Chăm sóc giảm nhẹChăm sóc da sau hóa – xạ trị cho bệnh nhân ung...

Chăm sóc da sau hóa – xạ trị cho bệnh nhân ung thư

Hóa trị và xạ trị là một trong các biện pháp quan trọng điều trị ung thư hiện nay. Một số tổn thương da xuất hiện sau quá trình hóa, xạ trị gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chăm sóc da đúng cách trong quá trình điều trị có thể giảm tác dụng phụ trên da, cho phép làn da của bạn phục hồi nhanh hơn sau khi điều trị. Vậy, ta nên chăm sóc da sau hóa – xạ trị như thế nào?

1. Tổn thương da thường gặp sau hóa trị và xạ trị

Tùy vào phương pháp điều trị (các thuốc trong phác đồ hóa trị, liều và vị trí chiếu xạ…) biểu hiện tổn thương da có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng. Kích ứng và khô da là các tác dụng phụ khó chịu nhất được nhiều người bệnh phản ánh, các triệu chứng này thậm chí còn gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống hơn cả mất ngủ, mệt mỏi, rụng tóc, tiêu chảy, buồn nôn và nôn [1].

1.1 Sau hóa trị liệu

Các tác dụng phụ ở da của bệnh nhân trải qua hóa trị là phát ban, khô da, ngứa, bất thường ở tóc, móng và viêm niêm mạc… Trong đó phản ứng da bàn tay – bàn chân và phát ban dạng trứng cá là một trong những tổn thương thường gặp, dai dẳng và thường gây khó chịu nhất. Phản ứng da bàn tay – bàn chân Phản ứng da bàn tay – bàn chân thường xuất hiện trong vòng 6 tuần kể từ khi bắt đầu hóa trị và thường gặp nhất trong 2-4 tuần đầu tiên. Tổn thương da ảnh hưởng đến 62% bệnh nhân khi sử dụng các liệu pháp điều trị đích và thường xuất hiện sau điều trị với các chất ức chế multikinase như Sorafenib, Sunitinib, Pazopanib và Bevacizumab…[1] Biểu hiện của phản ứng da là các mảng dày da, cứng, có quầng đỏ bao quanh, đôi khi xuất hiện mụn nước và hình thành sẹo. Phản ứng này có thể cải thiện bằng việc duy trì dưỡng ẩm lâu dài, các báo cáo cho thấy sử dụng dưỡng ẩm chứa ure có thể làm giảm phản ứng da bàn tay – bàn chân từ 74% xuống 56% và khởi phát muộn hơn. Hội chứng bàn chân – bàn tay có biểu hiện da gần giống với phản ứng da bàn tay – bàn chân, tuy nhiên thường sưng nề, mụn nước, đau, căng, cảm giác dị cảm mà không có dày sừng; thường do các thuốc gây độc tế bào như cytarabine, doxorubicin, capecitabine, 5-fluorouracil và một số thuốc điều trị đích như Axitinib, Cabozatinib, sorafenib…[2] chăm sóc da sau hóa xạ trị Phát ban dạng trứng cá  Bệnh nhân dùng thuốc ức chế EGFR điều trị nhắm đích (chỉ định trong điều trị ung thư phổi, đầu cổ, trực tràng, tụy) có thể gây xuất hiện các tổn thương giống như mụn trứng cá nghiêm trọng trên da đầu, mặt, cổ và ngực, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Phát ban dạng trứng cá thường giảm khi kết thúc đợt điều trị. Tùy vào mức độ nặng của tổn thương mà Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên về việc sử dụng các thuốc bôi tại chỗ hoặc thuốc toàn thân để cải thiện tình trạng da cho người bệnh . Các nghiên cứu đang được tiến hành để xác định tốt hơn các biện pháp điều trị dự phòng, giảm tác dụng phụ để bệnh nhân ung thư có thể yên tâm sử dụng các loại thuốc điều trị trúng đích.

chăm sóc da sau hóa xạ trị1.2 Sau xạ trị

Những thay đổi ở da sau xạ trị đã được ghi nhận trên khoảng 95% bệnh nhân ung thư. Mỗi người sẽ có mức độ phản ứng khác nhau với các triệu chứng từ đỏ da đến phồng rộp, loét da – điều này phụ thuộc vào liều lượng bức xạ và cơ địa phản ứng với bức xạ của cơ thể. Phản ứng này nặng hơn và chậm lành da hơn ở người có tiền sử hút thuốc lá, bệnh lý tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh mô liên kết (viêm khớp dạng thấp, viêm bì cơ …) hoặc tiền sử ung thư da ở khu vực được chiếu xạ. Phản ứng da sau xạ trị thường gặp: 
  • Đỏ da hoặc bỏng tại nơi điều trị: sau khi xạ trị, da có thể trở nên đỏ tươi hoặc sẫm màu và sưng nề. Cảm giác khô da, căng, ngứa, bong tróc cũng thường gặp.
  • Phát ban hoặc nổi mụn nước ở vùng da đang được xạ trị. Những mụn nước này có thể vỡ, để lại những vết trợt da, loét da. Trong trường hợp da bị loét trợt, cần chú ý chăm sóc da tránh nhiễm khuẩn thứ phát.
  • Tăng, giảm sắc tố kéo dài, dày sừng, xơ hóa, teo da, giãn mạch có thể gặp sau nhiều tháng hoặc nhiều năm điều trị.
Khắc phục vấn đề sau xạ trị
  • Chăm sóc vết thương theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Lưu ý không sử dụng cồn hoặc gạc cồn trên da đang được xạ trị do dễ gây kích ứng
  • Vệ sinh làn da sạch sẽ: Tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng có pH trung bình 5-6 để phù hợp với pH sinh lí của làn da. Rửa sạch da và thấm nhẹ bằng khăn mềm, không nên dùng khăn lau, xơ mướp hoặc bàn chải trực tiếp lên vùng da sau xạ trị.
  • Các hình vẽ sơ đồ trước khi xạ trị có thể được làm sạch nhẹ nhàng bằng xà phòng hoặc dung dịch tẩy trang, tuy nhiên không nên cố gắng loại bỏ nếu khó tẩy rửa vì có thể sẽ gây kích ứng da.
  • Trường hợp các triệu chứng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống (da phồng rộp, loét, ngứa rát nhiều), nên gặp bác sĩ để có thể giải quyết một cách tốt nhất.
Trong những năm qua, các kỹ thuật nhằm hạn chế tối đa nhất các tác dụng không mong muốn của xạ trị lên da được cải tiến liên tục, tuy nhiên tổn thương da vẫn có thể xuất hiện và gây ảnh hưởng nhiều đến người bệnh.

chăm sóc da sau hóa xạ trị2. Chăm sóc da sau hóa – xạ trị 

  • Không nên kích thích lên vùng da đang điều trị: mặc quần áo rộng, hạn chế trang điểm, hạn chế sử dụng nước hoa hoặc cạo râu ở khu vực được điều trị. Không tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Không nên sử dụng sản phẩm có hương thơm: Các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da thường chứa hương thơm, có thể gây kích ứng làn da của bạn.
  • Không nên dùng sản phẩm chống mồ hôi và bột thạch cao. Thành phần trong các sản phẩm này có thể làm tăng lượng bức xạ nhận được. Có thể sử dụng các sản phẩm khử mùi thay cho sản phẩm chống mồ hôi. Tuy nhiên, nếu xuất hiện phản ứng dị ứng: đỏ da, sưng hoặc đau khi sử dụng chất khử mùi, hãy ngừng sử dụng ngay.
  • Nên giữ ẩm thường xuyên: da khô sẽ làm tăng cảm giác ngứa rát, do đó việc sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm nên được bắt đầu sớm ngay khi điều trị. Khi chọn một loại kem dưỡng ẩm, nên chọn loại không có mùi thơm hoặc không có lanolin (còn được gọi là mỡ lông cừu, dễ gây bít tắc nang lông, gây viêm nang lông). Chú ý không bôi kem dưỡng ẩm lên vùng da bị trầy xước hoặc có vết thương hở.
  • Nên sử dụng biện pháp chống nắng: Sử dụng kem chống nắng, quần áo, mũ chống nắng thường xuyên nhằm hạn chế bỏng nắng, lão hóa, sạm da, ung thư da, đặc biệt ở các vùng da xạ trị – nơi có nguy cơ ung thư da cao hơn gấp nhiều lần. Nên sử dụng kem chống nắng không chứa PABA (para-aminobenzoic acid – dễ gây kích ứng cho da) với chỉ số SPF từ 30 trở lên.

Kết luận

  • Các triệu chứng về da sau hóa trị, xạ trị là thường gặp và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
  • Ngứa, châm chích, đau, khô da, bong tróc da hay nặng hơn là trợt da, phát ban, phát ban dạng mụn trứng cá… là các tổn thương da thường gặp.
  • Các lưu ý để chăm sóc làn da sau hóa trị, xạ trị bao gồm: vệ sinh da sạch sẽ, tránh các kích thích lên da, sử dụng dưỡng ẩm và chống nắng. Gặp và xin ý kiến từ bác sĩ khi cần thiết để được hỗ trợ, khắc phục những phản ứng da gây khó chịu.
  • Chăm sóc da đúng cách giúp nhanh chóng phục hồi làn da và giảm các biến chứng sau hóa trị, xạ trị.
Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 05/10/2020
Tài liệu tham khảo
  • Adam Friedman, Faad with Denise Mann, The skin after cancer. Practical dermatology february 2019.
  • Joana Moreira‑Barros, Kuan‑Gen Huang , Tsung‑Hsun Tsai. Pegylated Liposomal Doxorubicin‑induced Palmar‑plantar Erythrodysesthesia. Gynecology and Minimally Invasive Therapy 7 (2018) 44‑5
  • Hymes, Strom, and Fife. Radiation dermatitis: Clinical presentation, pathophysiology, and treatment 2006. J am acad dermatol, volume 54, number 1.
  • Salvo N, et al. “Prophylaxis and management of acute radiation-induced skin reactions: a systematic review of the literature.” (2010) Curr Oncol 17:94–112.
  • Gabriella Fabbrocini, Norma Cameli et al, Chemotherapy and skin reactions. Fabbrocini et al. Journal of Experimental & Clinical Cancer Research 2012, 31:50
  • https://www.mskcc.org/cancer-care/patient-education/skin-care-guidelines-patients-receiving-radiation-therapy. Last accessed October 1, 2020.
  • https://www.aad.org/public/diseases/skin-cancer/types/common/melanoma/radiation-care. Last accessed October 1, 2020.
  • https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/side-effects/skin-nail-changes. Last accessed October 1, 2020.
  • Tác giả và chuyên gia

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here

    Nhận bảng tin từ chúng tôi

    LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

    BÀI VIẾT MỚI NHẤT

    Có thể bạn quan tâm