Trường đại học Đức vừa phát hiện ra hành vi sai trái “nghiêm trọng” của nhà nghiên cứu trong việc thúc đẩy thương mại hoá một kỹ thuật xét nghiệm máu để phát hiện ung thư đầy nghi vấn.
Mới đây, Ủy ban của một trường đại học ở Đức đã công bố bằng chứng về “hành vi khoa học sai trái nghiêm trọng” của Christof Sohn – Giám đốc phòng khám phụ nữ tại Bệnh viện Đại học Heidelberg. Christof Sohn cũng là nhà nghiên cứu chính của một phương pháp xét nghiệm máu nhằm phát hiện ung thư vú. Phương pháp này đang được quảng cáo đại trà trong cộng đồng nhưng cũng bị giới khoa học nghi ngờ với nhiều câu hỏi chưa lời đáp.
Vụ việc bắt đầu vào tháng 2 năm 2019, Sohn quảng cáo sinh thiết lỏng dựa trên xét nghiệm máu là “một lựa chọn mới, mang tính cách mạng” trong một thông cáo báo chí trên các trang web của cả bệnh viện và công ty HeiScreen GmbH – một công ty phụ trợ. Các tổ chức nghiên cứu đã công bố rằng xét nghiệm dựa trên việc tìm kiếm 15 dấu ấn sinh học (biomarkers) liên quan đến ung thư, có độ nhạy từ 80% đến 90% đối với một số nhóm phụ nữ bị ung thư vú. Thông cáo còn cho biết thử nghiệm này dựa trên một nghiên cứu với hơn 900 phụ nữ và sẽ được ứng dụng thương mại hóa trong năm nay.
Tuy nhiên điều này mâu thuẫn với kết quả mà Sohn đã trình bày trong một hội nghị khoa học vào tháng 2 ở Düsseldorf, Đức. Trong bài nói chuyện của mình, ông cho biết phương pháp này có độ đặc hiệu từ 45% đến 73%, tương đương với tỷ lệ “dương tính giả” rất cao lên tới 55%. Nói cách khác khoảng hai phụ nữ “không bị ung thư vú” nếu sử dụng phương pháp này để xét nghiệm thì 1 người sẽ nhận được kết quả dương tính. Điều này là không chấp nhận được cho một phương pháp xét nghiệm ứng dụng trong lâm sàng.
Gerd Gigerenzer – Giám đốc của trung tâm Harding thuộc Viện nghiên cứu phát triển con người Max Planck ở Berlin – cho biết việc quảng bá thử nghiệm là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Đối với ông “một người cố gắng tiếp thị một thử nghiệm như vậy thì gần như là một tội ác.”
Vào tháng 7, một hội đồng bên ngoài do hội đồng bệnh viện thành lập đã trình bày kết quả điều tra sơ bộ. Simone Schwanitz, người đứng đầu hội đồng bên ngoài và là trưởng bộ phận khoa học ở bang Baden-Wurmern của Đức, cho biết trong một tuyên bố kèm theo báo cáo rằng vụ bê bối đã gây ra thiệt hại uy tín cho trung tâm y tế ở Heidelberg. Trưởng khoa y của trường đại học và cả chủ tịch bệnh viện lẫn nhân viên tài chính đã từ chức.
Tóm lại, hiện nay tuy việc sử dụng phương pháp sinh thiết lỏng để chẩn đoán ung thư vẫn đang được nghiên cứu rất nhiều và cho thấy nhiều tiềm năng. Nhưng nó vẫn chưa được xem là một phương pháp chính thống vì độ đặc hiệu của phương pháp còn chưa cao, tỉ lệ dương tính giả còn nhiều. Do vậy, việc quảng cáo quá lố phương pháp này để làm tốn tiền người bệnh, gây nên sự lo lắng không đáng có cho họ hoặc thậm chí dẫn đến sai lệch định hướng điều trị là chuyện không nên có.
Để hiểu thêm về kỹ thuật sinh thiết lỏng trong nghiên cứu để chẩn đoán ung thư các bạn có thể xem thêm ở bài viết trước của RBT theo đường link dưới đây:
https://ruybangtim.com/xet-nghiem-sinh-thiet-long-mau-nuoc-tieu-co-chan-doan-duoc-ung-thu-khong