chuột, nơi các nhà nghiên cứu theo dõi các động vật tái phát hoặc tử vong do di căn có thể cung cấp thông tin quan trọng trong ngắn hạn, Tiến sĩ Lipkowitz nói.
Tiến sĩ Sparano nói: “Nhìn chung, những phát hiện của chúng ta đã khám phá ra một tác động trước đó không được biết của hóa trị và một chiến lược tiềm ẩn để đảo ngược nó.
Cuối cùng, Tiến sĩ Oktay nói: “Những phát hiện của chúng ta trong nghiên cứu này và những nghiên cứu khác của chúng ta có thể dẫn đến việc xét nghiệm được các dấu hiệu dự đoán và tiên đoán mới, bao gồm mật độ TMEM để xác định những bệnh nhân có nguy cơ tái phát ung thư. Nghiên cứu này cũng có thể dẫn đến cách tiếp cận điều trị hoàn toàn mới để phòng ngừa di căn là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh ung thư vú “.
Lời kết
Qua bài báo tổng kết các nghiên cứu mới trên thế giới, chúng ta không nên quá hoang mang liệu có nên hóa trị hay không, hóa trị có làm tăng nguy cơ di căn hay không vì Tiến sĩ Oktay cho biết: “Bằng chứng rõ ràng cho thấy hóa trị có thể chữa khỏi bệnh nhân ung thư vú khu trú và kéo dài tuổi thọ ở những bệnh nhân bị di căn.”, điều này đã có nhiều nghiên cứu chứng minh.
Xét về mặt logic chúng ta sẽ thấy hơi khó hiểu, điều đó cho thấy “thế giới ung thư” vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn, những phát hiện của các nhà nghiên cứu cũng chỉ giải thích tạm thời cho cơ chế “bí ẩn” của ung thư.
Nhìn chung, đây là dấu hiệu đáng mừng khi ngày qua ngày có rất nhiều các nghiên cứu được thực hiện trên thế giới, cho chúng ta hiểu sâu hơn về căn bệnh này, đưa ra những phương pháp điều tri ung thư an toàn và hiệu quả hơn. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân ung thư sẽ có cơ hội sống lâu hơn từ những tiến bộ này.
Mời xem thêm:
Vô sinh sau hóa trị ung thư, nguyên nhân và các phương pháp dự phòng
Thiết bị làm lạnh da đầu nhằm giảm rụng tóc trong quá trình hóa trị
Tế bào gốc cải biến đưa thuốc hóa trị vào các khối u di căn
Tại sao ung thư cần phải hóa trị?
Bài dịch từ “Study Uncovers Previously Unrecognized Effect of Chemotherapy” của Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ.
https://www.cancer.gov/news-events/cancer-currents-blog/2017/chemotherapy-effect-metastasis
Dịch và viết lời kết: BS Trần Hoàng Hiệp
Hiệu đính: TS Nguyễn Hồng Vũ