U máu trên da ở trẻ em (hay còn gọi là bướu máu) là một bệnh lý của mạch máu xuất hiện bẩm sinh hoặc ở trẻ nhỏ. Đây là một loại u lành tính, không di căn và không nguy hiểm đến tính mạng. Phần lớn u máu có thể biến mất khi trẻ lớn dần, tuy nhiên một số trường hợp có thể tồn tại lâu dài, có biến chứng hoặc gây ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ.
1. U máu là gì ?
U máu (hemangioma) là khối u lành tính xuất hiện do sự tăng sinh của các tế bào nội mô cấu tạo nên mạch máu. Phần lớn u máu xuất hiện ở da tuy nhiên nó cũng có thể xuất hiện ở cơ quan khác (gan, lách,…) trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến u máu ở da.
Nhận biết và chẩn đoán u máu ở da thường dễ dàng, chủ yếu dựa vào quan sát bằng mắt thường, có thể thấy một vết màu đỏ, hồng hoặc hơi xanh, phẳng hoặc lồi trên bề mặt da ở bất kỳ vị trí nào của cơ thể, hay gặp nhất là vùng đầu mặt, ngực, lưng. Thông thường chỉ có 1 u máu đơn độc, rất ít khi xuất hiện nhiều u máu ở vị trí khác nhau. Tuy nhiên, cũng có thể bị nhầm lẫn với các tổn thương mạch máu khác trên da đặc biệt là các dị dạng mạch máu – tổn thương có hướng điều trị và tiên lượng khác biệt so với u máu da ở trẻ.
Dựa vào thời gian xuất hiện, đặc điểm và tiến triển mà u máu được chia thành u máu sơ sinh và u máu bẩm sinh.
U máu sơ sinh (Infantile hemangioma)
Là u máu thường gặp nhất ở trẻ em (chiếm 3-10% ở trẻ sơ sinh), xuất hiện sau khi sinh, thường khi trẻ được vài tuần đến vài tháng tuổi, dưới dạng một vết đỏ nhỏ hoặc lớn hơn, phát triển nhanh trong vài tháng đầu đến khi trẻ 6 tháng tuổi thì dừng lại, duy trì như vậy từ 6 đến 18 tháng, sau đó mờ dần đến 6 tuổi thì có thể hoàn toàn biến mất. Theo các báo cáo, gần 50% biết mất hoàn toàn sau 5 năm và gần 100% biến mất sau 9 năm mà không can thiệp gì. Tuy nhiên tùy thuộc vào vị trí xuất hiện, tuổi của trẻ, tốc độ tăng trưởng và nguy cơ biến chứng của khối u các bác sĩ sẽ cân nhắc nên can thiệp như thế nào. Các trường hợp nên điều trị sớm:
- U máu có loét, nhiễm khuẩn, chảy máu: thường gặp ở vị trí mô, vùng nếp gấp da, hậu môn, cơ quan sinh dục.
- U máu có kích thước > 5cm, gây biến dạng, cản trở chức năng của các cơ quan như:
- Mắt: ảnh hưởng thị giác
- Đầu mũi, nhân trung, môi: ảnh hưởng đến thẩm mỹ, biến dạng cấu trúc mặt
- Tai: gây giảm, mất thính lực
- Ngực: ảnh hưởng tới quầng vú
- U máu có liên quan đến cơ quan khác, cần theo dõi và điều trị kịp thời:
- U máu vùng mặt dưới có thể có liên quan đến tổn thương ở đường thở
- U máu trong các hội chứng PHACE, PELVIS, Kasabach-Meritt… có ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác của cơ thể. Trong đó, hội chứng PHACE xuất hiện u máu sơ sinh kích thước lớn vùng mặt kèm bất thường não, tim mạch và mắt; hội chứng PELVIS với u máu lớn vùng đáy chậu kèm dị tật cơ quan sinh dục, hậu môn, thận, u mỡ chóp tủy; hội chứng Kasabach-Meritt có u máu kèm giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu và các u máu tăng sinh không điển hình.
U máu bẩm sinh (congenital hemangioma)
U máu bẩm sinh xuất hiện từ trong bào thai, do đó khi sinh ra là đã có ở bề mặt da, trong loại u máu này người ta thường chia ra làm 2 thể:
- Dạng thoái triển (tự tiêu) (Rapid Involuting Congenital Hemangioma): có tiến triển giống như loại u máu ở trẻ nhỏ. U máu thoái triển sẽ bắt đầu co lại khi trẻ chào đời. Sau 12 đến 24 tháng, u máu dạng thoái triển có thể gần như biến mất hoàn toàn và chỉ để lại mô sẹo lỏng lẻo ở da.
- Dạng không thoái triển (Non Involuting Congenital Hemangioma ): u máu dạng này sẽ phát triển lớn dần, có thể đến ở mức độ nào đó thì ngừng phát triển và sẽ tồn tại vĩnh viễn.
2. U máu có thể tiến triển thành ung thư?
U máu là tổn thương u lành tính, có sự tăng lên của các tế bào cấu tạo mạch máu do nhiều nguyên nhân phức tạp, trong đó một phần được biết đến do rối loạn điều hòa các yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) gây ra [6]. Trên mô bệnh học, các tế bào nội mô mạch máu không có biểu hiện biến đổi ác tính, do đó u máu hoàn toàn không phải là ung thư.
Các yếu tố gây rối loạn được điều chỉnh ổn định dần theo thời gian do đó quá trình tăng sinh này có dừng lại và thoái triển. Theo nghiên cứu trên 472 tổn thương u máu trên da ở 327 trẻ được điều trị và theo dõi từ 1997-2000 nhân thấy kết quả có 84% có kết quả tốt, 8% ổn định sau phẫu thuật, 3% tiếp tục điều trị trong thời gian theo dõi [7]. Hiện chưa có báo cáo cho thấy sự phát triển của ung thư từ u máu.
Mặc dù u máu có thể được chẩn đoán chính xác bởi bác sĩ chuyên khoa bằng hỏi bệnh và thăm khám, tuy nhiên bất kỳ khối u mạch máu bẩm sinh nào phát triển nhanh chóng sau khi sinh, đặc biệt là khi ở vị trí tay hoặc chân, cũng cần phải phân biệt với các bệnh lý ác tính như: sarcoma xơ (fibrosarcoma) hoặc sarcoma mô liên kết (rhabdomyosarcoma) – đây là những tổn thương có thể bị nhầm lẫn với u máu.
3. Điều trị u máu hay không?
Đối với u máu sơ sinh:
Tổn thương ở da có thể tự biến mất hoàn toàn, do đó có thể tự theo dõi
Các trường hợp u máu có kích thước lớn, có biến chứng hoặc gây ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ nên điều trị sớm cho trẻ từ 1 tháng tuổi. Có nhiều phương pháp điều trị u máu ở trẻ nhỏ, tùy vào từng tổn thương mà chọn phương án thích hợp, điều trị phải được quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa.
- Điều trị dùng thuốc: thuốc dạng uống, bôi, tiêm tại chỗ có tác động trực tiếp lên mạch máu hoặc ức chế các chất gây tăng trưởng mạch máu, do đó có tác dụng điều trị u máu. Một số thuốc được sử dụng như: chẹn Beta, các steroid…Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc này có thể có các tác dụng không mong muốn, do đó bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ khi sử dụng.
- Điều trị bằng laser, phẫu thuật là những phương pháp phá hủy hoặc loại bỏ các mạch máu, các phương pháp này thường được áp dụng với các tổn thương không đáp ứng với thuốc. Khi điều trị bằng phương pháp này, cảm giác đau đớn và nguy cơ tạo sẹo có thể xảy ra, do đó nên được cân nhắc và tư vấn bởi bác sĩ.
Đối với u máu bẩm sinh:
Trong những năm đầu đời, trẻ phải thường xuyên được khám và theo dõi tiến triển của u. Nếu tổn thương có loét, chảy máu, ảnh hưởng chức năng hoặc u có kích thước lớn cần xem xét điều trị sớm.
Điều trị bằng các thuốc bôi và uống ít hoặc không hiệu quả. Phương pháp phẫu thuật hoặc laser có thể được xem xét.
- U máu dạng thoái triển: thường ít cần điều trị do có thể tự tiêu biến, tuy nhiên cần theo dõi và điều trị khi có chỉ định
- U máu dạng không thoái triển: thường cần điều trị do biến chứng hoặc vấn đề thẩm mỹ. Đối với u kích thước lớn, có thể cần thiết can thiệp thủ thuật làm tắc các mạch máu cung cấp cho khối u để giảm khả năng chảy máu trước khi phẫu thuật.
Kết luận:
Như vậy, U máu da không hiếm gặp ở trẻ em, thường không có liên quan đến ung thư cũng như ít nguy hiểm đến tính mạng.
Đa phần các u máu da ở trẻ em không cần phải điều trị. Trong các trường hợp u có kích thước lớn, ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ, hoặc gây loét, chảy máu thì cần liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị thích hợp.
Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 21/03/2020
Tài liệu tham khảo
- Novoa M, Baselga E, Beltran S, Giraldo L, Shahbaz A, Pardo-Hernandez H, Arevalo-Rodriguez I. Interventions for infantile haemangiomas (strawberry birthmarks) of the skin. Cochrane Database of Systematic Reviews 2018. DOI: 10.1002/14651858.CD006545.pub3.
- Antony George, Varghese Mani, and Ahammed Noufal. Update on the classification of hemangioma. J Oral Maxillofac Pathol. 2014 Sep; 18(Suppl 1): S117–S120. doi: 10.4103/0973-029X.141321
- Daniel et al. Clinical Practice Guideline for the Management of Infantile Hemangiomas. American Academy of Pediatric. Pediatrics January 2019, 143 (1) e20183475; DOI: https://doi.org/10.1542/peds.2018-3475
- https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/infantile-hemangioma.
- Lauren M et al, Pediatrics June 2014, 133 (6) e1777-e1780; DOI:https://doi.org/10.1542/peds.2013-2970)
- Christine Léauté-Labrèze, John I Harper, Peter H Hoeger . Infantile haemangioma. www.thelancet.com Published online January 12, 2017 http://dx.doi.org/10.1016/S0140-6736(16)00645-0
- Katarina G. Chiller et al. Hemangiomas of Infancy Clinical Characteristics, Morphologic Subtypes, and Their Relationship to Race, Ethnicity, and Sex. Arch Dermatol. 2002;138(12):1567-1576. doi:10.1001/archderm.138.12.156