Tin đồn & Sự thậtLiệu pháp hormone thay thế: Kéo dài tuổi xuân và nguy cơ...

Liệu pháp hormone thay thế: Kéo dài tuổi xuân và nguy cơ ung thư

Hormone là gì? Cơ thể con người là một hệ thống hoạt động phức tạp, bao gồm nhiều cơ quan, bộ phận hoạt động nhịp nhàng và thống nhất với nhau. Trong đó, một phần không nhỏ có vai trò điều hòa chính là nhờ các nội tiết tố (hormone) được tiết ra từ cơ quan nội tiết. Hormone là những chất hóa học được tiết ra đi vào máu đến các tế bào, gây tác động lên các tế bào đó. Trong cơ thể chúng ta có nhiều loại hormone khác nhau và một loại hormone không thể không nhắc đến chính là hormone sinh dục. Mời xem thêm: Dự án Hormone hạnh phúc của Ruy Băng Tím Hormone sinh dục Hormone sinh dục là tên gọi chung cho nhóm bao gồm nhiều loại hormone cùng có tác động đến cấu trúc, chức năng của cơ quan sinh sản cũng như các đặc tính sinh dục ở con người. Trong khi ở nam giới, testosterone là hormone chính yếu thì ở nữ giới, nổi bật lên 2 loại hormone: estrogen và progesterone. Trong bài này, chúng tôi xin phép chỉ nói về vai trò liệu pháp hormone đối với phụ nữ. Hormone sinh dục ở phụ nữ Từ lúc sinh ra đến khi còn là một bé gái, các hormone sinh dục đã được sản xuất nhưng duy trì ở một mức độ thấp và các đặc tính sinh dục chưa phát triển. Khi bước vào tuổi dậy thì – vốn là giai đoạn chuyển tiếp để một bé gái trở thành thiếu nữ với các thay đổi ở cơ thể: vú to lên, lông ở âm hộ, các đường cong trên cơ thể rõ nét hơn và quan trọng là bắt đầu có thể đảm nhận chức năng sinh sản, cũng là lúc có sự thay đổi về sản xuất các hormone sinh dục, estrogen và progesterone lần lượt tăng, đạt mức ổn định sau vài năm đầu. Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, 2 hormone này được tiết ra và duy trì liên tục ở một mức độ hằng định, nhưng một khi bước vào tuổi mãn kinh, lượng hormone này bắt đầu sụt giảm rõ rệt, nhất là sự thiếu hụt estrogen là nguyên nhân chính cho hàng loạt các thay đổi ở cơ thể người phụ nữ, dẫn đến một số triệu chứng và hệ quả trên hình thái, sức khỏe gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Về sinh hóa – chuyển hóa:
  • Trong độ tuổi hoạt động sinh dục, estrogen do cơ thể người phụ nữ tiết ra có tác dụng bảo vệ đối với các bệnh mạch vành và mạch máu não, do đó trong độ tuổi này, người phụ nữ ít bị các bệnh lý về tim mạch hơn so với nam giới. Tuy nhiên, sau tuổi mãn kinh, suy giảm nồng độ estrogen nên tỉ lệ nguy cơ mắc các bệnh trên của nữ giới trở nên ngang bằng với nam giới.
  • Khi mãn kinh, các loại cholesterol xấu trong cơ thể tăng lên cũng làm kéo theo nguy cơ tai biến mạch máu não và tai biến bệnh mạch vành.
  • Estrogen còn có tác dụng làm chậm sự tiêu xương và tăng tiết calcitonin nên phụ nữ tuổi mãn kinh dễ mắc chứng loãng xương, dễ dẫn đến gãy xương.
Về hình thái:
  • Vóc dáng người phụ nữ nhỏ dần, lưng còng, ứ đọng mỡ nhiều nơi, da mặt nhăn nheo, mất tính đàn hồi
  • Vú nhỏ lại
  • Tử cung buồng trứng teo nhỏ lại
  • Âm đạo, âm hộ teo nhỏ, khô rát khiến giao hợp đau và dễ chảy máu
  • Rối loạn đường tiểu
  • Các triệu chứng thường gặp kèm theo: bốc hỏa (cơn nóng bừng mặt thoáng qua), chóng mặt, nhức đầu, rối loạn tâm lý, mệt mỏi, tê các đầu chi, tăng cân, rối loạn giấc ngủ…
Liệu pháp hormone thay thế là gì? Liệu pháp hormone thay thế là sử dụng những hormone này: estrogen và progesterone –  được tổng hợp nhân tạo hay tự nhiên, đưa vào cơ thể để duy trì lượng hormone khi mà cơ thể giảm sản xuất với mục đích điều trị các triệu chứng và phòng ngừa hệ quả do mãn kinh mang lại. Lược sử về liệu pháp Hormone thay thế Đầu những năm thập niên 40 của thế kỉ trước, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kì (FDA – Food and Drug Administration) đã cho phép sử dụng estrogen thay thế để điều trị các triệu chứng mãn kinh. Và hơn 60 năm sau đó, đại đa số phụ nữ đối mặt với tình trạng mãn kinh ở Mỹ đều được các bác sĩ khuyến khích sử dụng liệu pháp hormone thay thế này với niềm tin mang lại nhiều lợi ích ngoài việc điều trị triệu chứng mãn kinh, còn giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch, sa sút trí tuệ…, kéo dài vẻ đẹp tuổi thanh xuân trẻ trung cho phụ nữ lớn tuổi mà hầu như không có một tác hại gì. Cho đến những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, một số nghiên cứu được thực hiện, trong đó phải kể đến nghiên cứu lớn của tổ chức WHI (Women’s Health Initiative) ở Mỹ đã chỉ ra tác hại mà liệu pháp này mang lại nhiều hơn là lợi ích của nó, cụ thể là không có tác dụng phòng ngừa bệnh lý tim mạch hay sa sút trí tuệ như lâu nay vẫn nghĩ mà làm tăng nguy cơ một số loại ung thư có liên quan đến hormone nữ. Từ đó việc sử dụng liệu pháp này bắt đầu lắng xuống. Tuy nhiên, các nghiên cứu hay thử nghiệm lâm sàng sau đó và một số bằng chứng mới đã chỉ ra rằng, liệu pháp hormone thay thế vẫn là một lựa chọn tốt cho một số đối tượng phụ nữ, tùy thuộc vào một số yếu tố nguy cơ hay tuổi tác của họ. Các loại hormone thay thế
  • Estrogen đơn thuần: có thể ở dạng có tác dụng toàn thân như viên uống hoặc chỉ ở liều thấp có tác dụng tại chỗ với các hình thức: miếng dán da, dạng xịt, gel bôi, viên đặt âm đạo…Một số loại thuốc hay gặp ở Việt Nam: viên uống Premarin, Estrace, Estratab; miếng dán Climara, kem bôi Estraderm
  • Loại kết hợp Estrogen và Progesterone. Khi sử dụng liệu pháp này, người sử dụng có thể gặp phải một số tác dụng phụ tùy thuộc vào thành phần, hình thức sử dụng như: đau đầu, buồn nôn, đau căng vú, đau bụng, chảy máu âm đạo…Một số thuốc thường gặp: viên uống Activella, Femhrt
  • Ngoài ra trên thị trường hiện nay còn có những chế phẩm với tên gọi hormone sinh học (bio-identical hormone) được quảng bá rộng rãi vì chúng được cho là thành phần tương tự như hormone do chính cơ thể người phụ nữ tiết ra, mang lại nhiều lợi ích và ít tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên dạng chế phẩm này chưa được FDA công nhận về mặt lợi ích, an toàn cũng như tác dụng phụ mang lại cho người sử dụng.
(Lưu ý: không được tự ý mua dùng các thuốc này mà không có BS kê toa) Hormone thay thế gây ung thư? Trong độ tuổi hoạt động sinh dục, estrogen được sản xuất chính từ buồng trứng trong cơ thể người phụ nữ, nhưng khi vào tuổi mãn kinh, sự sản xuất estrogen này giảm sút đi và thay vào đó, estrogen có thể được sản xuất từ nang thượng thận, ở mô mỡ, ở cơ và gan. Vì vậy không phải tất cả phụ nữ mãn kinh đều thiếu estrogen và biểu lộ sự thiếu hụt estrogen như nhau. Hay có thể hiểu rằng các triệu chứng hay hệ quả của mãn kinh là không giống nhau về mức độ nặng, nhẹ, về diễn tiến, về thời gian kéo dài…ở tất cả phụ nữ mãn kinh. Do đó liệu pháp hormone thay thế vẫn là một lựa chọn cho một số đối tượng phụ nữ trong giai đoạn này vì mang lại một số lợi ích, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống hơn. Mời xem thêm: Ung thư là gì? Lợi ích: “Kéo dài tuổi xuân”
  • Điều trị các triệu chứng mãn kinh: cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, khô âm đạo, giảm chức năng tình dục…
  • Phòng ngừa loãng xương – gãy xương, vốn dĩ là một bệnh lý phổ biến tuổi mãn kinh.
  • Thẩm mỹ: giảm nếp nhăn, tăng độ căng, độ đàn hồi cho da.
Tuy nhiên, như một con dao hai lưỡi, bên cạnh lợi ích mang lại, liệu pháp này còn có những tác hại khôn lường nếu được sử dụng không đúng cách. Tác hại: Tăng nguy cơ mắc các bệnh
  • Sa sút trí tuệ.
  • Đột quỵ, nhồi máu, huyết khối.
  • Ung thư vú: tăng nguy cơ mắc bệnh, tăng mức độ diễn tiến bệnh và khó chẩn đoán hơn so với người không sử dụng.
  • Ung thư nội mạc tử cung: đối với chế phẩm estrogen đơn thuần.
  • Ung thư buồng trứng.
Có nên sử dụng liệu pháp hormone thay thế? Lợi ích liệu pháp này mang lại lớn hơn nguy cơ nếu người sử dụng có tình trạng sức khỏe tốt và có:
  • Triệu chứng mãn kinh nặng nề, gây khó chịu hay không thể chịu được.
  • Tình trạng loãng xương sau mãn kinh không được cải thiện với các điều trị khác.
  • Mãn kinh trước 40 tuổi hay suy giảm chức năng buồng trứng trước 40 tuổi. Vì ở những đối tượng này nếu không sử dụng liệu pháp hormone thay thế cho đến ít nhất 45 tuổi sẽ có nguy cơ cao mắc phải: loãng xương, bệnh mạch vành, bệnh Parkinson hay trầm cảm, lo lắng.
Đối tượng phụ nữ nên tránh sử dụng liệu pháp này nếu có các tình trạng sau vì nguy cơ mang lại lớn hơi lợi ích: Có tiền căn hay đang mắc các bệnh lý:
hormone thay the
Lợi và hại khi dùng hormone thay thế. Nguồn: Internet
Kết luận Liệu pháp hormone thay thế không hoàn toàn tốt và cũng không hoàn toàn xấu. Việc sử dụng liệu pháp này phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe, tuổi mãn kinh của người phụ nữ. Chúng tốt nếu dùng cho đúng người, đúng thời điểm, đúng lí do và ngược lại. Chúng ta không nên tự ý sử dụng mà hãy tham khảo với bác sĩ và chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, nên kết hợp một số phương pháp khác, cũng đồng thời giúp cải thiện sức khỏe, tâm lý, vóc dáng cho phụ nữ mãn kinh như: chế độ dinh dưỡng hợp lý, thể dục thể thao, yoga, thiền. Đối với các vấn đề sức khỏe như loãng xương có thể điều trị đặc hiệu bằng một số loại thuốc đã được công nhận và tăng cường chế độ ăn giàu canxi, vitamin D, khoáng chất trước khi sử dụng liệu pháp hormone thay thế. Mời xem thêm: Vitamin D có thực sự ngăn ngừa và chữa trị được bệnh ung thư? Tại thị trường Việt Nam hiện tại, ngoài các thuốc hormone đã được công nhận cũng có nhiều loại thực phẩm chức năng, chế phẩm nội ngoại nhập có chứa nội tiết tố nữ, được bày bán quảng cáo với thành phần nội tiết tố chiết xuất từ thiên nhiên như “dạng estrogen tự nhiên, tác dụng nhanh, trả lại tuổi thanh xuân, tăng cảm xúc vợ chồng và không gây các tác dụng phụ cho cơ thể…” Nhưng thật sự thành phần, hiệu quả và tác dụng phụ của những sản phẩm này chưa được kiểm định chắc chắn, cũng như chưa có bằng chứng khoa học xác thực. Hãy là một người sử dụng thông thái bằng cách chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ hay tham khảo ý kiến của chuyên gia. Mời xem thêm: Sự thật về tác dụng điều trị ung thư của Fucoidan
Tài liệu tham khảo
  •   http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menopause/in-depth/hormone-therapy/art-20046372?pg=1
  •   http://www.webmd.com/menopause/guide/menopause-hormone-therapy
  •   Sách Sản Phụ khoa tập 2 – Đại học Y dược Tp HCM
  •   https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/hormones/mht-fact-sheet
  •   http://www.cancer.org/cancer/cancer-causes/medical-treatments/menopausal-hormone-replacement-therapy-and-cancer-risk.html
  •   https://www.womentowomen.com/bioidenticals-and-hrt/history-of-hormone-replacement-therapy-hrt/
  •   http://www.huffingtonpost.com/david-katz-md/hormone-replacement-_b_847884.html
  • Tác giả và chuyên gia

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here

    Nhận bảng tin từ chúng tôi

    LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

    BÀI VIẾT MỚI NHẤT

    Có thể bạn quan tâm