Trẻ em cũng bị ung thư
Nhiều người trong chúng ta vẫn thường nghĩ ung thư là căn bệnh chỉ có ở người lớn, tuy nhiên điều này có phần chưa đúng. Tại Mỹ ghi nhận ung thư là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 2 ở trẻ dưới 15 tuổi (sau tai nạn). Do vậy trẻ em cũng có thể mắc ung thư. [1]
Các loại ung thư ở trẻ em thường gặp: [2]
Ung thư máu (Bệnh bạch cầu) (34%).
U não (23%).
Lymphôm (Ung thư hệ bạch huyết) (12%).
Các bướu đặc ở tủy sống, nguyên bào thận, nguyên bào thần kinh, u tế bào mầm,…
Ung thư ở trẻ em khác người lớn như thế nào? [1]
Phần lớn ung thư xuất hiện ở người lớn có mối liên quan chặc chẽ đến những yếu tố nguy cơ trong lối sống sinh hoạt và môi trường hàng ngày. Ví dụ: hút thuốc lá dẫn đến ung thư phổi, tiếp xúc nhiều với nắng làm tăng nguy cơ ung thư da…
Ung thư ở trẻ em có đặc điểm khác với ở người lớn. Ung thư ở trẻ em chủ yếu do những biến đổi của DNA bên trong tế bào, những biến đổi này thường xuất hiện trong những năm đầu đời của trẻ hay thậm chí là trước khi trẻ được sinh ra đời. Thường không có mối liên hệ nhiều đến lối sống, cũng như yếu tố môi trường như ở người lớn.
Các yếu tố nguy cơ ung thư ở trẻ em: [3]
Tuổi: tất cả loại u phôi bào (embryonal tumors) như u nguyên bào thần kinh, bướu Wilms,… thường xuất hiện trong 5 năm đầu ở trẻ.
Giới tính: bé trai thường có tỉ lệ mắc các loại ung thư nói chung cao hơn bé gái (tỉ lệ nam/nữ mắc ung thư thay đổi tùy thuộc vào loại ung thư). Ví dụ: tỉ lệ ở ung thư nguyên bào thần kinh là 1.04, ở ung thư tế bào mầm là 1.64.
Chủng tộc: tỉ lệ ung thư máu ở trẻ em Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cao hơn 10% so với trẻ em da trắng khác.
Các yếu tố môi trường: tác nhân được thừa nhận là nguyên nhân gây ra một số bệnh lý ung thư ở trẻ em như tiếp xúc với bức xạ ion hóa liều cao, hóa trị. Ngoài ra, những yếu tố khác chưa tìm được bằng chứng rõ ràng.
Các yếu tố nội tại:
Sanh non, cân nặng lúc sanh (thiếu hoặc thừa cân)
Tuổi của bố và mẹ lớn
Dị tật kèm theo của trẻ
Di truyền
Có nên tầm soát ung thư ở trẻ em?
Tỉ lệ mắc ung thư ở trẻ em là rất thấp, vì vậy không ghi nhận khuyến cáo cho việc tầm soát. Tuy nhiên ở những trẻ có yếu tố nguy cơ cao (bố mẹ có bệnh lý di truyền, trẻ có bệnh lý khác và được điều trị bằng liều cao bức xạ ion hoặc hóa trị) cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu sớm của ung thư.
Những dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo ung thư ở trẻ: [1]
1. Khối u hoặc chỗ sưng bất thường.
2. Suy nhược hoặc xanh xao không giải thích được.
3. Dễ bầm tím.
4. Một vị trí đau nào đó diễn tiến liên tục.
5. Sốt hoặc bệnh kéo dài.
6. Đau đầu thường xuyên, kèm theo nôn ói.
7. Giảm thị lực đột ngột.
8. Sụt cân đột ngột.
Tuy nhiên những triệu chứng trên có thể gặp ở bất kì bệnh lý nào khác không phải ung thư (ví dụ như chấn thương hoặc nhiễm trùng). Nhưng nếu trẻ có một trong những triệu chứng này, nên đưa trẻ đi khám và điều trị.
Điều trị ung thư ở trẻ em: [1]
Việc điều trị phụ thuộc vào loại ung thư và giai đoạn bệnh. Những phương pháp chính hiện nay gồm: phẫu trị, xạ trị và hóa trị.
Mặc dù vẫn có một số ngoại lệ, tuy nhiên nhìn chung thì ung thư ở trẻ em đa phần đáp ứng tốt với hóa trị. Cơ thể của trẻ có khả năng hồi phục tốt hơn cơ thể của người lớn sau hóa trị liều cao.
Trái lại, xạ trị có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng ở trẻ nhiều hơn so với ở người lớn.
Lợi ích và hạn chế tác dụng phụ một cách tối thiểu cần được cân bằng để đem lại hiệu quả điều trị cao nhất.
Tài liệu tham khảo:
[1] Cancer in children: https://www.cancer.org/cancer/cancer-in-children
[2] Epidemiology of childhood cancer: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20231056
[3] Genetic and nongenetic risk factors for childhood cancer: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4384439/
Chịu trách nhiệm nội dung: Lê Nho Quốc
Chỉnh sửa nội dung: BS Trần Hoàng Hiệp