(Các thông tin cần biết dành cho bệnh nhân)
Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của các phương pháp điều trị ung thư vú, số phụ nữ được chữa khỏi ngày một nhiều do đó vấn đề chất lượng cuộc sống, tâm lý sau điều trị cũng đang được quan tâm hơn. Một trong những vấn đề gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý sau điều trị là sự mặc cảm với việc thiếu đi một cơ quan nữ tính của phụ nữ. Điều đó dẫn đến sự phát triển của phẫu thuật nhằm tạo hình lại một bầu ngực mới thay thế – gọi là phẫu thuật tái tạo vú.
Phẫu thuật tái tạo vú là gì?
Đối với phụ nữ bị ung thư vú hoặc có nguy cơ cao bị ung thư vú, phẫu thuật cắt bỏ vú bị bệnh là phương pháp điều trị chủ yếu và phổ biến cho đến nay, được gọi là phẫu thuật đoạn nhũ. Phẫu thuật này sẽ lấy đi toàn bộ mô vú của người bệnh và có hoặc không kèm theo lấy đi các hạch vùng nách cùng bên.
Phẫu thuật tái tạo vú là phẫu thuật nhằm tái tạo, mô phỏng lại hình dạng vú sau khi thực hiện phẫu thuật đoạn nhũ nói trên. Trong phẫu thuật tái tạo vú, bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng một vật liệu nhân tạo gọi là túi độn, hoặc sử dụng một phần mô da, cơ, mỡ được lấy từ phần khác trên cơ thể của chính người đó, gọi là vạt tự thân, để thay thế cho phần mô vú đã bị lấy đi.
Người muốn phẫu thuật tái tạo vú cần phải thỏa mãn nhiều yêu cầu trong đó quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn về mặt ung thư, nghĩa là yêu cầu điều trị phải đảm bảo trước (khả năng tái phát là thấp nhất) rồi mới đến yêu cầu thẩm mỹ. Do đó nếu có nhu cầu tái tạo vú, hãy trao đổi, tham vấn với bác sĩ về phẫu thuật trước khi phẫu thuật đoạn nhũ do phẫu thuật đoạn nhũ có thể cần phải thực hiện theo một cách riêng để phù hợp với phẫu thuật tái tạo vú sẽ được thực hiện sau đó.
Tôi có cần thiết phải tái tạo vú sau phẫu thuật đoạn nhũ không?
Câu trả lời là không nếu bạn không muốn. Việc quyết định có tái tạo vú hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của bạn. Một số phụ nữ cảm thấy bản thân tốt hơn hoặc bình thường hơn nếu sau khi phẫu thuật đoạn nhũ mà hình dạng bầu ngực được phục hồi như cũ, nhưng nếu điều đó là không quan trọng với bạn bạn có thể chọn không thực hiện tái tạo vú.
Thêm vào đó, phẫu thuật tái tạo vú đòi hỏi thời gian phẫu thuật lâu hơn, kỹ thuật phức tạp hơn, thời gian nằm viện dài hơn đôi khi phải phẫu thuật nhiều lần hơn. Do đó, không phải cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện được và đương nhiên chi phí phát sinh sẽ cao hơn. Đôi khi đó cũng là một số điều bạn phải cân nhắc trước khi quyết định. Vấn đề quan trọng là bạn được quyền lựa chọn bạn muốn làm gì.
Nếu tôi quyết định không tái tạo vú tôi có thể làm gì?
Nếu bạn quyết định không tái tạo vú, bạn có thể mặc các loại áo ngực có túi độn đặc biệt, gọi là “áo ngực sau đoạn nhũ”. Nó có một ngăn để chứa miếng độn vú mềm ở bên vú đã phẫu thuật. Với cách này bạn sẽ mặc quần áo vừa vặn hơn và trông không có gì khác biệt cả.
Trong một số trường hợp, ở một số phụ nữ bị ung thư ở cả 2 vú hoặc ở những phụ nữ nguy cơ cao bị ung thư vú trong tương lai (có mang đột biến gen gây ung thư), phẫu thuật đòi hỏi phải cắt bỏ cả 2 bên vú để chữa trị hoặc ngăn ngừa ung thư, gọi là đoạn nhũ 2 bên. Đối với những người này, có thể không cần thực hiện tái tạo vú cho cả hai bên nếu việc “không có vú” không ảnh hưởng gì đến tâm lý. Một vài phụ nữ vẫn cảm thấy thoải mái với điều đó thì có thể lựa chọn không tái tạo.
Khi nào tôi có thể thực hiện tái tạo vú?
Phẫu thuật tái tạo vú có thể được thực hiện cùng lúc với phẫu thuật đoạn nhũ hoặc có thể thực hiện sau khi đã hoàn tất quá trình điều trị ung thư vú. Thời điểm thực hiện tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh và các phương pháp điều trị tiếp theo sau phẫu thuật. Cũng như vậy, nếu bạn muốn trì hoãn phẫu thuật tái tạo vì lý do cá nhân nào đó, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về điều đó.
Đối với phụ nữ với ung thư giai đoạn sớm hoặc phẫu thuật đoạn nhũ để phòng ngừa ung thư, có thể thực hiện phẫu thuật tái tạo cùng một lúc với đoạn nhũ. Đó gọi là “phẫu thuật tái tạo tức thì”. Phẫu thuật này có thuận lợi là bác sĩ có thể giữ lại phần da của vú (đôi khi là cả núm vú) trong khi đoạn nhũ nên việc tái tạo vú sau đó sẽ dễ dàng và trông tự nhiên hơn.
Đối với người bệnh giai đoạn muộn hơn hoặc khối bướu ung thư tương đối lớn, đôi khi cần phải điều trị xạ trị sau phẫu thuật (xem thêm bài xạ trị ung thư). Khi đó, phẫu thuật tái tạo vú không nên được thực hiện cùng với đoạn nhũ mà cần phải trì hoãn cho đến khi hoàn tất điều trị. Đó gọi là “phẫu thuật tái tạo trì hoãn”. Sự trì hoãn này là cần thiết bởi vì tia phóng xạ có thể ảnh hưởng đến vú được tái tạo. Cũng có sự lo ngại rằng túi độn trong vú tái tạo có thể làm các tia phóng xạ bị chệch hướng và không đến được vùng cần điều trị. Phẫu thuật này phức tạp và phải thực hiện nhiều lần hơn, do da trên vú đã bị lấy đi hoàn toàn khi đoạn nhũ nên tái tạo vú sau đó phải phục hồi cả da trên vú nữa.
Những cách tái tạo vú khác nhau mà bác sĩ có thể thực hiện?
Có 2 cách chính để tái tạo vú là sử dụng túi độn và sử dụng vạt tự thân. Trong đó, có nhiều loại túi độn cũng như nhiều loại vạt tự thân mà bác sĩ có thể sử dụng. Việc lựa chọn phương pháp tái tạo nào là phù hợp nhất tùy thuộc vào nhiều yếu tố:
- Kích thước của vú ban đầu là lớn hay nhỏ.
- Mô mỡ thừa của bạn có nhiều không và ở đâu. Điều này ảnh hưởng đến việc bạn có sử dụng được vạt tự thân hay không và lựa chọn lấy vạt ở đâu
- Bạn có bị béo phì hoặc có các vấn đề sức khỏe kèm theo hay không (như tiểu đường, tim mạch hay bệnh phổi). Do kỹ thuật phức tạp và thời gian phẫu thuật dài hơn nên sức khỏe cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn phẫu thuật.
- Bạn đã được phẫu thuật trước đó hay chưa, nếu có thì là phần nào của cơ thể, bởi vì sẹo mổ ở đâu là một yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn vạt để tái tạo.
Tái tạo vú sử dụng túi độn là như thế nào?
Túi độn là một vật liệu nhân tạo dạng túi, mô phỏng hình dáng bầu vú, chứa nước muối sinh lý bên trong (gọi là “saline”) hoặc một chất sệt giống như gel gọi là “silicone”. Túi độn có thể được đặt 1 phần hoặc hoàn toàn ở bên dưới cơ trước ngực (gọi là cơ ngực lớn).
Đối với phẫu thuật tái tạo trì hoãn, quy trình đặt 1 túi ngực bao gồm 2 bước. Đầu tiên, bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt một thiết bị gọi là túi giãn mô vào vị trí dự kiến sẽ đặt túi ngực. Sau đó, cách một khoảng thời gian, một dung dịch được bơm thêm vào túi dãn (thường là nước muối sinh lý). Túi giãn sẽ kéo giãn da và cơ ở thành ngực, quá trình này sẽ mất thời gian khá lâu. Chất lỏng được thêm vào dần dần cho đến khi da và cơ đạt kích thước cần thiết để đặt túi độn sau đó. Tiếp đến, bác sĩ sẽ làm một phẫu thuật khác để lấy túi giãn ra và thay thế bằng túi độn. Sử dụng túi độn để tái tạo vú sau đoạn nhũ thường phù hợp với phụ nữ có kích thước vú nhỏ và độ xệ không nhiều (vú xệ ít so với thành ngực).
Hình 1: Phẫu thuật tái tạo vú sau đoạn nhũ bằng túi độn
Nguồn : https://www.uptodate.com
Tái tạo vú với vạt tự thân thì như thế nào?
Điều đó phụ thuộc vào loại vạt được sử dụng để thay thế vú bị cắt bỏ. Vạt tự thân là một phần da, mỡ đôi khi kèm theo một phần cơ được lấy ở phần khác của cơ thể. Khối da, cơ mỡ này phải có mạch máu đưa máu đến nuôi nó. Do đó, khi sử dụng vạt bác sĩ phải đảm bảo được mạch máu cho vạt này, nếu không nó sẽ bị hoại tử và chết đi. Vạt tự thân được phân chia làm 2 loại chính:
– Khi các mạch máu nuôi vạt vẫn được giữ lại và nối liền từ phần cơ thể chỗ lấy vạt đến vị trí sẽ tạo vú mới, đó gọi là vạt có cuống (pedicle flap). Khi đó, vạt này sẽ được luồn trong một đường hầm dưới da từ vị trí lấy vạt đến vị trí vú đã cắt bỏ. Vì lý do trên mà các vị trí lấy vạt này thường gần với vị trí vú sẽ tái tạo.
– Khi vạt được cắt rời hoàn toàn khỏi vị trí lấy vạt và mạch máu nuôi của nó, đó gọi là vạt tự do (free flap). Sau đó mạch máu của vạt này sẽ được nối với mạch máu nuôi mới ở vùng ngực, nơi sẽ tái tạo vú. Phẫu thuật này đôi khi phải dùng đến kính phóng đại để nối mạch máu (gọi là phẫu thuật vi phẫu), và thời gian phẫu thuật sẽ dài hơn. Do vạt không còn kết nối với vùng lấy vạt nên sẽ không cần một đường hầm dưới da đến vị trí tái tạo vú nữa.
Về vị trí lấy vạt, các loại vạt thường được sử dụng nhất là:
– Vạt da cơ lưng rộng (latissimus dorsi myocutaneous – LDM hoặc LD): được lấy từ vùng lưng, ngay sau vị trí vú cần tái tạo bao gồm da, mỡ và một phần cơ lưng (gọi là cơ lưng rộng). Vạt này thường là vạt có cuống (vẫn còn nối với mạch máu nuôi nó) nên sẽ được đưa qua một đường hầm dưới da vùng nách, đi từ lưng ra phía trước ngực đến vị trí vú cần tái tạo. Những phụ nữ thực hiện loại tái tạo này sẽ có một vết sẹo vùng lưng, tuy nhiên sẹo này sẽ nằm bên dưới áo ngực (nội y) hoặc áo bikini. Đối với những trường hợp vú tương đối lớn, cũng có thể phối hợp vạt này với túi độn bởi vì vùng lưng không có đủ lượng mỡ để tạo hình vú mới.
Hình 2: Phẫu thuật tái tạo vú sau đoạn nhũ bằng vạt da cơ lưng rộng (đơn thuần hoặc kết hợp với túi độn).
Nguồn : https://www.uptodate.com
– Vạt ngang cơ thẳng bụng (Transverse rectus abdominis myocutaneous – TRAM): được lấy từ vùng bụng nó bao gồm da, mỡ và một phần cơ bụng. Có 2 loại vạt TRAM: vạt TRAM có cuống và vạt TRAM tự do (xem hình 3 và 4). Tùy thuộc vào việc lựa chọn mạch máu cung cấp cho vạt ( có gần với vị trí vú tái tạo hay không) mà bác sĩ có quyết định cắt rời mạch máu hay không.
Hình 3: Phẫu thuật tái tạo vú sau đoạn nhũ bằng vạt TRAM có cuống.
Nguồn : https://www.uptodate.com
Hình 4: Phẫu thuật tái tạo vú sau đoạn nhũ bằng vạt TRAM tự do
Nguồn : https://www.uptodate.com
– Vạt da nhánh xuyên động mạch thượng vị dưới sâu (deep inferior epigastric perforators – DIEP): cũng được lấy từ vùng bụng tuy nhiên chỉ bao gồm da và mỡ mà không có cơ bụng. Sự kết nối của vạt này với mạch máu nuôi vạt khó hơn các vạt khác nên thường vạt này là vạt tự do. Điều đó có nghĩa là bác sĩ sẽ mất thời gian để nối mạch máu nuôi và phẫu thuật sẽ kéo dài hơn.
Hình 5: Phẫu thuật tái tạo vú sau đoạn nhũ bằng vạt tự do DIEP
Nguồn : https://www.uptodate.com
Cả 2 vạt TRAM và DIEP đều được thực hiện ở những phụ nữ có có đủ mô mỡ ở vùng bụng (eo). Sau phẫu thuật, vùng eo sẽ có thể trông thon gọn hơn giống phẫu thuật giảm mỡ bụng. Sẹo mổ của 2 loại phẫu thuật này sẽ chạy từ hông bên này sang hông bên kia trùng với vị trí dưới quần bikini (hoặc nội y).
– Các vạt được lấy từ các nơi khác: ở những phụ nữ không có đủ lượng mỡ ở vùng eo để thực hiện vạt DIEP hoặc TRAM có thể lấy vạt từ các vị trí khác của cơ thể. Ví dụ như vạt được lấy từ vị trí mặt sau hoặc mặt trong đùi, vùng mông…
Mỗi loại vạt da đều có độ phức tạp và ưu và khuyết điểm riêng nên việc lựa chọn loại vạt phù hợp nhất phải có sự tư vấn từ các bác sĩ phẫu thuật có chuyên môn.
Có thể tái tạo được núm vú không?
Nếu bạn muốn thì điều đó là có thể. Điều này có thể được thực hiện vài tháng sau khi phẫu thuật tái tạo vú ổn định. Để tái tạo lại núm vú, bác sĩ sẽ thực hiện cuộc mổ nhỏ (tiểu phẫu, thường chỉ cần gây tê) sắp xếp lại vùng da tại chỗ hoặc sử dụng da từ phần khác của cơ thể để tạo hình dạng núm vú. Sau đó núm vú tái tạo có thể được xăm màu ở đỉnh (núm vú) và xung quanh (gọi là quầng vú) để trùng màu với núm vú bên còn lại. Xăm hình 3 chiều (3D) cũng là một cách để thay thế cho phẫu thuật tái tạo núm vú.
Trong một số trường hợp phẫu thuật tái tạo vú tức thời sau đoạn nhũ, bác sĩ có thể giữ lại không chỉ da trên vú mà còn núm vú. Tuy nhiên kỹ thuật này đòi hỏi phải có phương tiện để kiểm tra xem núm vú có bị ung thư vú di căn đến hay chưa (gọi là sinh thiết lạnh, sinh thiết tức thì) vì nguyên tắc đảm bảo an toàn về mặt ung thư bao giờ cũng được đặt lên trên nguyên tắc thẩm mỹ.
Vú mới được tái tạo có thể phù hợp với vú hiện có không?
Nói một cách gần đúng thì là có, bác sĩ sẽ cố gắng làm cho hai vú cân đối nhất có thể. Nhưng vú mới tái tạo sẽ không bao giờ giống hoàn toàn với vú trước đây cũng như vú bên còn lại. Thêm vào đó, bạn sẽ không có cảm giác thực sự (cảm giác nhạy cảm của vú) đối với vú mới tái tạo. Sau phẫu thuật, nếu bạn cảm thấy 2 vú quá khác nhau, bác sĩ có thể phẫu thuật để thay đổi lại vú tái tạo hoặc phẫu thuật vú đối bên để làm nó tương đồng với nhau (ví dụ như phẫu thuật giảm thiểu vú đối với những phụ nữ có vú quá lớn).
Tôi có thể được lựa chọn phương pháp tái tạo được không?
Có thể. Chỉ khi có nhiều phương pháp tái tạo vú mà bạn có thể thực hiện (đôi khi còn tùy thuộc vào cơ sở y tế đó có đủ phương tiện và kỹ thuật để thực hiện hay không). Tuy nhiên mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng.
Tái tạo vú bằng túi độn:
- Thường không phù hợp với những phụ nữ có kích thước vú quá lớn.
- Yêu cầu phải có đủ da và cơ để che phủ túi độn nên đối với phương pháp tái tạo vú trì hoãn bạn phải thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật hơn.
- Nếu là phẫu thuật tái tạo tức thì, thời gian phẫu thuật cũng như thời gian phục hồi sau phẫu thuật sẽ ngắn hơn tái tạo bằng vạt tự thân.
- Các túi độn silicon thì thường cho cảm giác tự nhiên hơn so với các túi chứa nước muối (saline) khi chạm vào.
- Túi độn sẽ không tồn tại suốt đời, phụ nữ có túi độn đặt càng lâu trong cơ thể sẽ có thể có những tác dụng phụ hoặc biến chứng càng cao do đó túi độn cần được lấy ra hoặc thay mới sau mỗi đoạn thời gian.
- Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo phụ nữ có túi độn silicon nên được chụp MRI định kỳ để phát hiện ra khả năng vỡ “âm thầm” của túi độn.
Tái tạo bằng vạt tự thân:
- Thời gian phẫu thuật cũng như thời gian phục hồi sau phẫu thuật lâu hơn tái tạo bằng túi độn.
- So với tái tạo bằng vạt tự do, tái tạo bằng vạt có cuống thì thời gian phẫu thuật ngắn hơn cũng như thời gian nằm viện ngắn hơn.
- Tái tạo bằng vạt tự do là phẫu thuật đòi hỏi kỹ thuật cao, thời gian phẫu thuật dài và yêu cầu bác sĩ phải có kinh nghiệm vi phẫu để nối mạch máu.
- vú tái tạo bằng vạt tự thân trông sẽ tự nhiên hơn bằng túi độn và có thể thay đổi theo thời gian cùng với các mô khác trong cơ thể nên trông sẽ cân đối với bên còn lại hơn.
- Cảm giác khi chạm vào sẽ mềm mại và tự nhiên hơn vú tái tạo bằng túi độn
- Đối với trường hợp tái tạo trì hoãn, vạt tự thân có thể thay thế cho mô da bị tổn thương trên ngực do xạ trị gây ra.
- Vạt tự thân khi lấy đi sẽ để lại sẹo mổ lại nơi cho vạt, tuy nhiên sẹo này có thể giấu được như đã nói ở trên.
Do đó, nếu bạn nghĩ bạn muốn một loại phẫu thuật tái tạo hơn các loại còn lại, hãy hỏi ý kiến bác sĩ phẫu thuật. Bác sĩ sẽ nói cho bạn biết lựa chọn của bạn được hay không, nếu không thì tại sao không.
Những vấn đề gì tôi nên quan tâm sau khi phẫu thuật tái tạo vú?
Hầu hết những phụ nữ không có vấn đề gì nghiêm trọng sau phẫu thuật tái tạo vú. Một số vấn đề có thể xảy ra, có thể ngay sau phẫu thuật cũng có thể sau đó một thời gian.
Với bất kỳ phẫu thuật tái tạo vú nào (túi độn hay vạt tự thân) – vấn đề gặp phải cũng là các vấn đề chung mà khi phẫu thuật có thể gặp bao gồm nhiễm trùng, chảy máu hoặc tụ dịch ở vùng được phẫu thuật, có khi là cảm đau dai dẳng sau đó.
Nếu phẫu thuật tái tạo sử dụng túi độn – vấn đề thường gặp nhất được gọi là co thắt bao xơ (capsular contracture). Nó xảy ra khi mô sẹo xung quanh túi độn trở nên cứng lại và bó chặt túi độn. Điều này làm cho vú có cảm giác cứng, đau hoặc thay đổi hình dạng của vú tái tạo. Các vấn đề có thể xảy ra khác là rò túi độn, vỡ túi độn hoặc túi độn bị di lệch khỏi vị trí ban đầu. Trong một số trường hợp rất hiếm, phụ nữ được tái tạo bằng túi độn có thể bị một loại Lymphoma vài năm sau đó (Lymphoma là một loại ung thư hệ bạch huyết – một cơ quan miễn dịch của cơ thể)*. Do đó, nếu bạn có một túi độn, điều quan trọng là bạn cần tái khám định kỳ sau đó để kiểm tra không chỉ về bệnh, về túi độn mà còn bất cứ vấn đề gì.
Đối với phẫu thuật sử dụng vạt tự thân, trong một số trường hợp, vạt không nhận đủ máu nuôi. Điều này có thể xảy ra ngay sau phẫu thuật hoặc đôi khi muộn hơn. Nếu nó xảy ra, một phần hoặc toàn bộ vạt đó cần phải được cắt bỏ. Trong trường hợp này, bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện thêm các phẫu thuật khác để sửa chữa vú tái tạo hoặc đổi phương pháp tái tạo khác. Một vài phụ nữ có thể gặp tình trạng chỗ lấy vạt bị phình ra – gọi là thoát vị. Điều này do cấu trúc che chắn chỗ lấy vạt bị lấy đi 1 phần, các mô còn lại bên trong qua đó thoát ra ngoài.
Tóm lại hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị của bạn khi có các vấn đề này. Một số vấn đề là cấp thiết và cần phải được xử lý càng sớm càng tốt.
*Tham khảo thêm : Theo những nghiên cứu gần đây thì đối với các phụ nữ có đặt túi độn kể cả tái tạo vú sau phẫu thuật ung thư hay phẫu thuật thẩm mỹ, có một tỉ lệ hiếm (0,179/100.000 người) mắc ung thư lympho ác tính tế bào khổng lồ có liên quan đến túi độn (Breast implant-associated anaplastic large cell lymphoma). Thời gian xuất hiện trung bình khoảng 10 năm sau khi đặt túi. Một số nghiên cứu cho thấy có sự liên quan với túi độn “nhám kích thước lớn” (kích thước hạt nhám bề mặt trên 75micromet, thường sử dụng trên túi giọt nước) đặt biệt là loại biocell.
Những phụ nữ đã phẫu thuật đoạn nhũ được tái tạo bằng vạt tự thân hoặc túi độn đều nên được hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện hoặc duy trì vận động của vai hoặc phục hồi các vị trí bị yếu do lấy vạt để tái tạo vú ví dụ như vùng bụng, đùi, mông… Bác sĩ vật lý trị liệu có thể hướng dẫn họ các bài tập để lấy lại sức mạnh của cơ, điều chỉnh các giới hạn vận động thể chất và tìm ra những cách an toàn nhất để thực hiện các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày.
Tái tạo vú có ảnh hưởng đến việc kiểm tra tái phát khi tái khám định kỳ không?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tái tạo vú không làm tăng khả năng tái phát của ung thư vú cũng như không làm cho việc kiểm tra tái phát khó khăn hơn.
Phụ nữ đã đoạn nhũ một bên vẫn phải chụp nhũ ảnh để theo dõi của vú còn lại. Phụ nữ được phẫu thuật đoạn nhũ tiết kiệm da (giữ lại da trên vú) – tái tạo tức thì bằng vạt tự thân có thể theo dõi tái phát bằng chụp nhũ ảnh vú được tái tạo và cả vú còn lại.
Tuy nhiên, chụp nhũ ảnh thường không được thực hiện trên vú được tái tạo lại bằng túi độn. Những phụ nữ được tái tạo vú bằng túi độn nên nói với kỹ thuật viên X quang trước khi chụp nhũ ảnh. Các phương pháp chụp đặc biệt có thể cần thiết để cải thiện độ chính xác của nhũ ảnh và để tránh làm hỏng túi độn. Đôi khi, chụp MRI trong theo dõi để tăng độ chính xác ở những phụ nữ đã tái tạo vú bằng túi độn là cần thiết.
Tài liệu tham khảo
Breast Reconstruction After Mastectomy. https://www.cancer.gov/
Avis d’experts coordonné par l’Institut national du cancer: Lymphomes anaplasiques à grandes cellules associés à un implant mammaire
Gidengil CA, Predmore Z, Mattke S, van Busum K, Kim B. Breast implant-associated anaplastic large cell lymphoma: a systematic review. Plast Reconstr Surg 2014.
Agarwal T, Hultman CS. Impact of radiotherapy and chemotherapy on planning and outcome of breast reconstruction. Breast Disease 2002.
McAnaw MB, Harris KW. The role of physical therapy in the rehabilitation of patients with mastectomy and breast reconstruction. Breast Disease 2002
Schmauss D, Machens HG, Harder Y. Breast reconstruction after mastectomy. Frontiers in Surgery 2016.