Ung thư hiện nay đang là nỗi lo của mọi người mọi nhà và toàn xã hội. Nhắc đến căn bệnh này người ta thường liên tưởng đến một sự chết chóc, tử vong rất nhanh trong đau đớn, suy kiệt. Phát hiện mắc ung thư là một cú sốc rất lớn đối với người bệnh, như là một tin báo tử, là niềm bất hạnh cho cả gia đình . Trên thế giới, cứ 6 người chết có 1 người chết do ung thư(1). Năm 2012, có 14,1 triệu ca mới mắc và 8,2 triệu người tử vong do ung thư. Trong đó, Việt Nam đứng ở vị trí 78/172 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ tử vong là 110/100000 người (2).
Vậy ung thư có điều trị được không?
Hình 1: Tỉ lệ mắc ung thư ở nam giới năm 2012
(http://globocan.iarc.fr/Pages/fact_sheets_cancer.aspx)
Câu trả lời là ung thư có thể điều trị được, nhưng không phải luôn luôn đúng.
Điều trị được ở đây là khỏi bệnh hoàn toàn và không bị tái phát sau đó, chưa tính các trường hợp điều trị giúp kéo dài thời gian sống còn cho bệnh nhân.
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư. Phẫu thuật là biện pháp hàng đầu đối với các bệnh giai đoạn sớm. Xạ trị và hóa trị cũng ngày càng có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư. Ngoài ra, nhiều liệu pháp mới như nhắm trúng đích, I-ốt phóng xạ đang được sử dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, khó khăn trong điều trị ung thư là do mỗi loại ung thư có nguyên nhân khác nhau vì vậy không thể có một kế hoạch cụ thể nào để ngăn ngừa hay điều trị tất cả các loại ung thư. Bên cạnh đó, mỗi loại ung thư lại đáp ứng khác nhau với từng phương pháp điều trị nên không có một phương pháp điều trị nào là hoàn hảo cho ung thư nói chung. Các yếu tố chính có ảnh hưởng đến việc điều trị ung thư bao gồm:
- Loại ung thư, một số loại ung thư có thể được điều trị tốt hơn các loại khác. Ung thư tuyến giáp nói chung có thể điều trị hiệu quả, tỉ lệ sống trên 5 năm khoảng 90%, nghĩa là trong 100 người bị ung thư tuyến giáp thì 90 người còn sống sau 5 năm(3). Hầu hết ung thư da điều trị khỏi bằng phẫu thuật, là một trong những loại ung thư có tiên lượng rất tốt. Trong khi đó, chỉ 10% bệnh nhân ung thư phổi có thể sống 5 năm sau chẩn đoán(4).
- Loại giải phẫu bệnh. Trong cùng một ung thư , kết quả giải phẫu bệnh khác nhau có tiên lượng và điều trị khác nhau. Ung thư tuyến giáp nói chung có tiên lượng tốt nhưng ung thư tuyến giáp loại kém biệt hóa chỉ sống được 2-6 tháng(3).
- Giai đoạn bệnh là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến điều trị. Bệnh phát hiện càng sớm khả năng chữa lành càng cao và ít biến chứng do điều trị. Hầu hết phụ nữ ( khoảng 99%) bị ung thư vú còn sống sau 5 năm khi được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, nhưng khi bệnh đã di căn xa thì chỉ 15% trường hợp có thể điều trị(5).
- Tình trạng sức khỏe và các bệnh đồng mắc như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, hô hấp cũng ảnh hưởng đến lựa chọn và đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân.
Trong các yếu tố trên thì giai đoạn bệnh là yếu tố có thể can thiệp để mang lại một tương lai tươi sáng hơn cho người bệnh. Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật, việc tầm soát một số bệnh ung thư giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Điều trị bệnh ở giai đoạn này cũng có nhiều tiến bộ vượt bậc tăng khả năng chữa lành bệnh cũng như bảo tồn chức năng cơ quan và kết quả thẩm mỹ cao. Vì vậy, phát hiện sớm ung thư có vai trò vô cùng quan trọng, mang lại nhiều lợi ích:
- Điều trị dễ dàng: đối với giai đoạn sớm, phương pháp điều trị chính là phẫu thuật loại bỏ khối u, có thể không cần hỗ trợ thêm hóa trị hay xạ trị.
- Ít biến chứng: càng phát hiện sớm, việc điều trị càng ít hơn, ít gây biến chứng về sau, ít ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan, và đối với nhiều người còn có thể bảo toàn khả năng sinh sản, ít ảnh hưởng đến sức khỏe và diện mạo.
- Chi phí điều trị ít hơn: cho bệnh nhân giai đoạn sớm nên hầu hết bệnh nhân phát hiện sớm ung thư có khả năng điều trị.
Hình 2: Chụp nhũ ảnh giúp phát hiện sớm ung thư vú
Tuy nhiên, không phải loại ung thư nào cũng có thể tầm soát giúp phát hiện sớm. Y học hiện nay chỉ mới ghi nhận một số loại ung thư có thể tầm soát hiệu quả:
- Ung thư vú: chụp nhũ ảnh mỗi năm cho phụ nữ trên 40 tuổi.
- Ung thư đại trực tràng : xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân hoặc nội soi khung đại tràng.
- Ung thư cổ tử cung: thử nghiệm PAP , có thể phối hợp xét nghiệm HPV
- Ung thư phổi: có thể tầm soát bằng CT ngực trên bệnh nhân hút thuốc lá nhiều.
Ngoài ra, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để có thể phát hiện sớm nhiều lọai ung thư hơn. Việc của chúng ta hiện nay là tự chăm sóc sức khỏe bản thân và khám sức khỏe định kì.
Hình 3: Chế độ ăn giảm thiểu đến mức tối đa thịt đỏ và đồ ngọt sẽ làm giảm đáng kể khả năng mắc ung thư
Cụ thể, để bảo vệ sức khỏe và giảm yếu tố nguy cơ ung thư chúng ta nên:
- Tránh xa tất cả các loại thuốc lá
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Tập thể dục đều đặn
- Ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe , tăng khẩu phần rau và trái cây
- Giảm rượu bia
- Bảo vệ da khi ra nắng hoặc tiếp xúc hóa chất độc hại
- Chích ngừa vắc xin HPV
- Biết được các yếu tố nguy cơ của bản thân và gia đình
- Thường xuyên khám và tầm soát ung thư
Nói chung, ung thư là bệnh có thể điều trị được và khả năng khỏi bệnh tùy thuộc vào loại ung thư, loại giải phẫu bệnh, giai đoạn bệnh và tổng trạng chung của bệnh nhân. Điều đáng mừng là khoảng 30-50% các trường hợp ung thư có thể được phòng ngừa (1). Việc phát hiện bệnh sớm cũng như duy trì lối sống lành mạnh là một biện pháp hữu hiệu để chống lại ung thư.
Tài liệu tham khảo:
- Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO 2/2017. http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs297/en/
- GLOBALCAN 2012 (IARC) . http://globocan.iarc.fr
- http://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/thyroid-cancer
- http://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/lung-cancer
- http://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/breast-cancer
Chịu trách nhiệm nội dung: BS Nguyễn Sỹ Cam
Chỉnh sửa nội dung: BS Trần Hoàng Hiệp
Lần cuối xem xét khoa học: 12/05/2017