Các loại ung thưUng thư hạch bạch huyết (Lymphoma)

Ung thư hạch bạch huyết (Lymphoma)

1. Hệ bạch huyết

Hệ bạch huyết gồm bạch huyết, các mạch bạch huyết và các cơ quan (hạch bạch huyết, (lá) lách, tuyến ức và a-mi-đan) (Hình 2) [1-5]. Tế bào chính trong hệ bạch huyết là tế bào lympho, một loại tế bào bạch cầu

  • Bạch huyết (lymph): là dịch trong suốt, tinh lọc (ultrafiltrate) từ huyết tương trong máu, chứa các tế bào miễn dịch, protein và lipid.
  • Hạch bạch huyết: có hình hạt đậu, nằm khắp cơ thể, nhưng tập trung nhiều nhất ở bẹn và nách. Hạch là nơi tập trung tế bào lympho và các tế bào miễn dịch khác để thực hiện đáp ứng miễn dịch, loại bỏ tác nhân xâm nhiễm. Khi bị thương, viêm nhiễm, các hạch ở gần vị trí đó sẽ sưng và đau do đáp ứng miễn dịch xảy ra ở các hạch đó.
  • Lách: Nằm ở phía dưới xương sườn bên trái, là nơi sản xuất ra tế bào lympho và tế bào miễn dịch khác. Lách cũng là nơi lọc tác nhân xâm nhiễm, tế bào máu bị hư hỏng và chất thải của tế bào.
  • Tuyến ức: là cơ quan nhỏ ở phía sau xương ngực dưới và ở phía trước của tim. Tuyến ức là nơi phát triển của tế bào lympho T.
  • A-mi-đan: nằm ở mặc sau của họng, là nơi sản xuất kháng thể tiêu diệt mầm bệnh mà chúng ta hít hoặc nuốt vào.

Các cơ quan này được liên kết với nhau qua hệ mạch bạch huyết. Ngoài ra, tủy xương (cũng sản sinh ra tế bào lympho), đường tiêu hóa (ruột, dạ dày và nhiều cơ quan khác) cũng được xem là thành phần của hệ bạch huyết.

Hệ bạch huyết là một phần của hệ hệ miễn dịch và hệ tuần hoàn, với ba chức năng chính là:

  • Chống lại mầm bệnh, dị vật hay tế bào ung thư; 
  • Cân bằng thành phần và lượng dịch ở mô và hệ tuần hoàn; 
  • Hấp thu chất béo từ thức ăn ở ruột. 

 Hình 1: Hệ bạch huyết [5]

2. Ung thư hạch bạch huyết

Ung thư hạch bạch huyết là một nhóm các bệnh máu ác tính xảy ra ở hệ bạch huyết, chiếm hơn 3% trong các bệnh ung thư trên thế giới. 

Hầu hết ung thư hạch khởi phát từ tế bào lympho B, một phần nhỏ có nguồn gốc từ tế bào T. Khi các tế bào lympho tăng sinh một cách không kiểm soát sẽ dẫn đến ung thư hạch bạch huyết. Tuy cùng liên quan đến ung thư tế bào lympho, nhưng ung thư hạch bạch huyết khởi phát từ tế bào lympho trưởng thành, đã có khả năng chống xâm nhiễm, còn bệnh bạch cầu khởi phát từ các tế bào tiền thân trong tủy xương [6-11].

2.1. Các giai đoạn trong ung thư hạch bạch huyết

  • Giai đoạn 1: Ung thư ở một hạch hoặc một vùng lympho đơn trên cơ thể
  • Giai đoạn 2: Ung thư ở hai vùng lympho trở lên nhưng ở một bên của cơ thể (nửa trên, nửa dưới, nửa trái hoặc nửa phải).
  • Giai đoạn 3: Ung thư ở cả hai bên của cơ thể.
  • Giai đoạn 4: Ung thư di căn ra nhiều cơ quan khác khắp cơ thể.

Hình 2: Các giai đoạn của ung thư hạch [6]

2.2. Phân loại ung thư hạch

Ung thư hạch được chia thành 2 loại là Hodgkin’s lymphomas và Non-Hodgkin’s lymphomas. Hodgkin là tên của bác sĩ phát hiện ra ung thư hạch Hodgkin, hay bệnh Hodgkin. Ung thư hạch loại Hodgkin là ung thư mà các tế bào lympho B phát triển với hình thái bất thường như hình “mắt cú” khi quan sát bằng kính hiển vi, gọi là tế bào Reed-Sternberg (hình 4). Ung thư hạch mà tế bào có hình thái khác tế bào Reed-Sternberg được xếp vào loại Non-Hodgkin. Đây là hai loại bệnh khác nhau và có phác đồ điều trị khác nhau [6, 11, 12].

Hình 3: Tế bào Reed-Sternberg dưới kính hiển vi [12]

2.2.1.  Hodgkin’s lymphomas (HL)

Bệnh phổ biến nhất ở nhóm người trẻ 15-35 và nhóm trên 50 tuổi. Bệnh Hodgkin được chia làm 2 loại [6, 7, 11]:

  • Loại cổ điển (Classic Hodgkin lymphoma): chiếm 95% trong tổng số ca bệnh. Loại này thường có một lượng nhỏ tế bào Reed-Sternberg hình mắt cú, được bao quanh bởi rất nhiều tế bào miễn dịch bình thường. Các tế bào miễn dịch này là nguyên nhân gây sưng hạch. U hạch lympho cổ điển có 4 loại nhỏ:
  • Loại xơ hạt (Nodular sclerosis Hodgkin lymphoma): thường gặp nhất trong 4 loại Hodgkin. Loại này phổ biến nhất ở nhóm người trẻ, nhưng cũng có thể gặp ở mọi độ tuổi. Bệnh có xu hướng khởi phát ở hạch lympho cổ và ngực.
  • Loại tế bào hỗn hợp (Mixed cellularity Hodgkin lymphoma): phổ biến thứ 2 trong 4 loại Hodgkin. Bệnh thường gặp ở người nhiễm HIV và cũng có ở trẻ nhỏ và người già. Bệnh có thể khởi phát ở bất cứ hạch nào, nhưng xảy ra nhiều nhất ở nửa dưới cơ thể.
  • Loại giàu tế bào lympho (Lymphocyte-rich Hodgkin lymphoma): Loại này không phổ biến lắm, thường khởi phát ở phần nửa trên của của cơ thể và chỉ xuất hiện ở một vài hạch.
  • Loại mất tế bào lympho (Lymphocyte-depleted Hodgkin lymphoma): cũng là một loại hiếm gặp nhưng xâm lấn hơn các loại khác. Loại này thường thấy ở người già và người nhiễm HIV. Bệnh thường phát ở hạch bẹn, lách, gan và tủy xương. 
  • Loại u hạch giàu lympho bào (nodular lymphocyte‐predominant Hodgkin lymphoma): chiếm 5% trong tổng số ca. Các tế bào ung thư Reed-Sternberg này có biến thể hình bỏng ngô (bắp rang). Bệnh thường khởi phát ở cổ và nách và phát triển chậm hơn loại cổ điển. Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi, nhưng phổ biến ở nam hơn nữ.

2.2.2.  Non-Hodgkin’s lymphomas (NHL)

Bệnh ung thư hạch Non-Hodgkin phổ biến hơn nhiều so với loại Hodgkin. 85% là ung thư khởi phát từ tế bào lympho B, còn lại là từ tế bào lympho T. Có hơn 60 loại NHL khác nhau, nhưng có thể phân nhóm theo loại tế bào bị ung thư ( thuộc loại tế bào lympho B hay T) và diễn tiến của bệnh (nhanh hay chậm). 

Ung thư hạch diễn tiến nhanh (Aggressive lymphomas) như ung thư hạch tế bào B lớn khuếch tán (lymphomas include diffuse large B‐cell lymphoma), ung thư hạch Burkitt (Burkitt lymphoma) và ung thư tế bào T, thường phát triển và di căn rất nhanh, cần phải điều trị ngay lập tức. 

Ngược lại, bệnh diễn tiến chậm (Indolent lymphomas) như ung thư hạch thể nang (follicular lymphoma), ung thư hạch vùng rìa (marginal zone lymphoma), phát triển khá chậm, không cần điều trị ngay nhưng cần phải theo dõi sát sao [6, 7, 11].

2.3. Nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ gây bệnh và cách phòng tránh

2.3.1.  Nguyên nhân

  • Đột biến DNA

Giống như bệnh bạch cầu leukemia và đa u tủy, các đột biến DNA trong tế bào tủy xương làm cho các gene sinh ung thư (oncogene) hoạt động vượt mức bình thường, còn các gen ức chế u (tumor suppressor) lại giảm hoạt động. Từ đó dẫn đến việc tăng sinh không kiểm soát của các tế bào, gây ra ung thư. [10].

  • Biến đổi trong hệ miễn dịch
  • Những biến đổi trong hệ miễn dịch có thể gây ra ung thư hạch loại Non-Hodgkin [7, 10].
  • Người bị suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, điều trị với thuốc ức chế miễn dịch, ghép tạng, hay do di truyền.
  • Người mắc bệnh tự miễn dịch (autoimmune): hệ miễn dịch sẽ tấn công phần nào đó trong cơ thể.
  • Người mắc các bệnh nhiễm mãn tính: hệ miễn dịch liên tục tạo đáp ứng miễn dịch để diệt tác nhân xâm nhiễm.

2.3.2.  Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư hạch bạch huyết [7, 10]

  • Tiếp xúc với hóa chất độc hại có chứa benzene hoặc đã từng điều trị hóa trị. (Xem thêm https://ruybangtim.com/noi-ung-thu-mang-ten-benzen-tu-cac-chat-bao-quan-co-trong-thuc-pham-che-bien/)
  • Tiếp xúc với bức xạ liều cao như phản ứng hạt nhân, bom nguyên tử hay điều trị xạ trị
  • Tuổi từ 15 đến 40 và sau 55 với loại Hodgkin và trên 60 với loại Non-hodgkin. 
  • Có người thân trong gia đình mắc ung thư hạch
  • Nam giới có nguy cơ mắc cao hơn nữ giới
  • Hệ miễn dịch yếu: như nhiễm HIV, ghép tạng, mắc bệnh tự miễn dịch, v.v.
  • Nhiễm virus như human T-cell lymphotropic virus (HTLV-1), Epstein-Barr virus (EBV), Human herpesvirus 8 (HHV-8).
  • Thừa cân và béo phì. (Xem thêm https://ruybangtim.com/thua-can-beo-phi-co-lam-tang-nguy-co-mac-ung-thu/

2.3.3.  Cách phòng tránh [7, 10]

  • Hạn chế tiếp xúc hóa chất độc hại và bức xạ liều cao.
  • Áp dụng các biện pháp phòng chống HIV như không tiêm chích ma túy, không quan hệ tình dục bừa bãi, v.v.
  • Không để thừa cân, béo phì, có chế độ ăn uống khỏe mạnh, nhiều rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, giảm ăn thịt, thức uống nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn.

2.4. Các triệu chứng thường gặp ở người bệnh [6, 7, 10]

  • Nổi hạch ở cổ, nách, háng, v.v. các hạch này thường không đau nhưng có thể cảm thấy đau khi uống thức uống có cồn.
  • “Triệu chứng B” có ở cả loại Hodgkin và Non-Hodgkin: gồm có các triệu chứng như sốt (tái đi tái lại trong nhiều tuần), đổ mồ hôi ban đêm, sụt cân (hơn 10% trọng lượng cơ thể). Bệnh nhân thường có triệu chứng B khi bệnh đã chuyển nặng.
  • Ho, khó thở hoặc thở gấp, đau ngực nếu u hạch ở ngực.
  • Đau đầu, thay đổi tính khí, suy nghĩ khó khăn, có thể bị đột quỵ nếu ung thư hạch ở não.
  • Có vấn đề về tầm nhìn và nói chuyện, tê liệt cơ mặt nếu ung thư hạch ở cột sống.
  • Ngứa, đỏ, nổi u bướu dưới da nếu ung thư hạch ở da.

2.5. Chẩn đoán và điều trị 

2.5.1. Các phương pháp chẩn đoán ung thư hạch bạch huyết [7, 10]

  • Sinh thiết hạch hoặc tủy sau đó kiểm tra tế bào ung thư trong mẫu sinh thiết.
  • Chẩn đoán bằng hình ảnh: Chụp X-quang, CT, MRI, siêu âm, v.v.
  • Thử máu

2.5.2. Điều trị [6, 7, 10]

Các lựa chọn điều trị chính hiện nay gồm có: 

  • Hóa trị: Tiêm, uống hoặc truyền thuốc vào cơ thể để giết tế bào ung thư trong máu và tủy xương.
  • Xạ trị: Sử dụng tia X cường độ cao để giết hoặc ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Xạ trị có thể áp dụng cho toàn bộ cơ thể hoặc tại một bộ phận có nhiều tế bào ung thư tập trung.
  • Liệu pháp miễn dịch: Sử dụng thuốc để kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Liệu pháp trúng đích: Sử dụng thuốc để khóa các gen hoặc protein cần thiết cho sự phát triển của tế bào ung thư để chặn đứng sự phát triển hoặc giết chúng.
  • Ghép tế bào gốc: Bệnh nhân sẽ được hóa trị liều cao để giết hết các tế bào ung thư, sau đó ghép tế bào gốc khỏe mạnh vào để tạo máu mới. Tế bào gốc mới có thể lấy từ người cho khác hoặc từ cơ thể người bệnh. Tế bào gốc từ chính người bệnh được lấy từ tế bào gốc máu cuống rốn (nếu người bệnh có lưu trữ lúc mới sinh) hoặc thu nhận tế bào gốc từ máu và tủy xương người bệnh trước khi hóa trị, loại bỏ tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm, sau đó ghép ngược trở lại cho chính họ.

 Tác giả: Ths. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nghiên cứu sinh – ĐH Tsukuba, Nhật Bản, cộng tác viên ban Khoa học, Ruy Băng Tím

Cố vấn nội dung

TS Nguyễn Hồng Vũ – Viện nghiên cứu City of Hope, California, Hoa Kỳ

TS Lê Anh Phương – Đại học Quốc gia Singapore, Singapore

TS Trịnh Vạn Ngữ – Đại học Soonchunhyang, Hàn Quốc

Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 30/12/2020

  1. Ung thư máu: Những điều cần biết
  2. Bệnh bạch cầu (Leukemia) và ung thư máu
  3. Những điều cần biết về bệnh bạch cầu và ung thư máu
  4. Đa u tủy (Myeloma) và ung thư máu

Tài liệu tham khảo 

  1.     Cueni, L.N. and M. Detmar, The lymphatic system in health and disease. Lymphat Res Biol, 2008. 6(3-4): p. 109-22.
  2.     Liao, S. and P.Y. von der Weid, Lymphatic system: an active pathway for immune protection. Semin Cell Dev Biol, 2015. 38: p. 83-9.
  3.     Wei-Ren, P., Atlas of Lymphatic Anatomy in the Head, Neck, Chest and Limbs. 2017: Springer Nature Singapore Pte Ltd. and People’s Medical Publishing House.
  4.     Laura, S., Immunology of the Lymphatic System. 2013: Springer New York Heidelberg Dordrecht London.
  5.     Lymph nodes. Available from: https://www.healthdirect.gov.au/lymph-nodes.
  6.     Luebbers, G.S.S.a.K.P., Leukemia, Lymphoma, and Myeloma, in Cancer Prevention, Early Detection, Treatment and Recovery. 2019, John Wiley & Sons, Inc. p. 299-316.
  7.     Leukemia & Lymphoma. Available from: https://www.webmd.com/cancer/lymphoma/default.htm.
  8.     Willett, E., & Roman, E, Epidemiology, in Lymphoma: Pathology, Diagnosis and Treatment. 2007, Cambridge University Press: Cambridge. p. 3-11.
  9.     Population fact sheets – Global Cancer Observatory – iarc. Available from: https://gco.iarc.fr/today/fact-sheets-populations.
  10.   American cancer society. Available from: https://www.cancer.org/.
  11.   About non-Hodgkin Lymphoma. Available from: https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/non-hodgkin-lymphoma/about.
  12.   de la Cruz-Merino, L., et al., Role of immune escape mechanisms in Hodgkin’s lymphoma development and progression: a whole new world with therapeutic implications. Clin Dev Immunol, 2012. 2012: p. 756353.

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm