Kiến Thức Ung ThưPhẫu thuật ung thư tuyến giáp và những câu hỏi thường gặp

Phẫu thuật ung thư tuyến giáp và những câu hỏi thường gặp

[et_pb_section admin_label=”section”]
[et_pb_row admin_label=”row”]
[et_pb_column type=”4_4″][et_pb_text admin_label=”Text”]Ung thư tuyến giáp chiếm khoảng 1% các loại ung thư và có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Ung thư tuyến giáp có 4 loại khác nhau là ung thư tuyến giáp dạng nhú, dạng nang, dạng tủy dạng kém biệt hóa. Trong đó ung thư tuyến giáp dạng nhú và dang nang (gọi chung là ung thư tuyến giáp loại biệt hóa tốt) chiếm phần lớn (80-90%) và là loại ung thư có thể điều trị khỏi. Trong bài này chúng tôi chỉ đề cập đến loại ung thư tuyến giáp biệt hóa tốt này (sẽ gọi tắt là ung thư tuyến giáp), hai loại còn lại chúng tôi sẽ đề cập trong những bài sau.

Cho đến ngày nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính yếu của ung thư tuyến giáp. Qua bài này chúng tôi mong muốn sẽ làm rõ hơn phương pháp điều trị kinh điển này và giúp các bệnh nhân phẫu thuật tuyến giáp được yên tâm hơn.

  1. Có phải có nhiều loại phẫu thuật tuyến giáp?

Phẫu thuật tuyến giáp đã có từ lâu đời và ngày càng phát triển hơn nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất đồng thời cũng để lại ít di chứng nhất. Trước đây, đối với các khối bướu ở tuyến giáp, bác sĩ phẫu thuật thường chỉ cắt bỏ khối bướu đó (gọi là phẫu thuật lấy bướu). Tuy nhiên, ngày nay phương pháp này không còn được dùng nữa do sau phẫu thuật phần tuyến giáp đã mổ lấy bướu sẽ bị thay đổi. Nếu có một bướu tuyến giáp khác phát triển tại vị trí đó thì phẫu thuật lần thứ 2 sẽ rất khó khăn và để lại nhiều di chứng hơn. Do đó phẫu thuật ít nhất trong bướu tuyến giáp là phẫu thuật cắt toàn bộ 1 thùy của tuyến giáp (tuyến giáp có 2 thùy 2 bên được nối bằng eo giáp ở giữa). Nếu phẫu thuật cắt hết 1 thùy và 1 phần của thùy còn lại gọi là phẫu thuật cắt giáp quá bán (subtotal). Nếu phẫu thuật cắt gần hết tuyến giáp và chỉ chừa lại rất ít tuyến giáp (không đáng kể) gọi là phẫu thuật cắt giáp gần toàn phần (near-total) và nếu toàn bộ tuyến giáp được lấy đi thì gọi là phẫu thuật cắt giáp toàn phần.

Mời xem thêm: Tại sao điều trị ung thư phải phẫu thuật? Động dao kéo có làm ung thư phát triển nhanh hơn?

  1. Tại sao phải cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp trong ung thư giáp?

Như bạn đã biết về phẫu thuật ung thư, để điều trị một khối bướu ung thư, bác sĩ thường cắt trọn khối bướu cùng với một phần mô bình thường xung quanh khối bướu. Tuy nhiên, theo các hướng dẫn của các tổ chứng về điều trị ung thư tuyến giáp trên thế giới, phẫu thuật ung thư tuyến giáp là cắt hết toàn bộ tuyến giáp (cắt giáp toàn phần) hoặc có thể cắt gần hết tuyến giáp (cắt giáp gần toàn phần).

Đó là do trong khi điều trị trước đây, các bác sĩ thấy rằng nếu chỉ cắt hết khối bướu hoặc chừa lại 1 phần mô tuyến giáp bình thường thì trong tương lai khả năng bướu tái phát trên phần mô giáp còn lại cao, và khi đó việc phẫu thuật lại cũng khó khăn hơn nhiều.

Nếu bác sĩ phát hiện thấy các hạch bạch huyết xung quanh tuyến giáp hoặc gần đó đã có các tế bào ung thư lan đến (di căn hạch ) thì trong quá trình phẫu thuật ngoài cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, bác sĩ còn lấy đi các hạch này (gọi là phẫu thuật nạo hạch cổ).

Trong một số trường hợp, người bệnh phát hiện khối ung thư tuyến giáp tình cờ bằng siêu âm khi khám bệnh định kì hoặc khi khám các bệnh khác. Lúc đó, bướu thường nhỏ hơn 1cm (không sờ thấy hoặc nhìn thấy bằng mắt thường), bác sĩ có thể quyết định phẫu thuật cắt 1 thùy tuyến giáp hoặc chỉ theo dõi định kì mà không cần mổ. Lý do là trong các trường hợp này, bướu phát triển rất chậm và khả năng bướu tái phát ở thùy còn lại là rất thấp.

cat-tuyen-giap

  1. Phẫu thuật ung thư tuyến giáp có gặp nhiều rủi ro (tai biến, biến chứng) trong và sau khi phẫu thuật không?

Các tai biến, biến chứng gặp phải khi phẫu thuật ung thư tuyến giáp rất ít khi xảy ra nếu được các bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm phẫu thuật tuyến giáp thực hiện.

Cũng như tất cả các phẫu thuật khác, người bệnh cũng gặp các biến chứng của việc gây mê. Khả năng này còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, các bệnh khác kèm theo (như tim mạch, đái tháo đường…), có bị dị ứng thuốc trước đó… Thông thường các các sĩ gây mê sẽ đánh giá trước những khả năng này để đảm bảo cuộc phẫu thuật được thực hiện an toàn.

Chảy máu, hoặc tụ dịch, tụ máu sau khi mổ cũng có thể gặp. Đó là do một số mạch máu bị cắt trong lúc phẫu thuật, mặc dù đã được cầm máu nhưng vì một số lý do nào đó vẫn còn tiếp tục chảy rỉ rả, gây ra tình trạng tụ máu ở vùng cổ. Nếu tình trạng này ít, máu có thể tự cầm và tan sau đó. Tuy nhiên, nếu máu không tự cầm được, đôi khi phải thực hiện cuộc mổ thứ 2 để cầm lại những mạch máu đó.

Tình trang vết mổ bị nhiễm trùng cũng có thể gặp nhưng rất ít vì vùng cổ là vùng tương đối sạch.

Người bệnh có thể bị khàn tiếng hoặc mất giọng tạm thời sau khi mổ. Điều này do trong lúc gây mê, bác sĩ có đặt một ống vào đường thở (ống nội khí quản) để giúp thở. Ống này có thể làm trầy xướt dây thanh làm sung nề và khàn tiếng sau mổ. Ngoài ra, phẫu thuật cũng có thể làm sang chấn dây thần kinh điều khiển dây thanh (nằm sát tuyến giáp) làm khàn tiếng hoặc mất giọng tạm thời. Tuy nhiên tất cả các tổn thương này đều có thể phục hồi.

Phẫu thuật cũng có thể làm tổn thương các tuyến phó giáp (bốn tuyến nhỏ nằm xung quanh tuyến giáp giúp điều chỉnh lượng can-xi trong máu). Điều này có thể gây ra giảm can-xi trong máu sau mổ làm người bệnh bị co cứng cơ, tê tay chân và dị cảm (rối loạn cảm giác).

4-tuyen-pho-giap
4 tuyến phó giáp. Ảnh: Internet

 

Mời xem thêm: Phẫu thuật trong ung thư: Phẫu thuật có làm lan tràn ung thư?

  1. Sau phẫu thuật có đau nhiều không?

Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết người bệnh đều cảm giác ít đau vùng cổ sau khi phẫu thuật tuyến giáp. Cảm giác đau này có thể nhiều hơn đối với những người có vết mổ lớn hơn do phải lấy kèm các hạch bạch huyết quanh tuyến giáp. Tuy nhiên, sau mổ người bệnh sẽ được dùng các thuốc giảm đau để cảm thấy thoải mái nhất.

Một số người bệnh có thể than đau vùng lưng hoặc sau cổ là do tư thế nằm lúc mổ gây ra.

 

  1. Tôi phải ở lại bệnh viện bao nhiêu lâu sau mổ?

Hầu hết người bệnh sẽ được xuất viện 1 đến 2 ngày sau mổ nếu không có các vấn đề cần phải theo dõi. Tuy nhiên, do các biến chứng cũng có thể gặp nhiều ngày sau mổ (như phù nề vùng mổ, tê tay chân nhiều…) nên người bệnh cũng cần chú ý và quay lại bệnh viện nếu thấy bất thường.

 

  1. Khi nào thì tôi có thể đi làm việc trở lại?

Mặc dù thời gian để có thể quay lại làm việc tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe chung cũng như tính chất công việc, hầu hết người bệnh có thể làm việc trở lại sau khi mổ 1 đến 2 tuần (trung bình là 1 tuần).

Người bệnh cũng cần tráng khuân vác những vật nặng trong ít nhất 1 tuần sau mổ. Đối với những người có công việc nặng nhọc thì thời gian nghỉ ngơi sau mổ có thể dài hơn.

 

  1. Sẹo mổ của tôi sẽ trông như thế nào?

Thông thường, chiều dài của sẹo mổ khoảng 5-10cm tùy thuộc vào kích thước của tuyến giáp và có phải lấy hạch cổ kèm theo hay không.

Do sẹo vùng cổ có thể làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên các bác sĩ thường thực hiện các đường khâu da một cách thẩm mỹ nhất. Hầu hết mọi người đều có những nếp nhăn da vùng cổ, nếu thực hiện các đường rạch da theo những nếp này thì sẹo để lại sẽ khó thấy và thẩm mỹ nhất.

Sẹo mổ sau phẫu thuật tuyến giáp
Sẹo mổ sau phẫu thuật tuyến giáp. Ảnh: Internet
  1. Tôi có cần phải dùng thuốc nội tiết thay thế tuyến giáp sau mổ hay không?

Tất cả người bệnh sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp đều phải sử dụng thuốc nội tiết thay thế tuyến giáp (còn gọi là hóc-môn tuyến giáp) và dùng liên tục sau này. Thuốc này thay thế chính xác lượng hóc-môn mà bình thường tuyến giáp người đó tiết ra, do đó liều lượng phải uống mỗi ngày không giống nhau ở mỗi người.

Hầu hết người bệnh không có bất kì ảnh hưởng gì do thuốc gây ra trừ các vấn đề do uống sai liều thuốc hoặc quên uống thuốc. Trong trường hợp này người bệnh chỉ cần điều chỉnh lại liều lượng thuốc uống mỗi ngày hợp lý.

Một số ít người có bướu ung thư giáp nhỏ và được phẫu thuật cắt 1 thùy tuyến giáp, sau phẫu thuật nếu xét nghiệm cho thấy phần tuyến giáp còn lại vẫn đảm bảo tiết đủ hóc-môn tuyến giáp cho cơ thể thì không cần phải uống thuốc thay thế.

Mời xem thêm: Sự thật về tác dụng điều trị ung thư của Fucoidan

  1. Tôi có cần phải điều trị thêm gì khác sau phẫu thuật không?

Hầu hết những người sau khi phẫu thuật ung thư tuyến giáp đều không cần phải sử dụng thêm một phương pháp điều trị gì khác ngoại trừ uống thuốc hóc-môn tuyến giáp mỗi ngày. Một vài trường hợp bác sĩ đánh giá bướu có khả năng tái phát lại cao (như kích thước bướu lớn, có lan đến các hạch bạch huyết xung quanh hay bướu lan ra khỏi tuyến giáp) cần phải điều trị bằng i-ốt phóng xạ sau phẫu thuật. Khi đó, người bệnh sẽ được uống 1 viên thuốc có chứa một lượng nhỏ chất i-ốt phóng xạ. Chất này sau đó sẽ vào dòng máu và đi khắp cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến giáp còn sót lại.

Bài viết dựa trên một số thông tin tham khảo trong và ngoài nước nên có thể có một số thay đổi đối với từng cơ sở điều trị và với từng người bệnh cụ thể khác nhau. Để có được thông tin cụ thể và chi tiết nhất về bệnh và cách điều trị cụ thể của mỗi cá nhân, việc trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị của mình là cần thiết.

Mời xem thêm: Kỹ năng cơ bản đánh giá độ xác thực của một bài báo về sức khoẻ

Chịu trách nhiệm nội dung: ThS. BS Nguyễn Trương Đức Hoàng[/et_pb_text][/et_pb_column]
[/et_pb_row]
[/et_pb_section]

22 COMMENTS

    • Tuyến giáp là cơ quan sản xuất ra hocmon tuyến giáp, điều hòa các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể. Do đó sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp, cơ thể sẽ hoàn toàn không được bổ sung hocmon này, dẫn đến tình trạng gọi là suy giáp gồm có: mệt mỏi, ù tai, sợ lạnh, cảm giác uể oải… nếu thiếu hụt nhiều trong thời gian dài có thể dẫn tới hôn mê và tử vong. do đó sau phẫu thuật, tất cả bệnh nhân đều phải bổ sung loại hocmon này. Hiện tại đã có dạng thuốc viên uống nên việc bổ sung hàng ngày cũng không phải là vấn đề quá khó khăn và bất tiện.

    • Sau khi phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp do ung thư, nếu có chỉ đinh điều trị tiếp theo bằng I ốt phóng xạ thì tùy vào mục đích điều trị mà người bệnh sẽ được sử dụng liều lượng thuốc phóng xạ khác nhau. Do đó tùy vào liều lượng này mà người bệnh sẽ được dặn dò cách ly với những người xung quanh trong thời gian khác nhau để đảm bảo an toàn tránh lây nhiễm phóng xạ cho người khác. Cách ly gồm có cách ly tuyệt đối (tức là hoàn toàn không tiếp xúc với người khác, sinh hoạt biệt lập) và cách ly tương đối (tức là có thể ra ngoài giao tiếp nhưng trong khoảng thời gian và cự ly cho phép). về thời gian cụ thê của 2 loại các ly này thì bác sĩ điều trị sẽ quyết định và hướng dẫn đối với từng bệnh nhân dựa trên liều lượng thuốc mà họ uống

    • Câu hỏi của bạn không được rõ lắm (đặt nội khí quản hay nội “thực” quản ???)nên mình có thể trả lời như sau: trong các cuộc mổ có gây mê (người bênh khi mổ sẽ không biết gì cả) thì việc đặt nội khí quản là tất nhiên để giúp người bệnh thở được. không liên quan đến việc có tổn thương dây thanh hay không. Nếu thần kinh hồi thanh quản (nằm sau tuyến giáp) bị tổn thương thì sẽ làm khàn tiếng, nếu tổn thương hai bên có thể là liệt dây thanh dẫn đến khó thở sau mổ, nếu khó thở nhiều có thể phải mở khí quản sau tạm thời. không biết ý bạn đặt nội thực quản nghĩa là gì.

  1. Xin chào bác sỹ, tôi bị K giáp vi thể dạng nhú ( u có kích thước 0,7cm) đã cắt bỏ thuỳ phải. Sau phẫu thuật, bác sỹ điều trị bảo ko cần điều trị thêm thuốc gì cả, hẹn 2 tháng sau tái khám. Tôi mổ ngày 12/6/2019 ạ. Trong trường hợp của tôi có cần phải điều trị thêm thuốc gì nữa ko ạ, tôi xin cảm ơn

  2. Chào ban, K giáp thể nhú là loại có tiên lượng tốt nhất, và nếu ở giai đoạn sớm bướu còn nhỏ thì khả năng điều trị có thể gọi là khỏi 100%. Bướu giáp của bạn có kích thước nhỏ (<1cm) nên chỉ cần mổ cắt 1 thùy là đủ. Thông thường, 1/2 tuyến giáp còn lại sẽ vẫn sản xuất đủ hocmon tuyến giáp cho cơ thể nên sau khi điều trị bạn không cần phải uống thuốc gì thêm. Tuy nhiên vẫn cần kiểm tra lại lượng hocmon tuyến giáp có đủ hay không nên bs hẹn bạn tái khám là vậy. Hiện tại bạn chỉ cần đi tái khám định kỳ theo đúng như lịch hẹn của bác sĩ điều trị là được.

  3. Xin chào bác sỹ, người nhà tôi bị k- giáp tháng 4/2018 đã phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Tháng 7/2019 tôi có đi khám định kỳ ở Bv Bạch Mai, thấy có hạch hố giáp trái (0,4×0,31 cm). Kết quả xét nghiệm FT4 là 21,5 pmol/l; TSH 0.062 uU/ml; Tg 2,06ng/ml; Anti- Tg 10U/ml. Kết quá sinh thiết FNA là di căn hạch. Bs kết luận mổ và điều trị iot chuyển bệnh nhân sang khoa tai mũi họng. Ở được chỉ định không mổ 3 tháng sau theo dõi Anti -Tg tiếp.
    Xin bác sỹ có thể tư vấn thêm cần làm xét nghiêm gì ak. Tôi có xem các tài liệu thi khuyên lên mổ sớm.
    xin trân trọng cảm ơn

    • Chào bạn, về việc điều trị của bạn như thế nào tôi nghĩ bạn phải hỏi chính bác sĩ điều trị của mình mới là chính xác nhất. Việc lựa chọn mổ hay không mổ, điều trị iod phóng xạ (I131) hay không đều có lý do của nó (tùy theo phác đồ điều trị của từng bệnh viện) và bạn nên hỏi và được tư vấn từ chính bác sĩ điều trị thay vì hỏi trên một diễn đàn mà người trả lời lại không hiểu rõ bệnh của bạn bằng chính bs của bạn được.
      Tuy nhiên tôi có thể giải thích cho bạn một số vấn đề lợi và không lợi khi lựa chọn giữa việc mổ và không mổ trong trường hợp của bạn. còn lý do tại sao thì bạn vẫn là gặp BS điều trị nhé. vấn đề của bạn bây giờ là phát hiện một hạch cổ rất nhỏ (0,4×0,3cm) và hach cổ đã được FNA nghĩ đến di căn hạch. Trong trường hợp hạch lớn hơn 1cm BS sẽ lựa chọn mổ lại dễ dàng hơn do với kích thước >1cm, thường thì BS có thể dễ dàng tìm thấy hạch trong khi mổ và cắt bỏ nó. tuy nhiên với hạch < 1cm thì trong khi mổ rất khó tìm thấy hạch này, đặt biệt là khu vực đó đã được mổ rồi , vào có sự thay đổi cấu trúc giải phẫu do sẹo co kéo. Do đó nếu thực hiện mổ lại nguy cơ biến chứng tổn thương thần kinh hồi thanh quản, và tuyến phó giáp (gây khàn tiếng và giảm canxi máu) là rất lớn. trong khi đó ung thư tuyến giáp biệt hóa tốt thì có diễn tiến chậm, tiên lượng tốt nên không nhất thiết phải mổ ngay lập tức. thêm 1 vấn đề nữa là kết quả di căn hạch chỉ dựa trên FNA (chính xác khoảng trên 90%) cũng không khẳng định hoàn toàn là di căn. Trong trường hợp không mổ thì sẽ lựa chọn là theo dõi bằng siêu âm cổ và Thyroglobulin (Tg) như BS đã tư vấn với ban, do đó nếu trong khoảng thời gian theo dõi nếu hạch đó có phát triển lớn hơn hoặc Tg tăng dần thì khi đó quyết định mổ cũng không khác gì bây giờ, tuy nhiên sẽ gây một số vấn đề tâm lý như lo lắng, không yên tâm.

  4. Xin chào Bác Sỹ, e đã mổ 1 bên thùy trái tuyến Giáp khối U nhỏ hơn 1cm, trước khi mổ e có chọc sinh tiết cho kết quả bình thường nên e quyết định mổ nội soi, khi mổ xong sinh tiết lại thì kết quả là bị cacinoma tuyến giáp thể nhú. e tư vấn nhiều người thì được biết là bị K tuyến giáp thì nên cắt toàn bộ cả 2 tuyến để tránh tình trạng tái phát,và khi mổ nên mổ phanh thì mới vét sạch đc các tế bào. vậy trường hợp của e hiện tại rất băn khoăn và lo lắng, e mổ đc 3 tháng rồi đi khám lại thì hiện tại KQ đang trong giới hạn bình thường và hẹn tái khám định kỳ.BS có thể tư vấn cụ thể giúp e về tình trạng của e không ah

    • Chào bạn, như bạn cũng đã tìm hiểu thì nếu trước mổ kết quả là ung thư tuyến giáp (carcinoma) thì lựa chọn an toàn nhất vẫn là mổ mở. Tuy nhiên vì chẩn đoán trước mổ là bướu lành nên lựa chọn ở đây là mổ nội soi nhằm tránh sẹo mổ ở cổ. Nếu là mổ mở, ung thư giáp dưới 1cm và nằm hoàn toàn trong 1 thùy tuyến giáp thì chỉ cần cắt thùy (cắt 1 bên của tuyến giáp là đủ). Nếu là mổ nội soi, vấn đề tùy thuộc vào quá trình mổ như thế nào (điều này chỉ có bác sĩ mổ cho bạn mới giải thích cho bạn được). Do đó, lời khuyên cho bạn hiện nay nghe theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị và tái khám đúng hẹn là được.

  5. Xin chào Bác sỹ!
    Em năm nay 34 tuổi, bị ung thư tuyến giáp (C73), vừa phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp ngày 19/6/2019, và không phải điều trị iot phóng xạ.
    Hiện tại e uống thuốc bổ sung hoocmon mỗi ngày 1v, thứ 7 + cn ngày 1,5v theo chỉ định của bác sỹ khi tái khám ngày 18/8/2019 vừa qua, và lịch hẹn tái khám là sau 4 tháng (tức tháng 12/2019)
    Nhưng hiện tại e thấy sức khỏe ổn định và đang có ý định mang thai.
    Vậy bác sỹ có thể giúp cho e biết rõ thời điểm hiện tại e có nên mang thai hay không, với liều lượng thuốc như vậy có ảnh hưởng gì đến thai nhi không ạ.
    Do bản thân đã lớn tuổi và mới có 1 con năm nay 9 tuổi nên vợ chồng e rất mong con. trước khi phẫu thuật cắt tuyến giáp 8 tháng e đã bị thai lưu 8 tuần.
    Rất mong bác sỹ tư vấn cụ thể giúp trường hợp của em.

    • Chào bạn,
      Theo như bạn kể thì việc điều trị của bạn đã hoàn tất và hiện tại chỉ phải uống hocmon tuyến giáp bổ sung (do tuyến giáp đã bị cắt bỏ). Do đó có thể nói bạn hoàn toàn bình thường, và chỉ cần tái khám định kỳ là được. Hiện tại không có vấn đề gì ảnh hưởng đến việc mang thai cả, chỉ có 1 vấn đề lưu ý là nhu cầu hocmon tuyến giáp sẽ thay đổi khi có thai nên bạn cần báo bác sĩ để được theo dõi và điều chỉnh lượng thuốc cho phù hợp thôi.

  6. Xin chào Bác sỹ Đức Hoàng và Bác sỹ Dung Trương,

    Tôi hiện 47 tuổi. Vào ngày 3/7/2019 tôi khám siêu âm tuyến giáp thì các Bác sỹ có phát hiện nang giáp ở thùy trái, kích thước 5,8 x 4,6 mm, và các BS đều kết kuận là TIRADS 5.

    Mô tả siêu âm: Tuyến giáp không to, giữa thùy T mặt trước có nhân echo rất kém, kt: 5,8 x 4,6 mm, trục đứng, không đồng nhất, giới hạn rõ, không vôi hóa, có co kéo cân mạc nông, có it mạch máu ở rìa, score 4 trên siêu âm đàn hồi, SR =4.39.

    Thùy P: không thấy nhân.

    Tuyến mang tai, tuyến dưới hàm 2 bên bình thường.

    Kết luận: Nhân giáp thùy trái TIRADS V

    Ngay hôm đó BS cho làm FNA và kết quả kết luận: Nhiều chất keo lẫn nhiều cụm tế bào nang tuyến nhỏ, tạo nhú hai chiều. Phù hợp: PHÌNH GIÁp TUYẾN.

    BS điều trị chỉ định sau 3 tháng khám lại và làm FNA lần 2 vào ngày 3/10/2019.

    Tôi xin hỏi BS Nguyễn Trương Đức Hoàng và BS Dung Trương tư vấn thêm giúp tôi:

    1. Tôi nên chờ đến 3/10 để khám lại và làm FNA lần 2 hay nên làm sớm hơn để yên tâm nếu không phải ung thư thì bớt lo lắng, còn nếu là ung thư thì cần phài tiến hành phẫu thuật sớm?

    2. Tronng trường hợp là ung thư, tôi có cần tiếp tục theo dõi đến khi nang lớn hơn 1 cm thì mới phẫu thuật hay nên phẫu thuật càng sớm càng tốt?

    3. Việc làm FNA lần 1 có làm cho nang phát triển nhanh hơn hoặc dễ lây lan tế bào ung thư hơn nếu là nang ác tính?

    4. Tại sao khi khám với nhiều BS siêu âm nhiều lần trong vòng 1 tháng đều kết luận là TIRADS V nhưng khi sinh thiết thì không phải. Có khi nào quá trình sinh thiết không lấy đúng tế bào ung thư không ( vì nang còn nhỏ, khó lấy đúng). Có BS chỉ định nên làm sinh thiết lần 2 ngay sau 2 tuần của lần 1 nhưng BS khác lại bảo không nên và chờ 3 tháng sau.

    Tôi xin chân thành cám ơn!

    • Chào bạn,
      1. Xin đính chính Dung Trương là Trưởng ban Truyền thông và Đồng sáng lập của tổ chức Ruy Băng Tím, không phải bác sĩ nha bạn.
      2. Để kết luận ung thư tuyến giáp cần phối hợp khám lâm sàng, siêu âm, chọc hút bằng kim nhỏ (FNA) và một số xét nghiệm khác nữa. Đơn thuần 1 xét nghiệm nghĩ là ung thư (siêu âm TIRADS V) không khẳng định được. Trong khi Ung thư tuyến giáp (phần lớn là loại biệt hoá tốt) phát triển chậm và kết quả FNA cho kết quả lành tính, nên bác sỹ quyết định chỉ theo dõi.
      3. Việc tái khám là cần thiết, tuy nhiên có cần làm lại FNA không thì bác sĩ sẽ khám và siêu âm để đánh giá lại. Không cần thiết tái khám sớm hơn lịch hẹn của bác sỹ đâu bạn.
      4. Theo thống kê thì thủ thuật FNA là an toàn, không gây lây lan tế bào ung thư trong trường hợp ung thư giáp. Bạn có thể yên tâm về vấn đề này.
      5. Việc các kết quả xét nghiệm không giống nhau cũng thường gặp, do nhiều nguyên nhân, vì tiêu chuẩn đánh giá của mỗi xét nghiệm không giống nhau, dựa trên nguyên lý khác nhau, cũng như có thể bướu quá nhỏ việc lấy mẫu hoặc đánh giá hình ảnh qua siêu âm ko chính xác. Cũng như đã nói ở trên, ngay cả khi là ung thư giáp thì cũng phát triển chậm nên việc điều trị ngay lập tức khi kết quả chưa rõ ràng là không cần thiết và nhiều tác dụng phụ. Do đó bác sĩ vẫn chọn theo dõi là vậy. Bạn cứ theo lịch tái khám là được.

  7. Chào bác sĩ, mẹ em ( hơn 50t) bị k giáp kích thước 4,48 mm nằm ở vùng eo giáp, nếu mổ thì cắt ra sao ạ? Có phải phải cắt toàn bộ không ạ? Và ở tuổi này điều trị k giáp có khó khăn không ạ? Đặc biệt là mẹ đã hết kinh 4 tháng, đang uống thuốc cho có kinh lại vì chẩn ra u lành ở vú.

    • Chào bạn. Phẫu thuật (mổ cắt tuyến giáp) là phương pháp điều trị chính trong ung thư tuyến giáp biệt hoá tốt. Mổ cắt 1 phần tuyến giáp hay cắt hoàn toàn tùy thuộc vào vị trí, kích thước, có xâm lấn vỏ bao tuyến giáp hay không, có kèm nhân giáp khác hay không… nên mổ như thế nào chỉ có bác sĩ điều trị mới tư vấn chính xác được.
      Về vấn đề mãn kinh, bạn trình bày không được rõ lắm nên chúng tôi cũng không biết bạn muốn nói gì.

  8. Chào bác sĩ! Xin bác sĩ tư vấn giúp em a. Em vừa phẫu thuật ung thư tuyến giáp thể nhú giai đoạn 1 nhưng do có nhân lành tính bên Thuỳ trái nữa nên đã phẫu thuật gần trọn tuyến giáp. Hiện tại em chỉ phải uống bổ sung hooc môn tuyến giáp. Nhưng theo tìm hiẻu em thấy vẫn có khả năng tái phát xuất hiện ung thư thứ 2. Vậy phải làm sao ngăn ngừa và em có thể dùng Ích giáp vương hỗ trợ không?

    • Chào bạn.
      Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn được chẩn đoán ung thư tuyến giáp giai đoạn 1 nghĩa là nhân giáp nhỏ và không cần phải cắt toàn toàn bộ tuyến giáp nhưng do phần tuyến giáp còn lại cũng có một nhân giáp lành tính nên bác sĩ quyết định cắt gần trọn tuyến giáp, chỉ chừa rất ít mô tuyến giáp còn lại. Đó là lý do bạn phải uống thêm hocmon tuyến giáp bổ sung mỗi ngày. Nhìn chung thì khả năng tái phát ung thư tuyến giáp là rất thấp đối với trường hợp của bạn, do đó chỉ cần đi tái khám định kì theo lịch hẹn của bác sĩ là đủ. Theo tôi đc biết thì không có bằng chứng cho thấy Ích giáp vương có lợi trong trường hợp này.
      Còn về khả năng xuất hiện ung thư thứ 2, tức là một loại ung thư khác không phải ung thư giáp thì cũng tương đương với những người bình thường khác chứ không cao hơn. Do đó, vấn đề phòng ngừa và tầm soát theo độ tuổi vẫn là quan trọng nhất. Bạn có thể tham khảo các bài viết khác về cách phòng ngừa cũng như tầm soát theo độ tuổi trên trang web này.
      Nguyễn Trương Đức Hoàng
      Cố vấn Y học Ruy Băng Tím.

  9. Chào bác sỹ, tôi mổ tuyến giáp (vết mổ từ kđo từ sau tai này đến tại kia và điều trị iot phóng xạ sau mổ đến nay đã được 3 năm, hiện nay sức khỏe tạm ổn. Tuy nhiên, cho đến nay hàng ngày cổ vẫn rất khó chịu và thường nôn khan. Vậy tôi phải làm gì để tốt hơn. Cám ơn BS.

    • Chào bạn Sang,

      Về tình trạng của bạn, tôi nghĩ bạn nên tái khám định kì và tư vấn trực tiếp từ bác sĩ điều trị là người sẽ nắm rõ tình trạng của bạn nhất.

      Đôi lúc vì quá lo lắng nguyên nhân là do mổ tuyến giáp, mà quên mất tình trạng nôn khan còn có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra như thói quen ăn uống, vận động, chứng trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày, co thắt tâm vị; hoặc các vấn đề về tâm lý như stress, hoặc đang điều trị bằng thuốc chống lo âu.

      Một số cách hỗ trợ chữa nôn khan tại nhà có thể giúp bạn giảm cảm giác khó chịu như:
      – Bổ sung điện giải bằng cách uống nhiều nước, hoặc đồ uống thể thao.
      – Tránh các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên xào, nhiều gia vị, nhiều đường.
      – Chia nhỏ các bữa chính thành nhiều bữa phụ, dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi.
      – Hạn chế vận động mạnh sau khi ăn khoảng 30 phút.

      Tuy nhiên, bạn cần đi khám để xác định rõ nguyên nhân nôn khan để có thêm phương hướng điều trị thích hợp và kịp thời bên cạnh những cách hỗ trợ bên trên.

      Trần Minh Cường
      Ban Y Học Ruy Băng Tím

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm