Các nghiên cứu mớiNghiên cứu mới: Hệ vi khuẩn đường ruột giúp giảm tác hại...

Nghiên cứu mới: Hệ vi khuẩn đường ruột giúp giảm tác hại xạ trị

Các nhà khoa học ở Mỹ gần đây đã công bố một công trình nghiên cứu thú vị trên tạp chí Science về vai trò giúp giảm tác hại xạ trị của hệ vi khuẩn đường ruột. Nghiên cứu này có ý nghĩa khá quan trọng đối với các bệnh nhân ung thư trong giai đoạn xạ trị. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã cho chuột chiếu xạ với liều lượng cao (liều có thể gây chết) và họ quan sát thấy có khoảng 5 đến 15% con chuột có thể hồi phục và sống đến 600 ngày sau đó. Họ gọi các con chuột này là “elite-survivors” (tạm dịch là “những con sống sót ưu tú”). Sử dụng kỹ thuật sinh học họ phân tích sự khác nhau về thành phần vi khuẩn đường ruột của các con chuột này và kết quả cho thấy những con chuột sống sót ưu tú đó có một lượng lớn hai loại vi khuẩn thuộc họ Lachnospiraceae và họ Enterococcaceae. Họ thực hiện các thí nghiệm cho nhiễm các con chuột khác với các loại vi khuẩn này bằng cách nuôi cấy từ phòng thí nghiệm hoặc cho chúng ở trong các chuồng chuột mà các con ưu tú đó đã từng ở (phân của những con ưu tú chứa các loại vi khuẩn vẫn còn trong các lồng này) thì thấy rằng hiệu quả bảo vệ tia xạ ở những con được nhiễm tăng lên, thể hiện qua sự tăng khả năng tạo các tế bào máu của tủy xương, phục hồi các cấu trúc tế bào trong lá lách và hệ thống ruột.
giảm ảnh hưởng của phản ứng phụ do xạ trị
Hình 1: Vi khuẩn đường ruột giúp chuột tăng khả năng bảo vệ trước ảnh hưởng của bức xạ. (Nguồn: Guo et al., Science 370, 549, 2020)
Điều thú vị là kết quả trên tương đồng với kết quả của một thí nghiệm khác được thực hiện trên người khi họ thu thập mẫu phân từ 21 bệnh nhân ung thư bạch cầu đã được xạ trị trước khi cấy ghép tế bào gốc để điều trị. Họ cũng thấy là những bệnh nhân có lượng vi khuẩn Lachnospiraceae và Enterococcaceae cao hơn đáng kể có thời gian bị tiêu chảy ngắn hơn (tiêu chảy là một trong các tác dụng phụ thường gặp về đường ruột khi bị chiếu xạ). Các phân tích sâu hơn cho thấy axit béo chuỗi ngắn được tổng hợp bởi vi khuẩn họ Lachnospiraceae như acetate, butyrate, and propionate có nhiều trong phân của các con chuột sống sót ưu tú và những con chuột được nhiễm các vi khuẩn từ các con chuột ưu tú này. Họ sử dụng các chất này làm chất bổ sung qua đường uống cho các con chuột bình thường thì thấy rằng chúng cũng được tăng khả năng bảo vệ trước bức xạ cao. Sự tăng khả năng bảo vệ trước tia xạ khi có các loài vi khuẩn trên trong cơ thể có làm giảm hiệu quả điều trị ung thư khi sử dụng bức xạ hay không? Đây cũng là câu hỏi được đặt ra bởi các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu này. Để trả lời câu hỏi này, họ đã sử dụng mô hình chuột mang ung thư da hoặc ung thư máu. Chúng được cấy các chủng vi khuẩn trên và sau đó 10 ngày được tiến hành chiếu xạ để điều trị khối u thì thấy rằng hiệu quả điều trị của tia xạ không bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của các vi khuẩn này trong cơ thể chuột. Tóm lại, hiện nay các tác dụng phụ của xạ trị là một trong những yếu tố bất lợi trong điều trị ung thư khiến cho việc điều trị còn nhiều hạn chế. Do vậy kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng để hướng tới các phương pháp mới nhằm giảm nhẹ các tác dụng phụ của bệnh nhân khi điều trị ung thư bằng xạ trị với những phương pháp đơn giản và chi phí thấp. Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng sẽ đưa các phương pháp này vào thử nghiệm lâm sàng trong thời gian tới để làm rõ hơn các kết quả này trên người. Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 09/11/2020
Tài liệu tham khảo
  • Guo et al., Multi-omics analyses of radiation survivors identify radioprotective microbes and metabolites, Science 370, 549 (2020) (https://science.sciencemag.org/content/370/6516/eaay9097)
  • Tác giả và chuyên gia

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here

    Nhận bảng tin từ chúng tôi

    LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

    BÀI VIẾT MỚI NHẤT

    Có thể bạn quan tâm