Các nghiên cứu mớiCác bệnh ung thư hiện nay đang được điều trị bằng tế...

Các bệnh ung thư hiện nay đang được điều trị bằng tế bào gốc

Nội dung bài viết
Tế bào gốc là gì?
Mục đích sử dụng tế bào gốc trong điều trị ung thư
Các phương pháp trong điều trị ung thư bằng tế bào gốc
Một số điều cần biết khi điều trị bằng tế bào gốc
Các bệnh ung thư hiện nay đang sử dụng tế bào gốc để điều trị

Tế bào gốc là gì?
Tế bào gốc là tế bào có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau trên cơ thể. Trong các cơ quan, tế bào gốc có vai trò như một hệ thống sửa chữa nội bộ. Dựa trên khả năng biệt hóa của tế bào gốc, người ta phân chia ra làm 3 nhóm chính (Hình 1): tế bào gốc toàn năng (totipotent), tế bào gốc vạn năng (Pluripotent) và tế bào gốc đa năng (Multipotent). Hai nhóm đầu được tìm thấy trong giai đoan phôi thai. Nhóm thứ 3 được tìm thấy trong nhiều loại mô ở người trưởng thành (tủy xương, da, gan, mô mỡ,…), máu từ cuống rốn, răng sữa trẻ em.

hinh-1

Hình 1: Các loại tế bào gốc (Stem Cells).

Trong các loại tế bào gốc trên thì tế bào gốc tạo máu (Hematopoietic Stem Cell) là được sử dụng nhiều nhất trong điều trị ung thư hiện nay. Tế bào gốc này được tìm thấy phần lớn trong tủy xương, một ít trong máu và chúng có thể tái tạo tất cả các tế bào máu như: hồng cầu, các loại bạch cầu và tiểu cầu (Hình 2).

hinh-2

Hình 2: Tế bào gốc tạo máu (Hematopoietic Stem Cell).

Mục đích sử dụng tế bào gốc trong điều trị ung thư
Hiện nay mục đích chính trong việc cấy tế bào gốc trong điều trị ung thư là giúp cơ thể của bệnh nhân sau điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị tái tạo lại các tế bào máu. Vì trong quá trình điều trị cường độ cao thường làm chết các tế bào gốc trong tủy xương giúp sản sinh máu (Hình 3). Do vậy việc cung cấp một lượng tế bào gốc mới để thay thế/tái tạo các tế bào cũ đã chết đi là cần thiết. Thường thì các tế bào gốc được truyền vào qua đường tĩnh mạch của bệnh nhân. Các tế bào gốc sẽ đi trong mạch máu, tự tìm đến tủy xương, phát triển và tạo ra các tế bào máu. Một cơ thể khỏe mạnh cần có đầy đủ 3 loại tế bào máu:
1/ Tế bào bạch huyết (White Blood Cells): chúng đóng vai trò chính trong hệ miễn dịch của cơ thể, giúp chống lại sự xâm nhiễm.
2/ Hồng cầu (Red Blood Cells): chúng giúp mang oxy đến các cơ quan trong cơ thể.
3/ Tiểu cầu (Platelets): chúng giúp đông tụ máu khi có vết thương.

Ngoài mục đích chính này thì trong một số trường hợp (được nói kỹ hơn ở phía dưới) tế bào gốc còn có thể góp phần tiêu diệt tế bào ung thư và giúp hỗ trợ các phương pháp điều trị khác hiệu quả hơn.

hinh-3

Hình 3: Quá trình điều trị ung thư bằng tế bào gốc.

Các phương pháp trong điều trị ung thư bằng tế bào gốc
Dựa trên nguồn gốc của tế bào gốc, phương pháp này có thể chia ra làm 3 loại: Tự ghép (Autologous), Dị ghép (Allogeneic), Đồng ghép (Syngeneic).

1/ Tự ghép (Autologous) – lấy tế bào từ chính cơ thể bệnh nhân.
Các tế bào gốc này được lấy từ tủy hoặc máu của bệnh nhân trước khi điều trị. Các tế bào này được bảo quản đông lạnh và được trả lại cơ thể sau khi điều trị. Ưu điểm của phương pháp này là bạn không sợ bị hiện tượng thải loại (graft-versus-host disease) hoặc khả năng nhiễm bệnh từ người cho. Tuy nhiên cũng có trường hợp không thành công khi các tế bào gốc này không trở lại tủy xương và tạo ra các tế bào máu như trước đó.

Một nhược điểm khác của phương pháp này là các tế bào này thường không có khả năng chống các tế bào ung thư (graft-versus-cancer). Ngoài ra, lấy tế bào gốc theo phương pháp này có thể mang theo một nguy cơ khác là khả năng tế bào ung thư nhiễm trong các tế bào gốc. Để giảm thiểu rủi ro này, một quá trình sàng lọc các tế bào gốc này có thể được tiến hành (được gọi là purging) để loại bỏ các tế bào ung thư. Tuy nhiên, quá trình sàng lọc này có thể làm giảm lượng tế bào gốc và làm các tế bào gốc trở nên khó thích ứng với cơ thể hơn.

2/ Dị ghép (Allogeneic) – lấy tế bào từ cơ thể một người tương hợp (matched) với bệnh nhân, có thể có liên quan gia đình, họ hàng (related) hoặc không (unrelated).

Trong phương pháp này sự tương hợp giữa người cho và người nhận rất quan trọng. Thường thì người cho phù hợp nhất là những người thân trong gia đình, họ hàng. Nếu không có thì sẽ dựa vào số liệu đăng ký từ những người tự nguyện ở các trung tâm chuyên về cấy ghép mô, tế bào.

Ưu điểm của phương pháp này là tế bào miễn dịch tạo ra từ các tế bào gốc có thể giúp tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau quá trình điều trị hóa hoặc xạ trị. Một ưu điểm khác là có thể xin thêm tế bào gốc từ người cho trong trường hợp không đủ, hoặc thậm chí có thể xin tế bào bạch cầu nếu cần thiết.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là các tế bào gốc của người cho có thể bị tiêu diệt bởi các tế bào miễn dịch còn lại trong cơ thể người nhận hoặc ngược lại các tế bào bạch cầu sản sinh từ các tế bào gốc cho này có thể tấn công không chỉ các tế bào ung thư mà còn các tế bào khỏe mạnh của cơ thể người nhận (graft-versus-host disease).

Một nguy cơ nhỏ có thể xảy ra là nhiễm bệnh từ người cho mặc dù việc kiểm tra thường rất chặt chẽ. Ngoài ra còn có một nguy cơ lớn hơn là từ các bệnh mà bạn đã mắc phải trước đó, các bệnh này có thể quay trở lại và gây nguy hiểm khi cơ thể của bạn phải điều trị bằng các loại thuốc ức chế miễn dịch (immunosuppressive drugs) để tạo dễ dàng cho việc ghép tế bào gốc từ người cho.

3/ Đồng ghép (Syngeneic) – lấy tế bào từ anh/chị/em song sinh cùng trứng (twin)
Loại cấy ghép này chỉ có thể thực hiện khi người bệnh có anh/chị/em song sinh cùng trứng. Do sự tương đồng cao của tế bào từ hai cơ thể nên trường hợp này sẽ tránh được nguy cơ thải loại của hệ miễn dịch, đồng thời không lo sự lẫn tạp của tế bào ung thư trong tế bào gốc khi cho. Tuy nhiên cũng vì vậy mà khả năng các tế bào gốc này giúp chống trả ung thư trong cơ thể người nhận là rất thấp. Do vậy, phải bảo đảm tiêu diệt sạch tế bào ung thư trước khi cấy ghép để tránh sự tái phát của ung thư.

Một số điều cần biết khi điều trị bằng tế bào gốc
Chi phí
Việc cấy ghép tế bào gốc là một phương pháp điều trị khá phức tạp, đòi hỏi thiết bị và công nghệ cao nên chi phí thường rất mắc. Thường thì các hãng bảo hiểm chỉ chi trả một phần nào đó trong quá trình điều trị trên một số loại ung thư nhất định. Bạn nên tìm hiểu kỹ về chi phí điều trị cụ thể nơi bạn sẽ điều trị trước khi bắt đầu.

Thời gian
Một quá trình điều trị bằng tế bào gốc có thể mất vài tháng. Quá trình điều trị thường được bắt đầu bằng điều trị liều cao hóa trị hoặc xạ trị hoặc thậm chí kết hợp cả hai trong vài tuần. Sau đó bạn sẽ được nghỉ ngơi vài ngày và được truyền tế bào gốc qua tĩnh mạch. Việc truyền tế bào gốc qua tĩnh mạch cũng giống như truyền máu thông thường và mất khoảng từ 1 đến 5 tiếng đồng hồ.

Sau khi bạn nhận được tế bào gốc thì cơ thể bạn sẽ bắt đầu được phục hồi. Trong thời gian này bạn chờ cho các tế bào gốc bắt đầu tạo các tế bào máu. Thậm chí sau khi số lượng tế bào máu của bạn đã trở nên bình thường nhưng hoạt động của hệ miễn dịch của bạn cần nhiều thời gian hơn để phục hồi hoàn toàn. Thường thì mất khoảng vài tháng cho tế bào gốc phục hồi hoàn toàn trong phương pháp tự ghép (Autologous), trong khi đó mất khoảng vài năm cho phương pháp dị ghép (Allogeneic) hoặc đồng ghép (Syngeneic).

Ăn uống
Thường thì khi bạn phải điều trị bằng hóa/xạ trị với cường độ cao sẽ gây cho bạn một số phản ứng phụ như đau cổ, muốn ói dẫn đến chán ăn. Nếu bạn cảm thấy khó ăn trong thời gian điều trị thì nên nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn những cách ăn uống thích hợp hơn.

Làm việc
Tùy thuộc vào loại công việc mà bạn làm, đôi khi bạn vẫn có thể làm việc trong quá trình điều trị nhưng tránh làm những việc nặng hoặc quá sức vì trong quá trình này cơ thể bạn sẽ rất yếu. Trong một số loại công việc, bạn có thể tìm cách làm việc qua mạng để cơ thể được nghỉ ngơi nhiều hơn và bạn có thể ở gần nơi điều trị hơn.

Các bệnh ung thư hiện nay đang sử dụng tế bào gốc để điều trị
Hiện nay phương pháp điều trị bằng tế bào gốc thường chủ yếu áp dụng cho bệnh nhân bị ung thư máu (leukemia, lymphomas, multiple myeloma,…) vì các tế bào tạo máu của người bệnh trong trường hợp này hầu hết là phải được thay thế.
Ngoài ra, tế bào gốc còn được sử dụng như một phương pháp điều trị bổ sung cho một số trường hợp ung thư khác không chữa khỏi được bằng phương pháp thông thường. Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy cũng có một số trường hợp khả quan trong việc ngăn chặn sự trở lại của tế bào ung thư sau khi hóa/xạ trị liều cao ở bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn, ung thư vú,…
Một thực nghiệm lâm sàng được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học ở đại học Y Stanford (Muller et al. Biol Blood Marrow Transplant, 2012). Thực nghiệm có 96 bệnh nhân ung thư vú ở giai đoạn cuối sau khi được hóa trị liều cao sẽ nhận tế bào gốc tự ghép (tế bào gốc của chính mình). Các tế bào gốc này được xử lý theo phương pháp thông thường hoặc được làm tinh sạch hơn (để loại bỏ các tế bào ung thư tạp nhiễm) trước khi đưa vào người bệnh.
Sau hơn 12 năm, kết quả cho thấy: trong nhóm 74 người nhận tế bào gốc được xử lý theo phương pháp thông thường, có 7 người còn sống (9%), 5 người trong số này không còn thấy tế bào ung thư. Trong khi đó trong nhóm 22 người nhận tế bào gốc đã được tinh sạch trước có 5 người còn sống (23%), 4 người trong số này khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy số lượng người tham gia trong thực nghiệm này còn ít nhưng cũng có thể cho thấy là việc sử dụng tế bào gốc đã góp phần tích cực cho việc điều trị ung thư. Ngoài ra, việc làm sạch tế bào gốc (loại bỏ tế bào ung thư) trong phương pháp tự ghép (autologous) cũng góp phần nâng cao tỉ lệ thành công.

Kết luận
Với trình độ công nghệ khoa học hiện nay, sử dụng tế bào gốc trong điều trị ung thư vẫn còn đóng vai trò hỗ trợ trong việc tiêu diệt tế bào ung thư. Giải phẫu, hóa trị hoặc xạ trị vẫn đóng vai trò chính để loại trừ tối đa tế bào ung thư có thể và tế bào gốc (tế bào gốc tạo máu) được cấy ghép sau đó sẽ giúp hồi phục lại các loại máu trong cơ thể (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu).
Tế bào bạch huyết mà tế bào gốc được cấy ghép sản sinh ra trong cơ thể người bệnh “có thể” (không phải 100% tất cả các trường hợp) giúp tiêu diệt triệt để các tế bào ung thư còn sót lại và ngăn chặn sự phát triển trở lại của khối u giúp quá trình điều trị thành công tốt đẹp.
Tuy nhiên, cũng có một số khả năng xảy ra sự không tương hợp giữa người bệnh và tế bào gốc được cho làm quá trình điều trị bằng tế bào gốc không hiệu quả hoặc gây nguy hiểm cho người bệnh.

Chịu trách nhiệm thông tin: TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA.

Lần cuối xem xét: 7/10/2016
Lần cuối chỉnh sửa: 7/10/2016

Tài liệu tham khảo:
1. https://stemcells.nih.gov/info/basics/1.htm
2. https://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms?cdrid=693540
3. https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/types/stem-cell-transplant
4. http://www.cancer.org/treatment/treatmentsandsideeffects/treatmenttypes/bonemarrowandperipheralbloodstemcelltransplant/stem-cell-transplant-types-of-transplants
5. http://news.cancerconnect.com/stem-cell-transplantation-cures-many-patients-with-recurrent-testicular-cancer/
6. http://med.stanford.edu/news/all-news/2011/07/survival-of-stage-iv-breast-cancer-patients-improves-with-stem-cell-treatment-study-finds.html

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm