Hiện nay, nhiều người vẫn tin vào khả năng chữa bệnh của sừng tê giác, nhất là tin đồn sừng tê giác trị ung thư. Chính tin đồn sai sự thật này đã đẩy loài tê giác thành một trong những động vật đang bên bờ tuyệt chủng. Theo Quỹ Động vật hoang dã thế giới (World Wildlife Fund – WWF) ước tính có đến 1054 con tê giác bị giết trộm ở Nam Phị vào năm 2016 và số lượng tê giác trên toàn thế giới chỉ còn khoảng 30.000 con. Sừng tê giác chính là mục tiêu của các cuộc săn bắt trộm này.
Theo lịch sử phát triển của nhân loại, sừng tê giác có nhiều vai trò khác nhau trong các nền văn hóa. Người Hy Lạp cổ đại tin rằng sừng tê giác có thể làm sạch nước, hay từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, người Ba Tư sử dụng sừng tê giác để phát hiện chất độc trong đồ ăn thức uống. Từ thế kỷ thứ 7, người Trung Quốc cũng bắt đầu xem sừng tê giác như một vật phẩm quý giá để cống nạp lên Hoàng Đế. Với người Yemen, sừng tê được sử dụng để làm dao jambiyas – một loại dao truyền thống dùng để trao cho các cậu bé khi vào tuổi trưởng thành. Không chỉ đóng vai trò trong đời sống văn hóa, một số nền y học cổ đại ở các quốc gia như Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam cũng sử dụng sừng tê giác như một vị thuốc quý để trị các bệnh lý viêm khớp, thương hàn, giải độc rắn… Cho đến ngày nay, đâu đó vẫn có những niềm tin về khả năng chữa bệnh của sừng tê giác, nhiều tin đồn sừng tê giác có thể chữa bách bệnh hay sừng tê giác trị ung thư được lan truyền trong nhiều năm. Từ đó, sừng tê giác được mua bán, trao đổi với giá có thể lên đến 100.000 USD (tương đương khoảng 2,3 tỉ VNĐ) cho mỗi kilogram. Vì lí do đó mà các cuộc săn lùng, giết hại tê giác lấy sừng vẫn diễn ra âm thầm, lặng lẽ đe dọa rất lớn đến sự tồn vong của loài động vật này.
Về mặt khoa học, sừng của các loại động vật nói chung được xem như một bộ phận “chết” gắn trên đầu của chúng vì trong sừng không có bất kỳ cấu trúc thần kinh và mạch máu nào. Đa số chúng có cấu tạo gồm lõi xương xốp bên trong và lớp da giàu keratin bọc bên ngoài, tuy nhiên đối với tê giác, sừng của chúng có cấu tạo hơi khác biệt: không có lõi xương xốp bên trong mà thay vào đó là một khối đặc từ trong ra ngoài, cấu tạo chủ yếu từ keratin.
Keratin là một loại protein dạng sợi, có tính cứng chắc, không thấm nước, không bị thủy phân. Chúng tạo thành lớp che phủ, bảo vệ các bộ phận ở người và động vật như da, lông, tóc, móng, vảy, sừng… Có nhiều loại keratin, nhưng loại được tìm thấy trong sừng tê giác là α-keratin. Cũng giống như các loại protein khác, keratin được tạo nên từ sự sắp xếp các loại acid amin. So sánh với các loại keratin trong tóc người hay móng tay thì hàm lượng các các hợp chất trong sừng tê giác gần như tương đương, trừ ba loại glycin, tyrosin và phenylalanine chiếm tỉ lệ cao hơn [2]. Đặc điểm này có thể gây ra một số bất lợi cho người sử dụng sừng tê giác và sẽ được phân tích ở phần sau.
Ngoài keratin là thành phần chính, sừng tê giác còn có sự bổ sung từ canxi và melanin. Trong khi canxi là nguyên tố quen thuộc, là thành phần chính của hệ cơ xương thì melanin còn gọi là hắc tố – hợp chất có khả năng giúp cơ thể chống lại tia cực tím. Hai chất này chủ yếu tập trung tại phần lõi của sừng và tham gia gia cố cho sừng tê giác thêm cứng chắc trước tác động cơ học và ánh nắng mặt trời.
Tuy có cấu trúc đặc biệt so với sừng các loại động vật khác, các nhà khoa học cũng khám phá ra rằng, cấu tạo của sừng tê giác cũng tương tự như mỏ rùa hay móng của ngựa. Về mặt y khoa, cho đến hiện nay, chỉ có vài nghiên cứu nhỏ về hiệu quả của sừng tê giác ở người và động vật. Trong đó, chỉ có một nghiên cứu được thực hiện trên người tại Đài Loan cho thấy các chất chiết xuất từ sừng tê giác có thể làm hạ sốt ngắn hạn ở trẻ em, tuy nhiên hiệu quả của chúng vẫn không tốt hơn so với acetaminophen hay aspirin – những hợp chất phổ biến, rẻ tiền và có hiệu quả cao [4]. Ngoài ra, hai nghiên cứu khác trên động vật được thực hiện ở Anh và Nam Phi cho thấy, các chất chiết xuất từ sừng tê giác không tạo ra được bất kỳ tác dụng dược lý học nào [1], [3]. Còn một số nghiên cứu khác nữa nhưng hầu hết những nghiên cứu về sừng tê giác cho đến hiện tại chỉ dừng lại ở mặt đánh giá khả năng dược lý học của các chất dẫn xuất từ sừng tê giác trên động vật chứ chưa tính đến hiệu quả của chúng trong các bệnh lý chuyên sâu và phức tạp hơn. Và kết quả của các nghiên cứu này vẫn không hề khả quan hơn chút nào. Do đó, khả năng điều trị ung thư của sừng tê giác vẫn là một điều rất phi thực tế, không hề có các bằng chứng khoa học để chứng minh.
Nếu chúng ta xem xét lại cơ chế bệnh của ung thư là sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào thì để chữa căn bệnh ung thư, biện pháp điều trị đó cần phải ngăn chặn được sự tăng sinh tế bào này. Đây là cách thức của các phương pháp điều trị chính thống hiện nay như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị miễn dịch hay trúng đích. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, sừng tê giác cấu tạo chủ yếu bao gồm các sợi protein gọi là keratin với bản chất là không tan trong nước, không bị thủy phân tức là cũng không thể tiêu hóa được. Nếu như sừng tê giác được sử dụng thô, không qua chiết tách lấy dẫn xuất thì làm sao cơ thể con người có thể hấp thu được chúng! Trong khi các nghiên cứu về dẫn xuất từ sừng tê giác đã qua quá trình chiết tách còn gặp khó khăn để chứng minh chúng có tác dụng dược lý khi vào cơ thể. Có chăng trong sừng tê giác có canxi do đó chúng có thể là nguồn cung cấp loại khoáng chất này khi được sử dụng, tuy nhiên lượng canxi cũng như hiệu quả bổ sung canxi từ sừng tê giác là điều chưa hề được nghiên cứu vì canxi có rất nhiều và dễ gặp trong các thực phẩm hằng ngày.
Không những không có ích lợi đối với sức khỏe, sừng tê giác còn tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm khác. Để ngăn chặn việc săn bắt tê giác lấy sừng, trong chương trình Rhino Rescue Project 2013 (Tạm dịch: Chiến dịch Bảo vệ Tê giác năm 2013) các nhà bảo vệ động vật đã tiêm chất độc, hoặc thậm chí cho nhiễm phóng xạ vào sừng ở con tê giác còn sống. Điều này không hề gây hại gì cho tê giác, tuy nhiên có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng, thậm chí cả tử vong. Ngoài ra, sừng tê giác có thể ảnh hưởng lên hệ thần kinh và làm bệnh ung thư nặng hơn ở một số trường hợp. Không những thế, vì sừng tê giác có hàm lượng phenylalanine cao, điều này có thể gây ngộ độc cho người thiếu men chuyển hóa loại acid amin này nếu sử dụng (Bệnh thiếu men G6PD).
Tóm lại, qua phân tích cấu tạo của sừng tê giác, có thể vì chúng có đặc điểm khác biệt so với sừng của đa số động vật khác nên trở thành đối tượng bị săn lùng ráo riết, tuy nhiên sự khác biệt của chúng không phải là duy nhất vì các nhà khoa học khám phá ra rằng cấu tạo này gần tương tự như cấu trúc của móng ngựa hay mỏ rùa. Một số nghiên cứu về sừng tê giác trên người và động vật cũng chưa hề chứng minh được sừng tê giác có thể tác dụng như một loại thuốc. Sừng tê giác trị ung thư là một tin đồn hoàn toàn phi thực tế và không có bằng chứng khoa học.
Không những vậy, tùy tiện sử dụng sừng tê giác thì có thể bị các tác dụng phụ không mong muốn hay còn có thể làm bệnh nặng hơn. Hầu hết các bệnh ung thư ở giai đoạn sớm đều có thể trị khỏi và bệnh nhân ung thư chỉ có một cơ hội để điều trị đúng. Đừng để những niềm tin sai lầm dẫn dắt mà phung phí cơ hội này, vừa “tiền mất tật mang” và vừa đẩy loài tê giác đến bờ vực tuyệt chủng.
Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 28/02/2020
Bell C. M., Simmonds M. S., Appiah S. S., et al. (2006), “Plant substances as alternatives for animal products in traditional medicines”. Report submitted to the Department for Environment Food and Rural Affairs.
Block R. J., Bolling D., Brand F. C., et al. (1939), “The composition of keratins. The amino acid composition of hair, wool, horn, and other euketatins”. Journal of biological chemistry, 128, pp. 181-186.
Laburn H. P., Mitchell D. (1997), “Extracts of rhinoceros horn are not antipyretic in rabbits”. Journal of basic and clinical physiology and pharmacology, 8 (1-2), pp. 1-12.
Tsai F. (1995), “Antipyretic effect of Xi Jiao [Rhino horn] and Shuiniujiao [Water buffalo horn] in children”. Annual Report of Chinese Medicine and Pharmacy, pp. 329-337.
https://www.environment.gov.za/sites/default/files/docs/rhinoceroshornsafety_bywildandfree.pdf
A Review of Rhino Horn
http://www.rhinoresourcecenter.com/pdf_files/133/1331459082.pdf
Rhino Rescue Project. 2013. About the project.
http:// www.rhinorescueproject.com/about-the-project/. Accessed 25 April 2013
Hàm lượng các chất dẫn xuất từ tóc và móng tay người so với sừng tê giác
Hợp chất (%) | Tóc người | Móng tay người | Sừng tê giác |
Nitrogen | 15.4 | 14.9 | 15.6 |
Sulphur | 5.0 | 3.8 | 2.3 |
Histidine | 0.6 | 0.5 | 0.6 |
Lysine | 2.5 | 2.6 | 2.6 |
Argenine | 8.0 | 8.5 | 8.2 |
Cystine | 15.5 | 12.0 | 8.7 |
Tyrosine | 3.0 | 3.0 | 8.6 |
Tryptophane | 0.7 | 1.1 | 1.7 |
Phenylalanine | 2.6 | 2.5 | 5.0 |
Glycine | 4.3 | – | 7.4 |