1. Máu
Máu là một chất lỏng di chuyển tuần hoàn trong cơ thể, vận chuyển khí, chất dinh dưỡng và hormone quanh cơ thể cũng như giúp loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa. Thành phần của máu có thể chia thành 2 nhóm: huyết cầu (gồm các tế bào máu) và huyết tương (gồm nước, các protein huyết tương, chất điện giải, kháng thể, và nhiều chất khác) [1, 2].
Có 3 loại tế bào máu [1, 2]:
- Hồng cầu (tế bào máu đỏ): với thành phần chính là huyết sắc tố (hemoglobin) giúp vận chuyển oxy từ phổi đến tế bào và mang CO2 từ tế bào trở lại phổi để thải ra ngoài thông qua hệ thống mạch máu.
- Bạch cầu (tế bào máu trắng): giúp chống nhiễm trùng khi bị xâm nhiễm bởi các mầm bệnh (vi khuẩn, virus, v.v.) hoặc loại bỏ các mảnh vụn và các nhân tố lạ xâm nhập vào cơ thể.
- Tiểu cầu: giúp đông máu khi bị thương.
Tất cả hồng cầu có cùng một quá trình trưởng thành và phát triển. Tiểu cầu cũng vậy. Tuy nhiên, lại có rất nhiều loại bạch cầu khác nhau. Các bạch cầu có thể được xếp vào 3 nhóm [1-3]:
- Tế bào lympho (hay tế bào bạch huyết): gồm tế bào lympho B, sẽ biệt hóa thành tế bào plasma (tương bào) để tiết kháng thể nhận diện và tiêu diệt tác nhân xâm nhiễm và tế bào B nhớ (memory B cell) giúp đáp ứng miễn dịch nhanh và hiệu quả hơn cho lần bị xâm nhiễm tiếp theo bởi cùng tác nhân; tế bào lympho T, tiêu diệt các tế bào đã bị virus xâm nhiễm và điều hòa hoạt động của các bạch cầu khác. Ngoài ra, còn có tế bào tương tự tế bào lympho gọi là tế bào giết tự nhiên (natural killer cells), giết các tế bào ung thư và tế bào bị nhiễm virus.
- Tế bào hạt (granulocyte): chứa một lượng lớn các lysosome và bóng màng (secretory vesicle). Có 3 loại tế bào hạt là bạch cầu trung tính (neutrophil) loại bỏ vi sinh vật, bạch cầu ưa acid (eosinophil) diệt ký sinh trùng và điều hòa các đáp ứng viêm dị ứng, và bạch cầu ưa bazơ (basophil) tiết ra histamin để kích thích phản ứng viêm.
- Tế bào đơn nhân (monocyte): Khi rời khỏi dòng máu, tế bào đơn nhân phát triển thành đại thực bào (macrophage), cùng với bạch cầu trung tính loại bỏ vi sinh vật và tế bào chết. Tế bào đơn nhân còn phát triển thành tế bào tua (dendritic cells), phát hiện tác nhân lạ, sau đó trình diện cho tế bào lympho để loại bỏ.
Các tế bào máu đều được phát triển từ tế bào gốc tạo máu trong tủy xương. Từ các tế bào gốc tạo máu, sẽ có 2 hướng để trưởng thành: thành tế bào tiền thân dòng lympho sau đó biệt hóa thành các tế bào lympho, hoặc thành tế bào tiền thân dòng tủy, sau đó biệt hóa thành tế bào hạt, tế bào đơn nhân, hồng cầu, tiểu cầu, v.v. (Hình 1) [1-3].
2. Ung thư máu
Ung thư máu (hay bệnh máu ác tính), xảy ra khi một tế bào ở tủy xương, hạch lympho hay lách bị biến đổi thành dòng tế bào ung thư, và phát triển không kiểm soát [3]. Ung thư máu có 3 loại (Hình 2) [3, 4]:
- Bệnh bạch cầu (Leukemia): là sự tăng bất thường số lượng bạch cầu không có chức năng trong máu và/hoặc tủy xương, lấn át hoạt động bình thường của bạch cầu khỏe mạnh, hồng cầu và tiểu cầu.
- Ung thư hạch bạch huyết (Lymphoma): khởi phát từ các bất thường của tế bào lympho (tế bào B và tế bào T) trong hệ bạch huyết, bao gồm các hạch bạch huyết, lá lách và tuyến ức.
- Đa u tủy (Multiple myeloma): là loại ung thư tương bào (tế bào plasma) trong tủy xương. Tương bào là tế bào miễn dịch được biệt hóa từ tế bào B, có chức năng sản xuất kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh.
Tuy đều là ung thư các loại bạch cầu, nhưng mỗi loại ung thư máu có những nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, cách chẩn đoán và điều trị khác nhau. Mời quý vị xem chi tiết về từng loại ung thư máu ở các bài tiếp theo.
Chịu trách nhiệm nội dung: ThS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nghiên cứu sinh – ĐH Tsukuba, Nhật Bản
Cố vấn khoa học:
Ths. Trịnh Vạn Ngữ, Viện Khoa học Y sinh SoonChunHyang, ĐH SoonChunHyang, Hàn Quốc
BS. Nguyễn Thị Kim Thương, Ban Y học Ruy Băng Tím
TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, Hoa Kỳ
Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 30/12/2020
- Bệnh bạch cầu (Leukemia) và ung thư máu
- Những điều cần biết về bệnh bạch cầu và ung thư máu
- Đa u tủy (Myeloma) và ung thư máu
- Ung thư hạch bạch huyết (Lymphoma)
Tài liệu tham khảo
- Blood cells. Basic biology; Available from: https://basicbiology.net/micro/cells/blood.
- Alberts B, J.A., Lewis J, et al., Renewal by Multipotent Stem Cells: Blood Cell Formation, in Molecular Biology of the Cell. 2008, Garland Science: New York. p. 450-1462.
- Luebbers, G.S.S.a.K.P., Leukemia, Lymphoma, and Myeloma, in Cancer Prevention, Early Detection, Treatment and Recovery. 2019, John Wiley & Sons, Inc. p. 299-316.
- Leukemia & Lymphoma. Available from: https://www.webmd.com/cancer/lymphoma/default.htm.