Ung thư hốc miệng chủ yếu phát sinh từ lớp tế bào bao phủ niêm mạc miệng và hầu họng, gọi chung là tế bào gai (chiếm 90% trường hợp). Ung thư phát sinh từ các tế bào gọi là carcinôm tế bào gai hốc miệng và hầu họng.[1] Sau đây gọi chung là ung thư miệng.
Hốc miệng bao gồm môi, má, sống hàm, nướu răng, sàn miệng, 2/3 trước của lưỡi và khẩu cái cứng; hầu họng (phần khung chữ nhật trong hình dưới) gồm khẩu cái mềm, amiđan khẩu cái, nếp khẩu cái-lưỡi, 1/3 sau lưỡi (đáy lưỡi), thung lũng nắp thanh môn và thành sau hầu.[1]
Giải phẫu vùng miệng.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ước tính số ca ung thư miệng mới ở Hoa Kỳ năm 2018 là 51.540 người, trong khi đó số ca tử vong liên quan đến ung thư miệng năm 2018 là khoảng 10.030, chiếm 3% tổng số ca ung thư được chẩn đoán và 1,6% tổng số ca tử vong do ung thư.[1]
Theo dữ liệu của SEER (Chương trình Giám sát, Dịch tễ học và Kết quả cuối cùng của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ), tỷ lệ mắc mới của ung thư hầu họng tại Hoa Kỳ gia tăng có ý nghĩa thống kê; trong khi ung thư môi giảm 2,5% và ung thư sàn miệng giảm 2,7%. Tỷ lệ sống còn 5 năm của bệnh nhân có tổn thương khu trú là 83%, so với nhóm đã di căn là 38%.[1]
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020, số ca mắc mới ung thư hốc miệng là 2.152 (chiếm 1,2% trong tổng số các loại ung thư), ung thư hầu họng là 605 (chiếm 0,33%), số ca tử vong đối với ung thư hốc miệng là 1.099 và ung thư hầu họng 306, số ca hiện mắc (trong vòng 5 năm) đối với ung thư hốc miệng là 5.070 và ung thư hầu họng là 1.381.[6]
Nguy cơ ung thư miệng bao gồm: sử dụng thuốc lá, tiêu thụ cồn, nhai trầu, tiếp xúc với tia cực tím, người cao tuổi, nam giới và nhiễm vi rút u nhú ở người.[1, 2, 3]
Tình trạng gia tăng ung thư lưỡi trên phụ nữ trẻ da trắng có lẽ không liên quan đến thuốc lá, tiêu thụ chất có cồn hoặc nhiễm HPV mà do một cơ chế gây bệnh khác (chẳng hạn, các bất thường về di truyền như thiếu máu Fanconi, các bệnh nhiễm vi rút sinh ung thư hoặc phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ khác trong môi trường). Tăng nguy cơ mắc ung thư miệng trên bệnh nhân mắc một số bệnh di truyền hiếm gặp, bao gồm thiếu máu Fanconi, chứng loạn sừng bẩm sinh và hội chứng Bloom. Thiếu máu Fanconi là hội chứng di truyền do đột biến gen, gây các rối loạn về máu ở tuổi nhỏ, có thể dẫn đến ung thư máu, hội chứng loạn sản tủy và ung thư miệng.[3] Loạn sừng bẩm sinh là một hội chứng di truyền khác, gây thiếu máu bất sản, bất thường móng chân, móng tay, phát ban ở da, ung thư miệng ở tuổi trẻ.[3] Hội chứng Bloom là hội chứng di truyền hiếm, đặc trưng bởi dáng thấp, mũi và má phát ban đỏ do nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, suy giảm miễn dịch nhẹ nên nhạy cảm với nhiễm trùng, đề kháng insulin giống đái tháo đường tuýp 2 và dễ mắc nhiều loại ung thư trong đó có ung thư miệng.[4]
Nhiễm HPV là yếu tố bệnh căn nổi trội của ung thư hầu họng. Dựa trên dữ liệu đăng ký ung thư của Hoa Kỳ (U.S Cancer Registries), ước tính mỗi năm có khoảng 63% ung thư hầu họng (tương đương hơn 11.000 trường hợp) có liên quan đến nhiễm HPV. Phần lớn (~ 85 đến 90%) ung thư hầu họng dương tính với HPV (đặc biệt là HPV-16 và HPV-18, hai tuýp HPV thường liên quan đến ung thư cổ tử cung và các ung thư khác của hệ sinh dục).[1]
Điều tra nhân khẩu học cho thấy ở những người trẻ da trắng có tỷ lệ ung thư hầu họng dương tính với vi rút HPV cao hơn các nhóm khác. Theo dữ liệu hiện có, người đã tiêm chủng HPV có tỷ lệ nhiễm vi rút này ở miệng thấp hơn so với người chưa tiêm chủng. Mặc dù vắc xin HPV có thể ngăn ngừa ung thư hầu họng (vì có thể ngăn chặn quá trình xâm nhiễm nguyên phát các tuýp vi rút gây ung thư), nhưng hiện tại còn thiếu dữ liệu về phòng ngừa ung thư hầu họng liên quan HPV. Các thử nghiệm lâm sàng để trả lời cho những câu hỏi này hiện đang trong giai đoạn thực hiện.[1]
Năm 2017, Hiệp hội Nha khoa trẻ em Hoa Kỳ (AAPD) đã ban hành chính sách về tiêm chủng HPV như sau:[1]
Ngày 5 tháng 10 năm 2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt đơn đệ trình bổ sung cho vắc xin HPV Gardasil 9® được sử dụng cho nam và nữ từ 27 đến 45 tuổi, (trước đây chỉ cấp phép sử dụng cho nam và nữ từ 9-26 tuổi).[1]
Năm 2020, Villa và cộng sự đã xuất bản một bài tổng kết bằng chứng cho thấy vắc xin HPV “an toàn, hiệu quả, và có hiệu lực phòng chống vi rút HPV cũng như các thay đổi tế bào liên quan đến HPV, bao gồm các tổn thương tiền ung thư và lành tính.”[1]
Để phòng ngừa mắc ung thư miệng, nên lưu ý các điểm sau [1,2,3]:
Bảng. Quy đổi đơn vị cồn cho một số loại nước uống chứa cồn.[5]
Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 10/06/2021
Chịu trách nhiệm nội dung: ThS.BS. Nguyễn Phan Thế Huy, Nghiên cứu sinh Đại Học Y Nha Tokyo, Nhật Bản
Góp ý nội dung:
Nam giới có thể chích ngừa Hpv 16 & 18 được không bác sĩ?
Xin cảm ơn anh đã gửi câu hỏi. Vaccin HPV có thể dùng cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi (theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ). Vaccin hiệu quả nhất cho trẻ trai và gái trước khi bước vào tuổi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, người trưởng thành vẫn có thể dự phòng nhiễm HPV nhờ vaccin nếu chưa từng tiếp xúc với chủng HPV đó trước đây. Vaccin HPV trước tiên được khuyến cáo cho phụ nữ để dự phòng ung thư cổ tử cung. Hiện nay, với những phát hiện mới liên quan giữa HPV và ung thư hầu họng, nên vaccin HPV cũng được khuyến cáo cho cả hai giới, nhất là những đối tượng có quan hệ tình dục qua đường miệng (oral sex).
Dạ em chào anh Huy, mình tầm soát sớm ung thư hốc miệng được không anh và bằng cách nào ạ ?
Xin cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi.
Tầm soát ung thư hốc miệng có thể chia thành hai nhóm đối tượng như sau:
1. Đối tượng nguy cơ cao (có liên quan đến các yếu tố nguy cơ đã trình bày trong bài viết): nên đến các cơ sở Răng Hàm Mặt lớn (thường là cơ sở thuộc trường đại học hoặc bệnh viện chuyên khoa) để được kiểm tra và thực hiện các xét nghiệm tầm soát như chải tế bào, nhuộm xanh toluidine, tự phát huỳnh quang, v.v… Lưu ý, các xét nghiệm này sẽ tùy theo lựa chọn của từng cơ quan và bác sĩ, vì hiện nay chưa có xét nghiệm nào được xem là tiêu chuẩn để tầm soát ung thư hốc miệng. Đối với chuyên gia hoặc bác sĩ có kinh nghiệm thì có thể dựa vào khám lâm sàng là đủ.
2. Đối tượng không hoặc có nguy cơ thấp (những người còn lại): nên kiểm tra răng miệng định kỳ (6 tháng hoặc 1 năm/lần) tại bất kỳ phòng khám nha khoa uy tín. Trong quá trình kiểm tra răng miệng, bác sĩ có thể phát hiện các bất thường, nếu nghi ngờ ung thư sẽ hướng dẫn cho bạn đến chuyên gia để kiểm tra thêm. Ngoài ra, việc vệ sinh răng miệng chuyên nghiệp (lấy cao răng, đánh bóng) cũng là cách giúp gia tăng sức khỏe răng miệng, hạn chế được các bệnh lý mạn tính và ác tính ở miệng.