Kiến Thức Ung ThưTổng quan về Ung thư da

Tổng quan về Ung thư da

Nói đến da, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến việc làm đẹp nhưng có một vấn đề Ruy Băng Tím chúng tôi nghĩ các bạn cũng nên đáng lưu tâm, đó là ung thư da. Ung thư da thực sự có đáng sợ?   Cấu tạo của da? Da là cơ quan lớn nhất trong cơ thể, giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ, tránh các tác nhân nhiễm trùng, tổn thương, là nơi dự trữ nước, mỡ và tham gia quá trình sản xuất vitamin D cho cơ thể.   Da bao gồm 3 lớp theo thứ tự từ nông đến sâu: biểu bì, bì và mô dưới da. Trong đó, lớp biểu bì (lớp trên cùng) bao gồm 3 lớp từ trên xuống dưới là lớp tế bào gai, lớp tế bào đáy và lớp tế bào hắc tố. Vì tính chất, diễn tiến bệnh, cách điều trị và tiên lượng khác nhau nên ung thư da được chia thành 2 nhóm chính:
  • Ung thư da tế bào hắc tố (melanoma)
  • Ung thư da không phải tế bào hắc tố (non-melanoma): ung thư da tế bào đáy và ung thư da tế bào gai
Mời xem thêm:

Phân biệt ung thư da tế bào hắc tố (melanôm) và nốt ruồi

Áp dụng quy luật ABCDE để phát hiện sớm ung thư hắc tố

Ung thư da có thường gặp không? Theo Globocan 2012 (Cơ quan ghi nhận ung thư thế giới), ung thư da tế bào hắc tố tại Việt Nam đứng hàng thứ 25 trong các loại ung thư, mới mắc 150 ca và tử vong là 78 ca. Cơ quan không ghi nhận số liệu ở ung thư da tế bào đáy và tế bào gai. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ mắc bệnh ở người da trắng cao hơn 10 lần so với người da đen. Úc là nước có tỉ lệ hiện mắc cao nhất thế giới hiện nay với xấp xỉ 40 ca trên 100.000 dân mỗi năm. Vì vậy, có thể nói Ung thư da là bệnh không thường gặp tại Việt Nam.   Tại sao chúng ta lại mắc ung thư da? Ung thư da xuất hiện khi tế bào da bị đột biến làm cho chúng phát triển bất thường, vượt quá sự kiểm soát của cơ thể. Hầu hết những tổn thương này là do quá trình tiếp xúc với tia cực tím trong ánh nắng mặt trời hay các loại đèn dùng để nhuộm da. Tuy nhiên người ta nhận thấy ung thư da cũng phát triển ở những vùng da không tiếp xúc với ánh sáng. Một số yếu tố nguy cơ làm tăng ung thư da (1):
  • Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời hay tia cực tím
  • Da sáng màu: những người có màu da sáng, màu mắt màu tóc nhạt như tóc vàng, đỏ, mắt xanh thì khả năng bảo vệ trước tia cực tím kém hơn nên dễ bị tổn thương hơn.
  • Suy giảm miễn dịch
  • Có bệnh mạn tính hay tổn thương da tại chỗ: bệnh vảy nến…
  • Tiếp xúc với độc chất, chất phóng xạ.
  • Tiền sử gia đình có người ung thư da.
  Ung thư da loại “không đáng sợ” Ung thư da tế bào đáy là loại ung thư da phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% (4) các trường hợp ung thư da. Loại ung thư này thường xảy ra ở vùng hay tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là đầu và cổ với biểu hiện như: bướu sáng màu, tổn thương dạng phẳng màu thịt hay nhìn giống như vết sẹo, màu nâu… Chúng thường tiến triển chậm và hiếm khi lan đến các cơ quan khác trong cơ thể nhưng nếu không được điều trị, chúng có xu hướng xâm lấn vào vùng mô hay xương gần vùng da đó.   Ung thư da tế bào gai chiếm gần 20% (4) các trường hợp, cũng như ung thư da tế bào đáy chúng thường xuất hiện ở vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời: mặt, cổ, tai, môi, mu bàn tay…và cũng có thể tiến triển trên vùng da sẹo hay có tổn thương mạn tính trước đó. Chúng có thể xuất hiện dưới dạng nốt màu đỏ, cứng chắc, một tổn thương dạng phẳng có vảy ở bề mặt… và có xu hướng lan sâu hay đến các cơ quan khác hơn ung thư từ tế bào đáy tuy nhiên cũng ít khi xảy ra.   Nói chung cả hai loại ung thư da tế bào đáy và gai nói riêng hay ung thư da không tế bào hắc tố nói chung diễn tiến ít nguy hiểm hơn, tiên lượng tốt hơn ung thư tế bào hắc tố và là một trong các loại ung thư có thể điều trị hiệu quả nhất hiện nay với điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ vùng da tổn thương và có thể xạ trị hỗ trợ sau phẫu thuật.   Ung thư da “loại đáng sợ” So với ung thư da không tế bào hắc tố, ung thư da tế bào hắc tố ít gặp hơn nhưng diễn biến nguy hiểm hơn, có xu hướng lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể nếu chúng ta không phát hiện sớm. Các triệu chứng có thể gặp:
  • Một đốm màu nâu hay lấm chấm đen
  • Một nốt ruồi thay đổi về kích thước, màu sắc hay bị chảy máu.
  • Tổn thương nhỏ với giới hạn không rõ, kích thước ít nhất 6mm và màu sắc thay đổi từ đỏ, trắng, xanh…
  • Tổn thương sậm màu trong lòng bàn tay, bàn chân, đầu ngón tay, miệng, mũi, cửa mình…
Do vậy cần biết cách phân biệt giữa một nốt ruồi bình thường và một nốt ruồi bất thường để có thể phát hiện sớm, có biện pháp can thiệp, điều trị sớm hơn.
Hình ảnh so sánh giữa nốt ruồi bình thường và ung thư da tế bào hắc tố. (Nguồn: Internet)
Hình ảnh so sánh giữa nốt ruồi bình thường và ung thư da tế bào hắc tố. (Nguồn: Internet)
  Để chẩn đoán chắc chắn ung thư da tế bào hắc tố, các bác sĩ sẽ sinh thiết sang thương da nghi ngờ. Điều trị được lựa chọn tùy thuộc vào giai đoạn bệnh với phẫu thuật là phương pháp điều trị chính. Phẫu thuật có thể bao gồm phẫu thuật cắt rộng và nạo bỏ hạch với mục đích loại bỏ mô ung thư ra khỏi cơ thể người bệnh. Ngoài ra còn có các biện pháp điều trị khác, đồng thời hỗ trợ cho phẫu thuật như liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích, hóa xạ trị. Ung thư da tế bào hắc tố khó điều trị, các cách điều trị hỗ trợ bằng hóa xạ trị, miễn dịch đang trong quá trình nghiên cứu, bệnh diễn tiến nhanh, có thể di căn xa hoặc tái phát sau điều trị. Vì vậy phát hiện sớm là cách giúp cải thiện tiên lượng tốt nhất.
w486
Hình ảnh của 3 loại ung thư da hay gặp, theo thứ từ từ trái qua phải là ung thư da từ tế bào đáy, ung thư da từ tế bào gai và ung thư da tế bào hắc tố. (Nguồn: Internet)
  Làm thế nào để phòng ngừa ung thư da? Hiện tại chưa có một cách chắc chắn nào để ngăn chặn ung thư da, tuy nhiên ta có thể hạn chế các yếu tố nguy cơ trong tầm tay như giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tia cực tím bằng cách sử dụng kem chống nắng, hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại hay kiểm tra da và sức khỏe thường xuyên, tăng cường tập thể dục, có chế độ sinh hoạt hợp lý để giúp nâng cao hệ thống miễn dịch của bản thân.
Tài liệu tham khảo
  • http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/skin-cancer/basics/symptoms/con-20031606
  • The Bethesda Handbook of Clinical Oncology, 4th: Section Eight – Skin
  • http://www.cancer.net/cancer-types/skin-cancer-non-melanoma/statistics
  • http://emedicine.medscape.com/article/276624-overview#a5
  • https://www.nccn.org/patients/guidelines/melanoma/
  • http://www.cancer.org/cancer/skincancer-basalandsquamouscell/detailedguide/skin-cancer-basal-and-squamous-cell-what-is-basal-and-squamous-cell
  • Tác giả và chuyên gia

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here

    Nhận bảng tin từ chúng tôi

    LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

    BÀI VIẾT MỚI NHẤT

    Có thể bạn quan tâm