Bạn có biết rằng có hơn 14 triệu ca ung thư mới mắc được chẩn đoán trên toàn thế giới mỗi năm? Và xạ trị có thể làm tăng khả năng chữa khỏi bệnh ung thư cho khoảng 3.5 triệu người cũng như giúp điều trị triệu chứng, tăng cường chất lượng cuộc sống cho khoảng 3.5 triệu người khác. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy khoảng 50% số bệnh nhân mắc ung thư cần xạ trị và một nửa trong số đó được xạ trị với mục đích chữa khỏi bệnh.
Năm 1895, nhà bác học Roentgen đã phát minh ra tia X, mở ra hàng loạt các phát minh sau đó về các tia phóng xạ có khả năng đi xuyên qua vật chất và gây tác động lên vật thể sống. Xạ trị là một ngành khoa học, ứng dụng những phát minh, hiểu biết về các loại tia hay hạt mang năng lượng cao như tia X, tia Gamma, chùm tia electron hay proton để phá hủy hay làm tổn thương các tế bào ung thư trong cơ thể.
Một tế bào bình thường trong cơ thể sẽ trải qua các giai đoạn chính bao gồm: trưởng thành, phân chia tạo ra các tế bào mới và sau đó sẽ tự động chết đi. Tuy nhiên với tế bào ung thư, chúng trưởng thành và phân chia với tốc độ nhanh hơn và còn có khả năng bất tử, từ đó chúng cứ sinh sôi tạo thành các khối bướu trong cơ thể chúng ta. Xạ trị gây tác động lên DNA trong các tế bào ung thư, làm chúng ngừng phát triển, ngừng phân chia và chết đi. Điều đáng lưu ý là các tế bào bình thường quanh mô bướu cũng có thể bị ảnh hưởng nhưng chúng mau chóng hồi phục và sẽ trở lại hoạt động bình thường.
Ngày nay, xạ trị đã trở thành một trong những phương tiện điều trị chủ lực tại các trung tâm, bệnh viện điều trị ung thư trên toàn thế giới, bất kể là nước phát triển hay đang phát triển. Không giống như hóa trị vì thuốc hóa trị tác động đến toàn bộ cơ thể thì xạ trị chỉ có tác dụng khu trú tại vị trí được chiếu tia mà thôi với mục đích tác động tối đa lên mô bướu và tác động tối thiểu lên mô lành xung quanh. Vẫn có một số phương pháp xạ trị toàn thân tuy không được sử dụng nhiều, bằng cách cho người bệnh uống hoặc truyền tĩnh mạch chất phóng xạ. Các chất phóng xạ này sẽ lưu hành khắp cơ thể nhưng chủ yếu tập trung ở những vùng có tế bào ung thư cho nên cũng ít ảnh hưởng đến các bộ phận khác.
Như đã nói ở phần mở đầu, hơn một nửa bệnh nhân ung thư cần xạ trị. Dưới đây là một số lý do giải thích cho vấn đề này. Mục đích của xạ trị là để:
- Tiêu diệt/trị khỏi bướu đối với một số loại ung thư giai đoạn sớm: Có một số loại ung thư bản chất rất nhạy với tia xạ do đó xạ trị có thể làm cho khối bướu tan đi hoàn toàn. Một số trường hợp có thể chỉ cần xạ trị là đủ hoặc trường hợp khác cần kết hợp với một số thuốc hóa trị để làm tăng hiệu quả xạ trị. Hoặc xạ trị còn kết hợp với phẫu thuật, xạ trị trước phẫu thuật làm khối bướu giảm kích thước tạo điều kiện thuận lợi để phẫu thuật dễ dàng hơn hay xạ trị sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt hết các tế bào ung thư còn sót lại, tránh tái phát bệnh về sau.
Với một số loại ung thư mà xạ trị hay phẫu thuật đều mang lại hiệu quả tương đương nhau thì trong một số trường hợp, xạ trị sẽ được ưu tiên lựa chọn hơn vì giúp người bệnh tránh được cuộc mổ cũng như biến chứng sau phẫu thuật, tránh sẹo mổ, bảo đảm tính thẩm mỹ…
- Ngăn ngừa ung thư quay lại (tái phát): Sau khi phẫu thuật cắt bỏ bướu, bướu vẫn có thể tái phát tại vị trí cũ hay lan tràn đến các bộ phận khác trong cơ thể vì các tế bào ung thư với kích thước vô cùng nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường hay với các phương tiện hình ảnh học như MRI, CT scan còn sót lại và tiếp tục tăng trưởng, phân chia. Do đó xạ trị thêm vào vị trí bướu sau mổ giúp tiêu diệt hết các tế bào bướu còn sót lại hoặc trong một số trường hợp, có thể xạ trị phòng ngừa vào vùng mà theo dự đoán, các tế bào ung thư có khả năng lan tràn tới nhiều nhất, ví dụ như xạ trị não phòng ngừa ở một số loại ung thư phổi hay cho di căn não.
- Điều trị triệu chứng – tăng chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn: Ở một số bệnh nhân giai đoạn bệnh tiến xa, lan tràn nhiều trong cơ thể, bướu lớn chèn ép gây đau đớn hay nhiều ảnh hưởng khác thì xạ trị có thể giúp bướu thu gọn lại, giảm đi các triệu chứng khó chịu kia và đồng thời chất lượng sống bệnh nhân cũng được cải thiện hơn.
- Điều trị bướu tái phát: tuy nhiên chỉ định xạ trị cho những trường hợp này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và các bác sĩ xạ trị sẽ quyết định sao cho bệnh nhân được chọn lựa phương thức điều trị thích hợp nhất.
Xạ trị vốn là một ngành đặc thù, đòi hỏi có sự phối hợp vận động của cả một ekip bao gồm: bác sĩ ung thư chuyên về xạ trị, các kĩ sư vật lý xạ trị, các điều dưỡng và một số kĩ sư bảo trì vận hành máy.
Xạ trị là từ gọi chung, thật ra xạ trị có thể theo nhiều cách khác nhau và nhiều phương pháp xạ trị từ thô sơ đến hiện đại khác nhau, có 3 cách xạ trị thông thường sau đây:
- Xạ trị ngoài: Sử dụng máy xạ chiếu nguồn tia từ ngoài cơ thể vào vị trí của bướu trong cơ thể. Hầu hết bệnh nhân ung thư sẽ hoàn tất xạ trị ngoài trong vòng vài tuần lễ.
- Xạ trị trong: Một nguồn phát ra tia xạ sẽ được đưa vào bên trong cơ thể hay gần với vị trí bướu. Xạ trị trong hay được sử dụng trong trường hợp ung thư cổ tử cung.
- Xạ trị toàn thân: Thuốc phóng xạ sẽ được đưa vào cơ thể bằng đường uống hay tĩnh mạch, chất phóng xạ sẽ lưu hành khắp cơ thể và tập trung tại nơi có bướu/tế bào ung thư để tiêu diệt. Hay gặp nhất là uống Iod 131 trong điều trị ung thư tuyến giáp.
Tuy xạ trị là một trong ba vũ khí điều trị ung thư chính yếu hiện nay, mang lại nhiều lợi ích nhưng vẫn có một số nghi vấn đặt ra xung quanh những tác dụng phụ của xạ trị như:
* Xạ trị có gây ra ung thư về sau hay không?
Câu trả lời là có, xạ trị có làm tăng nhẹ khả năng mắc ung thư về sau. Tuy nhiên khi cân nhắc giữa lợi ích xạ trị mang lại và nguy cơ này thì rõ ràng nguy cơ này là rất nhỏ khi so với lợi ích mà người bệnh có thể đạt được. Và thứ hai, thời gian để phát triển ung thư do xạ trị không phải là một sớm một chiều ngay sau khi xạ trị mà là một khoảng thời gian dài, có hay không có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố thuận lợi cho việc phát triển ung thư kèm theo nữa.
- Xạ trị có ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và khả năng sinh sản hay không?
- Đối với phụ nữ đang mang thai thì câu trả lời cũng là có, tia xạ có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển bào thai trong bụng mẹ. Bác sĩ xạ trị sẽ luôn lưu tâm vấn đề này nhưng người bệnh cũng nên chủ động phối hợp với bác sĩ bằng cách báo cho bác sĩ biết bạn có đang mang thai hay không, hay có các biểu hiện/nghi ngờ việc mang thai.
- Đối với nam giới: Thật sự các nhà khoa học chưa hiểu rõ việc xạ trị có ảnh hưởng gì đến đứa bé con của người cha có xạ trị trước đó hay không. Vậy nên, tốt nhất, nên tránh có con trong thời gian xạ trị hay sau xạ trị vài tuần.
Tóm lại, xạ trị là một trong các phương tiện điều trị ung thư chủ yếu hiện nay, góp phần điều trị một số loại ung thư phổ biến hiện nay như ung thư vú, phổi, đại trực tràng, cổ tử cung, tuyến tiền liệt, ung thư vùng đầu cổ… Xạ trị có thể sử dụng đơn thuần hay kết hợp với các phương tiện điều trị khác để nâng cao hiệu quả điều trị. Hơn 50% bệnh nhân ung thư cần xạ trị và một nửa trong số đó được xạ trị với mục đích chữa khỏi bệnh. Xạ trị là hoạt động có kết hợp giữa con người với các loại máy móc hiện đại và ngày càng đang được phát triển nhiều hơn, ra đời nhiều phương pháp xạ trị tối tân hơn giúp điều trị mô bướu tối đa và ảnh hưởng lên mô lành xung quanh một cách tối thiểu.
Tài liệu tham khảo:
- Cancer: Disease Control Priorities, 3rd Chapter 14: Radiation Therapy for Cancer.
- Radiation Therapy Basics – American Cancer Society.
Chịu trách nhiệm nội dung: BS Nguyễn Huỳnh Hà Thu
Góp ý nội dung: BS Trần Hoàng Hiệp
Xin cho tôi hỏi, bệnh nhân ung thư phổi di căn não giai đoạn 4, đã xạ trị não lần 1, xin hỏi sau bao lâu thì xạ trị được lần 2 ạ.
Chào anh. Ruy Băng Tím không tư vấn bệnh online ạ, anh vui lòng tư vấn bác sĩ điều trị chính để có được phác đồ điều trị phù hợp với tình hình thực tế của bệnh nhân. Mong anh và gia đình mọi điều tốt lành.