Ung thư thận tế bào sáng (thận phải)
Nguồn: Low, G., Huang, G., Fu, W., Moloo, Z., & Girgis, S. (2016). Review of renal cell carcinoma and its common subtypes in radiology.
World journal of radiology,
8(5), 484.
Ung thư thận là một phần trong nhóm ung thư thận-chậu. Tại Hoa Kỳ, tỉ lệ ung thư thận-chậu đứng thứ 6 trong những loại ung thư mới chẩn đoán ở nam và thứ 10 trong những loại ung thư thường gặp ở nữ (1). Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ước tính có 73750 trường hợp ung thư thận-chậu mới mắc trong năm 2020 (trong đó 45520 nam và 28230 nữ). Trong số các trường hợp mắc, tổng số tử vong lên đến 14830 trường hợp (2). Tỉ lệ ung thư thận được dự đoán sẽ tăng cao trong tương lai.
Hầu hết các bệnh nhân mắc ung thư thận thường lớn tuổi, với độ tuổi trung bình khi được chẩn đoán là 64 tuổi và chiếm phần lớn ở ngưỡng tuổi 65-74. Ung thư thận thường hiếm gặp ở những người trẻ dưới 45 tuổi. Mặc dù phần lớn trường hợp mắc ung thư thận trên toàn thế giới tập trung ở Châu Âu, Mỹ Latinh, không thể phủ nhận rằng tỉ lệ bệnh nhân mắc ung thư thận ở các nước Châu Á cũng đang dần gia tăng (2). Vậy đâu là những điểm cần tránh và cần lưu ý ở bệnh nhân ung thư thận?
I. Yếu tố nguy cơ ung thư thận
Trong bản báo cáo mới nhất CUP (Continuous Update Project) của Quỹ ung thư thế giới, Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ – là nguồn thông tin nghiên cứu khoa học lớn nhất thế giới về phòng ngừa ung thư và tỉ lệ sống qua dinh dưỡng, cân nặng và hoạt động thể chất; những yếu tố có thể gây ung thư thận gồm :
1. Hút thuốc
Hút thuốc là nguyên nhân gây ung thư thận. Những người đang hút thuốc có nguy cơ ung thư thận cao hơn 52%, những người đã từng hút thuốc tăng nguy cơ ung thư thận 25% khi so sánh với những người không hút thuốc (3).
2. Sử dụng thuốc
Thuốc giảm đau chứa phenacetin là một trong những nguyên nhân gây ung thư đài bể thận. Tuy nhiên từ tháng 11/1983, FDA đã ra công bố loại trừ các thuốc có chứa phenacetin do khả năng gây ung thư và tổn thương thận, do đó đến nay, phenacetin không còn được sử dụng như một thành phần của thuốc giảm đau (12).
3. Bệnh thận
Bệnh thận đa nang là yếu tố nguy cơ tiến triển đến ung thư thận.
4. Tăng huyết áp
Tăng huyết áp gắn liền với tăng nguy cơ ung thư thận. Một nghiên cứu được tiến hành tại Hàn Quốc với 9.746.445 người tham gia được theo dõi tỷ lệ mắc ung thư thận sau 8 năm, trong đó những bệnh nhân tăng huyết áp có nguy cơ mắc ung thư thận cao hơn so với những người không tăng huyết áp với lực nguy cơ (hazard ratio) là 1.12, và có mối liên quan với chỉ số huyết áp cũng như liều lượng thuốc (9). Cụ thể, một nghiên cứu khác chỉ ra nhóm bệnh nhân có huyết áp ≥160mmHg có nguy cơ mắc ung thư thận cao hơn 8.18 lần so với những người có huyết áp dưới 120mmHg. Đặc biệt ở nam giới, tăng huyết áp gây ra 14% tử vong do ung thư nói chung và 31.8% do ung thư thận nói riêng (10).
5. Thừa cân / béo phì
Thừa cân hay béo phì dựa trên tiêu chuẩn chỉ số khối cơ thể (BMI – body mass index), chu vi vòng eo và tỉ lệ eo hông. Phân tích nghiên cứu trên toàn thế giới tìm ra được nguy cơ ung thư thận sẽ tăng 30% mỗi khi tăng 5 đơn vị chỉ số BMI, trong đó BMI được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). Nguy cơ ung thư thận còn tăng 11% mỗi khi tăng 10cm vòng eo và 26% cứ mỗi khi tăng 0.1 đơn vị tỉ lệ eo hông (7). Trong đó tỉ lệ eo hông được tính bằng số đo vòng eo chia cho số đo vòng hông.
