Chăm sóc giảm nhẹRụng tóc ở bệnh nhân ung thư và một số giải pháp

Rụng tóc ở bệnh nhân ung thư và một số giải pháp

Rụng tóc là tác dụng phụ thường gặp của các liệu pháp điều trị ung thư, đặc biệt là hóa trị. Các phương pháp này gây tổn thương tế bào ở nang tóc do đó gây rụng tóc. Rất nhiều người bệnh băn khoăn và lo lắng về vấn đề này. Cùng Ruy Băng Tím tìm ra giải pháp cho mái tóc khi điều trị ung thư.

1. Nguyên nhân gây rụng tóc

Rụng tóc do hóa trị liệu

Hóa trị nhắm vào tất cả các tế bào phân chia nhanh chóng, bao gồm các tế bào khỏe mạnh cũng như các tế bào ung thư. Các tế bào ở nang tóc là một trong những tế bào có tốc độ phân chia nhanh nhất trong cơ thể, do đó khi hóa trị hoạt động chống lại các tế bào ung thư, nó cũng phá hủy các tế bào nang tóc. Hiện tượng rụng tóc sẽ diễn ra sau khoảng 2 tuần điều trị và có thể kéo dài 1-2 tháng tiếp theo. Hầu hết các trường hợp sẽ bị rụng tóc một phần hoặc toàn bộ khi trải qua hóa trị. Ngoài tóc, lông mi, lông mày và những vùng lông khác trên cơ thể cũng có thể bị rụng tùy thuộc vào loại thuốc

Rụng tóc do xạ trị

Xạ trị cũng tấn công nhanh chóng các tế bào đang phát triển trong cơ thể. Tuy nhiên không giống như hóa trị, nó chỉ ảnh hưởng đến vùng da tại trung vực điều trị. Tóc, lông thường bắt đầu mọc trở lại sau khi kết thúc điều trị. Các loại xạ trị và liều lượng khác nhau sẽ gây ra mức độ rụng lông tóc khác nhau. Liều xạ cao có thể có nguy cơ gây rụng tóc vĩnh viễn

Rụng tóc do phương pháp điều trị nội tiết

Tamoxifen – thuốc được dùng trong điều trị ung thư vú có thể gây rụng tóc, mỏng tóc

Nguyên nhân khác

Có một số lý do khác gây rụng tóc ngoài các liệu pháp điều trị ung thư gây ra như các vấn đề về tuyến giáp hoặc thiếu sắt, kẽm, vitamin… Do đó nên quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng cũng như triệu chứng khác trong quá trình điều trị ung thư.

2. Bệnh nhân hóa trị nào cũng sẽ bị rụng tóc?

Một số thuốc có nhiều khả năng gây rụng tóc, mỏng tóc
Một số thuốc có nhiều khả năng gây rụng tóc, mỏng tóc
Không phải tất cả hóa trị đều gây rụng tóc. Các yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến việc tóc rụng và mức độ rụng tóc như: liều hóa trị, đường dùng dưới dạng viên hay tiêm truyền, thời gian sử dụng, đáp ứng của cơ thể.

3. Có phương pháp nào hạn chế rụng tóc?

Không có phương pháp điều trị nào có thể đảm bảo tóc bạn không bị rụng trong hoặc sau khi điều trị. Một số phương pháp đã được nghiên cứu có thể để giảm rụng tóc, tuy nhiên không có cách nào hiệu quả tuyệt đối.
  • Mũ làm mát da đầu (hạ nhiệt da đầu). Trong quá trình truyền hóa chất, một chiếc mũ làm bằng chất lỏng lạnh có thể được đặt trên đầu của bạn để làm chậm lưu lượng máu đến da đầu. Bằng cách này, thuốc hóa trị ít có tác dụng với tóc của bạn. Các nghiên cứu về mũ làm mát da đầu và các biện pháp hạ nhiệt tại da đầu khác đã cho thấy hiệu quả phần nào ở những người sử dụng. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh nhân đều phù hợp với phương pháp này. Làm lạnh da đầu gây cảm giác khó chịu, đau đầu, tê buốt da đầu do đó nhiều người bệnh cần cân nhắc khi sử dụng. 
  • Minoxidil: Sử dụng minoxidil (2-5%)- một loại thuốc được chỉ định cho rụng tóc nội tiết tố nam – lên da đầu của bạn trước và trong khi hóa trị liệu không có khả năng ngăn ngừa rụng. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy nó có thể làm tăng tốc độ mọc tóc trở lại, tuy nhiên các nghiên cứu còn khá hạn chế. Cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh hiệu quả của minoxidil trong việc mọc lại tóc sau khi điều trị ung thư. 
  • Một số thuốc khác dạng đường dùng tại chỗ và toàn thân đang được thảo luận và nghiên cứu, tuy nhiên các dữ liệu nghiên cứu chưa đầy đủ để khuyến cáo.

4. Tóc có thể mọc lại sau hóa trị?

Tóc và lông sẽ mọc lại ngay khi thuốc không còn tấn công các tế bào khỏe mạnh. Tốc độ mọc tóc tùy thuộc vào tuổi tác, sức khỏe, đáp ứng của người bệnh. Một số rất ít bệnh nhân sau hóa trị liệu sẽ không bao giờ mọc lại tóc vì hóa chất làm phá hủy các nang lông, gây rụng tóc vĩnh viễn. Một trong số thuốc có thể gây rụng tóc vĩnh viễn là docetaxel trong điều trị ung thư vú khi dùng với liều cao. Với đa số bệnh nhân trải qua hóa trị, tóc sẽ mọc trở lại theo các mốc thời gian sau:
  • Từ 2 đến 3 tuần, các sợi tóc nhẹ, mảnh bắt đầu mọc trở lại
  • Từ 1 đến 2 tháng, sợi tóc chắc hơn bắt đầu mọc
  • Từ 2 đến 3 tháng, tóc mọc dài khoảng 2,5 cm
  • Trên 6 tháng tóc mọc dài 5-7cm, che các mảng hói
  • Trên 12 tháng, tóc có thể mọc từ 10-15 cm và đủ dài để chải hoặc tạo kiểu.
Thông thường, tóc dễ rụng nhất là tóc có xu hướng mọc lại nhanh nhất. Tóc trên đỉnh đầu của bạn mọc nhanh hơn, vùng lông mày hoặc lông mi cần thời gian lâu hơn. Tóc có thể thay đổi sau khi mọc lại Sau khi hóa trị, tóc của bạn có thể thay đổi do của hóa trị liệu đối với nang tóc, làm hỏng các gen kiểm soát sự phát triển của tóc, hoặc làm thay đổi các nang tóc. Sự thay đổi này thường chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian, tuy nhiên một số trường hợp tóc sẽ thay đổi vĩnh viễn. Ban đầu, tóc mọc lại khá xù, mỏng, dựng thẳng rất khó tạo kiểu. Một số mảng tóc sẽ mọc nhanh hơn mảng khác nên độ dài tóc không đồng đều làm cho việc tạo kiểu trở nên khó khăn hơn. Tóc cũng có thể trông loang lổ hoặc không theo nếp. Theo thời gian, tóc sẽ ổn định và mọc đều đặn hơn, về cấu trúc tóc bình thường hoặc có thể khác với trước. Một số bệnh nhân sẽ thấy tóc yếu hơn, dễ gãy hoặc không theo nếp, xoăn hơn, thậm chí thay đổi màu sắc. 

5. Làm thế nào để cảm thấy tốt hơn trong quá trình điều trị

Bạn có thể thực hiện các bước sau trong suốt quá trình điều trị để giảm thiểu sự lo lắng liên quan đến rụng tóc
  • Trước điều trị
Chăm sóc tóc và da đầu của bạn. Giữ cho tóc ở trạng thái tốt nhất: không tẩy, nhuộm hoặc uốn tóc, tránh các thiết bị làm nóng tóc như máy uốn – những điều này có thể làm tóc tổn thương. Giữ tóc chắc khỏe góp phần giảm khả năng rụng tóc toàn bộ trong quá trình điều trị. Cân nhắc cắt tóc ngắn. Tóc ngắn tạo cảm giác dày hơn, vì vậy khi tóc rụng, sẽ giảm sự chú ý hơn khi bạn để tóc dài. Ngoài ra, khi tóc bắt đầu mọc lại, bạn sẽ mất ít thời gian để tạo kiểu tóc ngắn mới Kế hoạch về tóc giả hoặc khăn trùm đầu. Bạn nên suy nghĩ về việc sử dụng tóc giả hoặc các loại khăn trùm đầu để che giấu rụng tóc, điều này tùy thuộc vào bạn. Tuy nhiên bạn cần chuẩn bị và lập kế hoạch sớm trước khi điều trị. 
  • Trong quá trình điều trị
Nếu vẫn còn tóc. Tiếp tục chăm sóc tóc nhẹ nhàng trong suốt quá trình điều trị. Sử dụng loại lược mềm với các răng chải thưa. Chỉ gội đầu thường xuyên khi cần thiết và nên sử dụng loại dầu gội dịu nhẹ. Bảo vệ da đầu. Da đầu nhạy cảm hơn khi trải qua quá trình điều trị, vì vậy hạn chế tiếp xúc lạnh hoặc ánh nắng mặt trời để giảm các kích thích lên da đầu. Nên sử dụng khăn che, tóc giả hoặc kem chống nắng để bảo vệ da đầu trong trường hợp rụng tóc toàn bộ.
  • Sau điều trị
Tiếp tục chăm sóc tóc nhẹ nhàng. Khi tóc bắt đầu mọc lại sau điều trị, tóc sẽ mỏng và dễ bị tổn thương. Nên hạn chế tác động như nhuộm, uốn tóc,… cho đến khi tóc phát triển khỏe mạnh hơn. Hãy kiên nhẫn. Có khả năng tóc của bạn mọc lại chậm và không bình thường ngay lập tức. Nhưng tăng trưởng tóc cần có thời gian và tóc cũng cần sửa chữa những thiệt hại do việc điều trị ung thư của bạn gây ra.

6. Những lời khuyên có thể giúp bạn chăm sóc tóc và da đầu trong quá trình điều trị ung thư:

  • Chọn dầu gội nhẹ nhàng không mùi hương để làm sạch tóc.
  • Cân nhắc việc không gội đầu quá thường xuyên và không chà xát mạnh khi gội
  • Chọn một chiếc lược chải tóc mềm hoặc lược có răng thưa để sử dụng cho mái tóc
  • Sử dụng biện pháp chống nắng cho da đầu khi ra ngoài trời, như kem chống nắng, mũ hoặc khăn trùm đầu.
  • Giữ ấm da đầu khi lạnh bằng mũ, khăn…
  • Hạn chế sấy tóc, uốn, duỗi tóc với nhiệt độ cao hoặc nhuộm tóc bằng sản phẩm hóa học
  • Chọn chất liệu mềm mại, thoải mái cho gối ngủ của bạn.

Kết luận

  • Rụng tóc sau điều trị ung thư là vấn đề thường gặp và gây cảm giác khó chịu, tự ti cho người bệnh. Trong đó hóa trị liệu là nguyên nhân thường gặp nhất. 
  • Tóc có thể mọc lại sau điều trị, tuy nhiên tốc độ mọc tóc, chất tóc có thể thay đổi. Một số rất ít trường hợp bị rụng tóc vĩnh viễn.
  • Chăm sóc tóc và da đầu trước, trong, sau khi điều trị là biện pháp quan trọng giúp tóc và da đầu hồi phục nhanh và khỏe mạnh hơn.
  • Hãy trao đổi với người thân, bác sĩ nếu cảm thấy lo lắng về tình trạng rụng tóc để cùng vượt qua điều này.
Tài liệu tham khảo
  • https://www.breastcancer.org/tips/hair_skin_nails/wigs/cap
  • https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/chemotherapy/in-depth/hair-loss/art-20046920.
  • https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cancer-in-general/treatment/cancer-drugs/side-effects/hair-loss-and-thinning.
  • Rugo HS, Voigt J. Scalp Hypothermia for Preventing Alopecia During Chemotherapy. A Systematic Review and Meta-Analysis of Randomized Controlled Trials. Clin Breast Cancer 2018; 18(1): 19-28.
  • Rubio-Gonzalez B, Juhasz M, Fortman J, Mesinkovska NA. Pathogenesis and treatment options for chemotherapy-induced alopecia: a systematic review. Int J Dermatol 2018.
  • Shin H, Jo SJ, Kim DH, Kwon O, Myung SK. Efficacy of interventions for prevention of chemotherapy-induced alopecia: a systematic review and meta-analysis. Int J Cancer 2015; 136(5): E442-454.
  • Tác giả và chuyên gia

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here

    Nhận bảng tin từ chúng tôi

    LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

    BÀI VIẾT MỚI NHẤT

    Có thể bạn quan tâm