Kiến Thức Ung ThưCách kiểm soát và hạn chế những yếu tố nguy cơ ung...

Cách kiểm soát và hạn chế những yếu tố nguy cơ ung thư phổi

Sau khi đã tìm hiểu được những yếu tố nguy cơ ung thư phổi, chúng ta phải làm sao để kiểm soát và hạn chế chúng? Ruy Băng Tím xin gởi đến bạn đọc 11 hành động cụ thể với mục tiêu chính là giảm nguy cơ ung thư phổi, đồng thời tăng cường sức đề kháng và nâng cao chất lượng sức khoẻ.

1.Luôn nói “không” với thuốc lá

1 Thuốc lá gây ra 90% ca ung thư phổi ở nam giới và 80% ca ở nữ giới, nên chỉ việc nói “không” với thuốc lá cũng đã giảm rất nhiều nguy cơ ung thư phổi (1). Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc lá, đấy là một điều đáng hoan ngênh và bạn nên giữ vững lập trường như vậy. Nếu bạn đã có con cái, hãy bắt đầu mở lời và giải thích cho con hiểu tác hại của việc hút thuốc lá rằng đó là một yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư phổi. Nói chuyện sớm với con cái sẽ giúp chúng đối mặt tốt hơn với cám dỗ và áp lực từ những người bạn hút thuốc của chúng (2). Bản thân những người đang hút thuốc lá nên bắt đầu cai ngay từ bây giờ. Có 2 phương pháp cai thuốc chính:

Ngưng hút thuốc không cần hỗ trợ (ngưng hẳn thuốc hoặc giảm từ từ)

_ Biện pháp này chỉ hiệu quả với một số người, nhất là khi họ không hút thuốc thường xuyên, và lại kém hiệu quả hơn với những người hút nhiều và thường có những triệu chứng “thèm thuốc” khi đang cai.

Ngưng hút thuốc cần hỗ trợ

_ Thông báo với gia đình và bạn bè về quyết định cai thuốc của bạn để được giúp đỡ về mặt tinh thần.

Mời xem thêm: 11 điều cần nhớ khi giúp người thân bỏ thuốc lá

_ Liệu pháp thay thế nicotine (LPTTN) (3)

LPTTN ở dạng kẹo cao su, miếng dán ngoài da, thuốc xịt mũi, thuốc hít, hoặc thuốc hoà tan trong miệng có chứa nicotine và không chứa những hoá chất độc hại như trong thuốc lá. Nicotine chính là nguyên nhân dẫn đến sự phụ thuộc của cơ thể vào thuốc lá, gây ra những triệu chứng khó chịu khi đang cai thuốc. Sử dụng LPTTN sẽ giúp tránh được những triệu chứng đó và giúp việc cai thuốc thành công và kết quả duy trì lâu dài hơn. _ Thuốc cần toa (4) Varenicline (hiệu Chantix) Với khả năng cản trở hoạt động của thụ thể nicotine trong não, Varenicline giúp giảm cảm giác hưng phấn khi hút thuốc lá và giảm triệu chứng “thèm thuốc” khi cai. Bupropion (hiệu Zyban, Wellbutrin, Aplezin) Đây là thuốc chống trầm cảm để giảm những triệu chứng “thèm thuốc”. Notriptyline Cũng là thuốc chống trầm cảm để giảm những triệu chứng “thèm thuốc”. Clonidine Vốn là thuốc giảm huyết áp nhưng cũng được một số bác sĩ kê toa để giúp giảm những triệu chứng “thèm thuốc”. Nguyên lý hoạt động của Clonidine trong việc cai thuốc vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu. _ Những biện pháp khác (5)
    • Thuốc lá điện tử (E-cigarette) mặc dù không được Cục Quản Lý Thực Phẩm và Thuốc (Food and Drug Administration – FDA) của Mỹ khuyên dùng nhưng nhiều người vẫn sử dụng như một LPTTN. Nghiên cứu vẫn đang tiếp diễn để đánh giá hiệu quả của thuốc lá điện tử trong việc cai thuốc.
    • Thôi miên, châm cứu, liệu pháp nam châm, liệu pháp lazer lạnh, thảo dược và vitamin, thiền… tuy chưa được công nhận là có hiệu quả nhưng một số người vẫn làm theo để giúp cai thuốc lá.
 

2. Luôn nói “không” với KHÓI thuốc lá

  2 Nếu bạn sống chung hay gần một người hút thuốc lá, bạn đã trở thành “người hút thuốc lá thụ động” (đọc thêm về tác hại của việc hút thuốc thụ động). Bạn nên mạnh dạn mở lời với người đó về việc cai thuốc bởi đó cũng là vì bản thân bạn bởi khói thuốc lá ảnh hưởng đến tất mọi người ở gần nó. Nếu điều này quá khó, ít nhất bạn cũng nên đề nghị người hút thuốc ở một chỗ khác hoặc chủ động tránh xa. Đồng thời, bạn nên né tránh những địa điểm mà bạn biết sẽ có nhiều khói thuốc.    

3. Kiểm tra và làm giảm lượng radon trong nhà

Radon enters a House Radon (một chất khí tự nhiên từ sự phân hủy của uradium hoặc kim loại phóng xạ trong đá, đất và nước ngầm; không thể ngửi, nếm hay nhìn thấy) là nguyên nhân đứng nhì gây ra ung thư phổi sau thuốc lá. Ở những người chưa bao giờ hút thuốc, 30% ca tử vong vì ung thư phổi liên quan đến radon, vì vậy kiểm tra và hạn chế radon trong nhà là rất quan trọng (1).

Kiểm tra nồng độ radon trong nhà (6)

Hiện tại, dụng cụ đo radon chưa phổ biến ở VN, nhưng nếu bạn đang ở Mỹ hoặc có người quen có thể mua giúp bạn, bạn có thể gọi cho Đường Dây Nóng Radon Quốc Gia 1-800-767-7236 trực thuộc Cục Bảo Vệ Môi Trường của chính phủ Mỹ hoặc đặt hàng trực tuyến trên trang mạng của Chương Trình Dịch Vụ Radon Quốc Gia. Những bạn đang ở Mỹ nên lưu ý rằng một số tiểu bang cũng có chương trình cung cấp dụng cụ đo radon miễn phí vì vậy bạn nên liên lạc với Uỷ Ban Môi Trường của tiểu bang của bạn để biết thêm chi tiết. Có 2 loại dụng cụ đo đạc chính (7):
  • Loại ngắn hạn (đo trong 3-4 ngày) có giá $15
  • Loại dài hạn (đo trong 3-12 tháng) có giá $25 với khả năng đo chính xác hơn.
Dụng cụ đo nên được đặt ở vị trị thấp nhất trong nhà và có nhiều người sinh hoạt nhất. Sau thời gian đo đạc yêu cầu, bạn gởi dụng cụ lại cho nhà sản xuất để kiểm tra lượng radon thu nhận được. Những trang mạng bán hàng trực tuyến như amazon hoặc ebay cũng có sản phẩm đo lường radon, bao gồm cả máy đo điện tử với giá rất cao, nhưng trước khi quyết định mua, bạn nên đọc kỹ và tìm hiểu thông tin sản phẩm. Theo Cục Kiểm Soát và An Toàn Bức Xạ, Hạt Nhân của Việt Nam, nồng độ radon ngoài trời vào khoảng 10 Bp/m3 (đơn vị Becquerels trên mét khối) (8). Trong nhà, nồng độ radon có thể từ 20-10.000 Bp/m3 hoặc cao hơn (8). Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization – WHO) khuyến cáo lượng radon trong nhà nên ở mức dưới 100Bp/m3 (đơn vị Becquerels trên mét khối) hoặc 2.7pCi/L (đơn vị picocuries trên lít) (9). 2 số liệu này luôn được viết trên báo cáo từ nhà sản xuất sau khi bạn gởi dụng cụ đi để đo đạc hoặc hiện trên máy đo radon điện tử.

Làm giảm lượng radon trong nhà

Nếu chỉ số radon nhà bạn vượt quá mức trên hoặc bạn chưa có điều kiện để đo đạc nhưng vẫn muốn áp dụng những biện pháp giảm thiểu radon trong nhà (theo Cục Kiểm Soát và An Toàn Bức Xạ, Hạt Nhân của Việt Nam và Cục Bảo Vệ Môi Trường của Mỹ), bạn vẫn có thể thực hiện những việc sau:
  • Tăng cường thông gió (9)
Nên lưu ý rằng nhà gạch xây trên một tấm sàn bê tông cùng tất cả các cửa ra vào hay cửa sổ bị đóng kín có thể chứa lượng radon cao hơn mức trung bình. Hầu hết radon khuếch tán ra khỏi mặt đất vào trong nhà nên nền nhà là nơi có nồng độ radon cao nhất. Vì vậy nền nhà cần được tăng cường thông gió bằng cách mở rộng các ô thông gió trên tường, cho phép sự lưu thông không khí tự nhiên được dễ dàng hay dùng thông gió cưỡng bức (quạt thông gió…) hoặc kết hợp cùng lúc cả 2 phương pháp.  
  • Sử dụng máy lọc không khí (10)
Mặc dù Cục Bảo Vệ Môi Trường của Mỹ vẫn chưa đưa ra lời khuyên chính thức về việc sử dụng máy lọc không khí để giảm radon vì nhiều nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được hiệu quả của nó. Tuy nhiên, theo nguyên lý hoạt động, máy lọc không khí vẫn có khả năng hút bụi bẩn hoặc chất phân huỷ từ radon bằng cách lọc hoặc điệc tích. Máy lọc không khí cũng nên được sử dụng đặc biệt ở những thành phố lớn ở Việt Nam khi ô nhiễm không khí đang là một mối lo ngại và khi biện pháp tăng cường thông gió ở trên được chọn để áp dụng.  
  • Sử dụng máy điều hoà (10)
Máy điều hoà cũng là một trong những cách giảm radon trong nhà bởi khả năng trao đổi không khí giữa bên trong và bên ngoài khá hiệu quả.
  • Dán kín vết nứt trên sàn nhà (10)
Dán kín những vết nứt trên sàn nhà giúp giảm lượng radon khuếch tán vào trong nhà từ mặt đất.
  • Hạn chế thời gian tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà hoặc tầng hầm (10)
Một số người vẫn có thói quen nằm trên sàn nhà mà không biết rằng chính sàn nhà là nơi tiếp nhận radon từ mặt đất và lan toả khắp ngôi nhà. Nằm ngủ trên mặt đất càng lâu, bản thân người đó sẽ phải hít khí radon càng nhiều, từ đó nguy cơ ung thử phổi càng cao, ngay cả khi chưa bao giờ hút thuốc lá. Vì vậy, cần hạn chết thời gian sinh hoạt hoặc nghỉ ngơi ở sàn hoặc tầng hầm của ngôi nhà. Tốt nhất bạn nên nằm trên giường và tầng phía trên tầng trệt nếu có thể.  

4. Kiểm tra sự tồn tại của những chất gây ung thư phổi khác và có biện pháp tránh hoặc bảo hộ hợp lý

4 Thuốc lá và radon là 2 nguyên nhân chính gây ung thư, nhưng xung quanh môi trường sống và làm việc của bạn vẫn đang tìm ẩn những mối nguy cơ khác mà chính bạn có trách nhiệm xác định và tìm hiểu để có kế hoạch và thực hiện những việc làm cụ thể để bảo vệ bản thân, gia đình và những người xung quanh. Sau đây là những chất đã được chứng minh khả năng tăng nguy cơ ung thư phổi khi tiếp xúc với thời gian dài và liều lượng lớn hơn bình thường.
  • Bức xạ (1)
Xạ trị (x-ray, gamma-ray…) cho bệnh nhân ung thư hay chụp cắt lớp (chụp cắt CT…) cũng có thể tăng nguy cơ ung thư phổi vì vậy cần cân nhắc mặt lợi hại trước khi quyết định sử dụng bức xạ và hạn chế sử dụng nếu không cần thiết. Những nhân viên làm việc ở khu vực gần bức xạ cũng cần được thông báo và có dụng cụ bảo vệ hợp lý.  
  • Amiăng (asbestos) (1)
Đây là tên gọi chung của sợi khoáng silicat, được dùng là vật liệu xây dựng, vì vậy nhân viên làm việc ở những khu xây dựng hay nhà máy (hầm mỏ, nhà máy, nhà máy dệt, nhà máy đóng tàu…) cần có biện pháp bảo hộ hợp lý (đeo khẩu trang…) để tránh tiếp nhận amiăng vào phổi.
  • Thạch tín (arsenic) (11)
Một nguyên tố tự nhiên thường được tìm thấy trong sỏi đá, nước, không khí, cây cối và động vật, bị đào thải ra ngoài môi trường thông qua quá trình sản xuất nông-công nghiệp. Một lượng cực nhỏ thạch tín thường được tìm thấy trong nước uống và thực phẩm, nhưng lượng này thường lớn hơn khi bạn sống gần hay làm việc ở khu vực nhà máy, trang trại có sử dụng thuốc trừ sâu chứa thạch tín, hoặc khu vực xử lý gỗ… Những ai làm việc ở những nơi đó cần có đủ dụng cụ bảo hộ hợp lý và thường xuyên sửa rạch tay, mặt, mũi và những bộ phận khác trên cơ thể đã tiếp xúc với không khí nhiễm thạch tín. Còn những ai sống ở khu vực đó cần được vệ sinh kỹ càng và chọn lựa thực phẩm và sửa sạch chúng kỹ lưỡng hơn.
  • Crôm (Chromium) (12)
Một nguyên tố tự nhiên trong sỏi đá, thực vật, động vật, bụi và khí từ núi lửa. Crôm bị đào thải ra ngoài môi trường với lượng lớn trong quá trình luyện thép và những kim loại khác, mạ Crôm, nhuộm màu, duy trì da thuộc và gỗ, và xử lý nước... Vì vậy, những người đang sinh sống hay làm việc ở những nơi đó cần bảo hộ, vệ sinh bản thân thường xuyên và kỹ càng hơn.
  • Những chất khác: kẽm, berili, cadimi, hắc ín, bồ hóng (1).
 

5. Thân trọng hơn khi nguồn không khí bị ô nhiễm

5 Cơ Quan Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Tế (International Agency for Research on Cancer – IARC) trực thuộc WHO đã tổng hợp hơn 1.000 bài báo khoa học từ 5 châu lục đã tổng kết được trong năm 2010, đã có 3,2 triệu ca tử vong trên toàn thế giới liên quan đến ô nhiễm không khí, trong đó có 223,000 ca ung thư phổi (13). Ung thư do ô nhiễm không khí thường được gây ra bởi benzen, khí thải động cơ diesel, hạt vật chất và một số hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs). Theo báo cáo của Trung Tâm Quan Trắc và Phân Tích Môi Trường trực thuộc Sở Tài Nguyên Môi Trường ở TPHCM năm 2015, ô nhiễm không khí ở TPHCM đã đến mức báo động và đang có xu hướng tăng cao (14). Hà Nội và những thành phố đông dân khác ở Việt Nam cũng có chung tình trạng (15). Vì vậy, bạn cần có những biện pháp để loại bỏ hoặc giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm lên bản thân. Sau đây là một vài gợi ý (16):
  • Biện pháp tốt nhất và cũng khó thực hiện nhất đối với nhiều người là không sống ở những thành phố quá đông dân, đặc biệt là TP HCM và Hà Nội.
  • Nếu phải làm việc ở nơi có nguồn không khí ô nhiễm, nên chọn nơi sống xa và hạn chế đi lại ở khu vực giao thông đông đúc.
  • Luôn tránh xa những khu vực có nhà máy nếu có thể.
  • Chọn loại mặt nạ bảo vệ được thiết kế đặc biệt tránh ô nhiễm không khi và đeo mỗi khi ra đường. Ví dụ một số mặt nạ có lớp lọc bằng than hoạt tính ở lỗ thông khí.
5-1
  • Khi đi xe 4 bánh, đóng kín cửa sổ và chọn chế độ “tái lưu thông” không khí (re-circulate) để tránh thông khí bên ngoài vào trong xe.  
  • Trồng nhiều cây xanh và sinh hoạt ở nơi nhiều cây xanh.
  • Dùng máy lọc không khí được chứng nhận hãm hạt hiệu quả cao (high-efficiency particulate arresting) trong nhà, đặc biệt khi nhà mở cửa sổ để lưu thông khí.
5-2
  • Tiết kiệm điện. Tuy nghe có vẻ không liên quan lắm đến chủ đề này nhưng chính việc sản xuất điện chịu một phần trách nhiệm cho việc ô nhiễm không khí, đồng thời tiết kiệm điện cũng giảm lượng khí thải ra từ hiệu ứng nhà kính.
….  

6. Đề phòng khi có người trong gia đình mắc ung thư phổi

Một khi bạn có người họ hàng ruột thịt, đặc biệt là cha mẹ ruột của bạn, mắc phải ung thư phổi, nguy cơ ung thu phổi của bạn cao gấp 2 lần một người không có người thân mắc bệnh (1). Các nhà khoa học vẫn còn đang nghiên cứu hiện tượng này. Những giả thuyết chính được đưa ra bao gồm việc thói quen hút thuốc lá có xu hướng di truyền và việc hít phải khói thuốc thụ động của những người xung quanh người hút thuốc lá. Thế nên, bạn cần bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ kỹ lưỡng hơn, nói “không” với thuốc lá và khói thuốc, chú ý những triệu chứng bất thường trong cơ thể, và luôn đề cập sớm với bác sĩ của bạn về vấn đề có người thân mắc bệnh ung thư để bác sĩ lưu tâm hơn vấn đề này.  

7. Thận trọng hơn khi đã có bệnh phổi từ trước hoặc HIV

Nếu bạn đã từng bị bệnh lao (tuberculosis – TB), hoặc tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi do Chlamydophila pneumoniae, hay các bệnh đường phổi khác hoặc bệnh HIV, cũng như phần trên, bạn nên giữ gìn sức khoẻ kỹ hơn, nói “không” với thuốc lá và khói thuốc, chú ý những triệu chứng bất thường trong cơ thể, và luôn đề cập sớm với bác sĩ về những bệnh này.  

8. Có một chế độ ăn uống cân bằng và bổ sung nhiều trái cây và rau quả

6 Ngay khi đã xác định và biết cách chủ động phòng tránh những yếu tố nguy cơ ung thư phổi ở trên, cũng chẳng thể đảm bảo việc miễn nhiễm hoàn toàn với những chất trên, vì vậy bạn cần phải phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chống trả tự nhiên của cơ thể mình. Khả năng đó được tăng cường mạnh khi đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin được bổ sung trực tiếp từ thực phẩm hàng ngày. Thuốc bổ liều cao không tốt bằng thực phẩm dinh dưỡng hàng ngày bởi liều cao thường ảnh hưởng không tốt về lâu dài cho cơ thể. Những ai đang hút thuốc nên chú ý giảm thuốc hay thực phẩm có chứa beta carotene (vitamin A) bởi beta carotene có thể tăng nguy cơ ung thư cao cho nhóm người này (1). Thực phẩm có chứa beta carotene bao gồm: cà rốt, rau cải xanh, bông cải xanh…     

9. Tập thể dục nhiều ngày trong tuần

7 Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường khả năng chống trả tự nhiên của cơ thể đối với những yếu tố độc hại, giữ cân nặng, tránh tình trạng thừa cân – cũng được coi là một yếu tố nguy cơ phụ trong ung thư phổi (1,2). Nếu bạn chưa tập thể dục, bạn nên bắt đầu từ từ và dần tăng số ngày trong tuần.  

10. Để ý những dấu hiệu ung thư phổi (16)

Dấu hiệu ung thư phổi rất đa dạng ở mỗi cá nhân. Một số bệnh nhân có dấu hiệu rõ ràng liên quan đến phổi, mốt số khác thì không có dấu hiệu cho đến khi ung thư đã di căn tới những vùng khác. Một số dấu hiệu bao gồm:
  • Ho một thời gian dài mà không giảm
  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Thở ra tiếng rít
  • Ho ra máu
  • Cảm thấy mệt mỏi và đuối sức mọi lúc
  • Giảm sút cân nặng mà không rõ nguyên nhân
Một số triệu chứng khác như bị viêm phổi thường xuyên và hạch ở ngực bị sưng to.  

11. Tầm soát định kỳ (17)

Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh Hoa Kỳ (Center for Disease Control and Prevention – CDC) khuyến cáo tầm soát ung thư phổi mỗi năm bằng chụp cắt lớp phổi (low-dose computed tomography – LDCT) cho nhóm người sau:
  • Hút thuốc nặng (trung bình 1 gói/ngày từ 30 năm trở lên hoặc 2 gói/ngày từ 15 năm trở lên… ) VÀ
  • Hiện tại đang hút thuốc hoặc đã bỏ hơn 15 năm VÀ
  • Từ 55-80 tuổi
Nên lưu ý rằng bản thân việc chụp cắt lớp phổi cũng đã là một yếu tố nguy cơ ung thư phổi, vì vậy cần phải cân bằng mặt hại và mặt lợi (tầm soát giúp phát hiện ung thư sớm, từ đó chữa trị hiệu quả hơn).     Tổng kết: Những cách kiểm soát và hạn chế yếu tố nguy cơ ung thư phổi: gia%cc%89m-nguy-co%cc%9b-ung-thu%cc%9b-pho%cc%82%cc%89i  
  1. Luôn nói “không” với thuốc lá.
  2. Luôn nói “không” với khói thuốc lá.
  3. Kiểm tra và giảm lượng radon trong nhà (tăng cường thông gió, sử dụng máy lọc không khí, máy điều hoà, dán kín vết nứt sàn nhà, hạn chế thời gian tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà hay tầng hầm).
  4. Kiểm tra sự tồn tại của những chất gây ung thư phổi khác ở nơi sinh sống và làm việc và có biện pháp tránh hoặc bảo hộ hợp lý.
  5. Thận trọng hơn khi nguồn không khí bị ô nhiễm.
  6. Đề phòng khi có người trong gia đình mắc ung thư phổi.
  7. Thận trọng hơn khi đã có bệnh phổi từ trước hoặc HIV.
  8. Có một chế độ ăn uống cân bằng và bổ sung nhiều trái cây và rau quả.
  9. Tập thể dục nhiều ngày trong tuần.
  10. Chú ý những dấu hiệu ung thư phổi.
  11. Tầm soát định kỳ.
Lần cuối xem xét khoa học: 09/12/2016 Lần cuối chỉnh sửa: 09/12/2016
Tài liệu tham khảo
  • Lung Cancer Prevention. National Cancer Institute. [Cited Sep. 7 2016]. Available from: http://www.cancer.gov/types/lung/patient/lung-prevention-pdq#section/_12
  • Lung Cancer. Mayo Clinic. [Cited Sep. 7 2016]. Available from: http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lung-cancer/basics/prevention/con-20025531
  • Nicotine Replacement Therapy to Quit Smoking. American Cancer Society.  [Cited Sep. 7 2016]. Available from: http://www.cancer.org/healthy/stayawayfromtobacco/guidetoquittingsmoking/nicotine-replacement-therapy
  • Prescription Drugs to Help You Quit Smoking. American Cancer Society.  [Cited Sep. 7 2016]. Available from: http://www.cancer.org/healthy/stayawayfromtobacco/guidetoquittingsmoking/prescription-drugs-to-help-you-quit-smoking
  • Other Ways to Quit Smoking. American Cancer Society.  [Cited Sep. 7 2016]. Available from: http://www.cancer.org/healthy/stayawayfromtobacco/guidetoquittingsmoking/other-ways-to-quit-smoking
  • Find a Radon Test Kit or Measurement and Mitigation Professional. US Environmental Protection Agency. [Cited Sep. 7 2016]. Available from: https://www.epa.gov/radon/find-radon-test-kit-or-measurement-and-mitigation-professional
  • National Radon Program Services. Kansas State University. [Cited Sep. 7 2016]. Available from:  http://sosradon.org/test-kits
  • Radon trong nhà – điều đó có nghĩa gì? Cục An Toàn Bức Xạ và Hạt Nhân. [Cited Sep. 7 2016]. Available from: http://www.varans.vn/tin-tuc/248/Radon-trong-nha—dieu-do-co-nghia-gi.html
  • WHO Handbook on Indoor Radon: A Public Health Perspective. World Health Organization, 2009. [Cited Sep. 7 2016]. Available from:  http://apps.who.int/iris/bitstream/10665/44149/1/9789241547673_eng.pdf
  • Radon Reduction Methods – A Homeowners Guide. Iowa State University. [Cited Sep. 7 2016]. Available from: http://www.abe.iastate.edu/extension-and-outreach/radon-reduction-methods-a-homeowners-guide/
  • Arsenic. American Cancer Society, 2014. [Cited Sep. 7 2016]. Available from: http://www.cancer.org/cancer/cancercauses/othercarcinogens/intheworkplace/arsenic
  • Chromium. Univeted States Environmental Protection Agency, 2000. [Cited Sep. 7 2016]. Available from:  https://www3.epa.gov/airtoxics/hlthef/chromium.html
  • Air Pollution and Cancer. International Agency for Research on Cancer publications. [Cited Sep. 7 2016]. Available from:  http://www.iarc.fr/en/publications/books/sp161/
  • Ô nhiễm không khí ở TP HCM tăng cao. VNExpress, 2015. [Cited Sep. 7 2016]. Available from: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/o-nhiem-khong-khi-o-tp-hcm-tang-cao-3302213.html
  • Ô nhiễm không khí ở VN đã “báo động”? BBC Tiếng Việt, 2015. [Cited Sep. 7 2016]. Available from: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/12/151209_vn_urban_air_pollution
  • 10 tips to protect yourself from unhealthy air. American Lung Association. [Cited Sep. 7 2016]. Available from: http://www.lung.org/our-initiatives/healthy-air/outdoor/air-pollution/10-tips-to-protect-yourself.html?referrer=https://www.google.com/
  • What are the symptoms of lung cancer? Center for Disease Control and Prevention, 2013. [Cited Sep. 7 2016]. Available from:  http://www.cdc.gov/cancer/lung/basic_info/symptoms.htm
  • What screening tests are there? Center for Disease Control and Prevention, 2013. [Cited Sep. 7 2016]. Available from: http://www.cdc.gov/cancer/lung/basic_info/screening.htm
  • Profile photo – Hands holding ”lungs” tree. [Cited Sep. 7 2016]. Available from: http://www.wddty.com/img/wddty/magazine/large/4615.jpg
  • Blooming ”lungs” tree. Rush University Medical Center. [Cited Sep. 7 2016]. Available from: https://www.rush.edu/health-wellness/discover-health/keeping-your-lungs-healthy
  • Tác giả và chuyên gia

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here

    Nhận bảng tin từ chúng tôi

    LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

    BÀI VIẾT MỚI NHẤT

    Có thể bạn quan tâm