Trong thời gian vừa qua, báo chí Việt Nam và thế giới có một loạt bài viết với nội dung xoay quanh một công bố mới nhất về liệu pháp miễn dịch tế bào T và khiến người đọc cho rằng liệu pháp này đã trở thành một phương pháp chữa trị hữu hiệu cho căn bệnh ung thư. Tuy nhiên điều đó có hoàn toàn đúng?
Thông tin này xuất phát từ một hội nghị khoa học tại Washinton, Hoa Kỳ. Tại hội nghị này, nhóm nghiên cứu đến từ trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson, Seattle đã trình bày nghiên cứu về việc lấy các tế bào miễn dịch chuyên biệt từ bệnh nhân bị ung thư máu, biến đổi các tế bào này trong phòng thí nghiệm và tiêm trở lại cơ thể bệnh nhân (Chimaeric Antigen Receptor T-Cells- CAR T-cells). Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra kết quả của thử nghiệm lâm sàng ban đầu lên một nhóm bệnh nhân ung thư máu. Kết quả cho thấy hiệu quả ấn tượng ở một số bệnh nhân. Tuy các thử nghiệm lâm sàng nay chưa được công bố trên các tạp chí khoa học nhưng nó cũng đã được xác thực bởi các chuyên gia.
Vậy có phải liệu pháp này là câu trả lời cho căn bệnh ung thư?
Thực sự, chúng ta vẫn chưa thể có câu trả lời chính xác lại thời điểm này.
Tăng cường khả năng của các tế bào miễn dịch, hướng chúng tấn công các tế bào ung thư là một hướng đi đầy hứa hẹn và được nhiều nhà khoa học tập trung nghiên cứu. Một số thuốc miễn dịch đã được National Health Service, Anh Quốc sử dụng cho kết quả rõ rệt ở một số nhóm bệnh nhân nhất định. Tuy nhiên tại thời điểm này, liệu pháp miễn dịch vẫn chưa được xem là một phương pháp chuẩn để có thể trị dứt điểm căn bệnh ung thư. Chúng ta cần nắm rõ một số vấn đề chính trong nghiên cứu của nhóm tác giả từ trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson để có cái nhìn chính xác và đầy đủ hơn về liệu pháp miễn dịch.
Thứ nhất là nhóm đối tượng nghiên cứu. Đối tượng trong thử nghiệm trên là các bệnh nhân bệnh ung thư máu bao gồm bệnh bạch cầu lympho bào cấp tính, bệnh bạch cầu lympho bào mãn tính và bệnh lympho non-Hodgkin. Nhiều phương tiện truyền thông tập trung vào con số 9 trên 10 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu lympho bào cấp tính thuyên giảm sau khi áp liệu pháp tế bào miễn dịch. Tuy nhiên báo cáo các nhà nghiên cứu cũng cho thấy chỉ một nửa số bệnh nhân các dạng ung thư máu khác cho hiệu quả tích cực. Đặc điểm của ung thư máu là chúng không tạo thành các khối u rắn như các dạng ung thư khác. Chính vì đặc điểm này nên các tế bào ung thư máu dễ dàng trở thành mục tiêu của tế bào miễn dịch. Việc áp dụng phương pháp này vào các khối u ung thư rắn sẽ gặp nhiều trở ngại hơn.
Thứ hai, chúng ta phải phân biệt giữa việc các bệnh nhân có phản hồi tích cực với liệu pháp miễn dịch và việc bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn. Các kết quả từ nghiên cứu trên mới chỉ được thử nghiệm lâm sàng trên một nhóm nhỏ bệnh nhân và trong một thời gian ngắn. Nghiên cứu cho thấy sau khi áp dụng liệu pháp miễn dịch, các triệu chứng của ung thư máu bắt đầu suy giảm. Tuy nhiên để có thể xác định được bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn, cần có các nghiên cứu sâu hơn và thời gian kéo dài hơn.
Thứ ba là các tác dụng phụ. Việc điều trị và tiêu diệt các tế bào ung thư luôn là một con dao hai lưỡi. Hệ thống miễn dịch là một vũ khí mạnh, và vì những phản ứng mạnh mẽ của phản ứng miễn dịch, bệnh nhân khi được sử dụng phương pháp điều trị này có thể đối mặt với các tác dụng phụ rất nghiêm trọng Trong các thử nghiệm mới nhất, báo cáo đã chỉ ra 7 trong số 35 bệnh nhân thử nghiệm gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, với 2 trường hợp tử vong. Rõ ràng , cần có nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu về cách cơ thể phản ứng với liệu pháp và cũng như tìm cách kiểm soát các phản ứng miễn dịch. Ngoài ra, các ảnh hưởng lâu dài của việc phương pháp điều trị này cũng cần được nghiên cứu.
Kết luận
Có thể nói liệu pháp miễn dịch trong tương lai sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị ung thư. Đó là một điều mà các nhà khoa học biết chắc chắn. Nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson cũng như các nghiên cứu khác đang dần xây dựng nền tảng để có thể đưa các liệu pháp miễn dịch vào ứng dụng lâm sàng. Tuy nhiên, đó vẫn còn là một quá trình lâu dài đòi hỏi nhiều nghiên cứu về nhiều mặt. Chúng ta cần phải làm rõ:
- Liệu pháp miễn dịch có thể áp dụng cho nhóm ung thư nào
- Hiệu quả của liệu pháp miễn dịch so với các liệu pháp khác
- Các tác dụng phụ cấp tính cũng như lâu dài
Hy vọng rằng với nỗ lực của các nhà nghiên cứu, trong tương lai không xa chúng ta có thể sử dụng liệu pháp miễn dịch như một phương pháp chữa trị hiệu quả căn bệnh ung thư.
Chịu trách nhiệm thông tin: Lâm Thái Thành
Tài liệu tham khảo
Fighting Cancer and Chronic Infections with T Cell Therapy: Promise and Progress; The American Association for the Advancement of Science Annual Meeting
http://scienceblog.cancerresearchuk.org/2016/01/19/engineering-a-cancer-fighting-immune-super-soldier/
http://scienceblog.cancerresearchuk.org/2016/02/16/immunotherapy-cancer-cure-headlines-distract-from-fascinating-science/
Các bạn quan tâm có thể tìm hiểu thêm về quá trình nghiên cứu và phát triển các liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư lại đường link này: http://www.cancerresearch.org/our-strategy-impact/timeline-of-progress/timeline-detail