Phòng bệnhDinh dưỡng phòng ung thưChuyên đề sữa và bệnh ung thư - Phần 2: Sữa đậu...

Chuyên đề sữa và bệnh ung thư – Phần 2: Sữa đậu nành có gây ung thư?

Sữa đậu nành, khi xét về mức độ phổ biến, thì chỉ đứng sau sữa bò một bậc và là một thức uống dinh dưỡng được nhiều người nhất là phụ nữ yêu thích. Tuy nhiên một số thông tin trên báo chí và diễn đàn chỉ ra sự liên hệ giữa sữa đậu nành và nguy cơ ung thư khiến nhiều người hoang mang. Ruy Băng Tím xin gởi đến bạn đọc bài viết dẫn chứng những phân tích tổng hợp (meta-analysis) của những nghiên cứu mới và đáng tin cậy khắp nơi trên thế giới về mối liên hệ này. Xin lưu ý rằng hầu hết các kết quả nghiên cứu được đề cập trong bài viết đều không phân biệt đậu nành làm sữa có phải là GMO hay không, và để tránh các tranh luận không cần thiết, gây sai lệch mục đích của bài viết, đậu nành được nhắc đến trong bài viết là dạng không GMO. Ruy Băng Tím sẽ viết một bài phân tích GMO và ung thư trong tương lai

Tại sao đậu nành được mọi người và các nhà khoa học quan tâm đến vậy?

Theo Viện Nghiên Cứu Ung Thư Hoa Kỳ, đậu nành là một trong rất ít thực phẩm từ thực vật có đầy đủ axit amin mà cơ thể con người cần. Ngoài đạm ra, đậu nành còn là một nguồn cung cấp chất xơ, kali, magiê, đồng, mangan, sắt, và những chất béo không bão hoà thiết yếu như omega-6 (axit linoleic) và omega-3 (alpha-linolenic)[1]. Đậu nành chứa hoá chất thực vật (phytochemical) có lợi cho sức khoẻ con người, trong đó isoflavone là trọng tâm của hầu hết các nghiên cứu. Isoflavone được xếp vào loại estrogen thực vật (phytoestrogen). Một điều đặc biệt ở estrogen thực vật là nó sở hữu cùng lúc 2 tính chất đối lập nhau khi kết nối với thụ thể estrogen ở người: giống estrogen (estrogen agonist), phản estrogen (estrogen antagonist)[2, 3]. Trong các isoflavone của đậu nành thì có 3 hoạt chất quan trọng: genistein, daidzein, glyceitein. Trong đó, genistein là hoạt chất có hoạt tính sinh học cao nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết sự phát triển của tế bào ung thư qua 3 đường chính:
  • Giảm viêm, thông qua việc giảm lượng COX-2/prostaglandin E2 trong tế bào (đây là 2 chất thúc đẩy quá trình viêm)[4].
  • Giảm yếu tố tăng trưởng biểu bì (epidermal growth factor, viết tắt EGF)[5].
  • Giảm chức năng của yếu tố tăng trưởng giống insulin (insulin-like growth factor, viết tắt IGF)[5, 6].
Bên cạnh đó, genistein còn cho thấy tiềm năng kích hoạt sự chết theo chương trình (apoptosis) ở tế bào ung thư tuyến tiền liệt[7], chống tăng sinh mạch[8], ức chế các enzyme tyrosine kinase, một loại protein thường được tìm thấy rất nhiều ở tế bào ung thư[9], hỗ trợ miễn dịch[10, 11]. Ngoài nhóm isoflavone ra, một số hoạt chất khác trong đậu nành cũng đã được nghiên cứu và cho thấy khả năng phòng chống ung thư[1]: _ Saponins: giúp giảm cholesterol và đường trong máu _ Axit phenol: đang được nghiên cứu khả năng chống ung thư di căng _ Axit phytic: có tính chống oxy hoá _ Những protein điều tiết enzyme bao gồm chất ức chế protease and chất ức chế protein kinase _ Sphingolipids: có khả năng điều chỉnh sự tăng trưởng của tế bào, sự tự huỷ các tế bào bất thường và sự tiến triển của khối u. Vì tác dụng của những hoạt chất được kể trên trong đậu nành, Viện Nghiên Cứu Ung Thư Hoa Kỳ đã ưu ái xếp đậu nành vào danh sách những thực phẩm chống lại bệnh ung thư[1].

Khả năng phòng chống ung thư của đậu nành:

_ Ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer)
  • Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt rất thấp ở các nước châu Á so với người phương Tây. Một trong những nguyên nhân được giả thiết là do người châu Á tiêu thụ thực phẩm từ đậu nành cao hơn[12, 13].
Screen Shot 2016-06-04 at 10.14.58 PM
  • Những bệnh nhân mắc bệnh này thường được điều trị bằng xạ trị nhưng tỷ lệ tái phát khá cao. Một nghiên cứu đã thử kết hợp xạ trị và đậu nành và phát hiện tác dụng của xạ trị trên tế bào ung thư được kéo dài hơn, ức chế được sự phát triển của khối u, và giảm di căng đến hạch[14].
  • Năm 2009, một nghiên cứu tổng hợp (meta-analysis) những nghiên cứu nhỏ khác liên quan đến chủ đề này từ nằm 1966 đến 2007 đã quan sát được khả năng phòng chống ung thư tuyến tiền liệt ở những người ăn thực phẩm giàu isoflavone[15].
  • Theo Viện Ung Bướu Quốc Gia Hoa Kỳ, rất nhiều thử nghiệm lâm sàn đã được thực hiện trên con người với mục đích chữa ung thư tuyến tiền liệt bằng isoflavone (uống sữa đậu nành hoặc thuốc bổ isoflavone) đã cho ra kết quả rất khả quan trong việc giảm tốc độ phát triển của khối u[16]
_ Ung thư vú (breast cancer)
  • Vai trò của đậu nành đối với ung thư vú gây khá nhiều tranh cãi bởi trên lý thuyết, ung thư vú chịu rất nhiều ảnh hưởng của estrogen nội sinh, trong khi đậu nành lại cung cấp thêm estrogen thực vật. Tuy vậy, nên nhớ một điều là estrogen thực vật trong đậu nành có 2 tính chất đối lập: giống estrogen và phản estrogen. Do đó, tác dụng thật sự của đậu nành lên tỷ lệ mắc ở người chưa bị và tỷ lệ tái phát, tử vong ở người đã bị vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn.
  • Tuy nhiên, theo các nghiên cứu phân tích tổng hợp (meta-analysisi) gần nhất, đậu nành có vẻ có tác dụng tích cực đối với việc phòng bệnh ở người chưa mắc. Cụ thể, năm 2006, một nghiên cứu của trường y Johns Hopkins tổng hợp 18 nghiên cứu dịch tễ từ năm 1978-2008 thấy rằng đậu nành có khả năng giảm nguy cơ ung thư vú[17]. Năm 2010, một nghiên cứu tổng hợp khác cũng đồng ý với nghiên cứu trước và ước tính isoflavones trong đậu nành có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú khoảng 16%, nhất là ở người châu Á[18]. Cả 2 nghiên cứu đều nhấn mạnh vai trò của isoflavones trong việc phòng ngừa ung thư vú ở phụ nữ.
  • Đối với nhóm bệnh nhân đang điều trị, các bằng chứng hiện có cho thấy việc tiêu thụ đậu nành có tác dụng tốt hoặc không có tác dụng đáng kể. Một nghiên cứu tổng hợp (meta-analysis) công bố năm 2013, tổng hợp kết quả của 5 nghiên cứu khác với hơn 11 000 bệnh nhân ung thư vú cho thấy việc tiêu thụ đậu nành mỗi ngày làm giảm nguy cơ tử vong cũng như tái phát, đặc biệt là nhóm bệnh nhân ER-, ER+/PR+, và hậu mãn kinh[19]. Một phân tích sâu (in-depth analysis) khác (2012), sau khi xem xét 3 nghiên cứu thời gian dài (cohort study) ở Mỹ và Trung Quốc với hơn 9500 bệnh nhân, kết luận rằng việc tiêu thụ ít nhất 10 mg isoflavone từ đậu nành mỗi ngày không làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong vì bệnh nhưng có giảm đáng kể nguy cơ tái phát bệnh[20].
_ Ung Thư ruột kết và trực tràng (colorectal cancer)
  • Năm 2009, một nghiên cứu tổng hợp 11 nghiên cứu nhỏ khác từ 2009 trở đi đã quan sát được đậu nành có thể giảm khả năng bệnh ung thư ruột kết và trực tràng đến 21% ở phụ nữ, nhưng không có thay đổi đáng kể ở nam giới. Một giả thuyết cho hiện tượng này là những tế bào khối u ở khu vực ruột kết và trực tràng thường thiếu hoặc vắng mặt đoạn gien chịu trách nhiệm sản xuất thụ thể estrogen, và isoflavones trong đậu nành có thể kích thích gien này hoạt động mạnh hơn, từ đó ức chế sự tăng trưởng của những tế bào bất thường[21].
  • Một nghiên cứu khác, công bố năm 2016, đã phân tích tổng hợp 17 nghiên cứu dịch tễ khác cho thấy việc tiêu thụ các isoflavone từ đậu nành làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư ruột kết và trực tràng, đặc biệt là ở người châu Á[22].
_ Khả năng phòng chống ung thư của đậu nành ở những vùng khác trên cơ thể
  • Ung thư phổi [23-25]
  • Ung thư nội mạc tử cung [26, 27]
  • Ung thư buồng trứng [27, 28]
  • Ung thư dạ dày và đường ruột [29]

Vậy nên tiêu thụ bao nhiêu sản phẩm từ đậu nành mỗi ngày là an toàn mà vẫn có hiệu quả phòng ngừa ung thư?

Hiện có rất ít khuyến cáo cho thấy lượng chính xác sản phẩm từ đậu nành có thể được tiêu thụ mỗi ngày. Liều lượng khuyên dùng mỗi bữa theo Viện Nghiên Cứu Ung Thư Hoa Kỳ là[1]:
  • 250mL sữa đậu nành hoặc
  • 30gram đậu nành
Và theo tổ chức dinh dưỡng uy tín Nutritionfact, chỉ nên ăn tối đa 2 đến 3 bữa như vậy mỗi ngày. Lượng nhiều hơn có thể gây hại[30]. Food from soya

Vậy tôi có nên ăn uống thêm sữa đậu nành và những thực phẩm từ đậu nành mỗi ngày?

Từ kết quả những nghiên cứu trên, chúng ta có thể thấy được những lợi ích từ đậu nành trong việc phòng ngừa ung thư. Việc tiêu thụ các sản phẩm từ đậu nành mỗi ngày trong giới hạn như đã nêu ở trên có vẻ là an toàn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chỉ dùng đậu nành là đủ để phòng ngừa các loại ung thư kể trên. Một chế độ ăn uống đa dạng, thiên về thực vật, kết hợp với lối sống lành mạnh (không thuốc lá, không rượu bia, vận động thể chất thường xuyên), chích ngừa và tầm soát ung thư theo khuyến cáo vẫn là những định hướng quan trọng nhất để phòng bệnh. Đối với từng nhóm đối tượng cụ thể, lời khuyên là như sau: _ Trẻ sơ sinh đến 1 tuổi: sữa mẹ luôn là sự lựa chọn tốt nhất. _ Phụ nữ là nhóm người nhận được nhiều lợi ích từ đậu nành nhất, đặc biệt là nhóm hậu mãn kinh. Tuy nhiên, bệnh nhân các loại ung thư có liên quan đến nội tiết như ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, và các bệnh u xơ, hay có cơ địa u xơ vẫn nên cẩn thận với đậu nành, và cần được bác sĩ tư vấn thêm trong chế độ dinh dưỡng. _ Nam giới là nhóm người cũng nhận được nhiều lợi ích từ đậu nành nhưng lại nghi ngại vì vấn đề đậu nành gây yếu sinh lý hay vô sinh. Hiện tại, đa số những nghiên cứu về vấn đề này đều thực hiện ở tế bào trong ống nghiệm hay ở chuột, trong khi con người là một tổ hợp phức tạp hơn nhiều. Cũng chỉ có một thí nghiệm trên người nổi bật nhất là của trường Harvard vào năm 2008 với phát hiện rằng đậu nành làm giảm lượng tinh trùng, nhưng chính thí nghiệm này có rất nhiều khiếm khuyết: số lượng ít (99 người), nam giới trong thí nghiệm đều có vấn đề về sinh sản, bị thừa cân/béo phì,… Thí nghiệm này cũng cho ra kết quả rằng đậu nành không ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của tinh trùng, hình thái tinh trùng hoặc lượng tinh dịch xuất ra[31]. Cũng nên nhớ rằng tỷ lệ sinh sản của người châu Á hiện vẫn tương đương với châu Âu, Mỹ… trong khi lượng tiêu thụ đậu nành ở châu Á cao hơn rất nhiều. Vì vậy, việc kết luận đậu nành gây yếu sinh lý hay vô sinh hay từ bỏ thực phẩm từ đậu nành vì lý do đó là quá vội vàng và thiển cận. Thế nên, nam giới vẫn nên bổ sung thực phẩm từ đậu nành với liều lượng hợp lý để tận dụng khả năng phòng chống ung thư tuyến tiền liệt, một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới. _ Những người nên tránh đậu nành: ngoài bệnh nhân các bệnh liên quan đến nội tiết tố thì bệnh nhân gút (gout)[32] hay người dị ứng với đậu nành cũng cần tránh đậu nành.

Tổng kết

– Theo các kết quả nghiên cứu đến thời điểm hiện tại, sữa đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành không gây ung thư. Ngược lại, sữa đậu nành và những thực phẩm từ đậu nành ngoài việc cung cấp những chất dinh dưỡng thiết yếu còn có khả năng phòng ngừa ung thư (tuyến tiền liệt, vú, ruột kết và trực tràng,…). –  Đậu nành còn có tác dụng hỗ trợ điều trị một số loại ung thư, tuy nhiên vẫn còn cần thêm bằng chứng để chắc chắn có thể áp dụng như một phương pháp tích hợp chính thức hay không. Do đó, bệnh nhân ung thư, nhất là các loại ung thư có liên quan đến nội tiết tố, vẫn cần sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia trong lĩnh vực trước khi quyết định bổ sung đậu nành vào thực phẩm hằng ngày. – Để phòng ung thư, lượng có thể dùng an toàn hàng ngày là khoảng 250mL sữa đậu nành hoặc 30gram đậu nành hoặc một lượng tương đương các sản phẩm khác từ đậu nành trong mỗi bữa, và có thể tiêu thụ 2 đến 3 bữa như vậy mỗi ngày. – Ngoài nhóm bệnh nhân ung thư và bệnh nhân các bệnh liên quan đến nội tiết tố khác, u xơ, hay có cơ địa u xơ, và bệnh nhân gút (gout), đậu nành hoàn toàn an toàn với mọi người nếu ăn trong giới hạn nêu trên.   Lưu ý: Bài viết này chỉ có mục đích tham khảo, hoàn toàn không có ý định chữa trị bất cứ bệnh tật nào. Xin vui lòng trao đổi trực tiếp với bác sĩ hay điều trị viên có kiến thức và hiểu rõ về bệnh tình của bạn để được tư vấn thêm. Xem thêm những phần khác của Chuyên Đề Sữa và Ung Thư: Phần 1: Sữa Bò và Nguy Cơ Ung Thư Phần 3: Sữa Mẹ, Việc Cho Con Bú và Bệnh Ung Thư Lần cuối xem xét khoa học: 11/06/2016 Lần cuối chỉnh sửa: 11/06/2016
Tài liệu tham khảo
  • AICR’s Foods that Fight Cancer. [cited 2016 May 26th]; Available from: http://www.aicr.org/foods-that-fight-cancer/soy.html.
  • Stefan O. Mueller, S.S., Kun Chae, Manfred Metzler and Kenneth S. Korach, Phytoestrogens and Their Human Metabolites Show Distinct Agonistic and Antagonistic Properties on Estrogen Receptor α (ERα) and ERβ in Human Cells. Toxicological Sciences, 2004. 80(1): p. 14-25.
  • Agostino Molteni, L.B.-M., Victoria Persky, In vitro hormonal effects of soybean isoflavones. Journal of Nutrition, 1995. 125(3): p. 7515-7565.
  • Swami, S., et al., Inhibition of prostaglandin synthesis and actions by genistein in human prostate cancer cells and by soy isoflavones in prostate cancer patients. Int J Cancer, 2009. 124(9): p. 2050-9.
  • Rabiau, N., et al., Genistein and daidzein act on a panel of genes implicated in cell cycle and angiogenesis by polymerase chain reaction arrays in human prostate cancer cell lines. Cancer Epidemiol, 2010. 34(2): p. 200-6.
  • Dewell, A., et al., Relationship of dietary protein and soy isoflavones to serum IGF-1 and IGF binding proteins in the Prostate Cancer Lifestyle Trial. Nutr Cancer, 2007. 58(1): p. 35-42.
  • Hsu, A., et al., Differential effects of whole soy extract and soy isoflavones on apoptosis in prostate cancer cells. Exp Biol Med (Maywood), 2010. 235(1): p. 90-7.
  • Su, S.J., et al., The novel targets for anti-angiogenesis of genistein on human cancer cells. Biochem Pharmacol, 2005. 69(2): p. 307-18.
  • Akiyama, T., et al., Genistein, a specific inhibitor of tyrosine-specific protein kinases. J Biol Chem, 1987. 262(12): p. 5592-5.
  • Guo, T.L., et al., Genistein modulates immune responses and increases host resistance to B16F10 tumor in adult female B6C3F1 mice. J Nutr, 2001. 131(12): p. 3251-8.
  • Dijsselbloem, N., et al., Soy isoflavone phyto-pharmaceuticals in interleukin-6 affections. Multi-purpose nutraceuticals at the crossroad of hormone replacement, anti-cancer and anti-inflammatory therapy. Biochem Pharmacol, 2004. 68(6): p. 1171-85.
  • Perabo, F.G., et al., Soy isoflavone genistein in prevention and treatment of prostate cancer. Prostate Cancer Prostatic Dis, 2008. 11(1): p. 6-12.
  • Sonn, G.A., W. Aronson, and M.S. Litwin, Impact of diet on prostate cancer: a review. Prostate Cancer Prostatic Dis, 2005. 8(4): p. 304-10.
  • Raffoul, J.J., et al., Soy isoflavones enhance radiotherapy in a metastatic prostate cancer model. Int J Cancer, 2007. 120(11): p. 2491-8.
  • Hwang, Y.W., et al., Soy food consumption and risk of prostate cancer: a meta-analysis of observational studies. Nutr Cancer, 2009. 61(5): p. 598-606.
  • Prostate Cancer, Nutrition, and Dietary Supplements (PDQ) – Health Professional Version. [cited 2016 May 26th]; Available from: http://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/cam/hp/prostate-supplements-pdq#section/_163.
  • Trock, B.J., L. Hilakivi-Clarke, and R. Clarke, Meta-analysis of soy intake and breast cancer risk. J Natl Cancer Inst, 2006. 98(7): p. 459-71.
  • Dong, J.Y. and L.Q. Qin, Soy isoflavones consumption and risk of breast cancer incidence or recurrence: a meta-analysis of prospective studies. Breast Cancer Res Treat, 2011. 125(2): p. 315-23.
  • Chi, F., et al., Post-diagnosis soy food intake and breast cancer survival: a meta-analysis of cohort studies. Asian Pac J Cancer Prev, 2013. 14(4): p. 2407-12.
  • Nechuta, S.J., et al., Soy food intake after diagnosis of breast cancer and survival: an in-depth analysis of combined evidence from cohort studies of US and Chinese women. Am J Clin Nutr, 2012. 96(1): p. 123-32.
  • Yan, L., E.L. Spitznagel, and M.C. Bosland, Soy consumption and colorectal cancer risk in humans: a meta-analysis. Cancer Epidemiol Biomarkers Prev, 2010. 19(1): p. 148-58.
  • Yu, Y., et al., Soy isoflavone consumption and colorectal cancer risk: a systematic review and meta-analysis. Sci Rep, 2016. 6: p. 25939.
  • Wu, S.H. and Z. Liu, Soy food consumption and lung cancer risk: a meta-analysis using a common measure across studies. Nutr Cancer, 2013. 65(5): p. 625-32.
  • Yang, G., et al., Soy food intake and risk of lung cancer: evidence from the Shanghai Women’s Health Study and a meta-analysis. Am J Epidemiol, 2012. 176(10): p. 846-55.
  • Yang, W.S., et al., Soy intake is associated with lower lung cancer risk: results from a meta-analysis of epidemiologic studies. Am J Clin Nutr, 2011. 94(6): p. 1575-83.
  • Zhang, G.Q., et al., Soy Intake Is Associated With Lower Endometrial Cancer Risk: A Systematic Review and Meta-Analysis of Observational Studies. Medicine (Baltimore), 2015. 94(50): p. e2281.
  • Myung, S.K., et al., Soy intake and risk of endocrine-related gynaecological cancer: a meta-analysis. BJOG, 2009. 116(13): p. 1697-705.
  • Qu, X.L., et al., Phytoestrogen intake and risk of ovarian cancer: a meta- analysis of 10 observational studies. Asian Pac J Cancer Prev, 2014. 15(21): p. 9085-91.
  • Tse, G. and G.D. Eslick, Soy and isoflavone consumption and risk of gastrointestinal cancer: a systematic review and meta-analysis. Eur J Nutr, 2016. 55(1): p. 63-73.
  • Greger, M. How much soy is too much? 2012 [cited 2016 June 11th]; Available from: http://nutritionfacts.org/video/how-much-soy-is-too-much/.
  • Chavarro, J.E., et al., Soy food and isoflavone intake in relation to semen quality parameters among men from an infertility clinic. Hum Reprod, 2008. 23(11): p. 2584-90.
  • Soy. [cited 2016 June 11th]; Available from: https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/007204.htm.
  • Tác giả và chuyên gia

    5 COMMENTS

    1. Trong phần về ung thư vú có nói đậu nành làm giảm tỷ lệ tái phát và tử vong (theo nghiên cứu tại Thượng Hải), nhưng phần kết luận lại nói là “Đậu nành an toàn cho mọi người, ngoại trừ bệnh nhân ung thư vú, u xơ và bệnh gút”. Vậy có mâu thuẫn không? Xin tác giả giải thích lại cho rõ.

      • Cảm ơn câu hỏi của bạn Hà!

        Ở phần ung thư vú, mình cũng đã khẳng định ngay từ đầu là vai trò của đậu nành với ung thư vú hiện đang có rất nhiều tranh cãi. Do đó, thông tin của RBT chủ yếu dựa trên các phân tích tổng hợp của rất nhiều nghiên cứu đơn lẻ để cho ra xu hướng gần đúng nhất. Như đã nói ở trên, đến nay thì các phân tích này mới cho thấy tác dụng tốt của đậu nành trên nhóm người chưa bị bệnh, còn với bệnh nhân ung thư vú thì chưa có phân tích tổng hợp nào.

        Tuy nhiên, duy chỉ có nghiên cứu Thượng Hải là làm trên đối tượng bệnh nhân ung thư vú đang điều trị với số lượng lớn (trên 5000 bệnh nhân) và theo dõi suốt (trung bình) 4 năm, cho thấy bằng chứng có sức nặng đáng kể về mặt khoa học, do đó RBT mới lựa chọn để đưa vào cho mọi người tham khảo. Nhưng RBT vẫn thận trọng, vì dù gì đây cũng chỉ mới là 1 nghiên cứu đơn lẻ, nên vẫn khuyên bệnh nhân ung thư vú (và những người có nguy cơ cao) nên cẩn thận với đậu nành và cần có sự tư vấn của bác sĩ hoặc điều trị viên về chế độ dinh dưỡng phù hợp.

    2. Bài viết rất hữu ích, cám ơn tác giả. Hiện nay có rất nhiều bài báo viết về công dụng của tỏi, đặc biệt là tỏi ngâm rượu và tỏi ngâm giấm. Hi vọng các anh chị và các bạn có thể cho mọi người thêm thông tin về vấn đề này.

    3. Bài viết rất hữu ích.
      Xét về mặt y học chữa bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị, để đạt hiệu quả cao hơn trong việc nâng cao kết quả chữa bệnh thì bệnh nhân cần sự tư vấn thêm về chế độ dinh dưỡng từ các bác sỹ dinh dưỡng hoặc chuyên gia dinh dưỡng chứ không phải là sự tư vấn dinh dưỡng từ các bác sỹ chuyên khoa chữa bệnh. Các bác sỹ chuyên về chữa bệnh thì chỉ tư vấn chế độ dinh dưỡng chung chung chứ không dựa trên các nghiên cứu khoa học( vì bsyx không đc đào tạo chuyên sâu về dinh dưỡng) có thể dẫn đến làm cho bệnh nhân mất đi một số cơ hội tiếp cận đc với nguồn dinh dưỡng tốt, nhất là dinh dưỡng được phân lập từ đậu nành.

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here

    Nhận bảng tin từ chúng tôi

    LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

    BÀI VIẾT MỚI NHẤT

    Có thể bạn quan tâm