Các loại ung thưUng thư hắc tố: Yếu tố nguy cơ, cách phát hiện sớm...

Ung thư hắc tố: Yếu tố nguy cơ, cách phát hiện sớm và phòng ngừa

Ung thư hắc tố (melanoma) bắt nguồn từ tế bào hắc tố có nhiệm vụ sản xuất sắc tố ở da. Khi các tế bào này bị đột biến, chúng tăng sinh và hình thành các khối u hoặc vết loét có màu đen, nâu, xanh, tím hoặc hiếm hơn có thể mang màu hồng, đỏ hoặc đôi khi là màu da bình thường.

Ung thư hắc tố có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn các loại ung thư da khác và có khả năng trị khỏi hoàn toàn  nếu như được phát hiện và điều trị sớm (tỷ lệ sống trên 5 năm là 99%)1. Tuy nhiên, tỷ lệ di căn và tử vong lại cao nhất trong các loại ung thư da, nguyên nhân là do hầu hết người bệnh chủ quan và thường đến khám bệnh trong giai đoạn trễ.  Ngay cả tại Mỹ, ung thư hắc tố thể xâm lấn chiếm tới 54% số bệnh mới trong khoảng thời gian từ năm 2009 – 2019 và ước tính cứ 30 người mắc sẽ có hơn 1 người chết trong năm 2019.

Tình hình ung thư hắc tố ở Việt Nam

Ung thư hắc tố ở các bệnh nhân Việt Nam thường xuất hiện vùng da chân hoặc tay hơn so với các vùng da khác. Bệnh này tuy chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 6% các ung thư da và khoảng 1% trong tất cả các loại ung thư) nhưng khả năng di căn hạch hoặc cơ quan khác khá cao (12%)3 nên nếu biết cảnh giác, phát hiện sớm thì điều trị sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.

Ung thư hắc tố: Yếu tố nguy cơ, cách phát hiện sớm và phòng ngừa

Do đó, tăng cường hiểu biết về ung thư da, ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ, tự khám và kiểm tra da hoặc khám sàng lọc định kỳ sẽ góp phần rất lớn trong thành công của điều trị ung thư hắc tố nói riêng và ung thư da nói chung.

Điều gì làm tăng khả năng mắc ung thư hắc tố ?

 Tiếp xúc với tia cực tím: Tia cực tím (UV) là yếu tố nguy cơ chính đối với hầu hết các ung thư da. Tia UV làm thay đổi, đột biến gen hoặc làm ảnh hưởng đến các gen kiểm soát sự phát triển của tế bào da. Thêm vào đó, các bằng chứng lâm sàng và dịch tễ học cũng cho thấy ung thư da, trong đó có ung thư hắc tố, tăng cao ở những người thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc các nguồn bức xạ cực tím khác2.  

 Yếu tố gia đình/ gen di truyền: Khi trong gia đình có người bị ung thư hắc tố (bố mẹ, anh chị em hoặc con) bạn sẽ có khả năng ung thư hắc tố cao hơn. Tuy nhiên con số này chỉ khoảng 10%. Các đặc điểm gợi ý một người mắc ung thư hắc tố có tính chất gia đình là: người trẻ tuổi, nhiều nốt ruồi và tổn thương ung thư hắc tố ở nhiều vị trí. Ung thư hắc tố có liên quan đến nhiều gen khác nhau trong đó hoạt động quá mức của gen E2F1 được phát hiện trong những năm gần đây mở ra hướng điều trị tiềm năng.

 Các nốt ruồi không điển hình/loạn sản, bớt sắc tố bẩm sinh: Gần 20% ung thư hắc tố có liên quan đến các tổn thương sắc tố. Trong đó, nốt ruồi không điển hình thường gặp, nó thường có kích thước lớn (>5mm), màu sắc không đồng đều, không đối xứng, ranh giới đôi khi khó xác định bằng mắt thường, có thể nổi gồ cao một phần. Những người này có nguy cơ mắc ung thư hắc tố cao gấp 3-20 lần so với người bình thường2,4. Nguy cơ mắc ung thư cũng cao hơn ở người có bớt sắc tố bẩm sinh kích thước lớn, vị trí xuất hiện ở thân mình (lưng, mông).

Ung thư hắc tố: Yếu tố nguy cơ, cách phát hiện sớm và phòng ngừa

Người có bớt sắc tố bẩm sinh kích thước lớn có nguy cơ cao hơn các bớt có kích thước nhỏ. Các vị trí xuất hiện ở thân mình (lưng, mông) được ghi nhận có nguy cơ cao hơn đáng kể các bớt sắc tố ở vùng bàn tay.

Mặc dù phần lớn ung thư hắc tố không có liên quan đến các nốt ruồi hay bớt sắc tố xuất hiện trước đó, tuy nhiên nghiên cứu cũng gợi ý những người có số lượng nốt ruồi lớn hơn 25 nốt sẽ có nguy cơ ung thư da cao hơn so với bình thường.

Ung thư hắc tố: Yếu tố nguy cơ, cách phát hiện sớm và phòng ngừa

 Yếu tố nhân chủng học: Những người có da sáng màu, tóc vàng/đỏ, mắt xanh nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời hơn nên sẽ có nguy cơ phát triển tổn thương ung thư da cao hơn. 

 Một số yếu tố khác: Tuổi trên 50, nam giới, suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV/AIDS, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch), đã từng xạ trị, bệnh khô da sắc tố đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư hắc tố.

Làm thế nào để phát hiện sớm ung thư hắc tố? 

 Tự khám và kiểm tra da: Tự khám và phát hiện các tổn thương da giúp chẩn đoán ung thư da sớm hơn, điều trị tốt hơn dẫn đến giảm tỷ lệ tử vong. Đối với những vùng da khó quan sát như da đầu, da lưng…, có thể sử dụng gương hoặc nhờ người khác hỗ trợ. Ngoài ra, các chương trình truyền thông giáo dục nhận thức và hướng dẫn tự khám da cũng cho thấy hiệu quả giảm tỷ lệ phát hiện ung thư hắc tố ở giai đoạn muộn và nâng cao khả năng điều trị khỏi.

Một số dấu hiệu để tự khám và phát hiện sớm ung thư hắc tố

  • Quy tắc ABCDE để cảnh giác với những nốt ruồi nghi ngờ ác tính:

Asymmetry – Không đối xứng

Border – Bờ  không đều đặn

Color – Màu sắc không đồng nhất

Diameter – Kích thước lớn (>5mm)

Evolving – Lớn nhanh

Ung thư hắc tố: Yếu tố nguy cơ, cách phát hiện sớm và phòng ngừa

  • Dấu hiệu “vịt con xấu xí”:  Trên một người có nhiều tổn thương tăng sắc tố, sự xuất hiện 1 tổn thương khác biệt so với các tổn thương còn lại như: to hơn, bờ không đều, nổi gồ, loét, chảy máu… là dấu hiệu nghi ngờ tổn thương ác tính

  • Các dấu hiệu khác: Ngứa, chảy máu, loét, tổn thương sắc tố dưới móng hoặc dưới dạng đường sắc tố ở móng.

Ung thư hắc tố: Yếu tố nguy cơ, cách phát hiện sớm và phòng ngừa

 Khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa da liễu đối với những người có nguy cơ cao mắc ung thư da, đặc biệt là đối với những người có tiền sử gia đình hoặc bản thân có nhiều tổn thương nốt ruồi. Việc khám và sàng lọc này nên được thực hiện tối thiểu mỗi năm 1 lần.

Ung thư hắc tố có phòng ngừa được không?

Không có biện pháp nào hoàn toàn ngăn chặn được ung thư hắc tố. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh thì độ tuổi, chủng tộc, gen di truyền và yếu tố gia đình là những yếu tố không thể thay đổi được. Tuy nhiên, một số các biện pháp khác có thể giúp làm giảm nguy cơ như:

 Hạn chế, bảo vệ da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Cách quan trọng nhất là bảo vệ bản thân khi tiếp xúc với tia UV như sử dụng kem chống nắng, mũ, khẩu trang, áo dài tay.

 Tự khám và theo dõi các nốt ruồi bất thường: Khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa về da liễu để phát hiện sớm các tổn thương nghi ngờ. Việc loại bỏ hết toàn bộ các nốt ruồi hoặc các bớt sắc tố lành tính không được khuyến cáo vì điều đó không giúp làm giảm nguy cơ ung thư da.

 Nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch suy giảm làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Do đó, luyện tập, nâng cao sức khỏe và cải thiện hệ miễn dịch là góp phần vào cuộc chiến chống lại ung thư nói chung.

Ung thư hắc tố: Yếu tố nguy cơ, cách phát hiện sớm và phòng ngừa

Tài liệu tham khảo
  • Cancer Facts and Figures 2019. American Cancer Society. https://www.cancer.org/research.
  • https://www.curemelanoma.org/about-melanoma/melanoma-statistics-2.
  • https://www.cancer.gov/types/skin/moles-fact-sheet.
  • Tatiana S. Belysheva et al, Melanoma arising in a Giant congenital melanocytic nevus: two case reports. Diagn Pathol. 2019; 14: 2
  • Screening and early detection of melanoma in adults and adolescents.uptodate.com
  • Rocca MS  et al, E2F1 germline copy number variations and melanoma susceptibility. J Transl Med. 2019 May 29;17(1):181.
  • Breitbart EW et al. Systematic skin cancer screening in Northern Germany. J Am Acad Dermatol 2012; 66:201.
  • Waldmann A, Nolte S, Geller AC, et al. Frequency of excisions and yields of malignant skin tumors in a population-based screening intervention of 360,288 whole-body examinations. Arch Dermatol 2012; 148:903.
  • Clinical guidelines for the recognition of melanoma of the foot and nail unit, Journal of Foot and Ankle Research 2010.
  • Tác giả và chuyên gia

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here

    Nhận bảng tin từ chúng tôi

    LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

    BÀI VIẾT MỚI NHẤT

    Có thể bạn quan tâm