Kiến Thức Ung ThưTầm soát ung thư vú

Tầm soát ung thư vú

Tầm soát vú được thực hiện ở những phụ nữ không có bất cứ triệu chứng gì của ung thư vú nhằm có thể phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm nhất có thể.

Phải nhớ rằng ngay cả công nghệ hiện tại về nhũ ảnh hay bất cứ phương tiện chẩn đoán hình ảnh nào cũng không chắc chắn kết luận có bệnh hay không. Bệnh nhân cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa ung thư để có được sự đánh giá toàn diện nhất.

Tầm soát vú

Tầm soát vú được thực hiện ở những phụ nữ không có bất cứ triệu chứng gì của ung thư vú nhằm có thể phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm nhất có thể. Việc tầm soát phụ thuộc vào: tuổi, tiền căn gia đình, khám lâm sàng, đánh giá các yếu tố nguy cơ, nhũ ảnh và trong vài trường hợp đặc biệt cần dùng đến chụp cộng hưởng từ (MRI).

Mặc dù trước đây có những bằng chứng cho rằng siêu âm có thể giúp nhũ ảnh làm tăng khả năng tầm soát nhưng hiện tại siêu âm không được khuyến cáo để tầm soát. Cần nhớ rằng, các xét nghiệm tầm soát sẽ khác với các xét nghiệm dùng để chẩn đoán.

Bước 1: Khám lâm sàng và tiền căn gia đình

Bước đầu tiên trong quá trình tầm soát là bạn cần được khám vú và hỏi về tiền căn gia đình bởi một bác sĩ chuyên khoa ung thư.

Các nghiên cứu cho thấy việc tự khám vú tại nhà không làm giảm nguy cơ tử vong của ung thư vú. Phụ nữ cần có khái niệm “thân thiết” với vú của mình, nghĩa là họ hãy tập làm quen với vú của mình để có thể cảm nhận bất cứ sự thay đổi nào ở vú và hãy thông báo tình trạng của mình ngay cho bác sĩ ung thư.

Bước 2: Đánh giá nguy cơ

Ở một phụ nữ không có triệu chứng gì và bác sĩ khám cũng không phát hiện có bất thường gì, bước tiếp theo chúng ta sẽ đánh giá nguy cơ. Nguy cơ được phân loại ra 2 nhóm để tầm soát: nguy cơ trung bình và nguy cơ cao. Yếu tố nguy cơ cao bao gồm 6 nhóm: (1) từng bị ung thư vú trước đây, (2) từ 35 tuổi trở lên và có tỉ lệ bị ung thư vú sau 5 năm là ≥ 1.7% theo mô hình Gail, (3) nguy cơ bị ung thư vú cả cuộc đời là >20% dựa trên các mô hình độc lập với tiền căn gia đình, (4) từng xạ trị vùng ngực trước đây, (5) đang bị ung thư vú tiểu thùy tại chỗ, (6) trong gia đình có bệnh lý liên quan đến đột biến gen làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

Tầm soát ở phụ nữ nguy cơ trung bình:

Phụ nữ từ 25 -<40 tuổi khuyến cáo nên được khám vú bởi bác sĩ chuyên khoa ung thư mỗi 1-3 năm và làm quen với việc “thân thiết” vú.

Phụ nữ ≥40 tuổi khuyến cáo nên được bác sĩ khám và chụp nhũ ảnh mỗi năm 1 lần và “thân thiết” với vú. Nhũ ảnh có thể phát hiện được khối u trước 2 năm so với chỉ khám bằng tay, vì vậy tầm soát bằng nhũ ảnh mỗi năm mang lại nhiều lợi ích trong việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả ung thư vú.

Tầm soát ở phụ nữ nguy cơ cao:

Như đã đề cập ở trên, có 6 nhóm phụ nữ được phân loại vào nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư vú. Ruy Băng Tím sẽ trình bày chi tiết kế hoạch tầm soát ở mỗi nhóm trong những bài viết sau. Ở đây, chúng tôi chỉ xin giới thiệu đến mô hình Gail (nhóm 2).

Viện ung thư quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute) và Trung tâm thống kê sinh học Dự án điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật ung thư vú và đường ruột quốc gia (National Surgical Adjuvant Breast and Bowel Project Biostatistics Center) đã tạo ra một công cụ đánh giá nguy cơ mắc bệnh ung thư vú tương tác qua máy tính dựa trên mô hình biến đổi Gail. Bạn đọc có thể tham khảo tại đường dẫn: http://www.cancer.gov/bcrisktool/Default.aspx

Công cụ này đòi hỏi chúng ta trả lời 8 câu hỏi bằng cách tương tác trực tiếp thông qua website, bao gồm:

+ Có tiền căn bị ung thư vú hoặc ung thư vú tiểu thùy tại chỗ hoặc ung thư vú ống tuyến tại chỗ hoặc từng xạ trị ngực điều trị Lymphoma Hodgkin?
+ Có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2, hay đã được chẩn đoán mắc một bệnh lý di truyền làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú?
+ Tuổi hiện tại?
+ Tuổi có kinh lần đầu?
+ Tuổi có con lần đầu?
+ Có bao nhiêu người nữ trong gia đình mắc ung thư vú (mẹ, chị em gái ruột, con gái)?
+ Đã từng sinh thiết vú trước đó?
+ Chủng tộc?
Sau khi tính toán, nếu nguy cơ mắc ung thư vú sau 5 năm ≥ 1.7% thì được xếp vào nhóm nguy cơ cao. Khuyến cáo nên tầm soát ung thư vú bằng cách được bác sĩ khám vú mỗi 6-12 tháng 1 lần, chụp nhũ ảnh mỗi năm 1 lần và không quên “thân thiết” với vú.

Công cụ tính toán này có nhược điểm là nó dựa vào dân số phụ nữ Hoa Kỳ, con số ước tính không khẳng định 100% sẽ mắc ung thư vú hay không, chỉ số đưa ra cao hơn cũng không thể kết luận là người đó sẽ chắc chắn mắc ung thư vú cao hơn người có chỉ số thấp hơn.

Cần nhớ rằng: Công cụ tính toán này được dùng cho bác sĩ ung thư. Nếu như bạn không phải là bác sĩ thì hãy in kết quả sau khi tính toán và đến gặp bác sĩ ung thư để bác sĩ có hướng tiếp cận tầm soát cũng như chẩn đoán.

Bước 3: Chụp nhũ ảnh

Trong các khuyến cáo tầm soát chúng tôi đề cập ở trên đều nói đến nhũ ảnh. Vậy nhũ ảnh là gì?

Nhũ ảnh là chụp X quang vú, máy chụp nhũ ảnh sẽ đè ép 2 bên vú và chụp bước đầu bằng 2 tư thế cơ bản là CC và MLO, sẽ có những tư thế chụp đặc biệt hoặc chụp phóng to khu trú, việc này sẽ được quyết định bởi bác sĩ ung thư và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh nhằm tăng khả năng phát hiện cao nhất sang thương nghi ngờ ung thư vú.

Sau khi chụp nhũ ảnh, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ phân loại sang thương thấy được trên phim theo hệ thống phân loại BIRADS, bao gồm 7 loại:

+ BIRADS 0: chưa thể đưa ra bất kỳ kết luận nào, cần các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác hoặc cần phim nhũ ảnh cũ để so sánh.

+ BIRADS 1: tuyến vú bình thường

+ BIRADS 2: tổn thương vú lành tính

+ BIRADS 3: tổn thương có thể lành tính

+ BIRADS 4: tổn thương nghi ngờ ác tính (2-95% ác tính). BIRADS 4 còn được phân chia thành 3 nhóm 4A, 4B, 4C.

+ BIRADS 5: tổn thương ác tính (≥95% ác tính)

+ BIRADS 6: tổn thương đã biết ác tính

Cần nhớ kết quả nhũ ảnh không kết luận 100% bạn có bị ung thư vú hay không, dựa vào kết quả phân loại BIRADS bác sĩ ung thư sẽ có hướng tiếp cận để tầm soát và chẩn đoán. Và nhớ luôn giữ lại các phim nhũ ảnh đã chụp trước đó để bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể so sánh, giúp tăng khả năng phát hiện ra bệnh sớm nhất.

Tóm lại, có 3 điểm cần nhớ để có thể phát hiện sớm ung thư vú là:

(1) Nhũ ảnh có vai trò rất lớn trong việc phát hiện các sang thương vú giai đoạn rất sớm.

(2) Phụ nữ cần làm quen với khái niệm “thân thiết” với vú, cảm nhận được bất cứ sự thay đổi nào trên vú của mình và báo ngay cho bác sĩ.

(3) Cần được tầm soát bởi 1 bác sĩ chuyên khoa ung thư để có được hướng tiếp cận bệnh, tư vấn đúng và điều trị hiệu quả.

Mời xem thêm:

Mặc áo nịt ngực nhiều có gây ung thư vú?

Bạn sẽ làm gì khi biết mình mang đột biến có khả năng cao sẽ bị ung thư vú và buồng trứng?

Nang tuyến vú có gây ung thư vú không?

Nguồn: NCCN Clinical Practice Guidelines in Oncology – Breast Cancer Screening and Diagnosis

Chịu trách nhiệm nội dung: BS Trần Hoàng Hiệp

Lần cuối xem xét y khoa: 15/10/2016

Lần cuối chỉnh sửa: 15/10/2016

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm