UNG THƯ GAN
- Tổng quan về ung thư gan
Ung thư có thể bắt nguồn từ bất kì vị trí nào trên cơ thể. Ung thư gan xuất phát từ gan, đó là khi tế bào gan phát triển vượt ra khỏi kiểm soát và chèn ép các tế bào khác, điều này làm cho gan khó có có thể hoạt động một cách bình thường.
Ung thư gan là bệnh phổ biến ở các nước vùng Đông Á, Đông Nam Á và châu Phi, ít gặp ở châu Âu và châu Mỹ. Đây là một bệnh nặng, tiên lượng xấu, thời gian sống còn ngắn.
Theo Glococan 2012 (Cơ quan ghi nhận ung thư toàn cầu) thì ung thư gan xếp thứ 7 về tỉ lệ hiện mắc nhưng có tỉ lệ tử vong cao, xếp thứ hai trên thế giới chỉ sau ung thư phổi. Riêng tại Việt Nam thì ung thư gan đứng thứ hai tỉ lệ hiện mắc và tỉ lệ tử vong, cũng sau ung thư phổi, ước tính mỗi năm có hơn 20.000 trường hợp tử vong do ung thư gan.[1]
Thường gặp nhất là ung thư tế bào gan (hepatocellular carcinoma – HCC) và ung thư đường mật (cholangiocarcinoma), hiếm gặp Angiosarcoma và Hemangiosarcoma (đều xuất phát từ tế bào lót trong mạch máu) và Hepatoblastoma (cực kì hiếm gặp, phát hiện ở trẻ em).
Tuy nhiên, phần lớn các loại ung thư được tìm thấy trong gan không xuất phát từ gan mà là từ một nơi khác trong cơ thể, chúng được gọi là ung thư gan thứ phát và sẽ không được nhắc đến trong những phần tiếp theo.
Ngoài ra còn có nhiều loại bướu lành tính như U máu (Hemangioma), U tuyến trong gan (Hepatic adenoma), U tăng sản dạng khối lành tính (Focal nodular hyperplasia).
- Yếu tố nguy cơ
Yếu tố nguy cơ là những gì làm tăng khả năng mắc bệnh của một người. Những loại ung thư khác nhau có những yếu tố nguy cơ khác nhau, một số thay đổi được (như hút thuốc), một số khác không thay đổi được (như tuổi tác, giới tính, yếu tố gia đình). Nhưng yếu tố nguy cơ không phải là tất cả. Có nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa là chắc chắn sẽ mắc bệnh, ngược lại, có những người mắc bệnh mà không có yếu tố nguy cơ nào.
Các nhà khoa học đã tìm ra vài yếu tố nguy cơ có thể làm người ta dễ bị ung thư tế bào gan (HCC) hơn
- Giới tính: HCC gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới, có thể là do ảnh hưởng của những yếu tố nguy cơ bên dưới.
- Chủng tộc: người châu Á có nguy cơ cao hơn người Nam Mỹ, châu Phi và người da trắng.
- Viêm gan mạn tính (HBV và HCV): yếu tố nguy cơ thường gặp nhất, chúng dẫn tới xơ gan và là nguyên nhân làm ung thư gan là một trong những loại ung thư phổ biến nhất thế giới (đặc biệt là ở Việt Nam). Nguy cơ này thậm chí còn cao hơn nếu uống rượu nhiều (ít nhất 6 đơn vị chuẩn/ngày).
- Xơ gan: xơ gan là tình trạng tế bào gan bị tổn thương và được thay thế bằng mô sợi, phần lớn các trường hợp xơ gan xảy ra ở người nghiện rượu hay nhiễm HBV/HCV mãn tính.
- Bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu: là tình trạng thường gặp ở người béo phì, bệnh lý này có thể tiến triển đến xơ gan và cuối cùng là ung thư gan.
- Xơ hóa đường mật nguyên phát: một số bệnh lý tự miễn ảnh hưởng đến gan có thể gây xơ gan và làm tăng nguy cơ ung thư.
- Bệnh lý chuyển hóa di truyền: bệnh lý ứ sắt di truyền gây hấp thu quá nhiều sắt và tích tụ ở khắp nơi trong cơ thể, tại gan có thể dẫn tới xơ gan và ung thư gan.
- Lạm dụng rượu: gây xơ gan do rượu và dẫn tới ung thư gan.
- Aflatoxins: chất gây ung thư sản xuất bởi nấm Aspergillus nhiễm vào đậu phộng, lúa mì, gạo và ngô…
- Tiếp xúc lâu dài với Vinyl chlroride trong nhựa và chất cản quang Thorotrast, hiện tại Thorotrast đã không còn được sử dụng và việc tiếp xúc của công nhân sản xuất nhựa với Vinyl Chloride cũng được hạn chế nghiêm ngặt.
- Steroid tổng hợp: đây là loại hormone được sử dụng bởi vận động viên để tăng sức khỏe và khối cơ, tiếp xúc lâu dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư tế bào gan. Những loại steroid giống cortisone như hydrocortisone, prednisone không có nguy cơ này.
- Arsenic: từ nước giếng hay nước nhiễm khuẩn có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan.
- Nhiễm ký sinh trùng như sán máng: làm tổn thương gan và tăng nguy cơ ung thư gan.
- Hút thuốc là cũng làm tăng nguy cơ ung thư gan hơn là người không hút thuốc.
- Một số loại bệnh hiếm gặp như Tyrosinemia (tăng nồng độ tyrosin máu di truyền), bệnh thiếu alpha-1-antitrypsin, bệnh Wilson (ứ đồng).
- Triệu chứng
Triệu chứng của ung thư gan rất mơ hồ,bệnh nhân có thể đến khám vì các lý do sau:
- Đau bụng mơ hồ, nặng tức vùng hạ sườn phải, đau có thể lan lên vai phải.
- Thể trạng có thể suy nhược, khó ở, chán ăn, sụt cân.
- Sờ thấy gan to hoặc khối u dưới sườn phải.
- Có các triệu chứng của suy gan nặng như báng bụng, vàng da, vàng mắt, ngứa da, xuất huyết tiêu hóa, tri giác lơ mơ.
- Thỉnh thoảng có trường hợp bệnh nhân bị số do xuất huyết ổ bụng do bướu gan vỡ.
- Tuy vậy không ít các trường hợp không có triệu chứng đáng kể, được phát hiện tình cơ qua khám sức khỏe hoặc đi khám vì một bệnh khác (được siêu âm bụng tổng quát).
- Chẩn đoán
Sau khi hỏi và khám bệnh, nếu hướng đến ung thư gan, các bác sĩ sẽ cho thực hiện một số xét nghiệm để giúp chẩn đoán, như là:
Siêu âm bụng: đối với xét nghiệm này, một đầu dò nhỏ sẽ được di chuyển trên da, phát ra sóng âm và thu nhận sóng âm phản hồi từ cơ thể, từ đó tạo ra một hình ảnh trên màn hình vi tính. Xét nghiệm này thường là xét nghiệm đầu tay được sử dụng để kiểm tra gan.
CT-scan: Sử dụng tia X để tạo ra những hình ảnh chi tiết của cơ thể, nó có thể thể hiện kích thước, hình dạng và vị trí của bất kì khối u nào trong gan hoặc gần đó.
MRI: Sử dụng từ trường thay cho tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết, MRI có thể thể hiện rõ hơn các mạch máu trong gan, qua đó biết được ung thư gan đã xâm lấn chưa.
Dấu ấn sinh học AFP, với ngưỡng cut-off 20ng/ml có độ nhạy 78.9% và độ đặc hiệu 78.1% trong chẩn đoán ung thư tế bào gan (HCC).[2]
Khảo sát chức năng gan: các xét nghiệm sinh hóa: AST, ALT, GGT, Bilirubin, Albumin, XN đông máu.
Khảo sát nguyên nhân: xét nghiệm viêm gan B,C bằng HBsAg, Anti-HCV.
Sinh thiết gan: Bác sĩ sẽ cần lấy một mẫu nhỏ mô và kiểm tra xem nó có phải là tế bào ung thư không. Có nhiều loại sinh thiết, và việc lựa chọn chúng tùy vào tình trạng của bệnh nhân. Thỉnh thoảng hình ảnh ung thư gan có thể thấy được rõ ràng trên CT-scan hay MRI, lúc này không cần thực hiện sinh thiết.
- Giai đoạn
Tế bào ung thư trong mẫu sinh thiết sẽ được phân độ. Điều này giúp bác sĩ dự đoán được tốc độ tế bào ung thư có thể phát triển và lan rộng. Tế bào ung thư được phân độ dựa theo mức độ biến đổi của chúng so với tế bào bình thường, chia thành độ 1, độ 2 và độ 3. Các tế bào khác tế bào bình thường càng nhiều thì càng được phân độ cao hơn và có khuynh hướng phát triển nhanh hơn. Phân độ này cũng có ảnh hưởng đến phương thức điều trị.
Việc xếp giai đoạn ung thư gan thường được thực hiện nhờ CT-scan hay MRI.Giai đoạn ung thư cho thấy mức độ phát triển hay lan rộng của ung thư trong gan, nó cũng thể hiện liệu ung thư có lan tràn đến những cơ quan khác trong cơ thể hay không? Ung thư được phân thành 4 giai đoạn, con số càng nhỏ thì ung thư càng ít lan rộng.
Phân độ và giai đoạn cụ thể của ung thư gan (theo AJCC phiên bản 7)[3]
Bướu | Định nghĩa |
Tx | Chưa xác định được bướu nguyên phát |
T0 | Không thấy bướu nguyên phát |
T1 | Bướu đơn độc không có xâm lấn mạch máu |
T2 | Bướu đơn độc có xâm lấn mạch máu hoặc nhiều khối bướu kích thước không lớn hơn 5cm |
T3a | Nhiều bướu, lớn hơn 5cm |
T3b | Một bướu hoặc nhiều bướu ở mọi kích thước, có xâm lấn vào nhánh chính của tĩnh mạch cửa hay tĩnh mạch gan |
T4 | Những khối bướu có xâm lấn trực tiếp vào cơ quan lân cận, không tính túi mật hoặc gieo rắc vào phúc mạc bụng. |
Hạch | Định nghĩa |
Nx | Hạch vùng không đánh giá được |
N0 | Không di căn vào hạch vùng |
N1 | Có di căn vào hạch vùng. |
Di căn xa | Định nghĩa |
M0 | Không có di căn xa |
M1 | Di căn xa |
Giai đoạn | Định nghĩa |
I | T1, N0, M0 |
II | T2, N0, M0 |
IIIA | T3a, N0, M0 |
IIIB | T3b, N0, M0 |
IIIC | T4, N0, M0 |
IVA | Bất kỳ T, N1, M0 |
IVB | Bất kỳ T, bất kỳ N, M1 |
Phân độ tế bào học
G1 Biệt hóa tốt
G2 Biệt hóa trung bình
G3 Biệt hóa kém
G4 Không biệt hóa
- Điều trị
Có nhiều cách để điều trị ung thư, nhưng chủ yếu là phẫu thuật, bào mòn (hủy) khối u, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích và hóa trị. Thường thì người ta kết hợp nhiều cách lại.
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào giai đoạn và phân độ của ung thư, tuổi, những vấn đề sức khỏe khác và tác dụng phụ của từng loại điều trị.
Phẫu thuật là cách duy nhất có thể chữa trị hoàn toàn ung thư gan. Phẫu thuật có thể cắt bỏ một phần gan chứa khối u hoặc thực hiện ghép gan, nhưng có nhiều nguy cơ biến chứng hơn những cách điều trị khác, đồng thời không phải loại ung thư nào cũng có thể phẫu thuật được.
Bào mòn khối u (tumor ablation) phá hủy khối u mà không lấy nó ra. Có một số cách có thể thực hiện như là đốt nóng khối u bằng sóng cao tần hoặc sóng ngắn, đông lạnh khối u hoặc tiêu diệt khối u bằng cách tiêm cồn vào nó.
Xạ trị sử dụng những tia năng lượng cao (tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư. Người ta có thể sử dụng máy bắn tia X từ ngoài cơ thể hoặc sử dụng một kim nhỏ có chứa chất phóng xạ đưa vào trong mạch máu lớn gần khối u. Tác dụng phụ của nó tùy thuộc vào loại xạ trị được sử dụng, chủ yếu là những thay đổi trên da và cảm giác mệt mỏi, chúng sẽ giảm sau khi đợt điều trị kết thúc nhưng cũng có thể kéo dài lâu hơn.
Liệu pháp ngắm trúng đích là một phương pháp mới hơn có thể được sử dụng trên một số loại ung thư. Những loại thuốc này chỉ tác động lên tế bào ung thư mà bỏ qua những tế bào bình thường. Những loại thuốc này cũng có tác dụng phụ nhưng thường không quá nặng như hóa trị.
Hóa trị sử dụng thuốc để chống lại ung thư, những loại thuốc này sẽ được đưa qua đường tĩnh mạch và đi khắp cơ thể. Hóa trị thực hiện theo chu kỳ, giữa hai chu kỳ điều trị là một khoảng nghỉ. Hóa trị có thể làm bệnh nhân cảm thấy rất mệt mỏi, đầy bụng và rụng tóc, nhưng điều này thường hết sau khi kết thúc việc điều trị.
Điều trị ung thư gan giai đoạn I-II:
Trong trường hợp các điều kiện về thể trạng thuận lợi, không bệnh lý nội khoa đi kèm, có thể phẫu thuật cắt một phần gan, hoặc cắt toàn bộ rồi ghép gan.
Nếu không thuận lợi có thể dùng phương pháp phá hủy bướu tại chỗ như đốt nóng khối u bằng sóng cao tần hoặc sóng ngắn, đông lạnh khối u hoặc tiêu diệt khối u bằng cách tiêm cồn vào nó.
Điều trị ung thư gan giai đoạn III:
Bác sĩ có thể sử dụng phương pháp bơm hóa chất vào động mạch gan đến trực tiếp khối bướu, bơm chất làm thuyên tắc động mạch nuôi khối bướu, sử dụng đồng vị phòng xạ bơm vào khối u.
Điều trị ung thư gan giai đoạn IV: hóa trị, nhắm trúng đích hay chăm sóc giảm nhẹ.
- Tiên lượng
Tiên lượng của ung thư gan khá xấu, đối với giai đoạn I và II, tỉ lệ sống còn sau 5 năm khoảng 31%.[4]
Giai đoạn III-IV thời gian sống còn khoảng 3-5 tháng.
- Tái khám
Sau khi việc điều trị đã kết thúc, bạn sẽ phải tái khám bác sĩ thường xuyên, mỗi 3-6 tháng trong 2 năm đầu, sau đó mỗi 6-12 tháng. Bác sĩ sẽ hỏi về những triệu chứng bạn có thể có và cho làm các xét nghiệm để kiểm tra xem ung thư có quay trở lại hay không.
- Tầm soát
Những đối tượng nhiễm HBV/HCV, bệnh nhân xơ gan, trong gia đình có người mắc ung thư gan, hoặc những người muốn tầm soát ung thư gan có thể được tầm soát bằng siêu âm bụng và xét nghiệm AFP/máu định kỳ mỗi 3-6 tháng.
- Phòng ngừa
- Tiêm vaccine phòng ngừa virus HBV, thực hiện các biện pháp phòng tránh nhiễm HBV/HCV và điều trị nếu đã nhiễm.
- Hạn chế uống rượu và hút thuốc lá.
- Giữ cân nặng và chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường khói thuốc lá và các chất độc hại.
- Phát hiện và điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Xem thêm: Ung thư gan: triệu chứng, yếu tố nguy cơ, dự phòng & điều trị – BS Đoàn Bảo Phương
Chịu trách nhiệm nội dung: BS Đoàn Bảo Phương
- Tài liệu tham khảo
[1] http://globocan.iarc.fr/Pages/fact_sheets_population.aspx
[2] Taketa K. Alpha-fetoprotein. J Med Technol. 1989;33:1380
[4] https://www.cancer.org/cancer/liver-cancer/detection-diagnosis-staging/survival-rates.html
[5] https://www.cancer.org/cancer/liver-cancer.html