Tin đồn & Sự thậtBỏ ăn sáng sẽ bị ung thư?

Bỏ ăn sáng sẽ bị ung thư?

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người thường có thói quen bỏ ăn sáng hoặc hiếm khi ăn sáng. Một số người cho rằng việc bỏ ăn sáng lâu dài sẽ gây ung thư. Vậy thực hư câu chuyện tác hại của việc không ăn sáng là gì?

1. Giới thiệu

Bỏ ăn sáng được định nghĩa là không ăn gì từ 5:00 – 9:00 sáng hoặc chỉ uống thứ gì đó có năng lượng hay ăn thứ gì đó ngọt chẳng hạn bánh quy [1, 2]. Rõ ràng, bữa ăn sáng được xem là buổi ăn quan trọng trong ngày, tuy nhiên số lượng người bỏ ăn sáng ngày càng gia tăng trong suốt 50 năm qua. Điển hình ở Hoa Kỳ, khoảng 23,5 % người trẻ bỏ ăn sáng mỗi ngày [3], và ở Trung Quốc tỷ lệ này là 41,7% ở nam, và 23,5 % ở nữ [4]. Một khảo sát mới đây trên 21.972 sinh viên đại học (tuổi khoảng 20) từ 28 quốc gia trong đó có Việt Nam cho thấy có đến 48% sinh viên bỏ ăn sáng hoặc hiếm khi ăn sáng [5] [6]. 

Trong tài liệu hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ năm 2010, họ khuyến cáo trẻ em nên ăn sáng, nhưng không đề cập đến người lớn [7] vì trước đó có thể thiếu những bằng chứng về lợi ích của ăn sáng. Cho đến nay, các nghiên cứu về ảnh hưởng sức khỏe của việc bỏ ăn sáng vẫn rất khiêm tốn. Dẫu vậy, một số nghiên cứu chỉ ra rằng bỏ ăn sáng có liên quan đến việc gia tăng các nguy cơ béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường loại 2, các hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch vành, các bệnh mạch máu não, và kể cả ung thư như ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày [3] [8]. Vì vậy, chúng ta cần hiểu rõ những tác động lâu dài về sức khỏe của việc bỏ ăn sáng. Trong nội dung bài viết, chúng tôi tập trung phân tích ảnh hưởng của việc bỏ ăn sáng đến nguy cơ mắc ung thư dạ dày, đại trực tràng và các bệnh tim mạch.

2. Ung thư dạ dày và đại trực tràng

Theo tổ chức y tế thế giới WHO năm 2018, ung thư dạ dày (stomach/gastric cancer) và đại trực tràng (colorectal cancer) thuộc nhóm 6 ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Số lượng người chết do ung thư đại trạng ước tính 862.000 người (đứng thứ 2 chỉ sau ung thư phổi với 1,76 triệu người), kế sau là ung thư dạ dày với 783.000 chết người mỗi năm [9]. Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới,  tại Việt Nam năm 2020 trong số các bệnh ung thư, số ca mắc mới ung thư dạ dày đứng thứ tư, sau đó là ung thư đại trực tràng  [10]. Tại hội thảo ung thư Việt-Pháp lần thứ 3 diễn ra ở Hà Nội (2019), các chuyên gia sức khỏe dự báo ung thư đại trực tràng có khả năng sẽ tăng lên vị trí thứ 2 ở nam giới và thứ 4 ở nữ giới vào năm 2025 do thói quen ăn uống và sinh hoạt không khoa học [11]. Trong đó, bỏ ăn sáng có thể được xem là một thói quen ăn uống không lành mạnh.

Một nhóm các nhà khoa học Mexico đã công bố một công trình nghiên cứu “Bỏ ăn sáng và mối nguy ung thư dạ dày” trên tạp chí Ung thư đường tiêu hóa thế giới năm 2012. Kết quả cho thấy bỏ ăn sáng làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày ở nhóm người Mexico trên 39 tuổi. Họ phát hiện trong nhóm 49 người mắc ung thư dạ dày có hơn 70% người không có thói quen ăn sáng [8]. Các chuyên gia sức khỏe cho rằng bỏ ăn sáng có thể làm thay đổi môi trường tự nhiên của dạ dày dẫn đến tạo điều kiện thuận lợi hay tính nhạy cảm với sự xâm nhiễm của vi-rút hay vi khuẩn. Một nghiên cứu khác tại Hàn Quốc lại cho thấy bỏ ăn sáng được cho là có liên quan đến ung thư dạ dày do virus Epstein-Barr (EBV) [12]. EBV là một trong những virus phổ biến nhất ở người với hơn 90% người trưởng thành trên thế giới đã từng bị nhiễm virus này, nhưng cơ thể có khả năng sinh kháng thể tiêu diệt nó. Tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi, virus EBV có thể phát triển và được cho là có liên quan đến mắc ung thư dạ dày [13].

Cho đến nay, mặc dù chưa có nghiên cứu nào công bố mối liên hệ giữa bỏ ăn sáng và ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cảnh báo thói quen ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ung thư đại trực tràng. Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí “dịch tễ học quốc tế” năm 2019,  do các nhà khoa học ở đại học Oxford Anh thực hiện, họ theo dõi sức khỏe trên 475.581 người (gồm 219.329 nam và 256.252 nữ, độ tuổi 40 – 69) từ 2006 đến 2010 để đánh giá ảnh hưởng của việc bỏ ăn sáng  [14]. Kết quả ghi nhận có 2609 trường hợp mắc ung thư đại trực tràng. Mặc dù nghiên cứu này không tìm ra mối liên hệ giữa việc bỏ ăn sáng và mắc ung thư đại trực tràng, nhưng họ phát hiện nhóm người ăn sáng giàu chất xơ từ ngũ cốc và bánh mì có tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng thấp hơn khoảng 14% so với các nhóm tiêu thụ thịt đỏ và thịt đã trải qua chế biến 76 g/ngày (ví dụ, thịt bò và xúc xích). 

Một nghiên cứu khác trên 766 người Nhật (từ 30 – 79 tuổi) đã xác nhận bỏ ăn sáng làm tăng chỉ số khối cơ thể BMI (Body mass index) dẫn đến béo phì . Tại sao như vậy? Nhóm nhà khoa học Nhật Bản này cho rằng, bỏ ăn sáng có thể không chỉ làm giảm hoạt động thể chất vào buổi sáng mà còn giảm chuyển hóa năng lượng; đồng thời, những người bỏ ăn sáng thường có thói quen ăn nhiều vào buổi tối điều này dẫn đến năng lượng bị tích lũy nhiều ở dạng chất béo dẫn đến phát triển béo phì [15]. Hậu quả là những người có chỉ số BMI cao lại có mối nguy mắc ung thư đại trực tràng cao theo Viện nghiên cứu về ung thư Hoa Kỳ [16].

Dẫu vậy, để có những bằng chứng rõ ràng về vai trò bữa ăn sáng trong phòng ngừa ung thư dạ dày và đại trực tràng, các nghiên cứu dịch tễ học trên quy mô lớn cần được thực hiện. Đặc biệt, các nghiên cứu về các mối tương quan này trên nhóm người Việt Nam là cần thiết vì các yếu tố di truyền, và điều kiện môi trường sống cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của ung thư này.  

3. Các bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là các bệnh liên quan đến tim và mạch máu (chẳng hạn nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não (đột quỵ), cao huyết áp, và suy tim). Chúng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu chiếm 31% tức khoảng 5,6 triệu người. Trong đó, 85% số ca là do nhồi máu cơ tim và đột quỵ theo ước tính vào năm 2016 [17]. Tại Việt Nam năm 2016 con số tử vong do bệnh tim mạch là khoảng 170.000 (chiếm 31% tổng số người chết) [18]

Một nghiên cứu theo dõi 26.902 chuyên gia y tế nam khỏe mạnh ở Mỹ (tuổi từ 45 đến 82) trong vòng 16 năm (từ 1992 đến 2008) cho thấy những người bỏ ăn sáng có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn 27% so với những người có thói quen ăn sáng [19]. Mới đây, một nghiên cứu khác tại Mỹ cũng xác nhận bỏ ăn sáng làm tăng tỷ số mối nguy về tử vong đối với bệnh tim mạch là 1,87 (tức cao gần gấp 2 lần so với nhóm ăn sáng hàng ngày), đặc biệt là tỷ số mối nguy về tử vong do đột quỵ tăng hơn 3 lần so với người có thói quen ăn sáng mỗi ngày (Bảng 1) [3]. Tương tự, các nhà khoa học Nhật cũng cho rằng những người bỏ ăn sáng có mối nguy cao hơn về các bệnh tim mạch (14%), đột quỵ chung (18%) và đột quỵ xuất huyết não (hemorrhage stroke) (36%) [20]. Nói một cách khác, bỏ ăn sáng làm tăng đáng kể các mối nguy tử vong liên quan đến các bệnh tim mạch.  

*Chú thích: Các tỷ số nguy cơ được điều chỉnh đối với tuổi, giới tính, chủng tộc, trạng thái hôn nhân, mức độ thu nhập gia đình, hút thuốc, uống rượu bia, hoạt động thể dục, năng lượng tiêu thụ, chất lượng chế độ ăn uống theo chỉ số ăn uống lành mạnh-2010 (Healthy Eating Index), chỉ số trọng lượng cơ thể, huyết áp cao, đái tháo đường, và rối loạn lipid máu.

Tóm lại, bên cạnh lối sống lành mạnh như rèn luyện thể dục thể thao, chế độ ăn uống dinh dưỡng, không hút thuốc, và bia rượu, các nhà khoa học khuyến cáo mọi người nên ăn sáng để ngăn ngừa các bệnh tim mạch và giảm thiểu mối nguy ung thư dạ dày, và đại trực tràng.

Tài liệu tham khảo

[1] https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1871403X19305472

[2] https://academic.oup.com/ajcn/article/92/6/1316/4597490

[3] https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S073510971933801X

[4] https://bmcpublichealth.biomedcentral.com/articles/10.1186/1471-2458-13-42

[5] https://doi.org/10.2147/DMSO.S241670

[6] https://doi.org/10.1515/ijamh-2019-0256

[7] https://health.gov/sites/default/files/2020-01/DietaryGuidelines2010.pdf

[8] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3581834/

[9] https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cancer

[10] https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf

[11] https://benhvienk.vn/ung-thu-dai-truc-trang-ngay-cang-gia-tang-nd85399.html

[12] http://ar.iiarjournals.org/content/30/6/2469.long

[13] https://www.cdc.gov/epstein-barr/hcp.html

[14] https://academic.oup.com/ije/article/49/1/246/5470096

[15] https://www.jstage.jst.go.jp/article/jrm/9/2/9_2887/_article

[16] https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/obesity/obesity-fact-sheet#r18

[17] https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cardiovascular-diseases-(cvds)

[18] https://www.who.int/vietnam/vi/health-topics/cardiovascular-disease

[19] https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/CIRCULATIONAHA.113.001474

[20] https://www.ahajournals.org/doi/full/10.1161/STROKEAHA.115.011350

Tác giả và chuyên gia

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm