Kiến Thức Ung ThưĐa u tủy (Myeloma) và ung thư máu

Đa u tủy (Myeloma) và ung thư máu

Trong các loại tế bào bạch cầu, tế bào lympho B là tế bào có khả năng tiết kháng thể để nhận diện và tiêu diệt tác nhân xâm nhiễm trong cơ thể (xem thêm bài Ung thư máu: Những điều cần biết )

Sau khi tiếp xúc với tác nhân xâm nhiễm, tế bào B sẽ biệt hóa thành tế bào plasma để tiết kháng thể, hay còn gọi là immunoglobulin (Ig) để nhận diện và vô hiệu hóa tác nhân lạ. Có 5 loại Ig là IgG, IgA, IgM, IgD và IgE. Các loại kháng thể khác nhau về cấu trúc, chức năng và vị trí phân bố. Ví dụ IgG giúp tiêu diệt vi khuẩn trong khi IgE giúp diệt ký sinh trùng (như giun, sán). 

Khi bị đa u tủy, các tế bào plasma tăng sinh không kiểm soát trong tủy xương, lấn át các tế bào plasma bình thường và các tế bào máu khác. Đáng chú ý, các tế bào plasma bị ung thư sẽ tiết ra các loại immunoglobulin bất thường, không có chức năng tiêu diệt xâm nhiễm, gọi là protein M. Protein M phổ biến nhất trong bệnh đa u tủy là IgG. Việc tiết một lượng lớn protein M dẫn đến suy thận, thiếu máu, loãng xương, tái nhiễm và tăng canxi trong máu [1, 2]. Đa u tủy là loại ung thư ít phổ biến nhất trong ba loại ung thư máu (bệnh bạch cầu, ung thư hạch bạch huyết và đa u tủy). Có gần 160.000 ca mắc đa u tủy trên thế giới năm 2018, chiếm 0.88% trong tổng số các bệnh ung thư [3].

Hình 1: Đa u tủy [2]
   

 1. Nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ gây bệnh và cách phòng tránh

1.1. Nguyên nhân [4]

Các đột biến DNA trong tế bào tủy xương làm cho các gene sinh ung thư (oncogene) hoạt động vượt mức bình thường, còn các gen ức chế u (tumor suppressor) lại giảm hoạt động. Từ đó dẫn đến việc tăng sinh không kiểm soát của các tế bào, gây ra ung thư. Các biến đổi có thể xảy ra ở một hoặc một vài điểm trên DNA, nhưng cũng có thể là sự thay đổi vị trí (hoán vị – translocation) của cả một hoặc một vài đoạn lớn DNA.

Ngoài ra, các bất thường ở tế bào tủy xương khác cũng có thể gây ra đa u tủy. Điển hình là khi tế bào tua (dendritic cells) tiết quá nhiều interleukin 6 (IL-6) sẽ kích thích tăng sinh tế bào plasma, gây ung thư.

1.2.Yếu tố nguy cơ gây bệnh đa u tủy [4, 5]

  • Tuổi tác: Người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc đa u tủy cao.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
  • Chủng tộc: Người da đen có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Người mắc các hội chứng về máu, bị béo phì, thường có nguy cơ mắc đa u tủy cao hơn người bình thường.
  • Tiếp xúc với hóa chất độc hại, sử dụng trong sản xuất cao su, làm mộc, cứu hỏa và thuốc diệt cỏ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Gia đình có người bị đa u tủy

1.3. Phòng tránh [4,5]

Có rất ít trường hợp bị đa u tủy liên quan đến các tác nhân có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, chúng ta có thể tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại, kiểm soát cân nặng không để thừa cân béo phì để hạn chế thấp nhất các nguy cơ gây bệnh.

2. Triệu chứng [2, 4, 5]

  • Loãng xương
  • Thiếu máu
  • Tăng canxi máu
  • Các triệu chứng về hệ thần kinh: Đau lưng đột ngột, tê chân, nhược cơ, có cảm giác rần rần như kiến bò (pins and needles).
  • Hội chứng máu quá đặc (hyperviscosity): chóng mặt, rối loạn, có triệu chứng đột quỵ.
  • Triệu chứng suy thận: yếu ớt, thở gấp, sưng phù chân
  • Dễ bị nhiễm trùng và tái nhiễm nhiều lần

3. Chẩn đoán và điều trị

3.1. Chẩn đoán [4]

  • Xét nghiệm
  • Công thức máu toàn bộ: đo lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong máu. Nếu bị đa u tủy (có nhiều tế bào plasma), các tế bào máu khác sẽ giảm so với bình thường, phổ biến nhất là giảm hồng cầu gây thiếu máu.
  • Hóa học máu: creatinin cao, albumin thấp, canxi cao là là dấu hiệu của đa u tủy.
  • Nước tiểu: kiểm tra các protein đa u tủy trong nước tiểu
  • Immunoglobulin trong máu: nồng độ các loại kháng thể bất thường là một trong các dấu hiệu của đa u tủy
  • Sinh thiết tủy xương hoặc hạch lympho
  • Chẩn đoán hình ảnh: X-quang, CT, MRI, PET, v.v.

3.2. Điều trị [4, 5]

Các lựa chọn điều trị chính hiện nay gồm có: 

  • Hóa trị: Tiêm, uống hoặc truyền thuốc vào cơ thể để giết tế bào ung thư trong máu và tủy xương.
  • Xạ trị: Sử dụng tia X cường độ cao để giết hoặc ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Xạ trị có thể áp dụng cho toàn bộ cơ thể hoặc tại một bộ phận có nhiều tế bào ung thư tập trung.
  • Liệu pháp miễn dịch: Sử dụng thuốc hoặc kháng thể đơn dòng để kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Liệu pháp trúng đích: Sử dụng thuốc để khóa các gen hoặc protein cần thiết cho sự phát triển của tế bào ung thư để chặn đứng sự phát triển hoặc giết chúng.
  • Ghép tế bào gốc: Bệnh nhân sẽ được hóa trị liều cao để giết hết các tế bào ung thư, sau đó ghép tế bào gốc khỏe mạnh vào để tạo máu mới. Tế bào gốc mới có thể lấy từ người cho khác hoặc từ cơ thể người bệnh. Tế bào gốc từ chính người bệnh được lấy từ tế bào gốc máu cuống rốn (nếu người bệnh có lưu trữ lúc mới sinh) hoặc thu nhận tế bào gốc từ máu và tủy xương người bệnh trước khi hóa trị, loại bỏ tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm, sau đó được ghép trở lại cho chính họ. 

Ngoài ra, bệnh nhân cần kết hợp chăm sóc bản thân trong quá trình điều trị như có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục nếu có thể, nghỉ ngơi nhiều hơn và thư giãn với những việc mình thích.

Tác giả: Ths. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nghiên cứu sinh – ĐH Tsukuba, Nhật Bản, cộng tác viên ban Khoa học, Ruy Băng Tím

Cố vấn nội dung: 

TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, Hoa Kỳ

TS Lê Anh Phương, Đại học Quốc gia Singapore, Singapore

TS Trịnh Vạn Ngữ, Đại học Soonchunhyang, Hàn Quốc

Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 30/12/2020

  1. Ung thư máu: Những điều cần biết
  2. Bệnh bạch cầu (Leukemia) và ung thư máu
  3. Những điều cần biết về bệnh bạch cầu và ung thư máu
  4. Ung thư hạch bạch huyết (Lymphoma)

Tài liệu tham khảo

  1.     Luebbers, G.S.S.a.K.P., Leukemia, Lymphoma, and Myeloma, in Cancer Prevention, Early Detection, Treatment and Recovery. 2019, John Wiley & Sons, Inc. p. 299-316.
  2.     Myeloma. Available from: https://www.cdc.gov/cancer/myeloma/index.htm.
  3.     Population fact sheets – Global Cancer Observatory – iarc. Available from: https://gco.iarc.fr/today/fact-sheets-populations.
  4.     American cancer society. Available from: https://www.cancer.org/.
  5.     Multiple Myeloma. Available from: https://www.webmd.com/cancer/multiple-myeloma/multiple-myeloma-symptoms-causes-treatment#4.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm