Chăm sóc giảm nhẹVô sinh sau hóa trị ung thư, nguyên nhân và các phương...

Vô sinh sau hóa trị ung thư, nguyên nhân và các phương pháp dự phòng

 Hóa trị là một trong những phương tiện điều trị chính trong điều trị ung thư. Nhưng một trong những tác dụng phụ của hóa trị là ảnh hưởng lên chức năng sinh sản, có thể gây vô sinh, điều này rất quan trọng đối với các bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân trẻ tuổi.

Vô sinh là tình trạng không thể mang thai hay không thể có con. Hóa trị có thể làm suy giảm hay ngừng hoạt động của buồng trứng ở nữ hay làm giảm số lượng hay chức năng tinh trùng ở nam, dẫn đến vô sinh, ngoài ra nhẹ hơn còn có thể làm rối loạn chức năng sinh sản, tình dục. Vấn đề này có thể chỉ là tạm thời trong thời gian điều trị với hóa trị hay còn có thể là vĩnh viễn tùy thuộc vào loại thuốc và liều thuốc đã điều trị. Biểu hiện tình trạng vô sinh cũng như các phương pháp dự phòng cũng sẽ khác nhau ở bệnh nhân nam và nữ.
ungthu_ofhk
Ở nữ giới:

Vô sinh tạm thời: kinh nguyệt có thể không đều hay không có trong suốt thời gian điều trị. Nhưng trở lại bình thường khi điều trị hóa trị kết thúc. Tình trạng này theo thống kê xảy ra đến hơn 30% ở tất cả bệnh nhân nữ bị mất kinh nguyệt do hóa trị và kinh nguyệt thường sẽ trở lại bình thường sau 6 – 12 tháng.

Vô sinh vĩnh viễn: Một số loại thuốc hóa trị gây ảnh hưởng rất lớn đến chức năng của buồng trứng, do đó sau khi điều trị, buồng trứng không còn hoạt động như bình thường nữa, do đó bệnh nhân không thể mang thai sau đó và có thể sẽ không còn kinh nguyệt. Tình trạng này thường liên quan đến hóa trị với liều cao và thường ảnh hưởng ở những bệnh nhân nữ lớn tuổi hơn là bệnh nhân nữ trẻ tuổi, nhất là những bệnh nhân nữ gần đến tuổi mãn kinh thì biểu hiện càng rõ hơn.

Mãn kinh sớm: Bệnh nhân có thể bị mãn kinh sau điều trị hóa trị cho dù chưa đến tuổi mãn kinh thông thường.

Một số triệu chứng của mãn kinh như:

+ Cơn nóng bừng

+ Khô da

+ Khô âm đạo

+ Giảm hứng thú trong tình dục

+ Thay đổi tâm trạng thất thường

Tùy thuộc vào loại ung thư, tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân cũng như mức độ các triệu chứng mãn kinh mà bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân sử dụng liệu pháp hormone thay thế để điều trị các triệu chứng trên. Liệu pháp hormone thay thế bắt đầu sau hóa trị, nhưng liệu pháp này không thể giúp buồng trứng hoạt động lại như cũ, nên không thể chữa trị được vô sinh với liệu pháp này.
vo-sinh-do-hoa-tri
Ở nam giới:

Một số loại thuốc hóa trị có thể làm:

– Giảm số lượng tinh trùng

– Giảm chức năng tinh trùng hay khả năng thụ tinh với trứng của tinh trùng.

Một số loại thuốc còn có thể ảnh hưởng lên thần kinh vùng cơ quan tiết niệu sinh dục gây ra một số vấn đề như rối loạn cương dương, giảm khoái cảm khi quan hệ tình dục…Cũng như ở nữ giới, các tác dụng phụ này có thể chỉ là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tuy nhiên tác dụng phụ của hóa trị lên chức năng hoạt động tình dục thì ít khi xảy ra vĩnh viễn.

Để dự phòng tác dụng “đáng sợ” này của hóa trị, các bác sĩ điều trị sẽ tư vấn cho bệnh nhân cũng như bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về các mong muốn của bản thân trong tương lai. Hiện nay có nhiều phương pháp dự phòng vô sinh cho cả nam và nữ.

Nữ giới:

Một số phương pháp giúp bảo tồn chức năng sinh sản, dự phòng vô sinh:

Trữ lạnh phôi: Là phương pháp thu thập trứng từ bệnh nhân, đem thụ tinh ống nghiệm với tinh trùng từ bạn đời hay bạn tình tạo ra phôi (thụ tinh trong ống nghiệm – IVF). Sau đó tiến hành trữ lạnh phôi có được cho đến khi bệnh nhân muốn sinh con thì đưa phôi vào tử cung để phát triển thành thai như bình thường. Đây là một quá trình phức tạp và không phải lúc nào cũng có thể thực hiện thành công. Điều quan trọng cần phải nắm là phôi tạo thành thuộc sở hữu của cả hai bên, bệnh nhân và người cho tinh trùng, do đó phải cần có sự đồng ý từ cả hai phía trước khi sử dụng phôi. Tỉ lệ thành công với phương pháp này khoảng 22% cho phụ nữ mọi lứa tuổi

Trữ lạnh trứng: Bệnh nhân có thể chưa lập gia đình tại thời điểm cần thực hiện, do đó bệnh nhân có thể lựa chọn trữ lạnh trứng cho đến khi muốn sinh con. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc kích thích buồng trứng, bác sĩ sẽ thu thập trứng sau đó và trữ lạnh chúng. Quá trình sau đó thực hiện tương tự như quá trình trữ phôi ở trên và tỉ lệ thành công khoảng 20%

Trữ lạnh mô buồng trứng: nhiều nhà nghiên cứu đang tiến hành thực hiện chuyển mô buồng trứng và trữ lạnh chúng trước khi bắt đầu hóa trị với ý tưởng sẽ cấy lại mô buồng trứng cho bệnh nhân khi kết thúc điều trị. Nếu sau đó, mô buồng trứng vẫn hoạt động bình thường thì bệnh nhân vẫn sẽ duy trì được khả năng sinh sản. Tuy nhiên, phương pháp này chưa được phổ biến, hiện nay chỉ có một vài trung tâm thực hiện.

Các phương pháp trên có vẻ rất thuận tiện cho bệnh nhân để dự phòng vô sinh, tuy nhiên cũng có một số vấn đề:

–  Thứ nhất, bệnh nhân cần sử dụng thuốc kích thích buồng trứng để có thể thu thập trứng dễ dàng hơn. Thuốc này có thể gây xung đột với điều trị một số loại ung thư, ví dụ như ung thư vú – là một loại ung thư phát triển phụ thuộc vào hormone.

– Thứ hai, cần phải có thời gian, thường là vài tuần để tiến hành kích thích và thu thập trứng, điều này gây trì hoãn việc bắt đầu điều trị hóa trị cho bệnh ung thư, gây ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư.

Nếu sau khi điều trị ung thư, bệnh nhân muốn có con thì thời điểm thích hợp nhất là khoảng 2 năm sau điều trị. Vì 2 năm đầu là thời điểm mà ung thư dễ tái phát nhất, nếu tái phát trong quá trình bạn đang mang thai thì các biện pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai.

Nam giới:

Ngân hàng tinh trùng: là phương pháp thu thập và trữ lạnh tinh trùng cho đến khi muốn có con, có thể bảo quản qua nhiều năm. Điều này cần thực hiện trước khi thực hiện hóa trị. Cũng như các phương pháp ở nữ, phương pháp này có thể làm trì hoãn quá trình điều trị ung thư hoặc bệnh lý ung thư vốn dĩ đã làm suy giảm số lượng, chức năng tinh trùng của bạn nên có thể sẽ khó thực hiện

Vô sinh hay suy giảm chức năng sinh sản, tình dục sau điều trị ung thư nói chung hay hóa trị nói riêng là một tác dụng phụ quan trọng, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh nhân ung thư cần trao đổi với bác sĩ về các nỗi niềm hay mong muốn để có thể được sự tư vấn phù hợp nhất. Và quan trọng hơn hết, cần có một lối sống lành mạnh, thái độ sống tích cực để góp phần ngăn ngừa ung thư.
Xem thêm: Tại sao ung thư cần phải hóa trị?

Chịu trách nhiệm nội dung: BS Nguyễn Huỳnh Hà Thu

Góp ý nội dung: BS Trần Hoàng Hiệp

Tài liệu tham khảo:

1. Women’s fertility and chemotherapy. Cancer Research UK

2. Men’s fertility and chemotherapy. Cancer Research UK

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm