Vòm hầu nằm ở đâu?
Mô hình cấu trúc vùng đầu cổ cắt dọc.
(Nguồn: Bài giảng Ung bướu học (2011), Ung thư vòm hầu, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trang 422)
Vòm hầu là một vùng rất khó hình dung và khó mô tả, nhìn hình trên có thể mường tượng ra là một vùng ở vùng đầu cổ, phía sau mũi họng.
Vòm hầu được mô tả như một hình khối lập phương.
- Thành bên có vòi Eustache (vòi tai) và hố Rosenmuller.
- Phần nóc hơi nghiêng xuống từ trước ra sau, có ranh giới là tuyến yên vùng hầu, amidan hầu với đáy sọ ở trên.
- Phía trước vòm hầu tiếp xúc với cuống mũi dưới và khoang mũi, phía sau giáp với các cơ của thành hầu sau.
- Phía dưới kết thúc bằng một đường ngang tưởng tượng tạo thành bởi mặt trên của khẩu cái mềm và thành hầu sau.
Bệnh có thường gặp không? [2]
Ung thư vòm hầu là bệnh rất hiếm gặp ở các nước Âu Mỹ nhưng hay gặp ở châu Á.
Theo Globocan 2012 (Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới), tại Hoa Kỳ tỷ suất mới mắc là 2030 ca, tử vong 755 ca, ước tính chỉ có 0.5 ca ung thư/100.000 người. Ung thư vòm hầu không nằm trong nhóm 10 loại ung thư thường gặp.
Trong khi đó tại Việt Nam, tỷ suất mới mắc là 4931 ca, tử vong 2885 ca, ước tính 5.4 ca ung thư/100.000 người. Ung thư vòm hầu là ung thư đứng hàng thứ 8.
Nam giới bị gấp 3 lần nữ giới.
Triệu chứng của ung thư vòm hầu? [1]
Bệnh có thể diễn tiến âm thầm một thời gian dài mà không có triệu chứng nào. Khi triệu chứng xuất hiện, bệnh thường biểu hiện triệu chứng ở hạch cổ, ở tai và ở mũi.
- Hạch cổ: thường được phát hiện trước tổn thương nguyên phát (hơn 50% các truờng hợp), kích thước thường to. Tỉ lệ di căn hạch là 75-90% các trường hợp, trong đó 50% là hạch cổ hai bên.
- Tai: đau tai, viêm ống tai, ù tai.
- Mũi: sổ mũi, nghẹt mũi và chảy máu mũi.
- Triệu chứng do xâm lấn thần kinh hay xâm lấn đáy sọ, nhu mô não: đau mặt, nhức đầu, đau họng, nhìn đôi, khó nuốt, khàn tiếng, sụp mí mắt.
Ung thư vòm hầu là ung thư vùng đầu cổ di căn xa nhiều nhất, trong đó 70-80% di căn đến phổi và gan.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh
Yếu tố nguy cơ là những gì ảnh hưởng đến khả năng mắc ung thư nhưng có yếu tố nguy cơ, thậm chí là nhiều yếu tố cùng lúc không có nghĩa là chắc chắn 100% mắc bệnh, nó chỉ cho biết là có khả năng mắc bệnh cao hơn, thậm chí người không có yếu tố nguy cơ nào cũng có thể mắc ung thư. [3]
- Chủng tốc châu Á: thường gặp ở miền Nam Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, Malaysia và Philippines
- Chế độ ăn uống: ăn nhiều thịt cá ướp muối nhiều (hay gặp ở người châu Á)
- Hút thuốc lá
- Uống rượu bia
- Một số thuốc cổ truyền Trung Quốc
- Nơi làm việc: tiếp xúc với bụi gỗ, formaldehyde, xông khói
- Tiền căn gia đình có người mắc ung thư vòm hầu: hiện chưa biết liệu có phải là do di truyền không hay người trong một nhà cùng chia sẻ các yếu tố nguy cơ (ví dụ chế độ ăn uống, hút thuốc lá,…)
- Nhiễm virus Epstein-Barr (EBV): gần như tất cả các tế bào ung thư vòm hầu đều có một phần virus này và có bằng chứng bị nhiễm trùng trong máu của các bệnh nhân bị ung thư vòm hầu. Nhiễm EBV rất thường gặp và bệnh hay lây qua đường hô hấp. Mối liên quan giữa nhiễm EBV và ung thư vòm hầu khá phức tạp và chưa được hiểu rõ. Nhiễm EBV không chắc chắn là sẽ bị ung thư vòm hầu, nhiễm EBV rất hay gặp nhưng ung thư thì lại khá hiếm xảy ra.
- Di truyền, bệnh
Bảng tóm tắt mối liên quan [4]
Yếu tố nguy cơ | Mối liên hệ với ung thư vòm hầu |
EBV | Mạnh |
Tiền sử gia đình | Mạnh |
HLA type 1 | Trung bình – Mạnh |
Thịt cá muối | Trung bình – Mạnh |
Thực phẩm bảo quản | Trung bình |
Ăn ít trái cây, rau củ | Trung bình |
Viêm đường hô hấp mạn tính | Trung bình |
Thuốc lá | Yếu – trung bình |
Thuốc cổ truyền Trung Quốc | Yếu – trung bình |
Formaldehyde | Yếu – trung bình |
Giai đoạn
Phân loại theo TNM (T là viết tắt của Tumor nghĩa là bướu nguyên phát, N viết tắt của Nodes nghĩa là di căn hạch, M viết tắt của Metastasized nghĩa là di căn xa)
Bướu nguyên phát (T) | |
Tx | Bướu nguyên phát không thể đánh giá |
T0 | Không bướu nguyên phát |
Tis | Ung thư tại chỗ |
T1 | Bướu khu trú ở vòm hầu, khẩu hầu hay hốc mũi không xâm lấn khoang cạnh hầu |
T2 | Bướu xâm lấn khoang cạnh hầu |
T3 | Bướu xâm lấn cấu trúc xương và/hoặc xoang cạnh mũi |
T4 | Bướu lan đến nội sọ và/hoặc dây thần kinh sọ, hố thái dương dưới, hạ hầu, hốc mắt hay khoang cơ nhai |
Hạch vùng (N) | |
Nx | Hạch vùng không thể đánh giá |
N0 | Không có hạch vùng di căn |
N1 | Di căn 1 hạch cổ 1 bên hay hạch sau hầu 2 bên, trên hố thượng đòn ≤ 6cm |
N2 | Di căn hạch 2 bên, trên hố thượng đòn ≤ 6cm |
N3 | (a) Di căn hạch > 6cm, (b) di căn hạch trên đòn |
Di căn xa (M) | |
M0 | Không di căn xa |
M1 | Di căn xa |
Bảng giai đoạn | |
0 | Tis N0 M0 |
I | T1 N0 M0 |
II | T1 N1 M0 |
T2 N0-1 M0 | |
III | T1-2 N2 M0 |
T3 N0-2 M0 | |
IVA | T4 N0-2 M0 |
IVB | T bất kỳ N3 M0 |
IVC | T bất kỳ N bất kỳ M |
Điều trị
Ung thư vòm hầu là ung thư rất nhạy xạ nên phương pháp điều trị chủ yếu là xạ trị.
Giai đoạn I: điều trị thường là xạ trị vào vùng bướu ở vòm hầu và xạ trị chọn lọc vào hạch cổ.
Giai đoạn II, III, IV (chưa di căn xa): kết hợp giữa hóa trị và xạ trị
Giai đoạn IV (di căn xa): chủ yếu hóa trị
Sống còn toàn bộ sau 5 năm (tác giả Edwin P Hui) [5]
Giai đoạn | Tỷ lệ |
I | 90% |
II | 84% |
III | 75% |
IV | 58% |
Sống còn toàn bộ sau 5 năm (theo AJCC Cancer Staging Manual tổng kết các bệnh nhân được chẩn đoán năm 1998-1999)
Giai đoạn | Tỷ lệ |
I | 72% |
II | 64% |
III | 62% |
IV | 38% |
Thông điệp:
Ung thư vòm hầu là loại ung thư nằm khá sâu ở vùng đầu cổ nên triệu chứng khá âm thầm, khó phát hiện. Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh, giai đoạn càng sớm tỷ lệ chữa khỏi bệnh càng cao. Cần tránh các yếu tố nguy cơ có thể và khám bệnh định kỳ hoặc khám ngay khi có triệu chứng nghi ngờ.
Chịu trách nhiệm nội dung: BS Trần Hoàng Hiệp
Tài liệu tham khảo:
- Bài giảng Ung bướu học (2011), Ung thư vòm hầu, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
- Globocan 2012
- American Cancer Society, Nasopharynx cancer, https://www.cancer.org/cancer/nasopharyngeal-cancer
- Ellen T.Chang(2006) The Enigmatic Epidemiology of Nasopharyngeal Carcinoma
- Edwin P Hui, Treatment of early and locoregionally advanced nasopharyngeal carcinoma
Diễn viên Hàn Quốc Kim Woo Bin phát hiện mắc ung thư vòm hầu khi tuổi đời còn khá trẻ. Hình: Kênh 14.
Chào bác sĩ
Em muốn hỏi thời gian chuyển từ giai đoạn 2 sang 3 là bao lâu ạ
Chào bạn,
Thời gian chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác tùy vào thể trạng và diễn tiến tự nhiên của bệnh, không thể có con số chính xác, nếu bạn không chịu chữa bệnh thì thời gian chuyển sang giai đoạn nặng, thậm chí là tử vong sẽ rất nhanh.