II. TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH TRỤ CỘT TINH THẦN
Với một tinh thần khoẻ mạnh và tích cực, cơ thể chúng ta sẽ phòng bệnh tốt hơn và các mối quan hệ xã hội cũng tốt đẹp hơn
1. “Tắm rửa” cho tinh thần
Tại sao cần tắm rửa cho tinh thần?
Hàng ngày chúng ta đều nhớ tắm rửa cho cơ thể của mình, làm sạch những bụi bẩn của cả ngày và ướm lên cơ thể một lớp mùi hương dễ chịu. Tinh thần cũng cần được chăm lo như thể chất vậy, cũng cần gạn bỏ những gì tiêu cực đã trải qua trong ngày và ươm mầm lên đó những điều tích cực tươi đẹp.
Hành động:
Sau đây là một số gợi ý bạn có thể chọn thực hiện:
- Chia sẻ với người khác về suy nghĩ và cảm xúc của mình, có thể đón nhận góc nhìn mới từ chia sẻ phản hồi của người nghe.
- Viết nhật ký những điều đang có trong đầu. Sau khi viết ra, bạn có thể thử nhìn lại dưới một cái nhìn tổng quan hơn, tìm ra ý nghĩa tích cực hay bài học từ câu chuyện trải qua của mình.
- Thể hiện điều đang nghĩ thông qua phương tiện nghệ thuật: tô vẽ/ làm văn thơ/ca hát/ nhảy múa… Đây là các phương tiện trung gian rất hữu ích cho những ai cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ hay cảm xúc của mình. Sau khi nhìn lại tác phẩm, bạn có thể tự rút ra một điều gì đấy cho bản thân.
- Đọc sách/ nghe đài (podcast)/ xem chương trình về nuôi dưỡng bản thân mà bạn thấy phù hợp với mình.
- Nghe nhạc. Bạn có thể chọn nghe những bản nhạc mang giai điệu vui tươi tích cực hoặc những bản nhạc buồn để nâng đỡ tâm trạng, tuỳ theo sở thích và bối cảnh của mình.
2. Khởi tạo niềm vui
Tại sao nên khởi tạo niềm vui?
Các nghiên cứu cho thấy rằng:
- Cười làm giảm cơn đau, có thể giúp ích cho tim và phổi của bạn, thúc đẩy thư giãn cơ bắp và có thể giảm lo lắng.
- Cảm xúc tích cực có thể làm giảm hormone stress và xây dựng sức mạnh cảm xúc.
- Các hoạt động giải trí giúp bạn dời sự tập trung ra khỏi các vấn đề, nâng cao năng lực và nhiều lợi ích khác. Ví dụ, trong một nghiên cứu quan sát các cặp song sinh, người tham gia các hoạt động giải trí ít có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hoặc chứng sa sút trí tuệ hơn so với song sinh của họ.
Hành động: Sau đây là một số gợi ý để tận hưởng cuộc sống và thư giãn:
- Làm điều gì đó mà bạn thích làm khi còn nhỏ. Ví dụ như : chạy qua các vòi phun nước, treo mình trên các thanh ngang, hoặc làm rối bằng bàn tay…
- Làm điều gì đó mà bạn luôn muốn làm. Chẳng hạn như: nướng bánh, vẽ tranh hoặc học đan. Nếu bạn không chắc chắn về cách thực hiện, hãy tham gia một lớp học hoặc tìm kiếm một câu lạc bộ dành riêng cho hoạt động này.
- Xem hoặc nghe hài. Qua video, podcast hoặc web. Hoặc cười theo cách cổ điển – đọc truyện cười.
- Mát-xa trị liệu. Mát-xa có thể làm giảm căng cơ, kích thích các chất giảm đau tự nhiên của cơ thể và tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn. Nó cũng có thể giúp bạn cảm thấy bớt lo lắng và thoải mái hơn.
- Nghỉ ngơi giữa thiên nhiên. Một bầu trời xanh, những bụi cây tươi tốt, một hồ nước đẹp. Đi bộ hay thậm chí chỉ ngắm nhìn thiên nhiên giúp làm dịu hệ thần kinh của chúng ta và giảm mệt mỏi về tinh thần.
3. Kết nối với bản thân
Tại sao cần kết nối với bản thân?
Chúng ta thường dễ bị cuốn theo guồng quay vội vã của công việc, các mối quan hệ, những đòi hỏi từ thế giới bên ngoài mà quên đi thế giới bên trong của mình. Khi những cảm xúc bên trong bị mất kết nối với ý thức bên ngoài, những triệu chứng về mặt cơ thể bắt đầu hiện ra, thường gặp là các triệu chứng đau (đầu, lưng, cổ vai gáy). Về mặt sức khoẻ tinh thần, chúng ta dễ quên đi những gì bên trong thế giới của chính mình. Mình là ai? Mình cần gì? Mình đang cảm thấy thế nào? Cảm xúc và nhu cầu của bản thân bị bỏ mặc là nguy cơ cho các rối loạn về mặt cảm xúc. Do đó, việc kết nối lại và thấu hiểu hơn về bản thân mình rất quan trọng.
Hành động:
Sau đây là một số gợi ý bạn có thể thực hiện để kết nối tốt hơn với bản thân mình:
- Viết nhật ký. Ghi lại các sự kiện, suy nghĩ và phản ứng của bản thân mặt hành vi, cảm xúc cũng như cảm giác cơ thể mình lúc đó.
- Đọc sách/ tham gia /xem các chương trình về tìm hiểu bản thân.
- Thiền. Có nhiều loại thiền khác nhau, bạn có thể tìm hiểu và trải nghiệm xem môn thiền nào phù hợp với mình hơn. Một cách đơn giản nhất, chỉ cần ngồi yên và chú tâm đến hơi thở của mình cũng là một dạng thiền.
Tác giả: ThS. Bs. Hà Thị Cẩm Hương – Bác sĩ Chuyên khoa Tâm thần, Ban y học Ruy Băng Tím
Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 03/2021
Góp ý nội dung:
TS. Trịnh Vạn Ngữ, Viện Khoa học Y sinh SoonChunHyang, ĐH SoonChunHyang, Hàn Quốc.
Mời các bạn theo dõi phần 1: Tăng cường sức mạnh cho sức khỏe thể chất
Mời các bạn theo dõi phần 3: Tăng cường sức mạnh cho sức khỏe xã hội
Tài liệu tham khảo:
McGee M. (2008). Meditation and psychiatry. Psychiatry (Edgmont (Pa. : Township)), 5(1), 28–41
https://screening.mhanational.org/content/how-keep-mental-health-journal
https://www.mhanational.org/taking-good-care-yourself
Stuckey, H. L., & Nobel, J. (2010). The connection between art, healing, and public health: a review of current literature. American journal of public health, 100(2), 254–263. https://doi.org/10.2105/AJPH.2008.156497
https://www.health.harvard.edu/healthbeat/writing-about-emotions-may-ease-stress-and-trauma