Kiến Thức Ung ThưThuốc lá điện tử gây ung thư như thuốc lá truyền thống?

Thuốc lá điện tử gây ung thư như thuốc lá truyền thống?

Thuốc lá điện tử (Tên tiếng Anh: E-cigarette, vape, bút vape, e-cig, …) xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2004 và tại Mỹ vào năm 2007. Khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, thuốc lá điện tử được quảng cáo như một thay thế an toàn hơn cho thuốc lá truyền thống và là một biện pháp giúp cai nghiện thuốc lá [1]. Tuy nhiên, vào năm 2019, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (The Centers for Disease Control and Prevention) và các cơ quan sức khỏe tại Hoa Kỳ đã báo cáo 2506 ca tổn thương phổi và 54 ca tử vong có liên quan tới thuốc lá điện tử [2]. Một số bang tại Mỹ đã và đang lên kế hoạch cấm kinh doanh thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử cũng đã bị cấm ở 20 quốc gia, trong đó gồm Ấn Độ, Singapore, Thái Lan. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đang đề xuất cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử trên lãnh thổ [3]

Vậy, thuốc lá điện tử có an toàn hơn thuốc lá thường hay không? Và thuốc lá điện tử thực sự ẩn chứa những nguy cơ gì? Liệu thuốc lá điện tử có gây ung thư hay không?

1. GIỚI THIỆU SƠ VỀ THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ

Thuốc lá điện tử có thể được thiết kế với nhiều kích cỡ và hình dạng. Cấu trúc cơ bản của một thiết bị thuốc lá điện tử bao gồm pin, một khay chứa dung dịch (dung dịch này có thể bao gồm hương liệu, nicotine, tetrahydrocannabinol – THC – tinh dầu cần sa và các chất hóa học khác), và thiết bị làm nóng để tạo hơi từ dung dịch. Người hút sẽ hít hơi sinh ra từ dung dịch này vào phổi thông qua phần miệng của thiết bị này.

2. SỬ DỤNG THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ TĂNG NGUY CƠ CÁC BỆNH VỀ PHỔI

Cho tới nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật và các cơ quan sức khỏe tại Hoa Kỳ đã báo cáo 2506 ca tổn thương phổi và 54 ca tử vong có liên quan tới thuốc lá điện tử [2]. Bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng cấp cứu với các triệu chứng giống như viêm phổi hay cúm như: ho, khó thở kéo dài, tức ngực, sốt. Phần lớn trường hợp bệnh nhân hút thuốc lá điện tử có chứa THC. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp hút thuốc lá điện tử chứa nicotine hoặc đơn thuần là dung dịch có mùi vị.

Tháng 10 năm 2019, các chuyên viên y tế tại Mayo Clinic, Hoa Kỳ đã kiểm tra các mẫu mô phổi từ 17 bệnh nhân tổn thương phổi cấp tính, trong đó có 2 ca tử vong. Những mẫu mô này được nhận xét “tổn thương  giống như bỏng hóa chất hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại” [4]. Báo cáo dịch tễ học tại bệnh viện Boston’s Children Hospital, Hoa Kỳ cũng cho thấy các trường hợp bệnh phổi do thuốc lá điện tử ghi nhận được đã tăng gấp đôi từ tháng 7-2019 tới tháng 9-2019 trên toàn nước Mỹ [5].

Ngay sau đó, CDC và FDA đã tiến hành điều tra về tổn thương phổi liên quan tới thuốc lá điện tử và đưa ra nghi vấn những tổn thương phổi này liên quan mật thiết tới THC và vitamin E acetate, một hóa chất được trộn vào dung dịch thuốc lá điện tử để tạo mùi. Qua đó, đưa ra khuyến cáo [6]

  • Thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai không sử dụng thuốc lá điện tử hay những sản phẩm liên quan. 
  • Người lớn hiện không sử dụng các sản phẩm thuốc lá không nên sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử. Tất cả các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử, đều có rủi ro.
  • Việc sử dụng THC có liên quan tới các ảnh hưởng tới sức khỏe. Cách tốt nhất để tránh các tác động có thể gây hại là không sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa THC hoặc vaping. 

3. SỬ DỤNG THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ CÓ LÀM TĂNG NGUY CƠ UNG THƯ?

Việc thuốc lá điện tử không bao gồm quá trình đốt thuốc lá sinh ra tàn thuốc khiến cho người sử dụng dễ nhầm tưởng thuốc lá điện tử “vô hại”. Do vẫn còn khá mới, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài của thuốc lá điện tử lên sức khỏe trước khi đưa ra kết luận chính xác về khả năng gây ung thư của thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, đối với người khỏe mạnh và chưa hút thuốc lá bao giờ, thuốc lá điện tử có nguy cơ ung thư cao cho người hút do các thành phần của nó

  • Nicotine

99% các loại thuốc lá điện tử đều chứa nicotine [7]. Nicotine thậm chí còn được tìm thấy ở một số nhãn hàng thuốc lá điện tử đưa ra tuyên bố “sản phẩm không chứa nicotine. [7]. Nicotine là chất gây nghiện, gây ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ của thanh thiếu niên và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của phụ nữ mang thai và thai nhi. 

Hiện tại, không thể đưa ra kết luận liệu bản thân nicotine có thể hoạt động như một chất gây ung thư hay không. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy có sự liên hệ giữa nicotine và sự phát triển của khối u [8]. Cụ thể:

  • Nicotine có thể làm tăng khả năng tăng sinh của tế bào ung thư vú, đại tràng và phổi.
  • Nicotine tham gia vào quá trình chuyển dạng tế bào từ biểu mô sang trung mô (epithelial-mesenchymal transition -EMT), một quá trình làm cho tế bào ung thư trở nên linh hoạt và bắt đầu xâm lấn. Nicotine cũng tham gia vào quá trình tạo mạch máu mới cho khối u.
  • Nicotine làm giảm hoạt động của một số protein ức chế khối u như CHK2 cũng như giúp tế bào ung thư “tránh” được hệ miễn dịch của cơ thể.
  • Nicotine tương tác với thuốc hóa trị trên chuột, làm giảm hiệu quả của thuốc lên khối u.

Năm 2018, nhóm các nhà khoa học tại New York University đã thực hiện nghiên cứu tác dụng trực tiếp của khói thuốc lá điện tử lên chuột. Cụ thể, khói thuốc lá điện tử chứa nicotine gây tổn thương DNA ở phổi và bàng quang của chuột cũng như cản trở quá trình sửa chữa DNA [9]. Thực nghiệm trên dòng tế bào phổi và bàng quang ở người cho thấy nicotine có thể chuyển hóa thành nitrosamines, một chất có khả năng làm tổn thương DNA của tế bào và dẫn tới ung thư. Năm 2019, nhóm nghiên cứu này đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy khói thuốc lá điện tử chứa nicotine gây ra ung thư phổi và ung thư bàng quang ở chuột [10].

Như vậy, bản thân nicotine trong thành phần thuốc lá điện tử cũng đã tiềm tàng nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. 

  • Khói thuốc lá điện tử có chứa các hợp chất hữu cơ có thể gây ung thư

Propylene glycol (PG) và glycerol/glycerin là hai thành phần cơ bản trong dung dịch thuốc lá điện tử. Cả hai chất này đều được FDA công nhận là an toàn (GRAS). Chúng xuất hiện trong thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Tuy nhiên, khi được đốt nóng lên thành hơi và hít vào phổi thì đó là một chuyện hoàn toàn khác.

Formaldehyde, một chất được phân loại bởi IARC vào Nhóm 1 các chất có khả năng gây ung thư, là sản phẩm sinh ra từ sự phản ứng giữa propylene glycol và glycerol trong quá trình hóa hơi. Formaldehyde và những chất giải phóng formaldehyde (formaldehyde-releasing agents) được phát hiện ở khói thuốc lá điện tử trong nhiều nghiên cứu [11, 12]. Tương tự, acetaldehyde (Nhóm 2B các chất có khả năng gây ung thư), các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như toluene (dẫn xuất của benzene), cũng như dư chất kim loại như chì, niken, cadmium cũng được tìm thấy trong khói thuốc lá điện tử [12]. Xét nghiệm nước tiểu cho thấy các chất chuyển hóa của benzen, ethylene oxide, acrylonitrile, acrolein và acrylamide cao đáng kể ở những người hút thuốc lá điện tử so với nhóm đối chứng [13].

Mặc dù nồng độ các chất này thấp hơn nồng độ trong khói thuốc lá truyền thống, nguy cơ ung thư vẫn tồn tại do các chất này tồn tại trong aerosol và tiếp xúc trực tiếp với tế bào phổi. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra độc tính và khả năng gây ung thư của bản thân propylene glycol và glycerol trong khói thuốc là cũng như các chất kể trên đối với tế bào phổi ở người [14].

*Chú thích: Aerosol, hay còn gọi là sol khí, là hỗn hợp những phần lơ lửng trong không khí với kích thước hạt keo (của hệ chất rắn hay hạt chất lỏng) < 1 micromet. Aerosol có thể có nguồn gốc tự nhiên hoặc con người tạo ra. Một ví dụ cho aerosol tự nhiên là sương mù và mây. Aerosol cũng có thể được tạo ra từ con người, ví dụ như trong các bình xịt sol khí (bình xịt sơn, bình xịt cho người bị suyễn, một số bình xịt khoáng chăm sóc da mặt, …).

  • Khói thuốc lá điện tử chứa các hạt bụi mịn (ultrafine particles)

Nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí Environmental Pollution đã chỉ ra aerosol sinh ra từ thuốc lá điện tử có hàm lượng các hạt bụi mịn (120–165 nm) cao hơn thuốc lá truyền thống. Do kích cỡ rất nhỏ, các hạt bụi này có thể lưu lại trong phổi, thâm nhập vào mạch máu và ở lượng lớn có thể gây ra kích ứng và ảnh hưởng sức khỏe cấp tính [15].

  • Chất tạo mùi vị trong thuốc lá điện tử có thể gây độc tính cho tế bào.

Bản thân các chất tạo mùi vị cũng tồn tại nhiều nguy cơ sức khỏe ở người. Trường hợp cụ thể nhất là vitamin E acetate có liên quan mật thiết tới các ca chấn thương phổi được báo cáo tại Mỹ thời gian qua [6]. Một số chất tạo mùi vị khác trong thuốc lá điện tử như vanillin (mùi vani) [14], mùi trái cây [16] gây độc tính cho tế bào. Diacetyl, 2,3-Pentanedione, and Acetoin, các chất tạo mùi vị có thể gây ra các bệnh về phổi được tìm thấy trong nhiều vị phổ biến ở thuốc lá điện tử như vị trái cây, kẹo [17]

Hình: Khói thuốc lá điện tử có gì (Trái qua phải: Nicotine, hỗn hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, bụi siêu mịn, các hóa chất gây ung thư, kim loại nặng như niken, thiếc, và chì, chất tạo mùi như diacetyl – một hóa chất liên quan tới bệnh về phổi).

  • Hút thuốc lá điện tử có ảnh hưởng tới người khác?

Mặc dù chưa có kết luận rõ ràng từ nghiên cứu, thuốc lá điện tử vẫn tạo ra aerosol và hơi nước có chứa các chất hóa học không hề “vô hại”, do đó vẫn có thể gây ảnh hưởng tới người không hút thuốc [6] 

4. TỔNG KẾT:

  • Mặc dù chứa ít hóa chất độc hại hơn thuốc lá thường, thuốc lá điện tử vẫn tồn tại nhiều hóa chất độc hại và có tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe con người.
  • Đối với người chưa bao giờ hút thuốc, không nên sử dụng thuốc lá điện tử hay bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào
  • Thuốc lá điện tử hiện không được chấp thuận là công cụ hỗ trợ giúp cai thuốc lá. 
  • Lá phổi của chúng ta chỉ nên được dùng để hít không khí sạch. Khoa học có thể sẽ mất rất nhiều năm để nhận ra tác hại của thuốc lá điện tử cũng như đã từng mất rất nhiều năm để chỉ ra tác hại của thuốc lá truyền thống. Do đó, hãy nói không với thuốc lá.

Chịu trách nhiệm nội dung: TS Lê Anh Phương, Đại học Quốc gia Singapore, Singapore

Góp ý nội dung:
ThS Trịnh Vạn Ngữ, 
Viện nghiên cứu Y sinh SoonChunHyang, Đại học SoonChunHyang, Hàn Quốc
ThS BS Đặng Thị Lương, Đại học Y Hà Nội – Bệnh viện Da liễu Trung ương

Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 22/02/2020

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Ratneswaran, C., Steier, J., Reed, K., & Khong, T. K. (2019). Electronic Cigarette Advertising Impacts Adversely on Smoking Behaviour Within a London Student Cohort: A Cross-Sectional Structured Survey. Lung, 197(5), 533–540. doi: 10.1007/s00408-019-00262-z

[2] Corum, J. (2019, October 1). Vaping Illness Tracker: 2,506 Cases and 54 Deaths. Retrieved from https://www.nytimes.com/interactive/2019/health/vaping-illness-tracker.html.

[3] Baodientuvtv. (2019, November 16). Bộ Y tế dự kiến đề xuất cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, shisha. Retrieved from https://vtv.vn/suc-khoe/bo-y-te-du-kien-de-xuat-cam-hoan-toan-thuoc-la-dien-tu-shisha-2019111610580695.htm.

[4] Butt YM, Smith ML, Tazelaar HD, et al. Pathology of vaping-associated lung injury. N Engl J Med 2019;381:1780-1. DOI: 10.1056/NEJMc1913069

[5] Hswen, Y., & Brownstein, J. S. (2019). Real-Time Digital Surveillance of Vaping-Induced Pulmonary Disease. New England Journal of Medicine, 381(18), 1778–1780. doi: 10.1056/nejmc1912818

[6] Commissioner, O. of the. (n.d.). Respiratory Illnesses Associated with Use of Vaping Products. Retrieved from https://www.fda.gov/news-events/public-health-focus/lung-illnesses-associated-use-vaping-products.

[7] Quick Facts on the Risks of E-cigarettes for Kids, Teens, and Young Adults. (2020, January 3). Retrieved from https://www.cdc.gov/tobacco/basic_information/e-cigarettes/Quick-Facts-on-the-Risks-of-E-cigarettes-for-Kids-Teens-and-Young-Adults.html

[8] Sanner, T., & Grimsrud, T. K. (2015). Nicotine: Carcinogenicity and Effects on Response to Cancer Treatment – A Review. Frontiers in Oncology, 5. doi: 10.3389/fonc.2015.00196

[9] Lee, H.-W., Park, S.-H., Weng, M.-W., Wang, H.-T., Huang, W. C., Lepor, H., … Tang, M.-S. (2018). E-cigarette smoke damages DNA and reduces repair activity in mouse lung, heart, and bladder as well as in human lung and bladder cells. Proceedings of the National Academy of Sciences, 115(7). doi: 10.1073/pnas.1718185115

[10] Tang, M.-S., Wu, X.-R., Lee, H.-W., Xia, Y., Deng, F.-M., Moreira, A. L., … Lepor, H. (2019). Electronic-cigarette smoke induces lung adenocarcinoma and bladder urothelial hyperplasia in mice. Proceedings of the National Academy of Sciences, 116(43), 21727–21731. doi: 10.1073/pnas.1911321116

[11] Jensen, R. P., Luo, W., Pankow, J. F., Strongin, R. M., & Peyton, D. H. (2015). Hidden Formaldehyde in E-Cigarette Aerosols. New England Journal of Medicine, 372(4), 392–394. doi: 10.1056/nejmc1413069

[12] Bekki, K., Uchiyama, S., Ohta, K., Inaba, Y., Nakagome, H., & Kunugita, N. (2014). Carbonyl Compounds Generated from Electronic Cigarettes. International Journal of Environmental Research and Public Health, 11(11), 11192–11200. doi: 10.3390/ijerph111111192

[13] Rubinstein, M. L., Delucchi, K., Benowitz, N. L., & Ramo, D. E. (2018). Adolescent Exposure to Toxic Volatile Organic Chemicals From E-Cigarettes. Pediatrics, 141(4). doi: 10.1542/peds.2017-3557

[14] Sassano, M. F., Davis, E. S., Keating, J. E., Zorn, B. T., Kochar, T. K., Wolfgang, M. C., … Tarran, R. (2018). Evaluation of e-liquid toxicity using an open-source high-throughput screening assay. PLOS Biology, 16(3). doi: 10.1371/journal.pbio.2003904

[15] Fuoco, F., Buonanno, G., Stabile, L., & Vigo, P. (2014). Influential parameters on particle concentration and size distribution in the mainstream of e-cigarettes. Environmental Pollution, 184, 523–529. doi: 10.1016/j.envpol.2013.10.010

[16] Leigh, N. J., Lawton, R. I., Hershberger, P. A., & Goniewicz, M. L. (2016). Flavourings significantly affect inhalation toxicity of aerosol generated from electronic nicotine delivery systems (ENDS). Tobacco Control, 25(Suppl 2), ii81–ii87. doi: 10.1136/tobaccocontrol-2016-053205

[17] Allen, J. G., Flanigan, S. S., Leblanc, M., Vallarino, J., Macnaughton, P., Stewart, J. H., & Christiani, D. C. (2016). Flavoring Chemicals in E-Cigarettes: Diacetyl, 2,3-Pentanedione, and Acetoin in a Sample of 51 Products, Including Fruit-, Candy-, and Cocktail-Flavored E-Cigarettes. Environmental Health Perspectives, 124(6), 733–739. doi: 10.1289/ehp.1510185

 

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm