Các nghiên cứu mớiLiệu pháp miễn dịch – kỳ 1: Virus mới giúp bệnh nhân...

Liệu pháp miễn dịch – kỳ 1: Virus mới giúp bệnh nhân ung thư sống lâu hơn gấp tới 4 lần.

Một loại vũ khí mới trong cuộc chiến chống lại ung thư đã được thông qua: sử dụng virus đã được biến đổi gene để tìm các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng từ bên trong.

Virus, một loại thực thể kí sinh, có khả năng xâm nhập vào tế bào vật chủ, âm thầm chiếm đoạt bộ máy hoạt động của vật chủ để sản xuất ra chính nó, sau đó phá vỡ tế bào vật chủ để tiếp tục truyền nhiễm. Kết hợp với khả năng chuyên biệt hóa, tức là chỉ chọn lọc chính xác 1 loại tế bào làm vật chủ, virus đã và đang trở thành 1 hướng mới trong liệu pháp miễn dịch để chống lại ung thư.

Chiến lược dùng virus để tấn công tế bào ung thư và kích hoạt miễn dịch gần đó được xây dựng dựa trên một hiện tượng đã được đánh giá cao trong hơn một thế kỷ. Các bác sĩ ở thế kỷ 19 đã ghi nhận rằng, đôi khi khối u của các bệnh nhân bất ngờ thuyên giảm sau khi bị các bệnh do nhiễm virus. Những báo cáo này tạo cảm hứng cho các bác sĩ, đặc biệt là trong những năm 1950 và 1960, lục lại các virus tự nhiên. Họ đã thử tiêm một số chủng virus cho bệnh nhân. Kết quả là, đôi khi nó giết tế bào ung thư, nhưng đôi khi lại giết chính bệnh nhân.

Không giống như các virus hoang dã được sử dụng trong những thí nghiệm trong những năm 50-60, một số chủng virus chống ung thư hiện nay đang được dày công thiết kế.

Tiến sĩ, Bác sĩ, nhà nghiên cứu Jason Chesney, thuộc Đại học Louisville, Phó giám đốc Trung tâm Ung thư James Graham Brown (JGBCC), cùng một đội ngũ các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện và biến đổi gene của một chủng virus herpes simplex loại I, tên là talimogene laherparepvec (T-VEC), để chúng vừa không gây bệnh herpes (xem thêm về bệnh herpes ở phần Tài liệu tham khảo), vừa có khả năng lùng diệt ung thư, đồng thời kích thích miễn dịch. Các virus herpes được sửa đổi không làm hại các tế bào khỏe mạnh, nhưng tự nhân bản khi tiêm vào vết thương hoặc khối u. Trong khi tự nhân bản, do các virus này được chèn gene sản xuất protein GM-CSF vào bộ gene của chúng, một protein làm tín hiệu cho các tế bào miễn dịch đến vị trí của khối u, nên khi chúng phá vỡ tế bào vật chủ, GM-CSF được giải phóng, từ đó kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể đến chống lại ung thư.

virus ung thư

Hình 1: Cơ chế chống ung thư của T-VEC (nguồn Nature.com).

Kết quả thử nghiệm lâm sàng pha III (thử nghiệm trên số lượng lớn bệnh nhân) cho thấy, trên 436 bệnh nhân ung thư hắc tố giai đoạn cuối, tỷ lệ đáp ứng tổng thể là rất cao (26.4%), và thời gian sống trung bình là hơn 23 tháng (so với thời gian sống trung bình của những bệnh nhân ung thư hắc tố giai đoạn muộn dùng các liệu pháp khác là từ 6 đến 10 tháng), trong đó có một số vẫn đang sống đến ngày nay. Tỷ lệ bị tác dụng phụ nghiêm trọng chỉ 2.1% và không có ca tử vong nào do virus được ghi nhận.

Shari Wells từ Ashland, Kentucky là một trong những bệnh nhân trong thử nghiệm. Cô được chẩn đoán là bị ung thư hắc tố giai đoạn IV, tức giai đoạn cuối, đã di căn. Cô đã trải qua rất nhiều phác đồ và các phẫu thuật lớn. Không phương pháp nào trong đó có tác dụng, và một bản án tử hình dường như là điều không tránh khỏi với cô ấy, trước khi được thử nghiệm với T-VEC vào năm 2010.

“Khi bạn biết rằng bạn chỉ có thể có từ 3 đến 6 tháng để sống, nó là rất đáng sợ,” Wells nói. “Tôi sẽ không sống đến ngày nay nếu tôi không được chấp nhận vào thử nghiệm T-VEC. Tiến sĩ Chesney và Trung tâm Ung thư James Graham Brown đã cứu sống tôi.”

Trong suốt 2 năm rưỡi điều trị, Wells lái xe đến Louisville 2 tuần 1 lần để được tiêm vào hơn 60 vết thương trên chân cô. Các vết thương mờ dần và cuối cùng đã biến mất cùng với khối u. Và cô đã được nhận kết luận không còn dấu hiệu ung thư từ cuối năm 2012.

TIN MỪNG: Ngày 27 tháng 10 vừa qua, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), và 4 ngày trước đó, Cơ quan y tế châu Âu (EMA) đã chấp thuận cho T-VEC trở thành 1 liệu pháp chính thống trong điều trị ung thư.

Đón xem LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH – KỲ 2: NÂNG HOẠT ĐỘNG MIỄN DỊCH – CON DAO 2 LƯỠI.

Chịu trách nhiệm thông tin: Nguyễn Cao Luân.

Tài liệu tham khảo:

Andtbacka, R.H., et al., Talimogene Laherparepvec Improves Durable Response Rate in Patients With Advanced Melanoma. J Clin Oncol, 2015. 33(25): p. 2780-8.

Kelly, E. and S.J. Russell, History of oncolytic viruses: genesis to genetic engineering. Mol Ther, 2007. 15(4): p. 651-9.

Chaplin, D.D., Overview of the immune response. J Allergy Clin Immunol, 2010. 125(2 Suppl 2): p. S3-23.

First successful study of virus attack on cancer. 2015; Available from: http://www.sciencedaily.com/releases/2015/05/150528163139.htm.

Ledford, H. First cancer-fighting virus approved. 2015; Available from: http://www.nature.com/news/cancer-fighting-viruses-win-approval-1.18651

Bệnh Herpes. Available from: http://www.camnangbenh.com/benh-herpes/.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm