Phòng bệnhDinh dưỡng phòng ung thưLợi khuẩn đường ruột có thể ngừa ung thư không?

Lợi khuẩn đường ruột có thể ngừa ung thư không?

Men vi sinh từ lâu đã là một sản phẩm phổ biến, quen thuộc, hay được mọi người sử dụng khi bị tiêu chảy hay rối loạn tiêu hóa… Tuy nhiên, ít ai biết rằng, men vi sinh chỉ là một trong nhóm các sản phẩm cung cấp các vi sinh vật có lợi cho cơ thể. Các vi sinh vật này còn được gọi là lợi khuẩn đường ruột (probiotic). Vậy lợi khuẩn đường ruột ngừa ung thư có phải là thông tin đúng?

1. Lợi khuẩn là gì?

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lợi khuẩn là những vi sinh vật sống có khả năng mang lại ích lợi về sức khỏe cho cơ thể ký chủ nếu được tiêu thụ hay đưa vào cơ thể ở một mức độ vừa phải. Hầu hết những lợi khuẩn này là các loại vi khuẩn không gây hại và đồng thời có khả năng sản sinh ra acid lactic như một số chủng vi khuẩn thuộc các loại Lactobacillus, Streptococcus, Bifidobacterium, Propionibacterium, Enterococcus và một số loại nấm men vô hại như Saccharomyces boulardii. Thông thường, hệ vi khuẩn đường ruột (bao gồm lợi khuẩn) được hình thành và phát triển từ khi sinh ra, tuy nhiên chúng sẽ thay đổi nhiều theo lối sống và chế độ ăn uống. Một số sản phẩm giàu nguồn lợi khuẩn có thể kể đến như các sản phẩm lên men từ sữa như các loại sữa chua, yogurt, hay trà kombucha, tương miso… Ngoài ra còn có các sản phẩm có khả năng kích thích sự phát triển nguồn lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa, được gọi là nhóm các thực phẩm tiền lợi khuẩn (prebiotic), bao gồm các loại thực vật giàu chất xơ ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ quả, đậu nành…

2. Lợi khuẩn đường ruột ngừa ung thư và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe

Những ích lợi to lớn mà lợi khuẩn mang lại cho sức khỏe con người đã được chứng minh như tăng cường, điều hòa hệ miễn dịch, giúp quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng diễn ra tốt hơn, kể cả khả năng “đánh bại” một số vi khuẩn gây hại ở đường ruột. Do đó, chỉ trong hai thập niên vừa qua, các chế phẩm lợi khuẩn đã trở nên ngày càng phổ biến. Chúng đã và đang được sử dụng để phòng ngừa và điều trị một số bệnh lý như viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, tiêu chảy do kháng sinh… Không những có lợi với các bệnh lý lành tính, các nghiên cứu cũng đã chứng minh lợi khuẩn đường ruột ngừa ung thư do chúng có khả năng sản sinh ra các chất kháng ung thư, ví dụ như việc bổ sung chủng Lactobacillus casei BL23 có thể bảo vệ cơ thể trước tác động của dimethyl hydrazine – là một chất có thể gây ra ung thư đại trực tràng [5]. Trong thực tế, các nhà khoa học cũng tiến hành các nghiên cứu dịch tễ, quan sát trên một số lượng dân số lớn, đánh giá mối liên hệ giữa việc sử dụng các sản phẩm lợi khuẩn và tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng. Cụ thể, một nghiên cứu ở Pháp trên gần 1000 bệnh nhân cho thấy ở người có bổ sung ít nhất ½ hũ sữa chua mỗi ngày sẽ giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng gấp hai lần so với người không dùng [2]. Nhóm nghiên cứu đã lý giải rằng nguồn lợi khuẩn Lactobacillus dồi dào trong yoghurt đã giúp làm giảm nồng độ pH trong ruột, dẫn đến ức chế quá trình chuyển hóa các acid mật và giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Một số nghiên cứu khác cũng ghi nhận điều này khi cho thấy lợi khuẩn có mối liên hệ mật thiết với hệ vi sinh thường trú ở ruột, tác động gián tiếp đến hệ miễn dịch và quá trình chuyển hóa, từ đó có thể tham gia vào quá trình kháng sinh ung (anticarcinogen) [6]. Trên thực tế, không chỉ đối với ung thư đại trực tràng mà với ung thư thực quản và bàng quang, lợi khuẩn cũng có vai trò làm giảm nguy cơ mắc hai loại ung thư này [7]. Ngoài tác dụng phòng ngừa một số loại ung thư, người ta còn quan sát thấy rằng các nhóm lợi khuẩn còn có thể điều trị các biến chứng trong quá trình điều trị ung thư như tiêu chảy do hóa trị, hay những bệnh nhân ung thư đại trực tràng có bổ sung lợi khuẩn sẽ có ít biến chứng nhiễm trùng vết mổ hơn so với người không sử dụng. Hiện nay, ngoài thực phẩm, lợi khuẩn hay tiền lợi khuẩn còn có thể được cung cấp bằng các chế phẩm sinh học có thể là gói men vi sinh như chúng ta thường thấy hay có thể dưới dạng như một loại thực phẩm chức năng. Tuy nhiên cho đến hiện tại, FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) không phân loại các sản phẩm này là một loại thuốc, do đó chất lượng, hiệu quả thật sự của chúng mang lại vẫn chưa thể đảm bảo. Và cũng theo các nhà khoa học, chúng ta có thể tiếp cận nguồn lợi khuẩn, tiền lợi khuẩn qua thực phẩm hằng ngày; nhưng với các chế phẩm sinh học như trên, cần phải cẩn trọng, chỉ bổ sung khi có chỉ định của bác sĩ.

3. Tổng kết

Lợi ích mà lợi khuẩn mang lại cho cơ thể là điều rõ ràng và nguồn lợi khuẩn có thể dễ dàng tiếp cận qua thực phẩm thường ngày. Tuy nhiên các nhà khoa học còn chỉ ra rằng việc bổ sung lợi khuẩn qua thức ăn hay các chế phẩm sinh học không phải lúc nào cũng giúp đảm bảo được sự cân bằng lợi khuẩn vì phản ứng của từng cơ thể với các lợi khuẩn này là khác nhau. Ngoài ra, chưa có khuyến cáo cụ thể về liều lượng sử dụng các sản phẩm chứa lợi khuẩn mỗi ngày cũng như một số tác dụng phụ của việc bổ sung lợi khuẩn lên sức khỏe do số lượng các nghiên cứu này còn hạn chế. Đã có vài trường hợp nhiễm trùng máu, viêm cơ tim sau khi bổ sung lợi khuẩn được báo cáo ở trẻ sơ sinh và người bị suy giảm miễn dịch [3], [4]. Do đó, việc bổ sung lợi khuẩn vẫn được xem là chống chỉ định cho những người bị suy giảm miễn dịch và trẻ sơ sinh nhẹ cân hoặc có kèm theo các bệnh lý khác. Tóm lại, lợi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa hệ miễn dịch cơ thể và tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa. Chúng đã được chứng minh không chỉ giúp ngăn ngừa, điều trị các bệnh lý lành tính mà còn có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như đại trực tràng, thực quản, bàng quang. Tuy nhiên, đối với các chế phẩm sinh học bổ sung lợi khuẩn (men vi sinh, thực phẩm chức năng), việc sử dụng chúng sao cho có lợi nhất cũng như phòng tránh các tác dụng phụ có thể mang lại cho sức khỏe còn đang được tiếp tục nghiên cứu.  Không nên tự ý sử dụng các chế phẩm lợi khuẩn này mà cần có ý kiến của bác sĩ, nhất là trên các đối tượng mắc suy giảm miễn dịch, trẻ em. Việc tốt nhất chúng ta có thể làm cho sức khỏe của chính bản thân là cố gắng có một chế độ ăn hợp lý, khoa học giàu các loại rau củ quả, ngũ cốc hay các sản phẩm từ sữa lên men. Từ đó cũng giúp cơ thể bổ sung được một nguồn lợi khuẩn dồi dào. Đồng thời luyện tập thể dục thể thao, giữ cho tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ. Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 19/01/2020
Tài liệu tham khảo
  • Boutron M., (1996), “Calcium, phosphorus, vitamin D, dairy products and colorectal carcinogenesis: a French case-control study”. British journal of cancer,  74  (1), pp. 145.
  • Kunz A. N., (2004), “Two cases of Lactobacillus bacteremia during probiotic treatment of short gut syndrome”. Journal of pediatric gastroenterology and nutrition,  38  (4), pp. 457-458.
  • Land M. H., (2005), “Lactobacillus sepsis associated with probiotic therapy”. Pediatrics,  115  (1), pp. 178-181.
  • Lenoir M., (2016), “Lactobacillus casei BL23 regulates T reg and Th17 T-cell populations and reduces DMH-associated colorectal cancer”. Journal of gastroenterology,  51  (9), pp. 862-873.
  • Shahani K. M., (1980), “Role of dietary lactobacilli in gastrointestinal microecology”. American Journal of Clinical Nutrition,  33  (11, Supplement), pp. 2448-2457.
  • Zhang K., (2019), “Fermented dairy foods intake and risk of cancer”. International journal of cancer,  144  (9), pp. 2099-2108.
  • https://www.mskcc.org/cancer-care/integrative-medicine/herbs/probiotics-01#references-27
  • https://www.mdanderson.org/publications/focused-on-health/FOH-probiotics.h14-1589835.html
  • Uptodate: Patient education: Probiotic
  • Tác giả và chuyên gia

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here

    Nhận bảng tin từ chúng tôi

    LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

    BÀI VIẾT MỚI NHẤT

    Có thể bạn quan tâm