6. Arsenic
Theo Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), arsenic và các dẫn xuất arsenic được phân vào nhóm 1 tác nhân gây ung thư, là tác nhân chắc chắn gây ung thư cho người, khác với một số chất khác như dimethylarsinic acid và monomethylarsonic acid được phân vào nhóm 2B, là nhóm các chất có thể gây ung thư cho người (3). Do đó, arsenic đã và đang được kiểm soát trong hầu hết quy trình sản xuất thực phẩm, nước giải khát hiện nay.
II. Điều chỉnh lối sống khi được chẩn đoán ung thư thận
1. Chăm sóc thật tốt bên thận còn lại
Một bên thận là đủ để lọc máu giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Nếu phải bỏ/mất một bên thận, chỉ cần bên thận còn lại vẫn hoạt động tốt, bệnh nhân vẫn có thể sống khoẻ mạnh.
Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư thận sẽ được theo dõi huyết áp thường xuyên. Việc này nhằm đảm bảo chức năng của bên thận còn lại. Nếu huyết áp tăng, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc tùy vào tình trạng sức khoẻ và bệnh lý nền của bệnh nhân.
2. Ngưng hút thuốc
Nên ngừng hút thuốc ngay cả khi bạn không hề mắc bệnh. Thuốc lá có mối liên hệ sâu sắc không những với ung thư thận mà còn ở nhiều loại ung thư khác (8).
Ngưng hút thuốc có thể rất khó, đặc biệt đối với người hút thuốc lâu năm. Trong giai đoạn đầu ngưng thuốc có thể xuất hiện một số triệu chứng cai thuốc như: kích ứng, lo lắng, khó tập trung, đau đầu, thèm ăn, thèm hút thuốc. Triệu chứng cai thuốc thuốc đạt đỉnh sau 2-3 ngày ngưng hút thuốc và kéo dài trong 1-3 tháng bởi thời gian tối thiểu để điều chỉnh đặc điểm hoá học của não bộ trở về ngưỡng bình thường là sau 1-3 tháng (4). Triệu chứng kéo dài nhất trong suốt thời gian cai thuốc là kích thích bứt rứt và cảm giác thiếu năng lượng. Tuy nhiên, hầu hết người cai thuốc bắt đầu cảm thấy khá hơn sau 1 tuần và triệu chứng sẽ hoàn toàn biến mất sau 3 tháng (5).
3. Kiểm soát tốt các bệnh lý nền
Như đã nêu ở trên, các bệnh lý nền bao gồm thận đa nang, tăng huyết áp có liên quan đến ung thư thận. Do đó việc phát hiện sớm và kiểm soát tốt bệnh lý nền là điều vô cùng quan trọng ở bệnh nhân ung thư thận.
4. Kiểm soát tốt cân nặng
Theo dõi cân nặng dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI) (= cân nặng/chiều cao2 ) với các giá trị BMI tương ứng như sau (11):
BMI |
Tình trạng dinh dưỡng |
Dưới 18.5 |
Nhẹ cân |
18.5–24.9 |
Bình thường |
25.0–29.9 |
Thừa cân |
30.0–34.9 |
Béo phì độ I |
35.0–39.9 |
Béo phì độ II |
Trên 40 |
Béo phì độ III |
III. Dinh dưỡng trong ung thư thận
Một chế độ ăn lành mạnh dành cho bệnh nhân ung thư thận sẽ bao gồm:
1. Trái cây và rau củ
Trái cây và rau củ giàu chất xơ, vitamin và khoáng giúp giảm lượng cholesterol và đường huyết. Bệnh nhân ung thư thận nên sử dụng đa dạng các loại trái cây rau củ và có thể ăn đến 5 bữa trái cây rau củ một ngày. Tuy nhiên với một số loại thực phẩm như chuối thì không nên sử dụng quá nhiều, bởi lượng kali có trong chuối có thể ảnh hưởng đến chức năng thận, đặc biệt là ở những bệnh nhân đã phẫu thuật một bên thận.
2. Ngũ cốc nguyên hạt
Các sản phẩm như bánh mì, gạo hay pasta làm từ ngũ cốc nguyên hạt (như lúa mạch, đậu nành, đậu xanh, yến mạch, hạt quinoa) là nguồn năng lượng tốt, không chỉ giàu chất xơ mà còn là nguồn cung cấp vitamin B và chất sắt.
Một vài loại ngũ cốc nguyên hạt giàu photpho và kali ví dụ như đậu ngự, đậu nành, đậu đen, đậu lăng có thể gây ảnh hưởng tới chức năng thận trên cơ địa người đã có bệnh lý nền thận. Do đó, bệnh nhân nên tìm hiểu và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng một loại ngũ cốc nào đó khác so với chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
3. Đạm
Đạm là thành phần vô cùng cần thiết trong bất kỳ chế độ dinh dưỡng nào, đạm giúp xây dựng và duy trì cơ trong cơ thể. Tuy nhiên đối với những người mang bệnh lý thận, nếu tiêu thụ quá nhiều đạm, các sản phẩm phân cắt có nguồn gốc từ đạm như amoniac, axit uric, ure có thể tích tụ trong máu. Những sản phẩm thải này có thể khiến bệnh nhân mệt mỏi, buồn nôn, biếng ăn và đau đầu.
Do đó, tuỳ tình trạng bệnh nền và diễn tiến ung thư, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng đạm cần thiết cho từng bệnh lý và giai đoạn bệnh.
Vậy cần tránh các loại thực phẩm như thế nào?
Một số loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng liên quan đến bệnh lý thận. Bệnh nhân mang bệnh lý thận nên giảm hoặc tránh sử dụng các loại thực phẩm này, bao gồm:
1. Các loại thực phẩm nhiều muối
Muối có thể gây mất cân bằng dịch trong cơ thể và gây tăng huyết áp khiến chức năng thận trở nên tệ hơn.
Bệnh nhân nên tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa lượng Natri cao như:
- Thức ăn nhanh
- Thức ăn đóng hộp
- Đồ ăn vặt, snack chứa muối
- Thịt nguội
Bất cứ khi nào có thể, bệnh nhân có bệnh lý thận nên sử dụng thảo mộc hay các loại gia vị khác thay thế cho muối. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng bất kì loại hương liệu thay thế nào.
2. Các loại thực phẩm giàu photpho
Phospho là một thành phần hóa học cần thiết để duy trì độ khỏe của xương. Nhưng ở những người mắc ung thư thận, photpho có thể tích tụ trong dòng máu và gây ra những triệu chứng như ngứa và đau khớp.
Nếu bạn đang gặp rắc rối với những triệu chứng trên, bạn nên cân nhắc giảm lượng tiêu thụ của một số loại thực phẩm giàu photpho như:
- Các loại hạt và đậu: hạt chia, hạt gai dầu (Hemp), hạt phỉ (Hazelnut), óc chó, hạt dẻ
- Ngũ cốc chế biến sẵn
Tuy nhiên tùy vào tình trạng bệnh và phương thức điều trị mà mỗi cá nhân sẽ có sự thay đổi trong dinh dưỡng khác nhau, do đó bạn cần thảo luận với bác sĩ trước khi quyết định thay đổi chế độ ăn hàng ngày.
3. Quá nhiều nước
Khi lượng nước uống vào hàng ngày dư so với nhu cầu có thể gây ra nhiều vấn đề với những người mắc bệnh lý thận. Bởi chức năng thận suy giảm đồng nghĩa với việc cơ thể người bệnh không thể duy trì khả năng lọc máu và sản xuất nước tiểu như người bình thường, do đó dễ dẫn đến tình trạng tích tụ lượng lớn dịch trong cơ thể. Tuy nhiên lượng dịch bao nhiêu là đủ ở bệnh nhân ung thư thận vẫn chưa được khẳng định. Một nghiên cứu tiến hành trên 1138 bệnh nhân mắc ung thư thận (Renal Cell Carcinoma-RCC) và 5039 người khoẻ mạnh tại Canada đã đánh giá lượng dịch nạp vào cơ thể hàng ngày giữa hai nhóm ung thư thận và không ung thư thận. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm bệnh nhân mắc ung thư thận có tổng lượng dịch hàng ngày cao hơn so với nhóm người khỏe mạnh, phân tích cho thấy thừa dịch làm tăng nguy cơ ung thư thận, đặc biệt ở nam giới, trong đó cà phê là thức uống có nguy cơ gây ung thư thận nhiều nhất (13)
4. Những điểm cần chú ý trong dinh dưỡng
Trong suốt quá trình điều trị ung thư thận, bệnh nhân có thể sụt cân, giảm vị giác, những loại thức ăn trước đây khiến bệnh nhân yêu thích có thể không còn hấp dẫn nữa, thậm chí còn gây buồn nôn. Do đó nên thử trong suốt thời gian điều trị để giúp bệnh nhân tìm ra được loại thức ăn dễ chịu nhất.
Một điểm vô cùng quan trọng là bệnh nhân nên ăn ngay cả khi không cảm thấy đói. Việc duy trì bữa ăn hàng ngày giúp duy trì nguồn năng lượng cho bệnh nhân. Nếu cảm thấy không thể ăn một khẩu phần đầy đủ, bệnh nhân có thể chia nhỏ bữa ăn thành 5 hay 6 phần nhỏ thay vì ăn một ngày 3 bữa chính như người khỏe mạnh.
Điều trị ung thư có thể sử dụng một loạt các phương pháp xạ trị và hóa trị khiến hệ miễn dịch của bệnh nhân trở nên yếu hơn và dễ nhiễm trùng. Do đó bên cạnh thành phần dinh dưỡng của bữa ăn cần phải quan tâm đến khâu xử lý và bảo quản thức ăn. Bệnh nhân nên tránh ăn các đồ nấu tái, sống, tránh uống các loại sữa hay nước trái cây chưa qua xử lý tiệt trùng.
IV. Tổng kết
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng và tránh các loại thực phẩm có thể gây biến chứng trong ung thư thận sẽ giúp cơ thể người bệnh khỏe hơn và giàu năng lượng. Bên cạnh dinh dưỡng thì việc điều chỉnh lối sống cũng như ngừng một số thói quen làm nặng thêm tình trạng bệnh là việc vô cùng cần thiết. Cần lưu ý là bệnh nhân và người nhà nên thảo luận cùng với bác sĩ chuyên khoa kỹ càng về dinh dưỡng, lối sống cũng như báo cáo bất kỳ tác dụng phụ nào bệnh nhân gặp phải trong quá trình điều trị càng sớm càng tốt.
Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 2021/01/20Tài liệu tham khảo
Siegel RL, Miller KD, Jemal A. Cancer statistics, 2018. CA: a cancer journal for clinicians 2018;68:7-30.
American Cancer Society. Key Statistics About Kidney Cancer [Internet]. 2020 [cited 11 November 2020]. Available from https://www.cancer.org/cancer/kidney-cancer/about/key-statistics.html
International Agency for Research on Cancer. Arsenic, metals, fibres and dusts. IARC monographs on the evaluation of carcinogenic risks to humans. 2012.
Kenford SL, Fiore MC, Jorenby DE, Smith SS, Wetter D, Baker TB. Predicting smoking cessation: Who will quit with and without the nicotine patch. Jama. 1994 Feb 23;271(8):589-94.
Ward MM, Swan GE, Jack LM. Self-reported abstinence effects in the first month after smoking cessation. Addictive behaviors. 2001 May 1;26(3):311-27.
American Cancer Society. Guideline for diet and physical activity [Internet]. 2020[cited 11 November 2020]. Available from https://www.cancer.org/healthy/eat-healthy-get-active/acs-guidelines-nutrition-physical-activity-cancer-prevention/guidelines.html
World Cancer Research Fun, American Institute for Cancer Research. Diet, nutrition, physical activity and kidney cancer [Internet]. 2018 [cited 11 November 2020]. Available from https://www.wcrf.org/sites/default/files/Kidney-cancer-report.pdf
Center for Disease Control and Prevention. Smoking and Cancer [Internet]. 2020 [cited 08 December 2020]. Available from https://www.cdc.gov/tobacco/campaign/tips/diseases/cancer.html
Kim, C. S., Han, K. D., Choi, H. S., Bae, E. H., Ma, S. K., & Kim, S. W. (2020). Association of Hypertension and Blood Pressure With Kidney Cancer Risk: A Nationwide Population-Based Cohort Study. Hypertension, 75(6), 1439-1446.
Choi, M. Y., Jee, S. H., Sull, J. W., & Nam, C. M. (2005). The effect of hypertension on the risk for kidney cancer in Korean men. Kidney international, 67(2), 647-652.
World Health Organization. Body Mass Index [Internet]. 2020 [cited from 08 December 2020]. Available from https://www.euro.who.int/en/health-topics/disease-prevention/nutrition/a-healthy-lifestyle/body-mass-index-bmi
FDA. List of drug products that have been withdrawn or removed from the market for reasons of safety or effectiveness. Food and Drug Administration, HHS. Final rule. Fed Regist. 1999;64:10944–10947.
Hu, J., Mao, Y., DesMeules, M., Csizmadi, I., Friedenreich, C., Mery, L., & Canadian Cancer Registries Epidemiology Research Group. (2009). Total fluid and specific beverage intake and risk of renal cell carcinoma in Canada. Cancer epidemiology, 33(5), 355-362.
Tác giả và chuyên gia
Chịu trách nhiệm nội dung
BS. Trần Thuỵ Hương Quỳnh
Góp ý nội dung
BS. Nguyễn Thị Kim Thương
Góp ý nội dung
TS. Trần Minh Cường
Góp ý nội dung
TS. Trịnh Vạn Ngữ
Viện Khoa học Y sinh SoonChunHyang, ĐH SoonChunHyang, Hàn Quốc
Nhận bảng tin từ chúng tôi
LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN