Mời nghe audio tại đây:
Hiện nay, ung thư là vấn đề nóng, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội và đặc biệt là
với những người biết quan tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Tuy nhiên, sự lan
tràn của các thông tin không đầy đủ và phiến diện đã gây khó khăn và lo lắng cho cả cộng
đồng.
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp, đứng đầu về số lượng người mắc ở cả Việt Nam
và trên thế giới [1]. Nguyên nhân gây ung thư vú chưa rõ ràng nhưng có một số yếu tố
làm tăng nguy cơ ung thư. Các yếu tố nguy cơ được ghi nhận có thể tham khảo :
https://ruybangtim.com/ung-thu-vu-yeu-to-nguy-co-la-gi/
Nổi bật trong đó là đề cập đến sự tiếp xúc kéo dài với estrogen như ở những người phụ
nữ có kinh sớm, mãn kinh muộn, béo phì hay điều trị hóc môn thay thế. Estrogen là hóc
môn nội sinh trong cơ thể, điều hòa chuyển hóa và sinh lý nữ, là một hóc môn quan
trọng. Tuy nhiên, do một số yếu tố nào đó làm thay đổi nồng độ estrogen trong cơ thể sẽ
có thể tăng nguy cơ ung thư, trong đó có ung thư vú. Điều này được lý giải dựa trên 3 cơ
chế: estrogen làm tăng sinh tế bào tuyến vú cả lành tính và ác tính, tăng khả năng đột
biến gen và đột biến lệch bội nhiễm sắc thể [2].
Dựa trên cơ chế trên, có một số tin đồn rằng uống sữa đậu nành làm ung thư vú diễn tiến
nặng hơn, nên bệnh nhân ung thư vú không được uống sữa đậu nành. Tại sao có sự hiểu
lầm này?
Một số người dự đoán hay suy diễn rằng sữa đậu nành cũng có estrogen và estrogen
trong sữa đậu nành cũng làm ung thư vú phát triển. Đây là một quan điểm chưa chính
xác.
Ý kiến trên cũng có điểm đúng là trong sữa đậu nành chứa estrogen, tuy nhiên đây là
estrogen thực vật, cụ thể là các isoflavon. Một điều đặc biệt ở estrogen thực vật là nó sở
hữu cùng lúc 2 tính chất đối lập nhau khi kết nối với thụ thể estrogen ở người: giống
estrogen, phản estrogen [3],[4]. Trong các isoflavone của đậu nành thì có 3 hoạt chất
quan trọng: genistein, daidzein, glycitein. Trong đó, genistein là hoạt chất có hoạt tính
sinh học cao nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết sự phát triển của tế bào ung
thư. Genistein không những không thúc đẩy sự tăng sinh của tế bào ung thư mà còn kìm
hãm nó, làm chậm quá trình phát triển của nó.
Vậy sự khác biệt ở đây là ung thư vú chịu ảnh hưởng của estrogen nội sinh, trong khi đậu
nành lại cung cấp thêm estrogen thực vật. Để chứng minh vai trò có lợi của estrogen thực
vật trên bệnh nhân ung thư vú, cụ thể là lên tỷ lệ mắc ở người chưa bị và tỷ lệ tái phát, tử
vong ở người đã bị ung thư vú các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và bước đầu có
kết quả tích cực.
Cụ thể, theo các nghiên cứu phân tích tổng hợp (meta-analysisis) gần nhất, đậu nành có
vẻ có tác dụng tích cực đối với việc phòng bệnh ở người chưa mắc ung thư vú. Cụ thể,
năm 2006, một nghiên cứu của trường y Johns Hopkins tổng hợp 18 nghiên cứu dịch tễ từ
năm 1978-2008 thấy rằng đậu nành có khả năng giảm nguy cơ ung thư vú[5]. Năm 2010,
một nghiên cứu tổng hợp khác cũng đồng ý với nghiên cứu trước và ước tính isoflavones
trong đậu nành có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú khoảng 16%, nhất là ở người châu
Á[6]. Cả 2 nghiên cứu đều nhấn mạnh vai trò của isoflavones trong việc phòng ngừa ung
thư vú ở phụ nữ.
Đối với nhóm bệnh nhân đang điều trị, các bằng chứng hiện có cho thấy việc tiêu thụ đậu
nành có tác dụng tốt hoặc không có tác dụng đáng kể lên diễn tiến bệnh. Một nghiên cứu
tổng hợp với hơn 11,000 bệnh nhân ung thư vú cho thấy việc tiêu thụ đậu nành mỗi ngày
làm giảm nguy cơ tử vong cũng như tái phát, đặc biệt là nhóm bệnh nhân ER-, ER+/PR+,
và hậu mãn kinh[7]. Một phân tích sâu dựa trên 3 nghiên cứu, với hơn 9500 bệnh nhân,
kết luận rằng việc tiêu thụ ít nhất 10 mg isoflavone từ đậu nành mỗi ngày tuy không làm
giảm đáng kể tỷ lệ tử vong vì bệnh nhưng có giảm đáng kể nguy cơ tái phát bệnh[8].
Hiện có rất ít khuyến cáo cho thấy lượng chính xác sản phẩm từ đậu nành có thể được
tiêu thụ mỗi ngày. Liều lượng khuyên dùng mỗi bữa theo Viện Nghiên Cứu Ung Thư
Hoa Kỳ là[9]:
– 250mL sữa đậu nành hoặc
– 30gram đậu nành
Và theo tổ chức dinh dưỡng uy tín Nutritionfact, chỉ nên ăn tối đa 2 đến 3 bữa như vậy
mỗi ngày kể cả những người ăn chay. Lượng nhiều hơn có thể gây hại[11]. Điều đó
không có nghĩa là chỉ dùng đậu nành là có thể phòng ngừa ung thư. Một chế độ ăn uống
đa dạng, thiên về thực vật, kết hợp với lối sống lành mạnh (không thuốc lá, không rượu
bia, vận động thể chất thường xuyên), chích ngừa và tầm soát ung thư theo khuyến cáo
vẫn là những định hướng quan trọng nhất để phòng bệnh.
Vì vậy, theo y học hiện nay, sữa đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành nói chung tốt cho
sức khỏe. Estrogen trong đậu nành không làm nặng thêm tình trạng ung thư vú mà ngược
lại còn mang lại lợi ích cho bệnh nhân ung thư vú. Vì vậy sữa đậu nành và các sản phẩm
từ đậu nành là an toàn và có lợi cho bệnh nhân ung thư vú.
Tài liệu tham khảo
2. Russo J1, Russo IH, The role of estrogen in the initiation of breast cancer. J
Steroid Biochem Mol Biol . 2006 Dec;102(1-5):89-96.
3. Stefan O. Mueller, S.S., Kun Chae et.al, Phytoestrogens and Their Human
Metabolites Show Distinct Agonistic and Antagonistic Properties on Estrogen
Receptor α (ERα) and ERβ in Human Cells. Toxicological Sciences, 2004. 80(1):
p. 14-25.
4. Agostino Molteni, L.B.-M., Victoria Persky, In vitro hormonal effects of soybean
isoflavones. Journal of Nutrition, 1995. 125(3): p. 7515-7565.
5. Trock, B.J., L. Hilakivi-Clarke, and R. Clarke, Meta-analysis of soy intake and
breast cancer risk. J Natl Cancer Inst, 2006. 98(7): p. 459-71.
6. Dong, J.Y. and L.Q. Qin, Soy isoflavones consumption and risk of breast cancer
incidence or recurrence: a meta-analysis of prospective studies. Breast Cancer
Restreat, 2011. 125(2): p. 315-23.
7. Chi, F., et al., Post-diagnosis soy food intake and breast cancer survival: a meta-
analysis of cohort studies. Asian Pac J Cancer Prev, 2013. 14(4): p. 2407-12.
8. Nechuta, S.J., et al., Soy food intake after diagnosis of breast cancer and survival:
an in-depth analysis of combined evidence from cohort studies of US and Chinese
women. Am J Clin Nutr, 2012. 96(1): p. 123-32.
9. AICR’s Foods that Fight Cancer. http://www.aicr.org/foods-that-fight-
cancer/soy.html
10. Greger, M. How much soy is too much? 2012. http://nutritionfacts.org/video/how-
much-soy-is-too-much/.