Tin đồn & Sự thậtHiểu đúng về việc sử dụng cần sa điều trị ung thư...

Hiểu đúng về việc sử dụng cần sa điều trị ung thư và chăm sóc giảm nhẹ

1. Ma túy và Cần Sa Ma túy là thuật ngữ dùng chung cho các chất có nguồn gốc tự nhiên (như Morphine, Cocaine, Cần Sa…), bán tổng hợp (như Heroin) hoặc tổng hợp (như các chất thuộc nhóm Amphetamin) có tác dụng lên thần kinh, gây cảm giác hưng phấn, dễ chịu, giảm đau… và gây nghiện (sau khi dùng một hoặc vài lần thì có cảm giác phải dùng lại nếu không sẽ thấy rất khó chịu). Hình 1: Các loại cây được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất các chất ma túy. Việc lạm dụng các chất ma túy có thể gây các hậu quả xấu cho sức khỏe của người dùng. Các chất ma túy kích thích sự hô hấp làm tăng nhịp thở, dùng quá liều có thể gây ức chế hô hấp, ngưng thở, nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong. Việc hút ma túy lâu ngày còn có ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư phổi. Đối với hệ tim mạch, ma túy có thể làm tăng nhịp tim, co thắt động mạch vành gây đau thắt ngực, nặng có thể bị nhồi máu cơ tim. Hệ sinh dục có thể bị ảnh hưởng và dẫn tới vô sinh. Ngoài tác dụng tạo hưng phấn, sảng khoái cho hệ thần kinh ma túy có thể gây co giật, ảo giác, đột quỵ… Vì các tác hại nguy hiểm cấp tính hoặc mãn tính mà ma túy có thể gây ra và tính gây nghiện cao nên chúng được nằm trong danh mục các chất cấm hoặc được kiểm soát đặc biệt ở hầu hết các nước trên thế giới.   Hình 2: Phân loại mức độ nghiện và tác hại vật lý của các chất ma túy. (Hình được lấy từ bài báo của Nutt và cộng sự, 2007) Nội dung chính trong bài này sẽ phân tích về các thông tin liên quan đến việc sử dụng Cần Sa trong điều trị ung thư. Theo như mô tả ở hình 2 thì so với Heroin và Cocaine là 2 hợp chất ma túy khác khá phổ biến thì Cần Sa (Cannabis) có mức độ đỡ nghiêm trọng hơn về mức nghiện và tác hại nhưng nên nhớ nó cũng là một loại ma túy và không nên lạm dụng trong bất cứ trường hợp nào.   2. Thông tin khoa học về Cần Sa Cần Sa có tên khoa học là Cannabis gồm có 3 loài Cannabis sativa L., Cannabis indica Lam., và Cannabis ruderalis Janisch. Ba loài này là thực vật bản địa ở Trung Á, tiểu lục địa Ấn Độ và các khu vực xung quanh. Hàng trăm năm trước con người đã biết trồng và sử dụng cây Cần Sa để lấy sợi, hạt, dầu, ngoài ra cũng được dùng để trị bệnh hoặc sử dụng như là một loại chất ma túy để tiêu khiển. Trong cây Cần Sa có 3 nhóm phân tử hóa học chính là: flavanoid, terpenoid và hơn 60 loại cannabinoid. Cannabinoid là thành phần chính gây tác dụng ảo giác và giảm đau. Trong đó, Δ9-tetrahydrocannabinol (THC) là cannabinoid có hoạt tính mạnh nhất và thành phần cao nhất trong cây. Ngoài ra, cannabidiol (CBD) cũng là một trong những cannabinoid được đánh giá có nhiều triển vọng trong điều trị ung thư. Thành phần cấu trúc hóa học của các chất cannabinoid chỉ mới được phát hiện từ những năm 1960. Ba thập kỷ sau đó, các bằng chứng rõ ràng hơn về cơ chế hoạt động của các phân tử cannabinoid mới được tìm ra và từ đó thúc đẩy mạnh mẽ và làm sống lại các nghiên cứu về Cần Sa trong y tế bao gồm cả điều trị ung thư. Hiện nay, khoa học phân loại cannabinoid thành 3 nhóm chính phụ thuộc vào nguồn gốc phân lập
  • “Endocannabinoids” (cannabinoid nội sinh) được tạo ra trong cơ thể động vật như Anandamide (AEA) hoặc 2-arachidonoyl-Glycerol (2-AG)
  • “Phytocannabinoids” được tạo ra từ các thực vật và chủ yếu là cây Cần Sa như THC hoặc CBD.
  • “Synthetic cannabinoids” được tổng hợp hóa học như HU-210, CP55940, WIN55212.
Hình 3: Cannabinoid có nguồn gốc thực vật và trong cơ thể người (Hình được lấy từ bài báo của Velasco và cộng sự, 2012) Ở cơ chế phân tử, các chất cannabinoid này tương tác chủ yếu trên các thụ thể có tên là CB1 (CannaBinoid receptor) hoặc CB2 trên bề mặt của tế bào. Sự tương tác này sẽ làm kích hoạt một loạt các phản ứng trong tế bào và kết quả dẫn đến các cảm giác hưng phấn, dễ chịu, giảm đau như chúng ta thường biết. Thụ thể CB1 được tìm thấy nhiều trên các tế bào thần kinh trung tâm trong não và các đầu dây thần kinh ngoại vi. Thụ thể CB2 thể hiện nhiều trên các tế bào miễn dịch (Hình 4). Ngoài ra, sự hiện diện của các CB1 và CB2 cũng được tìm thấy khá phổ biến trên nhiều loại tế bào ung thư. Hình 4: Các thụ thể tương tác với Cannabinoid thể hiện trên tế bào cơ thể   Từ năm 1990 trở lại đây, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều bằng chứng trên tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm hoặc trên mô hình động vật cho thấy khả năng chống ung thư của các loại cannabinoid. Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu cho kết quả ngược lại trong đó các cannanoid có khả năng thúc đẩy tế bào ung thư phát triển. Các nghiên cứu trên tế bào ung thư sắc tố (melanoma), ung thư vú (breast carcinoma) và ung thư tuyến tiền liệt (prostate carcinoma) nuôi trong phòng thí nghiệm cho thấy cannabinoid ức chế sự phát triển ung thư thông qua cơ chế cảm ứng sự chết tự nhiên của tế bào ung thư (apoptosis) và sự tự thực bào (autophagy). Một số nghiên cứu trên động vật còn cho thấy các chất cannabinoid có tác dụng ngăn chặn sự hình thành mạch máu, xâm lấn và di căn của khối u (Hình 5). Ngoài ra, việc kết hợp cannabinoid với các thuốc sử dụng trong hóa trị liệu cũng cho thấy sự tương hỗ đáng kể, ví dụ như kết hợp sử dụng THC với temozolomide trong điều trị ung thư não (glioblasmotma) hoặc kết hợp cannobinoids (ACPA, GW hoặc SR1) với gemcitabine cho thấy tăng hiệu quả trên mô hình ung thư tuyến tụy. Hình 5: Tác động của Cannabinoid lên sự phát triển của tế bào ung thư. (Hình được lấy từ bài báo của Velasco và cộng sự, 2012) Ngoài ra, chất cannabinoid có tên là CBD được tìm thấy trong cây Cần Sa, tuy có tương tác khá yếu với các thụ thể CB1, CB2 nhưng trong một số nghiên cứu cũng cho thấy có khả năng kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Cơ chế hoạt động của CBD chưa được hiểu rõ, có vẻ như độc lập với con đường tương tác thụ thể CB1, CB2 như HTC. Một số nghiên cứu khác còn cho thấy sự kết hợp của THC và CBD có tác dụng tương hỗ cho việc điều trị ung thư Tuy nhiên, tất cả những kết luận trên chỉ rút ra từ các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm hoặc trên động vật, không đồng nghĩa với việc áp dụng trên cơ thể người sẽ cho kết quả tương tự. Trong đời sống, cần sa vẫn là một loại ma túy gây nghiện và bị nhà nước nghiêm cấm sử dụng.   3. Hiện nay Cần Sa đang được sử dụng thế nào trong điều trị ung thư? Hiện nay ở Mỹ KHÔNG có bất kỳ hợp chất nào từ cây Cần Sa được đồng ý sử dụng bởi cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (U.S. Food and Drug Administration, US FDA) trong điều trị bệnh, kể cả bệnh ung thư. Để đăng ký thử nghiệm lâm sàng các chất này, nhà nghiên cứu phải nộp đơn xin đăng ký “nghiên cứu thuốc mới” (Investigational New Drug, IND) lên FDA, nhận được giấy phép sử dụng “nhóm thuốc I” của cục phòng chống ma túy Hoa Kỳ (U.S. Drug Enforcement Administration, US DEA) và được sự đồng ý của Viện Quốc Gia về lạm dụng thuốc (National Institute on Drug Abuse). Hầu hết việc sử dụng cannabinoid hiện nay trong y tế được giới hạn trong việc điều trị giảm nhẹ (giảm đau, giảm cảm giác muốn ói, làm ngon miệng, dễ ngủ,…) ở nhiều loại bệnh trong đó có ung thư. Dronabinol, tên thương mại là Marinol và Syndros, là một hợp chất tổng hợp nhân tạo có cấu trúc và hoạt tính tương tự chất hợp chất tetrahydrocannabinol (THC) có trong cây Cần Sa, đã được FDA đồng ý cho sử dụng vào mục đích điều trị giảm nhẹ từ năm 1986 nhưng với sự kiểm soát nghiêm ngặt. Một sản phẩm khác cũng được thương mại hóa khá nổi tiếng là Nabiximols, với tên thương mại là Sativex, có chứa 2 thành phần chính trong cây Cần Sa là THC:CBD với tỉ lệ 1:1, được cho phép sử dụng ở Anh từ năm 2010. Việc sử dụng này còn rất hạn chế trong trường hợp bệnh nhân là trẻ em vì Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) còn nghi ngại việc ảnh hưởng của các chất này lên sự phát triển thần kinh của trẻ. Do các kết quả khá khả quan của cannobinoid nói trên trong điều trị ung thư nên các thử nghiệm lâm sàng để điều trị cũng đã được thực hiện nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả chứng minh được rõ ràng tính hiệu quả trên người bệnh ung thư. Năm 2006, một nhóm nghiên cứu ở Tây Ban Nha đã công bố kết quả thử nghiệm tiêm chất THC trực tiếp vào khối u của 9 bệnh nhân u não (những người này đã thất bại trong các điều trị trước đó). Kết quả cho thấy không có hiệu quả cải thiện rõ ràng với điều trị bằng hợp chất này dù rằng cho thấy nó khá an toàn (không gây độc, gây sốc). Một thử nghiệm khác được thực hiện ở Israel bằng các đưa hợp chất CBD bằng đường miệng cho những trường hợp có khối u tái phát. Thử nghiệm này (mã số thử nghiệm lâm sàng: NCT02255292) kết thúc vào năm 2015 nhưng vẫn chưa có kết quả nào được công bố. Một thí nghiệm lâm sàng khác ở Anh ở giai đoạn 2 sử dụng nabiximols, với tỉ lệ 1:1 của THC:CBD, dưới dạng xịt vào miệng của bệnh nhân, kết hợp với thuốc temozolomide để điều trị ung thư não tái phát. Thử nghiệm này (mã số thử nghiệm lâm sàng: NCT01812603) kết thúc vào năm 2016 nhưng vẫn chưa có kết quả được công bố. Như vậy, các nghiên cứu lâm sàng về Cần Sa vẫn chưa cho thấy một kết quả rõ ràng nào, tất cả mọi người cần tỉnh táo trước những thông tin gây hiểu lầm về tác dụng của cần sa. 4. Kết luận Nhìn chung việc sử dụng các chất chiết xuất từ cây Cần Sa, đặc biệt là THC và CBD, trong điều trị ung thư đã có nhiều kết quả khá khả quan trên tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và động vật thí nghiệm. Tuy nhiên các kết quả lâm sàng cho đến nay vẫn chưa chứng minh được tính hiệu quả của các chất này trên người bệnh. Có thể cần nhiều nghiên cứu hơn để tối ưu hóa việc sử dụng các chất này trên người, như đưa các chất này vào trong cơ thể như thế nào? liều lượng bao nhiêu? kết hợp với các thuốc khác hay không? khối u loại nào thì nên sử dụng?… để mang đến hiệu quả thực sự. Tóm lại, đây là một hướng điều trị mới và có nhiều triển vọng. Nhưng tác giả KHÔNG khuyến khích mọi người tự điều trị bằng cách sử dụng Cần Sa hoặc các chất ma túy khác! Vì cho đến nay các kết quả chứng minh tính hiệu quả trên người vẫn chưa được rõ ràng và đây là chất thuộc nhóm MA TÚY, không an toàn khi sử dụng quá liều hoặc lạm dụng nó. Ngoài ra, việc sử dụng các chất này để giảm đau hoặc giảm nhẹ các triệu chứng phụ của các phương pháp điều trị ung thư khác nên được sự đồng ý của bác sĩ điều trị. Lần cuối xem xét: 07/7/2018
Tài liệu tham khảo
  • https://www.drugabuse.gov/publications/drugfacts/marijuana
  • https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/cam/hp/cannabis-pdq
  • Nutt D, King LA, Saulsbury W, Blakemore C, 2007. “Development of a rational scale to assess the harm of drugs of potential misuse”.The Lancet 369:1047-1053.
  • Velasco G, Sánchez C, Guzmán M, 2012. Towards the use of cannabinoids as antitumour agents.Nat Rev Cancer 12:436-44.
  • Śledziński P, Zeyland J, Słomski R, Nowak A., 2018. The current state and future perspectives of cannabinoids in cancer biology.Cancer Med 7:765-775
  • Tác giả và chuyên gia

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here

    Nhận bảng tin từ chúng tôi

    LỰA CHỌN CỦA BIÊN TẬP VIÊN

    BÀI VIẾT MỚI NHẤT

    Có thể bạn quan tâm