Tin đồn & Sự thậtCó thật phấn rôm gây ung thư buồng trứng?

Có thật phấn rôm gây ung thư buồng trứng?

Phấn rôm có lẽ là một trong những sản phẩm thân thuộc nhất với các mẹ, để làm khô và làm mịn da cho bé, và đôi khi là cho bản thân mình. Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí lại đưa tin rằng phấn rôm gây ung thư buồng trứng. Thông tin không đầy đủ này, theo chúng tôi, là gây hại nhiều hơn lợi. Sau đây, chúng tôi xin đưa đến cho mọi người một góc nhìn đa chiều và chính xác hơn về vấn đề này.

1. Tại sao lại lo ngại về phấn rôm?

Phấn rôm là gì, xin bỏ qua phần này, vì hầu như mọi người đều biết. Nhưng thành phần nào trong nó đang bị quan ngại, có lẽ ít người biết.

Talc chính là thành phần đó. Talc thực chất là một dạng muối khoáng, thành phần chính là magie silicat ngậm nước (hydrated magnesium silicate), tiếng Việt gọi nó là khoáng Tan. Từ đây, xin dùng tên talc để tránh gây hiểu lầm với chữ tan trong tiếng Việt.

Talc ở dạng bột là thành phần nền của phấn rôm. Vào những năm 50-60 của thế kỷ trước, phấn rôm bị mổ xẻ rất nhiều vì nhiều nghiên cứu cho thấy chúng có liên quan đến ung thư buồng trứng khi xử dụng để làm khô vùng hạ bộ phụ nữ, cũng như ung thư phổi nếu hít phải. Nguyên nhân chính được cho rằng vì talc thường lẫn Asbestos, một dạng khoáng có cấu tạo rất gần với talc, nhưng độc tính cao hơn rất nhiều, và bị Cơ quan Quốc tế về Nghiên cứu Ung thư (IARC), trực thuộc Tổ chức y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm 1, nhóm Gây ung thư cho người[1].

Sau đó, từ những năm 1970, tất cả asbestos đều phải được loại khỏi talc trước khi đưa vào sản xuất phấn rôm. Điều này vẫn được duy trì đến ngày nay.

Tuy nhiên, talc vẫn bị đặt dấu chấm hỏi là có thể gây ung thư hay không, và các nghiên cứu vẫn được tiếp tục đến ngày nay.

2. Các nghiên cứu về talc cho thấy gì?

Rất nhiều nghiên cứu về talc đã được thực hiện. Các nghiên cứu tập trung quan tâm đến mối liên quan giữa việc sử dụng các sản phẩm chứa talc (như phẩn rôm, bao cao su) có liên quan gì đến ung thư buồng trứng hay không. Bên cạnh đó, ung thư nội mạc tử cung và ung thư phổi cũng được quan tâm.

Đối với ung thư buồng trứng:

Các nghiên cứu tập trung vào giả thiết cho rằng bột phấn rôm chứa talc có thể đi vào tới buồng trứng thông qua ngõ âm đạo, tử cung rồi ống dẫn trứng để đến buồng trứng.

Các nghiên cứu chưa thống nhất được kết quả, một số nói có tăng nhẹ về khả năng mắc ung thư buồng trứng, một số nói không. Đa số các nghiên cứu nói có là dạng nghiên cứu bệnh chứng (case-control), dạng này lại dễ mắc một sai số do dựa trên việc nhớ lại của những người được hỏi, mà việc này dễ dẫn tới xu hướng nói quá lên về vấn đề được hỏi. Trong khi đó, 2 nghiên cứu đoàn hệ (cohort study), loại nghiên cứu hạn chế được sai số này, thì lại không cho thấy mối liên hệ như vậy[2, 3].

Hơn nữa, theo các báo cáo cho thấy có mối liên hệ, sự tăng này là tương đối nhỏ, khoảng 20-30%[4-9]. Trong khi khả năng mắc ung thư buồng trứng trung bình trong suốt cuộc đời phụ nữ cũng không cao, khoảng 1.33%[10], thì tăng thêm 30% nữa sẽ là khoảng 1.8%.

Đối với ung thư phổi:

Tương tự, các báo cáo về mối liên hệ giữa ung thư phổi và các sản phẩm chứa talc cũng không thống nhất về kết quả, và đến nay vẫn còn quá ít thông tin để có thể đưa ra một kết luận cụ thể cho vấn đề này.

Chưa có báo cáo nào cho thấy mối liên hệ giữa ung thư phổi với các bột mỹ phẩm có chứa talc.

Đối với ung thư nội mạc tử cung:

Đến nay chỉ mới có 2 báo cáo về vấn đề này. Cả 2 đều cho thấy có sự tăng nhẹ (dưới 30%) khả năng ung thư nội mạc tử cung ở nhóm phụ nữ hậu mãn kinh có sử dụng phấn rôm chứa talc[11, 12].

3. Kết luận

Sau khi xem xét rất nhiều báo cáo, và cân nhắc, IARC của WHO đã nâng mức cảnh báo dành cho talc lên nhóm 2B (nhóm có thể gây ung thư cho người), khi sử dụng cho vùng hạ bộ, nhưng vẫn giữ ở nhóm 3 (nhóm không có vẻ gây ung thư cho người) khi xét về nguy cơ cho hệ hô hấp[13].

Do đó, các bậc phụ huynh và chị em phụ nữ không nên quá lo lắng về vấn đề này. Điều cần lưu ý bây giờ là:

  • Nên sử dụng các sản phẩm phấn rôm của các thương hiệu lớn, và chính hãng (tránh hàng nhái), vì những hãng này đều đã phải bảo đảm việc loại bỏ asbestos ra khỏi sản phẩm.
  • Đừng lạm dụng phấn rôm, chỉ nên dùng khi cần thiết và với lượng không dư hơn nhu cầu cần thiết, nhất là cho các bé gái.
  • Nếu bạn còn lo lắng, có thể sử dụng các loại bột tự nhiên để thay thế hoặc trộn chung với phấn rôm hiện tại để giảm thiểu tiếp xúc với talc. Bột tự nhiên có thể thay thế được Hội Ung thư Mỹ khuyên dùng là tinh bột bắp[14]. Ngoài ra, tinh bột sắn cũng là một lựa chọn.
Tài liệu tham khảo
1. ASBESTOS (CHRYSOTILE, AMOSITE, CROCIDOLITE, TREMOLITE, ACTINOLITE AND ANTHOPHYLLITE). IARC MONOGRAPHS [cited 2016 January 16th]; Available from: http://monographs.iarc.fr/ENG/Monographs/vol100C/mono100C-11.pdf.

2. Langseth, H., et al., Perineal use of talc and risk of ovarian cancer. J Epidemiol Community Health, 2008. 62(4): p. 358-60.

3. Muscat, J.E. and M.S. Huncharek, Perineal talc use and ovarian cancer: a critical review. Eur J Cancer Prev, 2008. 17(2): p. 139-46.

4. Harlow, B.L. and N.S. Weiss, A case-control study of borderline ovarian tumors: the influence of perineal exposure to talc. Am J Epidemiol, 1989. 130(2): p. 390-4.

5. Harlow, B.L., et al., Perineal exposure to talc and ovarian cancer risk. Obstet Gynecol, 1992. 80(1): p. 19-26.

6. Chang, S. and H.A. Risch, Perineal talc exposure and risk of ovarian carcinoma. Cancer, 1997. 79(12): p. 2396-401.

7. Wong, C., et al., Perineal talc exposure and subsequent epithelial ovarian cancer: a case-control study. Obstet Gynecol, 1999. 93(3): p. 372-6.

8. Huncharek, M. and J. Muscat, Perineal talc use and ovarian cancer risk: a case study of scientific standards in environmental epidemiology. Eur J Cancer Prev, 2011. 20(6): p. 501-7.

9. Harlow, B.L. and P.A. Hartge, A review of perineal talc exposure and risk of ovarian cancer. Regul Toxicol Pharmacol, 1995. 21(2): p. 254-60.

10. Lifetime Risk (Percent) of Being Diagnosed with Cancer by Site and Race/Ethnicity: Females, 18 SEER Areas, 2009-2011 (Table 1.17). [cited 2016 January 16th]; Available from: http://seer.cancer.gov/archive/csr/1975_2011/results_merged/topic_lifetime_risk_diagnosis.pdf.

11. Crawford, L., et al., Perineal powder use and risk of endometrial cancer in postmenopausal women. Cancer Causes Control, 2012. 23(10): p. 1673-80.

12. Karageorgi, S., et al., Perineal use of talcum powder and endometrial cancer risk. Cancer Epidemiol Biomarkers Prev, 2010. 19(5): p. 1269-75.

13. IARC Monographs on the Evaluation of Carcinogenic Risks to Humans: Carbon Black, Titanium Dioxide, and Talc. 2010. 43: p. 227-412.

14. Talcum Powder and Cancer. [cited 2016 January 16th]; Available from: http://www.cancer.org/cancer/cancercauses/othercarcinogens/athome/talcum-powder-and-cancer.

Tác giả và chuyên gia

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm