Phòng bệnhNgười bệnh ung thư có nên chích ngừa vaccine COVID-19?

Người bệnh ung thư có nên chích ngừa vaccine COVID-19?

Nhiều người mắc bệnh ung thư đang tự hỏi liệu có nên chích một trong các loại vaccine COVID-19 đã được cơ quan chức năng cấp phép sử dụng khẩn cấp hiện nay hay không? Nếu có, liệu có hiệu quả và an toàn hay không? Câu trả lời ngắn gọn là nên chích vaccine khi có thể vì bệnh nhân ung thư là một trong những nhóm nguy cơ dễ bị tổn thương, có thể sẽ làm bệnh COVID-19 trầm trọng hơn nếu lỡ như người đó bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện nay, chưa có thông tin khoa học nào cho thấy người bệnh ung thư có nguy cơ bị tác dụng phụ khi chích vaccine COVID-19 nhiều hơn người bình thường. Tuy nhiên, một số kết quả nghiên cứu cho thấy rằng “hiệu quả” của vaccine có thể không mạnh như người bình thường vì đa số những người bị ung thư có hệ miễn dịch yếu hơn, nhất là các bệnh nhân bị ung thư máu hoặc đang điều trị các thuốc hóa trị hoặc các liều xạ trị ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của họ. Dựa trên một nghiên cứu mới mà các nhà khoa học ở Johns Hopkins công bố trên tạp chí  Hội liên hiệp Y khoa Hoa Kỳ (The Journal of the American Medical Association-JAMA) cho thấy hiệu quả của vaccine bị giảm đáng kể trên những người có hệ miễn dịch suy giảm (do cấy ghép cơ quan, transplant recipient) so với nhóm người bình thường. Cụ thể, trong số 436 người tham gia chưa mắc COVID-19, và được tiêm liều đầu tiên vaccine mRNA của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna, chỉ có 17% (74 người) ​​có kháng thể có thể phát hiện được, trong khi đó ở người bình thường là 100%. Họ còn ghi nhận rằng khả năng tạo kháng thể bị giảm khoảng 5 lần trên những người dùng chất chống chuyển hóa, chẳng hạn như mycophenolate hoặc azathioprine. Mặc dù vậy, hiện nay các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo rằng hầu hết bệnh nhân ung thư nên chích vaccine khi có thể vì những người có hệ miễn dịch yếu sẽ có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng hơn. Do đó, dù rằng hiệu quả bảo vệ có thể thấp hơn người bình thường nhưng vẫn tốt hơn là không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào. Vì tình trạng bệnh của mỗi người là khác nhau, tốt nhất bạn nên thảo luận với bác sĩ điều trị ung thư của bạn để được tư vấn khi nào bạn nên chích vaccine.

Tác dụng phụ của vaccine COVID-19

Các tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm chích vaccine là đau cánh tay, mệt mỏi và đau nhức cơ. Sốt và ớn lạnh cũng có thể xảy ra, thường gặp sau liều thứ hai. Trong một số trường hợp, sau khi chích vaccine có thể làm các hạch bạch huyết sưng, thường xảy ra ở dưới cánh tay hoặc ở cổ bên cạnh nơi chích ngừa. Điều này có thể làm cho bệnh nhân ung thư lo lắng vì nghĩ đó là sự phát triển của tế bào ung thư nhưng thật sự không phải, mà chỉ là các phản ứng của tế bào miễn dịch với vaccine tại hạch bạch huyết. Hiện tượng sưng hạch sẽ giảm dần và biến mất trong vài ngày, nhưng đôi khi có thể kéo dài trong vài tuần. Bạn có thể liên hệ với trung tâm y tế nếu các hạch bạch huyết không giảm sưng trong vòng ba đến bốn tuần sau liều thứ hai của bạn.

Thời điểm chích vaccine COVID-19 và điều trị ung thư

Sự ảnh hưởng của các thuốc điều trị trong hóa trị và xạ trị có thể làm cho hệ miễn dịch trong cơ thể của bạn thay đổi, dẫn đến làm giảm tác dụng của vaccine. Do vậy, bạn nên thảo luận với bác sĩ điều trị của mình để có quyết định tốt nhất. Dưới đây là các phân tích của bác sĩ chuyên khoa về ung thư Halle Moore tại Cleveland Clinic về những điểm cần lưu ý liên quan đến việc chích vaccine trong quá trình điều trị ung thư:
  •       Do vaccine có thể gây sốt trong vòng 24 đến 48 giờ đầu tiên, bạn nên tiêm vaccine vào thời điểm mà số lượng bạch cầu của bạn không quá thấp. Trong một số trường hợp, có thể nên trì hoãn việc tiêm chủng cho đến sau khi hoàn thành các phương pháp điều trị hóa trị.
  •       Đối với hầu hết bệnh nhân đang điều trị liệu pháp miễn dịch, IVIG (Intravenous Immunoglobulin) hoặc xạ trị có thể tiến hành chích ngừa mà quá trình điều trị không cần phải gián đoạn.
  •       Đối với bệnh nhân đang dùng thuốc steroid: corticosteroid có thể làm giảm đáp ứng với vaccine. Nếu bạn cần dùng corticosteroid để điều trị ung thư, bạn nên thảo luận với bác sĩ điều trị để tìm thời gian thích hợp.
  •       Đối với bệnh nhân đang điều trị Rituximab, Blinatumomab, Globulin kháng thymocyte, Alemtuzumab và các liệu pháp làm suy giảm tế bào lympho khác: Các phương pháp điều trị này có thể ảnh hưởng đến các tế bào lympho, là một phần quan trọng của phản ứng miễn dịch với vaccine. Do vậy, nên trì hoãn việc chích vaccine ít nhất ba tháng sau khi hoàn thành các liệu pháp này. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ người mắc COVID-19 đang cao trong cộng đồng, thì lợi ích của việc bảo vệ một phần từ vaccine nên được xem xét cho chích càng sớm càng tốt.
  •       Đối với bệnh nhân đang điều trị bằng nội tiết tố như tamoxifen, chất ức chế aromatase, chất tương tự LHRH (Luteinizing hormone-releasing hormone),… có thể không làm thay đổi tính an toàn hoặc hiệu quả của vaccine.
  •       Đối với bệnh nhân được phẫu thuật: tốt nhất bạn nên tránh lên lịch chích ngừa trong vòng vài ngày trước khi phẫu thuật vì sốt do chích vaccine có thể dẫn đến việc hủy phẫu thuật. Đối với những người trải qua phẫu thuật cắt lách, bạn nên chích liều vaccine đầu tiên ít nhất hai tuần hoặc hơn trước khi phẫu thuật nếu có thể.
  •       Đối với bệnh nhân đã phẫu thuật hạch nách và vùng dưới cánh tay, bao gồm nhiều bệnh nhân ung thư vú, nên được chích vaccine ở cánh tay đối diện sau phẫu thuật ung thư để hạn chế sự phù hạch bạch huyết do chích (sưng cánh tay). Một số người có thể đã phẫu thuật hạch nách cả hai bên; trong những trường hợp đó, bạn nên thảo luận với bác sĩ điều trị của mình xem nên chích cơ vị trí nào thì nguy cơ phù thấp hơn.
  •       Đối với những bệnh nhân đang trong vòng ba tháng kể từ khi cấy ghép tế bào gốc hoặc sử dụng liệu pháp tế bào CAR-T (tế bào T được biến đổi) nên thảo luận với bác sĩ điều trị để biết thời gian chích ngừa tốt nhất.
  •       Đối với những bệnh nhân đã có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với hóa trị liệu hoặc điều trị kháng thể đơn dòng nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ điều trị có nên chích vaccine hay không.
  •       Nếu người bệnh có tác dụng phụ nặng với vaccine trong lần chích đầu tiên thì không nên chích thêm liều thứ 2.
  •       Nếu người bệnh đã từng bị mắc bệnh COVID-19 thì cũng nên chích ngừa để tăng độ bảo vệ, tuy nhiên có thể linh hoạt chích sau 3 hoặc 6 tháng kể từ khi bị bệnh COVID-19.
Tóm lại, điều quan trọng cần lưu ý là hầu như người bị ung thư có xu hướng bị suy yếu hệ thống miễn dịch, điều này có thể làm cho vaccine kém hiệu quả hơn. Hơn nữa, trong trường hợp mắc bệnh COVID-19, sự suy yếu hệ thống miễn dịch của người bệnh ung thư cũng là yếu tố nguy cơ gây biến chứng nặng hơn. Do vậy, hiện nay các chuyên gia khuyên người bệnh ung thư nên chích vaccine COVID-19 khi có thể để có được hiệu quả bảo vệ dù ít vẫn hơn không có. Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 25/04/2021
Tài liệu tham khảo
https://health.clevelandclinic.org/can-i-get-the-covid-19-vaccine-if-i-have-cancer/

https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/low-blood-counts/infections/covid-19-vaccines-in-people-with-cancer.html

https://www.medpagetoday.com/special-reports/exclusives/91999

https://www.medpagetoday.com/infectiousdisease/vaccines/91631

Boyarsky BJ, Werbel WA, Avery RK, Tobian AAR, Massie AB, Segev DL, Garonzik-Wang JM. Immunogenicity of a Single Dose of SARS-CoV-2 Messenger RNA Vaccine in Solid Organ Transplant Recipients. JAMA. 2021 Mar 15:e214385. doi: 10.1001/jama.2021.4385.

Tác giả và chuyên gia

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm