Tin đồn & Sự thậtVi nhựa trong chai thủy tinh nhiều hơn chai nhựa? - Tin...

Vi nhựa trong chai thủy tinh nhiều hơn chai nhựa? – Tin đồn hay sự thật

Một nghiên cứu gần đây của Cơ quan An toàn Thực phẩm Pháp (ANSES) đã khiến nhiều người bất ngờ: các chai thủy tinh đựng đồ uống chứa nhiều vi nhựa hơn cả chai nhựa hoặc lon kim loại. Cụ thể, các loại nước giải khát như nước ngọt, nước chanh, trà đá và bia trong chai thủy tinh có trung bình khoảng 100 hạt vi nhựa mỗi lít, cao gấp 5 đến 50 lần so với chai nhựa hoặc lon. Điều này dễ khiến người tiêu dùng hoang mang vì lâu nay chúng ta vẫn tin rằng “chai thủy tinh sạch hơn chai nhựa” và thân thiện với môi trường hơn. Vậy chuyện gì đang xảy ra?

Hiểu về vi nhựa – một nguy cơ sức khỏe toàn cầu

“Nhựa” từng được xem là phát minh mang tính cách mạng nhờ độ bền, nhẹ, rẻ và đa dụng. Sản lượng nhựa đã tăng từ 1,5 triệu tấn vào thập niên 1950 lên đến 400 triệu tấn vào năm 2022. Tuy nhiên, nhựa dùng một lần và hệ thống quản lý rác thải kém đã khiến nhựa trở thành một trong những chất gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Khi bị phân hủy, nhựa tạo ra vi nhựa (microplastics) và nhựa nano, có mặt trong gần như mọi hệ sinh thái – từ đại dương đến núi tuyết, từ nước uống đến thực phẩm. Do kích thước siêu nhỏ, vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể người qua hô hấp, ăn uống hoặc thẩm thấu qua da. Trong đó, ăn uống là con đường phơi nhiễm chính. Vi nhựa có thể gây:
  • Viêm, tổn thương tế bào, rối loạn miễn dịch
  • Ảnh hưởng hệ vi sinh vật đường ruột
  • Mang theo các chất độc như BPA, phthalates, kim loại nặng – có khả năng gây rối loạn nội tiết, ung thư, vô sinh

Vì sao chai thủy tinh lại chứa nhiều vi nhựa?

Quay trở lại với nghiên cứu của Cơ quan An toàn Thực phẩm Pháp (ANSES), nhóm tác giả phát hiện rằng các chai thủy tinh chứa nhiều vi nhựa hơn đáng kể so với chai nhựa hoặc lon kim loại. Kết quả này khiến nhiều người ngạc nhiên – không chỉ vì đi ngược với quan điểm phổ biến rằng thủy tinh là vật liệu “sạch”, mà còn trái với một số nghiên cứu trước đó, chẳng hạn như nghiên cứu của Kankanige và Babel (2020) đăng trên Science of The Total Environment, cho thấy nước trong chai thủy tinh có chứa ít vi nhựa hơn so với nước trong chai nhựa. Tuy nhiên, khi phân tích sâu hơn, nhóm nghiên cứu của ANSES nhận thấy sự khác biệt đáng kể này không xuất phát từ chất liệu thủy tinh, mà từ nắp kim loại của chai. Cụ thể, họ ghi nhận tất cả các loại đồ uống (nước, nước ngọt, trà, bia…) đóng trong chai thủy tinh đều bị nhiễm vi nhựa nhiều hơn các bao bì khác, ngoại trừ rượu vang, vì loại đồ uống này sử dụng nút bần thay cho nắp kim loại. Các hạt vi nhựa được tìm thấy trong chai thủy tinh có màu sắc và thành phần polymer trùng khớp với lớp sơn bên ngoài của nắp, vốn thường làm từ sơn polyester (PES/PET) hoặc nhựa nhiệt rắn alkyd. Để kiểm tra giả thuyết này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm bằng cách sử dụng chai sạch và nắp mới, đổ đầy nước vào và đóng nắp – kết quả vẫn phát hiện vi nhựa trong nước, với đặc điểm giống lớp sơn trên nắp. Hơn nữa, khi tiến hành tiền xử lý nắp bằng cách thổi khí và rửa bằng nước/cồn/nước, số lượng vi nhựa trong chai sau khi đóng nắp giảm gần 3 lần so với các nắp không xử lý. Điều này cho thấy rõ lớp sơn trên nắp chai chính là nguồn chính gây ô nhiễm vi nhựa. Quan sát dưới kính lúp, họ còn phát hiện các vết trầy xước trên bề mặt ngoài của nắp, cũng như các mảnh sơn bong ra và dính vào mặt trong nắp – nhiều khả năng do quá trình vận chuyển hoặc lưu trữ số lượng lớn nắp trong bao bì tập thể, khiến các nắp va chạm và gây mài mòn.
vi nhua trong thuy tinh
Hình: Quan sát thấy các vết nứt trên mặt ngoài của nắp mới (cột A) và các hạt màu vàng trên mặt trong của nắp mới (cột B & C).
(Nguồn: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0889157525005344)
Do vậy, chúng ta nên hiểu nghiên cứu này một cách đúng đắn và “không “quay lưng” với chai thủy tinh đó là:
  • Chai thủy tinh bản thân không tạo ra vi nhựa.
  • Vi nhựa có thể đến từ nắp chai, dây chuyền đóng gói, điều kiện bảo quản, chứ không phải từ chất liệu thủy tinh.
  • Việc nghiên cứu và phát hiện ra nguồn vi nhựa từ nắp chai là một bước tiến quan trọng, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các yếu tố gây ô nhiễm tiềm ẩn, ngay cả trong sản phẩm tưởng như “an toàn” nhất.
Thủy tinh vẫn là vật liệu tốt, có thể tái sử dụng và ít nguy cơ thôi nhiễm nếu quy trình sản xuất, đóng gói, bảo quản được kiểm soát kỹ. Người tiêu dùng không nên quá lo lắng, nhưng nên ủng hộ các giải pháp cải thiện đóng gói sạch, an toàn hơn và hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần khi có thể.

Tài liệu tham khảo

  1. ANSES. (2025). Microplastic contamination in beverages linked to bottle caps: A potential source identified. Food and Chemical Toxicology, 188, 113978.
  1. Kankanige, D., & Babel, S. (2020). Contamination of drinking water by microplastics: A systematic study using different packaging materials. Science of The Total Environment, 739, 140365.
  1. Schymanski, D., Goldbeck, C., Humpf, H.-U., & Fürst, P. (2018). Analysis of microplastics in water by micro-Raman spectroscopy: Release of plastic particles from different packaging into mineral water. Water Research, 129, 154–162.
  1. Prata, J. C., da Costa, J. P., Lopes, I., Duarte, A. C., & Rocha-Santos, T. (2020). Environmental exposure to microplastics: An overview on possible human health effects. Science of The Total Environment, 702, 134455. 
  1. Sun, J., & Wang, Y. (2023). Human exposure to micro- and nanoplastics: Routes, health effects and risk assessment. Journal of Hazardous Materials, 451, 131131. 

Tác giả và chuyên gia

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Nhận bảng tin từ chúng tôi

LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Có thể bạn quan tâm