Chăm sóc giảm nhẹKhoa học nói gì về lợi ích của thiền định trong ung...

Khoa học nói gì về lợi ích của thiền định trong ung thư

Thiền định được từ điển Merriam-Webster mô tả bằng 2 khái niệm: Chất lượng hoặc trạng thái tỉnh thức của tâm trí và  Thực hành duy trì trạng thái không phán xét về những suy nghĩ, cảm xúc hoặc kinh nghiệm của một người trong từng khoảnh khắc.

Thiền định dựa trên chánh niệm bắt nguồn từ các truyền thống tôn giáo cổ đại phương Đông như Ấn Độ giáo và Phật giáo. Trong lý luận phương Đông, thiền định là một tập hợp các hình thức trạng thái tâm trí dùng để trải nghiệm quá trình nhận thức hoặc ý thức cao hơn thực tại. Thiền định cũng đã được mô tả trong văn học cổ đại Đông phương có thể  giúp tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần.

Trong hệ thống chăm sóc y tế phương Tây, cách tiếp cận có phần khác biệt. Thiền định là tập hợp các kỹ thuật, các hình thức luyện tập để đạt được trạng thái ý thức được về nhận thức và trong tình trạng được kiểm soát. Với cách tiếp cận này, thiền định giúp làm giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe thể chất và nâng cao sự hài hòa trong cuộc sống. Thực tế có nhiều hình thức thiền định khác nhau, nhưng có thể chúng được lưu truyền bí mật và không được phổ biến trong cộng đồng.

Hiện nay, bệnh ung thư mang đến nhiều tổn thương về thể xác và tinh thần cho người bệnh, các phương pháp điều trị ung thư cũng mang đến những tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh và kể cả người chăm sóc họ [2]. Bên cạnh đó, các liệu pháp trị liệu can thiệp giúp điều trị triệu chứng đem lại các tác dụng phụ không mong muốn. Với lý luận như trên thì thiền định có thể hữu ích cho bệnh nhân ung thư [1]. Vậy thực tế, thiền định mang đến những lợi ích gì trong điều trị ung thư? Hãy xem đánh giá dưới góc nhìn khoa học.

Với 2 từ khóa “Thiền định” (Mediation) và “Ung thư” (Cancer) và lọc các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên PubMed (Thư viện Y học quốc gia Hoa Kỳ), từ năm 2000-2018, có 124 nghiên cứu đã được thực hiện. Các nghiên cứu xem xét lựa chọn các khía cạnh trong quản lý điều trị ung thư sau đây:

  1. Lợi ích tiềm năng của thiền định trong phòng ngừa ung thư
  2. Thiền định và căng thẳng liên quan đến ung thư
  3. Thiền định và đau liên quan đến ung thư
  4. Thiền định và mệt mỏi liên quan đến ung thư 
  5. Thiền định và suy nhược liên quan đến ung thư
  6. Thiền định  và rối loạn giấc ngủ liên quan đến ung thư

I. Lợi ích tiềm năng của thiền định trong phòng ngừa ung thư

Mục tiêu của nghiên cứu để kiểm tra giả thuyết rằng việc thực hành thiền định thường xuyên có liên quan đến việc tăng nồng độ sinh lý của melatonin (hormone được sinh ra từ tuyến yên ở hệ thần kinh trung ương). Melatonin được chứng minh liên quan đến một loạt các chức năng sinh học quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật, bao gồm ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt [3]. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng melatonin nhạy cảm với ánh sáng và nó được đề xuất cũng có thể nhạy cảm với tâm lý. Một nghiên cứu cắt ngang (cross-sectional study) đo lường nồng độ của 6-sulphatoxymelatonin (dẫn xuất của melatonin) trong nước tiểu của những người tham gia khảo sát mỗi 12 giờ. Nồng độ 6-sulphatoxymelatonin được so sánh giữa 8 phụ nữ khỏe mạnh thường xuyên ngồi thiền và 8 phụ nữ không ngồi thiền trong 1 tuần. Kết quả cho thấy có sự khác biệt  mức 6-sulphatoxymelatonin giữa phụ nữ có ngồi thiền (7.615 ktg/12h) và phụ nữ không ngồi thiền (5.632ktg/12h). Kết quả cho thấy thiền định có ứng dụng tiềm năng trong phòng ngừa ung thư [4].

II. Thiền định và căng thẳng liên quan đến ung thư

Tâm lý người bệnh bị ảnh hưởng không nhỏ khi nhận được chẩn đoán mắc phải ung thư. Nghiên cứu cho thấy có sự tương quan giữa việc nhận được kết quả chẩn đoán ung thư và tỷ lệ trầm cảm, khoảng 5-15%  số vụ tự tử do trầm cảm [5, 6]. Thiền định đã được đánh giá trong một số nghiên cứu về việc kiểm soát trầm cảm và những căng thẳng liên quan đến ung thư.

Trong một nghiên cứu can thiệp xác định hiệu quả giảm căng thẳng dựa trên thiền định (Mindfulness-Based Stress Reduction- MBSR) đối với các rối loạn tinh thần ở phụ nữ bị ung thư vú, đây là thử nghiệm ngẫu nhiên kéo dài 5 năm ở 166 phụ nữ đã điều trị ung thư vú bao gồm hóa trị và xạ trị. Kết quả cho thấy phụ nữ trong nhóm có áp dụng thiền định đã cải thiện đáng kể một số tiêu chí như thang điểm đánh giá trầm cảm, các chỉ số về thể chất và tâm lý cũng như khả năng ứng phó tốt hơn. Từ thử nghiệm lâm sàng này cho thấy thiền định có thể giúp cải thiện tâm lý, giảm bớt căng thẳng, sự đau khổ và có thể giúp cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân ung thư so với những người không áp dụng thiền định [7]. 

III. Thiền định và kiểm soát các cơn đau trong ung thư

Đau xảy ra ở 20% đến 50% bệnh nhân ung thư, khoảng 80% bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến triển có những cơn đau mức độ từ trung bình đến nặng [8,9]. Các phương pháp điều trị đau liên quan đến ung thư hiện nay được sử dụng bao gồm thuốc, xạ trị, hóa trị, bất hoạt hệ thần kinh cảm giác, đồng vị phóng xạ. Thiền định gần đây đã được phát hiện như một phương thức mới hỗ trợ kiểm soát cơn đau hiệu quả.

Thiền định dựa trên liệu pháp nhận thức (Mindfulness-Based Cognitive Therapy- MBCT) được khảo sát ở 129 phụ nữ bị ung thư vú trong 8 tuần so với nhóm không thực hiện liệu pháp. Các công cụ đánh giá bao gồm bộ câu hỏi khảo sát về đau (SF-MPQ-2) cho biết được mức độ đau liên tục, đau bị gián đoạn và đau về thần kinh; đánh giá cường độ đau hiện tại (PPI), và một số các đánh giá nhằm đánh giá những đau đớn về tâm lý (HADS) và đánh giá chất lượng cuộc sống (WHO-5).  Kết quả thu được có sự thuyên giảm cường độ đau từ 0,61 ở thời điểm ban đầu còn 0,26 ở thời điểm khảo sát hiện tại, riêng đau thần kinh còn 0,24; ngoài ra chỉ số chất lượng cuộc sống cũng được cải thiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy thiền định dựa trên liệu pháp nhận thức có tác động mạnh mẽ và lâu dài đối với việc kiểm soát đau hiệu quả đối với bệnh nhân điều trị ung thư vú. Thêm vào đó, đối với các cơn đau do thần kinh, tuy thiền định cho thấy những tiềm năng nhất định, nhưng cần có các nghiên cứu sâu hơn [10].

IV. Thiền định và sự mệt mỏi liên quan đến ung thư 

Một nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ mệt mỏi do ung thư (cancer-related fatigue – CRF) là 45% từ trung bình đến nặng ở những người còn sống sau ung thư [11], đây là nguyên nhân chính gây ra đau đớn ở những bệnh nhân này [12]. Trong nghiên cứu, 71 người bệnh sau điều trị ung thư vú và ung thư đại trực tràng với mệt mỏi từ trung bình đến nặng được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm, nhóm có áp dụng thiền định (35 người) và nhóm đối chứng không áp dụng thiền định (36 người). Chỉ số đánh giá khả năng chú ý (Attention Function Index – AFI) và bài kiểm tra Stroop (hiệu ứng tâm lý học đánh giá sự giảm thời gian phản ứng với các câu hỏi nhanh) đã được sử dụng để đánh giá chức năng nhận thức của những người tham gia ở 3 giai đoạn. Những người tham gia MBSR đã báo cáo có những sự cải thiện lớn hơn đáng kể về tổng điểm AFI so với nhóm chứng ở giai đoạn 2 và 3. MBSR tạo ra tỷ lệ chính xác thử nghiệm Stroop lớn hơn so với nhóm chứng ở giai đoạn 2 và 3 [13-15]. Những phát hiện này có các tác động tích cực của thiền định đối với tình trạng mệt mỏi, suy yếu ở những đối tượng bệnh nhân ung thư. Kết quả nghiên cứu đã giúp cung cấp những bằng chứng tiềm năng có thể áp dụng thiền định hỗ trợ giải quyết tình trạng suy yếu cho những bệnh nhân ung thư nhiều hơn trong tương lai xa [14]. 

V. Thiền định và suy nhược liên quan đến ung thư:

Một trong những dấu hiệu cho thấy suy nhược ở những bệnh nhân ung thư là sụt cân. Trong một nghiên cứu ở những bệnh nhân đã thực hiện hoá trị cho thấy tỷ lệ sụt cân lớn nhất xảy ra ở những bệnh nhân có khối u đặc [16]. Sụt cân xảy ra ở khoảng 50% bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt, trực tràng và ung thư phổi; 85% bệnh nhân dạ dày/tụy, 30% ở bệnh nhân ung thư vú, hoặc bệnh bạch cầu cấp tính. Tiêu chuẩn chẩn đoán cho chứng suy nhược là sụt cân >5% trọng lượng cơ thể/ 6 tháng hoặc >2% trọng lượng cơ thể/ 1 tháng với chỉ số khối cơ thể [BMI] <20 kg/m2 hoặc giảm trọng lượng và chức năng của khối cơ [17].

53 bệnh nhân ung thư phát triển các triệu chứng suy nhược trong khi điều trị được chọn ngẫu nhiên vào thử nghiệm lâm sàng nhằm so sánh giữa nhóm có áp dụng chương trình hỗ trợ tâm lý (27 người) và chế độ ăn uống so với nhóm áp dụng chế độ chăm sóc thông thường (26 người) trong vòng 8 tuần. Nghiên cứu chia làm 3 giai đoạn, mỗi 2 tuần các bệnh nhân sẽ được tham gia các hội thảo về thay đổi chế độ ăn uống, thực phẩm đã được thử nghiệm thông qua 5 giác quan. Khẩu vị và cảm nhận giác quan đã tăng lên đáng kể. Tại giai đoạn 3, bệnh nhân nhóm thử nghiệm đã thay đổi tích cực về cân nặng (tăng cân trung bình 1,32kg trong khi nhóm đối chứng giảm 1,47kg, BMI cải thiện 0,31 ở nhóm có thiền định so với suy giảm 0,57 ở nhóm chứng. Kết quả nghiên cứu này cho thấy bệnh nhân ung thư bị suy nhược nếu áp dụng các bài tập thiền định và chế độ ăn uống sẽ nâng cao được tổng trạng và hạn chế tình trạng sụt cân không chủ ý. Tuy nhiên cách tiếp cận của nghiên cứu thường áp dụng trên mức cá thể hoặc nhóm nhỏ, nên giới hạn khi áp dụng trên quy mô dân số lớn [18]

VI. Thiền định  và rối loạn giấc ngủ liên quan đến ung thư

Rối loạn giấc ngủ thường gặp ở bệnh nhân ung thư. Các rối loạn bệnh nhân thường gặp như vấn đề về giấc ngủ (thời lượng giấc ngủ), các vấn đề khi ngủ (thức giấc giữa chừng), ngủ không yên (chất lượng giấc ngủ) và / hoặc khó tỉnh táo lúc ban ngày (buồn ngủ ban ngày quá mức). Các vấn đề rối loạn giấc ngủ thường xuất hiện với sự mệt mỏi và mất ngủ liên quan đến ung thư, xảy ra trước điều trị, trong thời gian bệnh nặng và tỷ lệ sống sót sau điều trị [19]. Lợi ích của thiền định đã được nghiên cứu trong các vấn đề về giấc ngủ ở bệnh nhân ung thư và ở những bệnh nhân còn sống sau điều trị.

Một nghiên cứu thử nghiệm đánh giá tác dụng của việc sử dụng thiền định giảm căng thẳng so với nhóm chăm sóc thông thường ở bệnh nhân sau điều trị ung thư vú về chất lượng giấc ngủ, dữ liệu thu thập mỗi 6 tuần trong vòng 12 tuần. Các thông số đánh giá bao gồm: thông số giấc ngủ chủ quan (Subjective sleep parameters- SSP)*, thông số giấc ngủ khách quan (objective sleep parameters- OSP)** và chỉ số chất lượng giấc ngủ Pittsburgh (PSQI). Kết quả cho thấy tác dụng tích cực của MBSR đối với chỉ số giấc ngủ khách quan   với tỉ lệ cải thiện là 78,2% nhóm MBSR so với 74,6% ở nhóm chứng, phần trăm thời gian ngủ là 81,0% nhóm MBSR so với 77,4% ở nhóm chứng và số lần thức giấc giữa chừng là 93,5 ở nhóm MBSR so với 118,6 ở nhóm chứng. Ngoài các tác dụng của thiền định giúp giảm các vấn đề về tâm lý và thể chất đã được ghi nhận, ngoài ra những bằng chứng này giúp cung cấp thêm những ảnh hưởng tích cực của thiền trong việc cải thiện những tình trạng rối loạn giấc ngủ, đặc biệt sự thay đổi đáng kể thể hiện ở thông số giấc ngủ khách quan (OSP) [20].

*SSP: Đánh giá chất lượng giấc ngủ khi một người dễ dàng vào giấc mà khi thức dậy không cảm thấy mệt mỏi hay buồn ngủ ban ngày quá mức

**OSP: Được thể hiện bằng thời lượng giấc ngủ (7 giờ), hiệu quả giấc ngủ ( 85% là tốt, ≤75% là không tốt) và số lần thức giấc giữa chừng thấp và sự phân chia giấc ngủ hợp lý

Kết luận chung

Thiền định đã và đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các khía cạnh khác nhau trong quá trình điều trị ung thư. Tuy hiện tại chỉ có các thử nghiệm lâm sàng trên quy mô dân số nhỏ nhưng kết quả đã cho thấy thiền định giúp cải thiện các vấn đề về căng thẳng, đau đớn, suy yếu, gầy mòn, các rối loạn giấc ngủ trong quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư của bệnh nhân.

Hầu hết các kết quả nghiên cứu đã giúp cung cấp các bằng chứng tích cực của thiền định trong việc hỗ trợ các vấn đề về rối loạn thể chất và tinh thần có thể xuất phát từ chính căn bệnh ung thư mang lại hoặc các tác dụng phụ của các phương pháp trị liệu ung thư hiện tại. Tuy nhiên cần có những nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tương tự trên mức độ quy mô dân số lớn để khám phá thêm lợi ích của thiền định trong việc phòng ngừa bệnh ung thư, ngăn chặn sự tái phát sau điều trị.

Tác giả: Nguyễn Thị Kim Thương, BS, CTV Ban Y học Ruy Băng Tím

Cố vấn:  

Lê Anh Phương, TS (ĐH Quốc gia Singapore, Singapore)

Trịnh Vạn Ngữ, ThS. (ĐH SoonChunHyang, Hàn Quốc)

Tài liệu tham khảo

  1.    Zhang J, Xu R, Wang B, Wang J: Effects of mindfulness-based therapy for patients with breast cancer: a systematic review and meta-analysis . Complement Ther Med. 2016, 26:1-10. 10.1016/j.ctim.2016.02.012
  2.   Mitchell AJ, Ferguson DW, Gill J, Paul J, Symonds P: Depression and anxiety in long-term cancer survivors compared with spouses and healthy controls: a systematic review and meta-analysis. Lancet Oncol. 2013, 14:721-732. 10.1016/S1470-2045(13)70244-4
  3.   Massion AO, Teas J, Hebert JR, Wertheimer MD, Kabat-Zinn J: Meditation, melatonin and breast/prostate cancer: hypothesis and preliminary data. Med Hypotheses. 1995, 44:39-46.
  4.   Srinivasan V, Spence DW, Pandi-Perumal SR, Trakht I, Cardinali DP: Therapeutic actions of melatonin in cancer: possible mechanisms . Integr Cancer Ther. 2008, 7:189-203. 10.1177/1534735408322846
  5.   Misono S, Weiss NS, Fann JR, Redman M, Yueh B: Incidence of suicide in persons with cancer. J Clin Oncol. 2008, 26:4731-4738. 10.1200/JCO.2007.13.8941
  6.   Walker J, Holm Hansen C, Martin P, et al.: Prevalence of depression in adults with cancer: a systematic review. Ann Oncol. 2013, 24:895-900. 10.1093/annonc/mds575
  7.   Kenne Sarenmalm E, Mårtensson LB, Andersson BA, Karlsson P, Bergh I: Mindfulness and its efficacy for psychological and biological responses in women with breast cancer. Cancer Medicine. 2017, 6:1108-1122. 10.1002/cam4.1052
  8.   Fischer DJ, Villines D, Kim YO, Epstein JB, Wilkie DJ: Anxiety, depression, and pain: differences by primary cancer. Support Care Cancer. 2010, 18:801-810. 10.1007/s00520-009-0712-5
  9.   Bruera E, Kim HN: Cancer pain. JAMA. 2003, 290:2476-2479. 10.1001/jama.290.18.2476
  10.   Johannsen M, O’Connor M, O’Toole MS, Jensen AB, Højris I, Zachariae R: Efficacy of mindfulness-based cognitive therapy on late post-treatment pain in women treated for primary breast cancer: a randomized controlled trial. J Clin Oncol. 2016, 34:3390-3399. 10.1200/JCO.2015.65.0770
  11.   Wang XS, Zhao F, Fisch MJ, et al.: Prevalence and characteristics of moderate to severe fatigue: a multicenter study in cancer patients and survivors. Cancer. 2014, 120:425-432. 10.1002/cncr.28434
  12.   Akechi T, Kugaya A, Okamura H, Yamawaki S, Uchitomi Y: Fatigue and its associated factors in ambulatory cancer patients: a preliminary study. J Pain Symptom Manage. 1999, 17:42-48. 10.1016/S0885-3924(98)00105-5
  13.  Johns SA, Brown LF, Beck-Coon K, et al.: Randomized controlled pilot trial of mindfulness-based stress reduction compared to psychoeducational support for persistently fatigued breast and colorectal cancer survivors. Support Care Cancer. 2016, 24:4085-4096. 10.1007/s00520-016-3220-4
  14.  Johns SA, Von Ah D, Brown LF, et al.: Randomized controlled pilot trial of mindfulness-based stress reduction for breast and colorectal cancer survivors: effects on cancer-related cognitive impairment. J Cancer Surviv. 2016, 10:437-448. 10.1007/s11764-015-0494-3
  15.   Johns SA, Brown LF, Beck-Coon K, Monahan PO, Tong Y, Kroenke K: Randomized controlled pilot study of mindfulness-based stress reduction for persistently fatigued cancer survivors. Psychooncology. 2015, 24:885-893. 10.1002/pon.3648
  16.   Dewys WD, Begg C, Lavin PT, et al.: Prognostic effect of weight loss prior to chemotherapy in cancer patients. Eastern Cooperative Oncology Group. Am J Med. 1980, 69:491-497. 10.1016/S0149-2918(05)80001-3
  17.   Fearon K, Strasser F, Anker SD, et al.: Definition and classification of cancer cachexia: an international consensus. Lancet Oncol. 2011, 12:489-495. 10.1016/S1470-2045(10)70218-7
  18.   Focan C, Houbiers G, Gilles L, et al.: Dietetic and psychological mindfulness workshops for the management of cachectic cancer patients. A randomized study. Anticancer Res. 2015, 35:6311-6315.
  19.   Berger AM, Parker KP, Young-McCaughan S, et al.: Sleep wake disturbances in people with cancer and their caregivers: state of the science. Oncol Nurs Forum. 2005, 32:98-126. 10.1188/05.ONF.E98-E126
  20.   Lengacher CA, Reich RR, Paterson CL, et al.: The effects of mindfulness-based stress reduction on objective and subjective sleep parameters in women with breast cancer: a randomized controlled trial. Psychooncology. 2015, 24:424-432. 10.1002/pon.3603

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm