Tin đồn & Sự thậtRuy Băng Tím phản biện bài phỏng vấn Bác sĩ Nguyễn Lê

Ruy Băng Tím phản biện bài phỏng vấn Bác sĩ Nguyễn Lê

Dành cho ai chưa theo dõi sự việc này từ đầu:

  1. Ruy Băng Tím tranh luận về sách với đơn vị phát hành: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2486023021454046&set=a.482423615147340&type=3&theater
  2. Ruy Băng Tím phản biện khoa học thông tin sai trong sách: https://www.facebook.com/groups/ruybangtim/permalink/2467399133540208/
  3. Tác giả sách (BS Nguyễn Lê) trả lời phỏng vấn: https://www.facebook.com/groups/ruybangtim/permalink/2479506958996092/

Sau khi phóng viên cho hay BS Lê có bài phỏng vấn với tựa đề “Bị tố viết sách về bệnh ung thư phản khoa học, tác giả nói gì?”, Ruy Băng Tím đã cố tình không phản biện ngay mà chờ đến hơn 10 ngày để xem nội dung của các comment từ độc giả cho bài này như thế nào để ước lượng được ảnh hưởng đến cộng đồng như thế nào (tuy nhiên, hiện nay các comment này đều đã bị ẩn đi bởi Zing). Dựa trên các nội dung comment đó, RBT có thể khẳng định ảnh hưởng của quyển sách sai khoa học “Ung thư không phải là chết” của BS Lê là không nhỏ và nguy cơ tạo ảnh hưởng xấu cho cộng đồng bệnh nhân ung thư ở Việt Nam là rõ ràng như RBT đã đề cập trước đó! Ví dụ như nội dung comment của một độc giả tên Kim Kim như sau:

Nhận thấy nội dung của bài phỏng vấn của BS Lê đăng trên báo Zing không những không biện hộ được những điểm sai mà bài phản biện trước của RBT đưa ra mà một lần nữa nội dung bài phỏng vấn chứa nhiều nhận định sai lầm, đánh tráo khái niệm và ngụy biện cần được làm rõ! Nhóm RBT xin được đưa ra phân tích 4 điểm tiêu biểu sau:

Điểm 1: BS Lê nói “Thực tế, quan điểm của các bác sĩ vẫn có sự khác nhau giữa người này, người kia, thậm chí, cùng một khoa, cùng một bệnh viện nhưng quan điểm điều trị cũng khác nhau. Bên cạnh đó, trong điều trị hiện nhiều hướng, trường phái, đâu là đúng vẫn chưa rõ ràng. Ngay bác sĩ điều trị cũng không thể khẳng định biện pháp đưa ra có hiệu quả với bệnh nhân của mình hay không, tùy thuộc đáp ứng và nhiều vấn đề khác.”

Lời nhận định này theo chúng tôi là sai vì thật ra trong lâm sàng, tuy có hiện tượng 9 người 10 ý khi các bác sĩ khi nhận định về một ca bệnh nhưng các ý kiến tranh cãi là sự cân nhắc giữa lợi ích và tác dụng phụ (đôi khi là nguy hiểm) của các phương pháp khác nhau (trong phác đồ điều trị) chứ không phải giữa phương pháp đã được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học cụ thể và phương pháp không rõ ràng, chưa có kết luận cuối cùng. Không thể đưa một thứ thuốc mà bác sĩ cho là đúng mà không dựa trên bằng chứng khoa học nào, điều này đi ngược lai với y đức của một người thầy thuốc. Việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng (TPCN) để điều trị cho mình mà không cần hóa trị hoặc xạ trị như BS Lê đưa ra trong sách là một điều mà không một Bác Sĩ nào hoặc phác đồ điều trị ung thư nào trên thế giới chấp nhận vì nó chưa từng được chứng minh có lợi hơn các phương pháp chính thống, thậm chí có thể có hại.

Điểm 2: BS Lê nói “Cuốn sách này tôi viết về trải nghiệm, kiến thức của bản thân, mục tiêu muốn truyền tải nghị lực, quyết tâm sống cho bệnh nhân, người nhà họ và giúp mọi người có thêm kiến thức về ung thư, bệnh diễn biến như thế nào, xử lý nó ra sao.”

Theo như bài viết trước của nhóm RBT thì kiến thức về ung thư của cuốn sách đưa ra là sai khoa học và có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến cộng đồng người bệnh ung thư. Do vậy, người viết sách nếu là một người bình thường thì mức độ tác động xấu đến xã hội sẽ thấp hơn rất nhiều so với trường hợp này tác giả xưng danh là một Bác Sĩ chuyên ngành điều trị ung thư, bìa sách là người khoác áo blouse trắng thì sẽ làm người khác tin và làm theo rất nhiều. Việc tin và làm theo các kiến thức sai khoa học như thế này sẽ đem lại hậu quả khôn lường, đôi khi là tính mạng của người bệnh.

Điểm 3: BS Lê nói “Họ chỉ đọc 3 trang để đánh giá cả cuốn sách dài 172 trang. Như vậy liệu có khoa học và toàn diện hay không? Tôi nghĩ họ phản bác tôi vì nghĩ rằng tôi sử dụng thực phẩm chức năng để thay thế cho những phương pháp chính thống. Nhưng tôi không làm như vậy, tôi chỉ dùng chúng để hỗ trợ thêm.”

Tuy chỉ 3 trang sách nhưng đó là 3 trang sách nói về cách điều trị mà BS Lê cho là nhờ đó mà ông không cần điều trị thêm bằng phương pháp xạ trị hoặc hóa trị để sống đến bây giờ! Ba trang sách này không phải nhóm RBT chọn ra để phản biện trong bài viết đầu tiên về nhận định của cuốn sách. Ba trang sách này được một nhân viên của công ty sách Sống – đơn vị xuất bản sách chọn ra để phản biện cho câu hỏi về việc điều trị ung thư bằng lá đu đủ và các TPCN khác của BS Lê nêu ra. Và xin lưu ý ở đây, bên công ty sách chỉ gửi 3 trang sách để phản biện tuy nhiên cả 3 trang đều mang những thông tin sai lệch như trên. Do vậy, nội dung 172 trang của cuốn sách dù như thế nào cũng không thể làm thay đổi được nội dung phản biện của nhóm RBT về nội dung sai khoa học và nguy cơ ảnh hưởng xấu đến cộng đồng trong 3 trang sách này! Hơn nữa, sau khi phản biện RBT sẵn sàng mời BS Lê cũng như các các chuyên gia – “các vị có uy tín mà Sống nhắc đến” để phản biện bào chữa một cách công khai cho những vấn đề khoa học đưa ra ở đây.

Điểm 4: BS Lê nói “Tôi khẳng định tôi không được một đồng nào từ việc quảng cáo cho những sản phẩm này, chúng ở tận bên Mỹ, bản thân tôi vẫn bỏ tiền ra để mua. Tôi cũng không bán, PR hay quảng cáo cho bất kỳ sản phẩm nào. Tôi dùng cái gì, tôi nói cái đó thôi.”

Điều này trái ngược hẳn với các bằng chứng mà chúng tôi có được về mối liên hệ của BS Lê với các trang quảng bá cho TPCN trên mạng xã hội.

Cụ thể, một số fanpage đăng bán các loại TPCN dùng hình ảnh và bài viết của bác sĩ Lê để quảng cáo cho TPCN của họ. Trong đó có ghi Bác sĩ Nguyễn Lê chuyên ngành Ung thư, Viêm gan B, C và có cả số điện thoại cá nhân của ông. (Hình 1, 2, 3)

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Lê còn chia sẻ những bài viết hoặc thông tin về việc điều trị ung thư mà ông sử dụng, có thể thấy các thông tin đó đều là thông tin không có căn cứ khoa học. (Hình 4, 5, 6, 7)

 Thậm chí, bác sĩ Lê cũng đã từng đăng bài trên facebook cá nhân về các loại TPCN mà ông sử dụng và không ngừng khẳng định chúng có khả năng “ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư”. (Hình 8) 

Chúng tôi và các bác sĩ khác cũng nhận được không ít các chứng cứ từ các bệnh nhân đến trực tiếp nhà BS Lê để được khám bệnh và tư vấn sử dụng TPCN với mỗi “toa” chứa nhiều loại TPCN với giá vài triệu đồng cho mỗi loại. (Hình 9, 10, 11)

Hình 9


Hình 10

Tóm lại, trước phản ứng của của giới khoa học và BS trong và ngoài nước về nội dung nguy hiểm cho cộng đồng bệnh nhân ung thư của cuốn sách “Ung thư không phải là chết”, bài phỏng vấn của BS Lê không trả lời được những câu hỏi đặt ra của bài phản biện lần trước của nhóm RBT tố giác các điểm sai trong sách và không đưa ra được các ý thuyết phục để biện hộ. Mà qua đó còn đang cố tình dùng những luận điểm mập mờ nhằm che mắt dư luận!

2 COMMENTS

  1. Dear Các Bác sĩ!

    Tôi cũng là người mê khoa học đặc biệt là sinh học và thường hay đọc các tài liệu và bài viết của RBT. Tôi cảm nhận rất vui và rất tự hào vì các bạn là những nhà khoa học và bác sĩ trẻ của Việt Nam có tấm lòng và trái tim nhân hậu cũng như một khát vọng dâng hiến cho mọi người đặc biệt là các bệnh nhân Ung thư trong và ngoài nước.

    Cá nhân tôi chỉ là người yêu thích khoa học đặc biệt là ngành sinh học và y học tích hợp. Thưa các bạn tôi không phải bác sĩ hay nhà khoa học chuyên nghiệp và y học hàn lâm như mọi người nhưng tôi có gần 25 năm đi nhiều nước và trải nghiệm nghiên cứu gặp gỡ và trao đổi rất nhiều các nhà khoa học già trẻ đều có tại nhiều trung tâm nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp, liệu pháp, cả cá liệu pháp tích hợp cho đến 2020 này trong chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân ung thư.

    Do tôi rất ngưỡng mộ các bạn cho nên sau khi đọc xong các bài phản biện của các bạn với “Bác Sĩ Lê” đến lần này tôi xin mạo muội có một lời góp ý cho các bạn bằng một sự chân thành và mong các bạn xem xét “bình tĩnh và không sa lầy vào việc tranh luận đúng hay sai của một vấn đề nào đó về y học hiện tại” bởi vì chúng ta còn đang ở hiện tại trong khi vũ trụ và trái đất vẫn từng giây tiến hóa cho nên mọi thứ vẫn tiếp tục thay đổi và tiến hóa không ngừng nghỉ các bạn ạ…

    Hy vọng các bạn hiểu mong muốn này của người ngưỡng mộ các bạn và RBT sẽ lớn mạnh, có cái nhìn cá biệt hơn cho RBT của mình và thật tĩnh tâm để nhìn khoa học sang thêm một hệ qui chiếu khác mà không có sai hay đúng lâu dài và bền vững được không?

    Ví dụ: Huyết áp của người Bồ Đào Nha khỏe mạnh là: 135/95 mmHg và Huyết áp của những bộ tộc Amazon của Brasil có tên là Yanomamo chỉ khoảng 95/65mmHg. Trong hai trường hợp này nếu bất kỳ BS nào trên thế giới tới BĐN thì đều dán nhãn cho công dân BĐN 100% là cao huyết áp và tới bộ tộc Yanomamo là huyết áp thấp…..

    Tôi có rất nhiều các nghiên cứu tại Nhật – Pháp và Hàn Quốc cả mỹ nữa tôi thấy rằng có nhiều thứ cần cẩn trọng hơn trong sự biến đổi không ngừng trong Y học – sinh học hàn lâm ngày nay.

    Chúc các bạn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và giữ nhiệt huyết nhiều hơn
    Cảm ơn các bạn thật nhiều và ý kiến của tôi có làm cho các bạn phiền lòng mong được bỏ qua nhé.
    Trân trọng
    Jackla

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm